CĂN NHÀ NGOẠI Ô
Căn nhà có nhiều phòng. Tôi hỏi phòng nào tôi ngủ được. Bà ấy đưa tôi đến một căn gần phòng bà ở. Ngồi lên giường, tôi đè thử tấm nệm. Không được, mềm quá, kề vai xuống là xẹp ngay.
Tôi thử nệm ở tất cả các phòng khác cho đến khi tìm được một tấm cứng.
- Tấm này tốt. Bà có chiếc áo nào tôi mặc ngủ được không? Tôi quên đem theo.
- Đây là cái rộng nhất mà tôi có. Tôi mới dùng có một lần thôi. Được không?
Tôi cám ơn và bà chúc tôi ngủ ngon. Tôi mặc chiếc áo, làn vải thoảng mùi da thịt lẫn nước hoa.
Tôi lựa một thế nằm. Vai tôi đau. Tôi có những khúc xương gẫy đã lành lặn không tốt rải rác khắp người.
Người đàn bà gõ cửa thật nhẹ, gần như không nghe được.
- Vâng?
- Tôi đây. Tôi muốn nói chuyện với anh.
- Chờ một tí.
Tôi mặc chiếc quần dài và mở cửa.
Bà mặc một chiếc áo đầm, và một người đàn bà mặc áo đầm luôn khiến tôi nhớ về mẹ tôi. Nhất là, điều duy nhất mà tôi nhớ được về mẹ chỉ là chiếc áo đầm.
- Anh ở xa quá. Tôi không cảm thấy được bảo vệ. Tôi không thể ngủ được. Anh có thể dời đến sát phòng tôi không? Mình có thể đổi tấm nệm cứng này với nệm của phòng kia.
Tôi hì hục vác tấm nệm cứng đến căn phòng sát cạnh phòng bà.
Tôi ngồi lên giường.
- Tôi nghĩ thế là tốt rồi. Anh ngủ đi. Ngủ ngon nhe.
- Chúc bà ngủ ngon.
Nhưng tôi chỉ nằm chưa được mười phút. Cơn đau trong cột sống tôi dấy lên. Tôi rời giường đến ngồi ở ghế sa lông trong phòng.
Lại tiếng gõ ngoài cửa.
- Chuyện gì thế?
- Tôi nghe có tiếng động ngoài vườn - bà thì thầm qua cánh cửa - Tôi nghĩ có ai ngoài đó.
Tôi xỏ chiếc quần dài, mở cửa. Bà ta vẫn mặc chiếc áo đầm.
- Chắc bà tưởng vậy thôi. Bà đang lo lắng quá đấy. Mà ở chỗ nào ngoài vườn?
- Ở bụi cây ngọc lan. Chỗ đó không có đèn nhưng mà tôi thấy hình như có ánh đèn sáng lên rồi tắt đi.
- Bà có đèn pin không?
- Có.
Người đàn bà đưa tôi cái đèn pin.
- Cẩn thận nhe. Tôi đã kể cho anh những chuyện ghê gớm xảy ra với tôi rồi phải không?
- Sao bà không ở nhà trên Sài Gòn?
- Ở đó còn ghê hơn nữa. Tôi kể anh rồi đó. Tôi đã phải gỡ điện thoại vì những cú phôn hăm dọa nửa đêm. Và rồi có người theo dõi tôi ngoài đường. Ở đây, ít ra mấy cửa sổ còn có chấn song và cửa vào bằng sắt. Anh cầm súng theo đi.
- Tốt hơn là bà nên giữ súng. Đóng cửa lại và đừng nhìn qua cửa sổ.
Căn biệt thự ngoại ô tọa lạc trên một khu đất rộng. Sân vườn trồng hoa vây quanh nhà. Giữa vườn có một hồ bơi. Ở phía cuối là căn nhà người gác dan và vườn rau. Phần còn lại là rừng với những cây cao vút khiến cho màn đêm lại càng tối hơn. Có những băng ghế đá đặt rải rác giữa những lùm cây. Tôi ngồi xuống một băng ghế gần bụi ngọc lan. Và tôi đợi với chiếc đèn vẫn bật sáng trên băng. Mùi hoa ngọc lan thơm nồng trong đêm.
Tự nhiên tôi nhớ đến một bài hát xưa…
“Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền. Gần kề lối xóm, có cô bạn…”
Hường chợt hiện ra từ bóng đêm và ngồi xuống cạnh tôi. Cô bạn đây chăng?
Đừng tưởng bở… Một giọng hỏi lạnh lùng:
- Chú có để khẩu súng ở chỗ nào mà bả thấy được không?
- Tôi đưa tận tay bả. Theo đúng kế hoạch của mấy người mà.
- Nghe nè! - Hường bật một máy thu âm lấy ra từ xách tay. Một tiếng rên rỉ như ai đó đang sắp chết - Chú thấy giống như ma kêu chưa?
- May mà bả không có chó.
- Hồi trước có. Nhưng mà tụi tui thuốc nó chết rồi. Chú Sơn bỏ thuốc độc đó. Mà chú nghĩ bao giờ bả mới dùng súng hả?
- Bà ấy sợ muốn chết rồi. Chờ chút nữa đi. Mà lão Sơn là ai vậy?
- Nếu chú không biết thì tui chẳng dại gì mà nói.
- Tại sao mấy người muốn giết bả?
- Chú không cần biết làm chi.
- Thôi, tôi vào nhà đây. Tắt cái máy rên đó đi. Hôm nay vậy là đủ rồi.
- Đừng quên hợp đồng của chúng ta. Trong vòng ba ngày là phải có kết quả đó. Nếu bà ta không tự tử thì chú bắn vô đầu bả nghe chưa.
Tôi trở vào nhà. Người đàn bà mở cửa, tay lăm le khẩu súng. Bà run rẩy, hai con mắt trắng dã.
- Cái tiếng gì kêu vậy?
- Đâu có gì đâu?
- Sao lại không có gì. Chính tôi nghe mà. Bộ anh nói tôi điên hả?
Bà chĩa súng vào tôi.
- Nói thật đi. Anh nghĩ tôi điên phải không? Lão gác dan nói tôi điên, rồi đến tối bỏ trốn mất mà không nói gì hết. Tôi vừa nghe một tiếng rên lớn, như của một linh hồn đau khổ, đau khổ như tôi đây, mà anh nói không có gì hết hả? Rồi còn khẩu súng không có đạn này nữa. Vậy thì làm sao tôi tự vệ được? Với một khẩu súng không đạn?
- Sao bà biết nó không có đạn?
Tôi cầm lấy súng và bắn sáu phát vào đầu mình. Cạch, cạch, cạch… Không gì xảy ra cả.
Quên bỏ đạn vào rồi. Ô, làm sao có chuyện đó được, tôi kỹ lắm mà.
- Anh lấy đạn ra vì anh nghĩ tôi điên và tôi sẽ tự bắn vào đầu minh phải không?
- Nhiệm vụ tôi ở đây là bảo vệ bà. Thôi bà đi ngủ đi. Sáng mai mình nói chuyện tiếp.
- Đừng nói với tôi như thế. Tôi sợ lắm đây. Anh vào ngủ cùng phòng với tôi đi.
- Được rồi.
Người đàn bà nằm xuống, mặc nguyên chiếc áo đầm và trùm một tấm chăn mỏng. Tôi ngồi trên ghế sa lông. Căn phòng nào ở đây cũng có ghế sa lông và phòng tắm riêng.
Bà ta nhìn tôi từ trên giường, thở đánh sượt như đang muốn khóc.
- Lại đây nắm tay tôi đi.
Tôi nắm tay bà.
- Tay anh to quá. Anh có làm việc lao động không?
- Không.
- Nghe nói anh đi chăm sóc những người bệnh hả?
- Khi còn trẻ, tôi đẩy xe lăn cho một ông cụ trong khoảng hai năm. Đấy là thời đẹp nhất trong đời tôi. Tôi thích đọc sách còn ông ấy có hàng ngàn cuốn sách và tôi đọc sách suốt ngày.
- Tôi chưa bao giờ thấy anh đọc sách ở đây cả.
- Làm gì có thì giờ, với lại sách của bà chẳng hấp dẫn.
- Xin lỗi nhé. Thế còn sau thời ở căn nhà đầy sách hấp dẫn kia, anh làm gì?
- Tôi giúp một ông cụ khác.
- Ông ấy có bệnh tâm thần không?
- Không. Chỉ bệnh già thôi. (Tôi đã giúp ông ấy tự vẫn, nhưng chuyện này không thể nói ra với bà được). Bà hãy ráng ngủ một tí đi.
- Tôi có điên không?
- Không đâu. Bà chỉ lo lắng quá thôi.
Người đàn bà thiếp đi. Tôi rút tay lại. Trở lại ghế sa lông, tôi trằn trọc suốt đêm, suy nghĩ mông lung, hít thở mùi chiếc áo của bà trên thân thể tôi, ngắm nhìn bà trong giấc ngủ…
Tôi nạp đạn vào khẩu súng.
Người đàn bà trên giường kia giống như một con chó chết ai cũng đá được dễ dàng. Tôi thường không đặt câu hỏi khi họ mướn tôi làm việc gì. Nhưng trong trường hợp này, tôi cần biết ai đã muốn bà ấy tự bắn vào đầu. Một tên chồng khốn kiếp gây kinh hoảng cho người vợ để bà ấy tự tử rồi hắn ôm tiền cuốn gói chăng? Tôi đã trải qua một chuyện tương tự chẳng bao lâu trước đây.
Trời sáng, chim bắt đầu hót và người đàn bà thức giấc. Bà mỉm cười với tôi.
- Hôm nay tôi thấy khỏe hơn. Tôi nghĩ cơn ác mộng này sắp hết. Tôi muốn ra vườn làm việc. Anh ở cạnh tôi chứ?
Tôi vào phòng tắm rửa mặt, đánh răng. Rồi ra vườn.
Người đàn bà đội một chiếc mũ rộng vành che nắng. Bà đưa tôi đến một nhà kho chứa dụng cụ làm vườn bên cạnh ga ra xe. Bên trong có cuốc, xẻng, một máy cắt cỏ, một cái bơm với phụ tùng để làm sạch hồ bơi. Bà lấy một cái kéo tỉa cây.
- Vườn của tôi đẹp không? Chính tôi trồng những hoa này. Chúng đẹp tuyệt phải không?
Tôi chẳng màng gì hoa chiếc gì, nhưng tôi kiên nhẫn nghe bà liệt kể tên các loại hoa mọc trong vườn.
- Tôi cần gọi điện thoại.
- Phôn bị cúp rồi.
- Thì tôi ra phố một chút.
- Xin anh đừng bỏ tôi một mình ở đây.
- Vậy thì bà đi với tôi. Chút về hẵng làm vườn.
Chúng tôi lên xe hơi của bà.
- Anh thích nghe nhạc không?
- Nếu bà thích, cứ nghe đi, không phiền tôi đâu.
Bà mở nhạc giao hưởng đàn vĩ cầm.
- Nghe nhạc này bình yên lắm.
Tiếng vĩ cầm eo éo làm tôi khó chịu, nhưng tôi ráng nghe mà không nói gì cả…
Chúng tôi đến phố chợ. Tôi đậu xe trước tiệm tạp hóa. Những sạp trái cây đỏ au phơi mình trên hàng hiên ra gần tới lề đường. Bấy giờ là mùa chôm chôm.
Bà cùng tôi xuống xe. Tôi muốn mua ít thực phẩm tươi. Mấy hôm nay ăn mì gói mãi chán quá rồi.
Người đàn ông chủ tiệm nhìn bà cười thân mật:
- Chào bà Hai, lâu ngày không gặp. Khỏe không?
Chắc bà mua hàng ở đây đã nhiều lần rồi. Ông liếc tôi, hỏi tiếp:
- Người gác dan mới của bà đấy hả?
- Không, đây là một người bạn.
Tôi gật nhẹ chào, bước đi chọn một số hàng hóa. Xong xuôi, tôi sang quán cà phê gần đó gọi phôn cho Hường.
- Tôi sẽ tiến hành chuyện đấy đây. Nhưng trước tiên, tôi phải nói chuyện với cô và lão Sơn cái đã. Tôi cần lấy hết số tiền còn thiếu. Tối nay mình gặp ở chỗ tối hôm qua.
- Chú Sơn sẽ không đến đâu.
- Đó là vấn đề của lão. Nếu lão không đến nói chuyện thì sẽ không còn hợp đồng hợp điếc gì nữa. Tối nay chín giờ.
Tôi gác phôn, trở lại tiệm tạp hóa, xách giỏ đựng đầy hàng mới mua ra xe.
Người đàn bà làm việc ngoài vườn, sau đó bà nấu ăn trưa cho cả hai chúng tôi. Nhưng bà chỉ ngồi cùng bàn mà không ăn gì. Rồi bà trở ra vườn làm tiếp, vừa làm vừa nghe nhạc, còn tôi thì luôn ở cạnh bà, chịu cơn tra tấn của tiếng nhạc, ước mong sao cho tất cả mau chấm dứt.
Mười lăm phút trước chín giờ tối, tôi bảo bà mình sẽ đi tuần một vòng quanh nhà và có thể về hơi trễ.
- Đừng bỏ tôi một mình.
Tôi cầm lấy chiếc đèn pin.
- Tôi không đi xa lắm đâu, bà đừng lo. Đóng cửa lại và chỉ mở cho tôi thôi. Và đừng có đứng gần cửa sổ.
- Xin anh…
- Bà đừng lo.
Tôi bước ra, cầm theo khẩu súng. Đến nhà kho, tôi lấy hai cái xẻng và một cái cuốc, rồi đi về bụi cây ngọc lan. Tôi ngồi trên băng đá với chiếc đèn bật sáng. Cuốc và xẻng, tôi đặt bên cạnh băng ghế.
Hường và lão Sơn đến hơi trễ. Người đàn ông đội mũ sùm sụp che phân nửa khuôn mặt.
- Tắt đèn đi. Anh cần gì tôi?
Tôi nhận ra hắn ngay lập tức. Nếu muốn sống còn trong giới giang hồ bẩn thỉu này thì không thể nào quên được gương mặt hoặc giọng nói của một kẻ nào cả. Hắn ta là con trai của ông cụ già mà tôi đã giúp đi qua bên kia cuộc đời. Ông lão ấy đã quá tuyệt vọng vì đứa con trai khốn nạn. Tôi giả vờ không nhận ra hắn.
- Tôi chỉ có một câu hỏi duy nhất. Bà ấy là vợ của ông hả?
- Mụ già ấy à? Không, mụ ta hợp tác kinh doanh với tôi, nhưng mụ đó điên khùng quá, nhất định không chơi hàng Trung Quốc làm hỏng bét hết cả, tôi phải xử thôi. Anh muốn gì?
- Trả tôi tiền còn thiếu.
- Trước khi anh xong việc hả? Không thể được. Hợp đồng là như vậy.
- Hôm nay tôi sẽ giết bà ấy và rồi tôi sẽ phải chạy trốn. Vậy thì làm sao tôi nhận được tiền còn thiếu?
- Anh biết gặp cô Hường ở chỗ nào mà. Cổ sẽ trả tiền cho anh.
Tôi mở đèn pin, chỉ cho họ bộ cuốc xẻng.
- Tôi cần ông giúp đào cái huyệt. Nếu tôi làm một mình thì sẽ mất nhiều thì giờ lắm. Cần phải chôn kỹ cái xác. Hôm nay tôi ra tiệm tạp hóa ngoài phố mua hàng với bả và người ta thấy mặt tôi rồi.
- Trời, chỉ còn thiếu chuyện này nữa.
- Không có huyệt thì sẽ không có xác.
- Được rồi, được rồi - Lão Sơn cầm lấy một cái xẻng. Tôi cầm cái xẻng kia và cái cuốc.
- Không phải đào ở đây. Mình phải ra xa chút nữa, chỗ rừng cây kia.
Hường phản đối:
- Tui không đi được nữa đâu. Tui mang giày cao gót.
- Đó là vấn đề của cô.
Chúng tôi hướng vào rừng. Hường phàn nàn đi hư hết cả đôi giày đẹp.
- Chỗ này được rồi - tôi nói.
Hường không chịu đào đất. Lão Sơn và tôi làm việc trong yên lặng, giống như hai thợ mỏ. Đào một cái huyệt to thật khó, nhất là ở chỗ đất cứng như thế này. Áo chúng tôi ướt đẫm mồ hôi. Lão Sơn đổ mồ hôi nhiều hơn tôi, nhưng lão vẫn cố không bỏ chiếc mũ che mặt. Rồi lão ném cái xẻng:
- Đủ rồi. Vậy sâu đủ rồi.
Tôi vẫn tiếp tục cuốc.
- Còn thiếu một điều nữa.
Tôi bổ thật mạnh vào đầu lão Sơn. Lão ngã xuống. Hường vụt bỏ chạy, nhưng chỉ được vài bước rồi ả thét lên, đúng ra không phải là một tiếng thét mà là một tiếng rú thảm thiết.
Tôi kiểm lại xem chúng đã chết hẳn chưa, tôi không muốn chôn sống chúng nó. Tôi đào cái huyệt rộng thêm tí nữa, kéo hai xác xuống rồi phủ đất lên. Tôi dùng xẻng đằm cho phẳng rồi rải đá sỏi và các nhánh cây lên trên. Trong rừng này chỉ có chim, ếch nhái, rắn và các côn trùng hoặc các con thú hiền lành. Sẽ chẳng có con nào khui huyệt này ra nên cũng chẳng rủi ro gì.
Tôi rửa cuốc xẻng ở ao nước và đem cất lại trong kho.
Trở vào nhà, tôi gõ vào cánh cửa sắt.
- Tôi đây, bà mở cửa được đó.
Người đàn bà mở cửa, vẫn sợ hãi như mọi khi.
- Anh có thấy gì không?
- Không. Tôi cũng không nghe gì lạ cả. Bà có nghe gì không?
- Không. Anh dùng trà nhé? Để tôi đi pha.
Tôi ở đấy thêm một tuần nữa cho dù phải đương đầu với tiếng nhạc phải gió kia. Không gì xóc óc hơn là tiếng vĩ cầm eo éo. Mỗi ngày, tôi ra kiểm lại cái huyệt nơi lũ nó đang rã xác để xem có mùi hôi thối gì không. Không gì cả. Tốt lắm. Căn nhà ngoại ô vẫn xinh xắn sau hàng hoa thơm đẹp. Ông chủ tiệm tạp hóa ngoài phố giới thiệu cho bà một cặp vợ chồng đứng tuổi để thế người gác dan đã bỏ trốn. Người chồng còn khỏe mạnh và phụ làm vườn suốt ngày với bà - với mẹ tôi. Tôi nói đùa đấy, nhưng tôi thật đã ước ao có bà làm mẹ. Tôi thích bà lắm. Nếu tôi có một người mẹ như thế, tôi đã là một con người khác, số phận tôi hẳn là tốt hơn nhiều, và tôi sẽ chăm sóc bà thật chu đáo, tôi sẽ có người để yêu thương. Và biết đâu tôi sẽ ở một căn nhà ngoại ô có hoa thơm trái hiền như thế này…
Bà đang xới đất ngoài vườn cùng người gác dan. Tôi bước lại giã từ:
- Đã đến lúc tôi phải đi đây.
- Ô, sao sớm thế? Tôi thật không biết phải trả công anh làm sao cho tất cả những gì anh đã làm. Bây giờ tôi khỏe rồi. Tôi không còn sợ nữa.
Đúng vậy - tôi nghĩ - Sẽ không còn ai gọi phôn hăm he lúc nửa đêm, sẽ không còn ai theo dõi hù dọa ngoài đường.
- Tôi trả công anh ra sao đây? Chắc anh cần tiền hả?
- Không, không, tôi đã được trả tiền rồi. Nhưng, nếu được, bà có thể chở tôi ra trạm xe đò ngoài phố.
Bà đưa tôi ra trạm xe.
- Nếu anh cần gì cứ tìm đến tôi nhé. Anh cho tôi số điện thoại đi.
- Tôi không có điện thoại.
- Cái cô Hường ấy biết tìm anh ở đâu phải không? Thật cảm ơn cô ấy đã giới thiệu anh làm thiên thần hộ mệnh cho tôi.
Tôi yên lặng không trả lời. Bà cùng tôi chờ xe đò đến. Trạm đây chỉ là một tấm bảng, không có văn phòng. Chúng tôi ngồi trong xe nghe nhạc giao hưởng ưa thích của bà. Tiếng vĩ cầm bây giờ sao không còn khó chịu lắm nữa.
Xe đến. Tôi bước lên mua một vé ra Vũng Tàu. Tôi cần đi đổi gió. Người đàn bà vẫy tay chào khi xe chuyển mình. Hình ảnh bà nhỏ dần qua khung cửa kính…
DND
(phóng tác)
No comments:
Post a Comment