Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Sunday, March 16, 2025

 XÀI ĐỒ GIẢ


Đồ giả là đồ không thật.  Giả mạo.  Như giả mạo chữ ký.  Làm tiền giả.  Giả tạo.  Giống như thật mà không thật.  Để đánh lừa, xí gạt thiên hạ, cho người ta tưởng lầm.  Thế thì không ai muốn xài đồ giả phải không?  Chưa chắc đâu!


Này nhé, thị trường đầy dẫy những xắc tay I-Ta-Ly giả, những đồng hồ Sờ-Guýt giả mà bán chạy như tôm tươi.  Tôi muốn nói loại đồ giả nhưng làm cũng rất giống như thật, xài cũng tốt ra phết.  Không phải đồ dỏm dòm dom như cái đồng hồ Rô-Lếch bán mười hai đô trên phố hè New York mà bà chị họ tôi mua về chạy được đúng ba ngày thì chết queo.  Giá cả các loại đồ giả có hạng này cũng không phải thấp.  Vì lũ nó khôn lắm, cho giá thấp quá thì tự tố cáo là giả hiệu.  Mắc mắc một tí mới ra đồ xịn, mới dụ dỗ được dân chuộng hàng gin.  Tâm lý mà.  Có bà con bị gạt lại còn hí hửng tưởng mình tốt số vớ được đồ chính hiệu giá phải chăng.  Nhưng rồi dân "sành điệu" cũng biết mánh khoé này và rồi chỉ đi lùng đồ giả “xịn” để mua, mà rồi còn khoe khoang hàng sắm được mà không mắc cở tí nào.  Bởi thế nên lũ sản xuất lậu ngày nay chúng nó lại mặt dạn mày dày quảng cáo là ông đây chuyên làm "đồ giả chính cống" (authentic fake).  Ha ha, đồ giả mà lại có tiếng hơn đồ thật đấy chứ.  Thế thì xài đồ giả không hẳn là yếu kém đâu, quý vị à.


Nhớ hồi thời ở đại học, lũ sinh viên chúng tôi khối tên xài đồ giả.  Không, không phải  đồng hồ Rô-Lếch New York đâu.  Đồ giả là đồ không thật.  Giả mạo.  Giống như thật mà không thật.  Để đánh lừa, xí gạt thiên hạ, cho người ta tưởng lầm.  Thiên hạ đây, phần lớn là các cô ngây thơ (vô số tội) hay bùi tai nghe lời các anh dẻo miệng.  Tôi nhớ có lần lũ bạn chúng tôi từ Sài Gòn lên Đà Lạt nghỉ hè sau niên học thứ nhất.  Đang vừa bách bộ vừa tán dóc bên bờ hồ thì một tên chợt hốt hoảng nhìn về góc đường, tay quơ, miệng thốt nho nhỏ:

- Ê, tụi mình học năm thứ ba hết rồi nghe chưa!

Rồi phất nụ cười toe quay lại chào đón và rất là thoải mái giới thiệu với chúng tôi hai cô sinh viên năm thứ ba Chính Trị Kinh Doanh mà hắn mới làm quen được ngày hôm qua.

Hắn ta vừa phát huy kỹ thuật xài đồ giả đúng bài bản đấy.  


Thế nhưng, xài đồ giả kiểu này có ngày bể dĩa nếu không chuẩn bị chu đáo.  Một lần lũ  toán tráng hướng đạo chúng tôi đi cắm trại ngoài Vũng Tàu, có anh chàng xài đồ giả chạy tứ tung thả dê, thả vịt với các nữ hướng đạo diễm kiều. Có lẽ là kỹ thuật giả mạo của anh ấy chưa đạt được đỉnh cao lắm nên nàng diễm kiều sinh nghi đi tìm chúng tôi để điều tra thêm:

- Mấy anh học Khoa Học Kỹ Thuật cùng với anh Cân phải không?

Chúng tôi vừa gật đầu vừa quai miệng ra cười duyên.

- Mấy anh học năm thứ mấy vậy?

Nàng diễm kiều này mới còn trung học nhí nên chúng tôi khỏi lo, thật thà khai báo:

- Năm thứ hai em à!

Vừa lúc ấy, chàng đồ giả xuất hiện sau lưng cô gái, hai tay múa may lia lịa như người đánh xê-ma-pho.  Nhưng đã trễ mất rồi.  Nàng diễm kiều thốt lên bất bình:

- Á, sao anh Cân nói với em ảnh học năm thứ tư?

- Tại vì em chưa lấy "lốc" lời ảnh đó - Chúng tôi rũ ra cười trong khi chàng đồ giả vò tai bứt tóc, ú ớ tìm lời giải thích.


Có thể là quý vị chưa bao giờ nghe từ lấy "lốc".  Như tôi đã nói, chúng tôi là sinh viên Khoa Học Kỹ Thuật nên có hơi méo mó nghề nghiệp một tí.  "Lốc" đây là Log viết tắt của Logarithm (Lô Ga Rít), một từ toán học.  Nếu bạn còn nhớ được cái Lô Ga Rít thập phân của nợ ngày xưa, thì Log 10 = 1, Log 100 = 2, Log 1000 = 3, vân vân và vân vân.  Không nhớ cũng ô kê, xin đừng mắc cở bởi vì đâu phải ai cũng hám kỹ thuật đâu.  Cuộc đời đâu chỉ toàn những con số,  còn văn chương hoa hoè bay bướm nữa chứ bộ, có phải không?  Trở lại vấn đề, tóm lại là sau khi lấy lốc thì con số lớn trở thành con số nhỏ hơn nhiều.  Có nghĩa là, anh chàng nào càng bốc phét vung vít thì ta lại càng phải lấy lốc cho nhiều mới tiến gần sự thật được.  


Ngày các đồng chí bắc kỳ mới vào tiếp thu miền nam, đợt sóng xài đồ giả như tăng lên gấp bội.  Tại vì cái tự ti mặc cảm làm cho con người ta phải khuếc đại cái sự thực nhỏ nhoi, cho khỏi cảm thấy thua sút.  Đường phố đầy dẫy các sư tổ bốc phét, các thầy nổ, lép bép khoe khoang những chuyện tưởng tượng không đâu.  Này, ngoài ấy có cà rem không?  Ồ, có chứ, nhiều đến nỗi ăn không hết phải phơi khô để dành.  Có đồng hồ tự động không?  Ô, hằng hà sa số, chạy đầy ngoài đường đấy.  Vài mẩu tiếu lâm cười chút chơi thôi, chứ còn sau đây là chuyện thật một trăm phần trăm.  Hồi đó tôi làm cho công ty xây dựng quốc doanh, xếp tôi luôn vác cái mặt thật cao vì có mác đi học ở Liên Xô về.  Chúng tôi là kỹ sư ứng dụng nên tính toán phần lớn chỉ dùng phép cộng trừ nhân chia.  Thế nhưng xếp lúc nào cũng kè kè một cây thước tính (slide rule - tiền thân của máy tính khoa học) nhỏ chừng một gang tay để giật le.  Tôi nói với ông là hồi còn đi học tôi có cây thước tính dài hai gang tay (sự thực chính cống, không phải đồ giả nhé).  Ông bĩu môi bảo, ngoài bắc, cây thước xịn của ông dài đến bốn gang tay.  Sợ tôi chưa khâm phục, ông phang tiếp rằng cây thước tính của thầy của ông bên Liên Xô lại dài đến... hai mét, phải đến hai người mới kéo được, nhưng mà chiiiii ính xác naaa ắm!


Trở lại các món hàng giả, hồi những năm tám mươi, vợ tôi có "tiệm may" trong nhà đường hẻm, chuyên trị đủ món, từ áo đầm cưới cho đến sơ mi, quần tây, đồ bộ.  Tài năng nàng có cỡ nên tiếng tăm dội đến tận cầu Ông Lãnh, khách nhiều đến độ tôi đi làm công nhân viên về còn phải nhảy vào làm thợ phụ xì khói.  Tôi nhớ nhiều người đem vải đến may mà còn đem theo một vài nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas... và dặn đi dặn lại phải may vào phía ngoài áo quần ở chỗ nào thật dễ nhìn thấy.  Thế là chúng tôi cong lưng giúp thiên hạ xài đồ giả hà rầm, làm cho bao tâm hồn sướng rên vì có chiếc áo, chiếc quần "đồ hiệu" không thua gì hàng xịn.  Cái mốt này phất lên như gió nên người ta bắt đầu sản xuất ra những cuộn nhãn hiệu với đầy đủ các tên hiệu lừng lẫy thế giới.  Vợ tôi sắm ngay vài cuộn và tiến trình may đo của nàng lại kiêm thêm việc cố vấn cho những khách hàng đắn đo, không biết phải chọn lựa nhãn hiệu nào cho thích hợp nhất.  Mà chọn xong rồi thì mặt mày tươi như hoa, chân bước ra về lòng mơ tưởng đến chiếc áo giả hiệu nhưng đẹp như mơ vài hôm nữa sẽ được diện đi bát phố.


Đồ giả là đồ không thật.  Giả mạo.  Như giả mạo chữ ký.  Làm tiền giả.  Giả tạo.  Giống như thật mà không thật.  Để đánh lừa, xí gạt thiên hạ, cho người ta tưởng lầm.  Nhưng mà khối người lại muốn xài đồ giả.  Tại vì nó làm cho người ta thoả mãn được cái nhu cầu khoe con người mình, khoe những gì mình có hoặc đúng ra là không có, tâng bốc mình lên đến cái trình độ hằng muốn đạt, biến giấc mơ thành sự thực, hoặc ít ra là gần giống như vậy.  Mà quan trọng nhất là nó làm cho người ta sung sướng, và chỉ vì lý do đó thôi, ta cũng chẳng nên trách cứ ai xài đồ giả, có phải không quý vị.


DND





No comments:

Post a Comment