Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Sunday, March 16, 2025

 TÔI DẠY KÈM


Thời trung học tôi nhớ có nhiều lần đi học kèm thêm toán.  Thường là ở nhà một thằng bạn và thầy giáo là anh, là chú hoặc bác nhà nó, khi vào bài mặt mày nghiêm trọng chẳng khác nào chuyên gia toán học có tầm cỡ. Hoặc cũng có khi là giáo sư thực thụ ở một trường nào đó đi làm thêm để bổ sung tài chính. Tôi thuộc loại học sinh giỏi, thực ra thì cũng chẳng cần phải học thêm làm gì, nhưng mà lũ quỷ sứ trong lớp hầu như đứa nào cũng kiếm thầy phụ đạo rồi vào lớp khoe thành tích học kèm nhặng cả lên. Nào là cách lấy tích phân cực nhanh của hàm số ép của ếch xờ từ dê rô đến vô cực, nào là cách giải dễ dàng bài tân toán học trừu tượng mắc dịch ở đó dấu cộng trừ nhân chia thân thuộc bị thay thế bằng dấu “sao”,  2 + 2 = 4 thì rõ rành rành như thế, còn a * b = c thì là... cái con khỉ khô gì, dễ chừng không thầy bố mầy hiểu được. Nghe chúng bốc phét mãi, tôi lên cơn sốt ruột kinh niên, rốt cục cũng phải theo chúng tầm thầy học đạo để an tâm hơn, thôi thì Tôn Tử đã dạy rằng biết người biết ta trăm trận trăm thắng mà. Tôi học trường Tây nên thầy dạy kèm phải có khả năng giảng bằng tiếng Tây, kể ra cũng khó công chuẩn bị nên học phí cũng nặng thêm một tí, thế nhưng, vì tương lai của tổ quốc, tôi cũng cố năn nỉ xin mẹ tiền để đền đáp công thầy. Còn nhớ hồi lớp Terminale trường Yersin, tôi cùng lũ bạn học kèm thêm tại nhà một giáo sư toán của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.  Ông này dạy toán cấp đại học có tiếng rất giỏi nên chúng tôi ban đầu hứng khởi lắm. Tiếc thay, tiếng Tây thầy hơi kém mà thầy lại điếc không sợ súng nên cứ nói vung vít cả lên có khi thành lố bịch làm giảm mất ba mươi lăm phần trăm năng xuất học hành, thành thử chỉ một thời gian ngắn lũ chúng tôi đều chắp tay bái bai thầy hết.  Thế mới biết đi dạy học kèm nó cũng có lắm nỗi khó khăn. 


Quay nhanh thời gian đến quãng đời tôi không còn đi học kèm nữa mà trở thành người đi dạy kèm. Không nhớ tôi đã bắt đầu như thế nào, chắc là đã do một ai quen giới thiệu “nạn nhân” đầu tiên. Có lẽ là tôi đã nghiêm khuôn mặt non choẹt cấu ra sữa của mình lại và trầm giọng nói xuống hết mức để rặn thêm tí tư cách thầy giáo.   Giống như hồi năm mới vào đại học, tôi đến ngân hàng Việt Nam Thương Tín mở trương mục tiết kiệm gặp cô thư ký trẻ đẹp chào đón, dạ thưa ông, ông cần chi, làm “ông” con nít tôi mắc cở quá không nói nên lời. Nhưng rồi dần dần tôi hết mắc cở trước học trò và giảng bài được vung vít, cứ như chim hót trên cành. Tôi học kỹ sư nên thực đơn chuyên trị môn toán và vật lý, thỉnh thoảng cũng có thêm Pháp văn hoặc Anh văn theo yêu cầu. Tôi dạy có sư phạm, học trò hiểu bài thông suốt, ai cũng bảo tôi nên theo nghề thầy giáo. Thế rồi tôi thành chuyên gia dạy kèm có tiếng được nhiều phụ huynh giới thiệu và có nhiều mối đến đỗi phải chia bớt cho các bạn dạy kèm khác.  


Nhưng như tôi đã nói ở trên, dạy học kèm cũng có lắm nỗi khó khăn. Có lần tôi kiếm được mối lương hậu kèm cho quý tử của một ông công chức cao cấp. Ông này, nhà ở gần nhà thờ Huyện Sĩ, sáng nào đi làm cũng đóng bộ đồ com-lê ba mảnh, ca-vát, gi-lê hẳn hòi, thêm cả chiếc mũ phớt và cây ba-toong nâu sậm giống như dân Tây chính tông. Ông thật tử tế và dễ thương mặc dù hơi chút lập dị, có lẽ vì quá trình đào tạo bên Tây của mình. Dĩ nhiên là quý tử của ông học trường Tây và cần “trau giồi thêm một chút”, theo lời ông nói, để tính chuyện tương lai:

- Bác muốn nó đậu Bac (baccalaureat, bằng tú tài pháp) xong thì gởi qua Pháp vào Sorbonne học luật. 

A, kế hoạch năm năm du học đã sắp sẵn rồi đây, để xem anh chàng này có đạt được không. Cậu học trò quý của tôi lần nào cũng mặc một quần đùi và áo thun ngắn tay, tóc tai thì loà xoà trước trán, mặt bóng loáng một lớp nhờn mồ hôi giống như sáng dậy chưa rửa. Phòng học thoáng mát nhờ cây quạt trần cổ điển quay nhè nhẹ trên đầu, trang trí như một văn phòng làm việc, một bàn buya-rô gỗ gụ, một tủ sách có cửa kính bên trong đầy những sách đóng bìa cứng mạ vàng, phần lớn là sách luật, chắc của ông bố đang muốn cậu con nối nghiệp. Một kệ nhỏ kê sát tường trên bày những chú lính bằng nhựa nhỏ xắp theo đội hình tiến quân. Chỉ giờ học đầu tiên, tôi nghiệm ra rằng cậu này đã mất căn bản từ lâu và bây giờ đang sắp chết chìm trong cái trình độ của lớp mình. Tôi cố gắng đi trở lại bước trước, rồi bước trước nữa, lại thêm bước trước nữa, giống như thụt lớp lại, thế mà cậu ta vẫn đớ ra. Cậu bé ngồi ngắm nhìn trang vở, hoặc có lẽ là chỉ điều tiết con mắt ở trang vở mà không nhìn thấy gì hết, ngón tay vân vê kỳ cọ những đám ghét trên cổ, vo lại thành những viên tròn nhỏ rồi búng vào các chú lính bằng nhựa. Cậu liếc mắt theo từng cái búng tay và mỗi khi đạn của cậu trúng đích, môi cậu nhếch lên như một biểu dương chiến thắng.  Tôi cố gắng làm lơ chuyện ngứa mắt kém vệ sinh này và chỉ cậu giải bài vật lý đơn giản:

"Một ly nước hình trụ đường kính 5cm, cao 20cm, đựng nước đến 10cm. Bỏ một hòn đá vào, mực nước lên đến 15cm.  Hỏi thể tích của hòn đá".

Cậu ta tiếp tục kỳ ghét, không nói không rằng, chắc là cũng không suy nghĩ.  Tôi giúp cậu tượng hình ra bài toán:

    - Thế khi bỏ hòn đá vào mực nước dâng lên hay thụt xuống?

Một phút, hai phút, ba phút im lặng, chỉ nghe tiếng quạt máy xoẹt xoẹt trên đầu. Tôi sốt ruột:

    - Thế sao?

Thêm một chần chờ nữa rồi cậu nói đại với một vẻ không chắc ăn, khoé miệng giật giật như người nói láo:

    - À, à… dâng lên. 

    - Em có chắc không? - tôi muốn biết cậu đã suy nghĩ kỹ trước khi trả lời. 

Phản ứng cậu bật về ngay lập tức:

    - À không, lộn, lộn, nó thụt xuống. 

Trời đất!  Tôi muốn ném cả hai tay lên trời.  Thua!  Thua đậm!  Cậu ngồi đó, mắt nhìn vào chân không, mùi mồ hôi chua loét dấy lên từ chiếc áo thun sọc xanh trắng đỏ, màu cờ xứ Tây cậu đang mong được đến. Yên lặng tuyệt đối. Tiếng quạt trần quay cót két trên đầu cộng với tiếng nhạc từ máy hát đâu đây bên hàng xóm chơi bài Đưa Em Về Dưới Mưa mà tôi nghe dường như là:

      Dạy em học buổi trưa

      Áo em mùi hôi chua...

Con đường sang Paris kinh đô ánh sáng du học của cậu chắc sẽ là đường đi không đến. Tôi phải giải thích thế nào cho ông bố quá mức dễ thương đây…


Đa số các phụ huynh đều tử tế lịch sự nhưng có lần tôi gặp phải một gia đình trịch thượng.  Bà chủ nhà muốn kiếm người kèm cô con gái trường Tây, hình như người bà con nào đó đã giới thiệu cho tôi.  Lần đầu tiên gặp mặt, bà thẳng thừng vạch ra ranh giới giữa gia đình giàu có của bà và tôi là thằng sinh viên nghèo cần đi dạy kèm kiếm tiền.  Bà ngồi dựa ngửa trên ghế xa-lông, mặt mày son phấn như đi dạ hội và sực nức mùi nước hoa, múa tay khoe khoang về mình, nói pha tiếng Tây lẫn tiếng Việt, chắc bà nghĩ cho có vẻ trình độ hơn:

- Tui diriger (điều hành) một cái entreprise (cơ quan) rất nhiều nhân viên. Ai giỏi dở tui biết liền. Trước khi bắt đầu tui có một yêu cầu rất là bất lịch sự, cậu cho tui coi bằng.

Biết bất lịch sự mà cũng cứ làm, tôi nhủ thầm, nhưng mà thôi cũng được, cái bà này xem mướn thầy dạy kèm như công ty mướn nhân viên thì đòi kiểm chứng trình độ cũng không quá đáng lắm, bằng baccalaureat của tôi đậu hạng ưu có sợ gì. Sau buổi interview, tôi đã hơi bực mình và không muốn nhận dạy nhưng rồi quyết định cứ thử một tháng xem sao. Té ra là cả nhà này chảnh choẹ chỉ trừ cô học trò của tôi là ngoan hiền và tôi cảm thấy rõ được là cô mắc cở vì cách đối xử của gia đình mình. Bố cô là một sĩ quan, mặt lạnh lùng còn hơn cả bắc cực.  Một lần đến dạy tôi thấy ông mặc quân phục chỉnh tề mang lon đại uý vàng choé ngồi ở ghế xa-lông kế cận, tay cầm bánh bích-qui LU chấm vào tách ovaltine nghi ngút khói. Tôi chào, ông không nhìn tôi mà chỉ đáp lại bằng một cái gật đầu gần như không nhận thấy được, tay vẫn liên tục chấm từng miếng bánh vào tách xô-cô-la đưa lên miệng, đều đặn, với phong cách trưởng giả, một hình ảnh thật tương phản với  bộ đồ nhà binh của ông. Phải uống cà phê hay rượu uýt-ki thì mới có lý chứ, tôi thầm nghĩ, bánh này, ovaltine này, chắc phải là tiền vợ mua cho ông xơi, vậy sao không bảo bà ấy tiện tay mua thêm vài thùng phi cà phê, uýt-ki để ông xơi thêm cho đã. Còn thằng em trai của cô bé thì mặc dầu không học tôi nhưng thỉnh thoảng hay ghé vào lấc xấc hỏi những câu hóc búa, tôi nghi ngờ mẹ nó xúi làm để thử tài tôi. Tôi lúc đầu còn trả lời  nhưng rồi đuổi nó đi chỗ khác vì nó làm phiền việc học. Không biết nó báo cáo gì với mẹ mà khi trả thù lao tháng bà bảo tôi là phách lối. Thật là một môi trường thiếu thân thiện. Tôi cần tiền nhưng không đến nỗi phải cần quá như vậy. Tôi bỏ việc ngay ngày hôm ấy, chỉ tội cho cô con gái vừa mới lấy được đà học tốt.  Bà chằng lửa đó có giỏi thì ráng diriger con gái bà đi. 


Dạy kèm có khi cũng là một phiêu lưu không ngờ trước được. Một lần, học trò tôi là cô con gái một thương gia bận rộn mà tôi chỉ gặp được một lần vào buổi đầu tiên. Ông này da vàng ệch như người bệnh gan, bụng mỡ rung rinh theo từng bước đi, giọng nói khào khào chỉ vài phút lại phải đằng hắng lên thật to để thông cổ, nghe rõ tiếng đàm long sòng sọc bên trong. Thật không thể tưởng tượng được một người ô dề như thế lại có được cô con gái trắng trẻo xinh xắn. Ông hiếm khi ở nhà. Mỗi khi tôi đến có một bà xẩm người làm luôn đi ra đi vào, bưng trà bưng nước và chắc là cũng để canh chừng tôi. Bà này thoạt đầu lạnh lùng nhưng rồi dần dà thân thiện với tôi hơn, chào đón rất niềm nở. Một lần bà bảo tôi giống Út Trà Ôn. Tôi thực sự chẳng biết danh ca này mặt mũi đẹp trai thế nào nhưng phản đối ngay vì bị cho giống tài tử cải lương.  Bà bất bình ra mặt như thể tôi đã phạm thượng. Té ra cũng có bà xẩm mê nhạc vọng cổ. Cô bé học hành rất lơ tơ mơ nhưng lại hay lý sự,  chộp bất kỳ vấn đề nhỏ nhoi nào đặt thành câu hỏi cho tôi giải thích và rồi vặn vẹo cho thành lạc đề. Tôi có cố gắng lái cô trở lại bài cũng chỉ được chốc lát rồi chu trình câu hỏi không nhằm nhò gì đến môn học lại bắt đầu. Không trả lời thì cũng khó vì giọng cô cứ ngọt sớt, thầy ơi… chỉ cho em đi…, chữ ơi và chữ đi của cô kéo dài ra rất là nhõng nhẽo. Cô thích thú khi thấy tôi áy náy vì không dạy bài cần phải dạy được và cô lại cười nhí nhảnh nhìn tôi với cặp mắt hình như thoáng chút long lanh. Thoáng long lanh ấy đã làm tôi bắt đầu e ngại. Cho đến lần cô lén sai bà xẩm đi mua hai tô phở đặc biệt có cả bò viên về dọn lên mời tôi xơi cùng cô vào cuối buổi học. Tôi ngại quá ráng chối từ nhưng cô cứ hồn nhiên bỏ rau húng quế, nặn chanh vào tô của tôi và cả bà xẩm cũng bước lại mời tôi dùng. Tô phở ấy có ngon hay không tôi không nhớ mình đã thưởng thức được, chỉ thấy mặt cô đã rạng rỡ hẳn lên khi ăn cùng tôi. Lúc ra về, cô gởi tôi một hộp nhỏ gói giấy hoa, gọi là quà bí mật em tặng thầy, về nhà mới được xem.  Tối hôm ấy khi mở ra, gói quà đầy những hoa lá khô và một mảnh giấy màu hồng tẩm nước hoa chép nắn nót một bài thơ tình. Chết mất!  Tôi chợt hình dung ra ông bố cô học trò, da mặt vàng khè vụt chuyển sang màu đỏ rồi tím sậm, ú ớ những câu gì không rõ bằng giọng nói khò khè, mắt trợn trừng nhìn tôi.  Dĩ nhiên là mối dạy học ấy đã không tiếp tục được. 


Thế nhưng, không phải lúc nào đi dạy kèm cũng “phiền não” như vậy đâu. Lý tưởng nhất là khi có được các em ngoan hiền và hiếu học, chỉ cần người hướng dẫn thêm để thông hiểu bài vở. Tôi đã có những học sinh như thế. Thích nhất là một nhóm khó quên gồm ba cô và một cậu học lớp mười thật là dễ thương mà tôi gọi là ba nàng ngự lâm pháo thủ và chú Đác-ta-Nhăng. Nhóm này rất chăm học và thường đem những bài toán hóc búa nhờ tôi giải trước lớp khiến tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng nếu không có thể bí lù, mo mặt thầy giáo. Các cô lúc nào cũng tíu ta tíu tít như chim sẻ líu lo trên cành hoa sứ bên ngoài cửa sổ rực rỡ nắng hè, nhưng cậu bé thì lại nhút nhát, ít nói, chắc cũng thỏ đế cỡ tôi ngày xưa. Tuy nhiên cậu rất thông minh, giỏi nhất trong đám và được các cô gái mến phục, cho dù tôi cảm thấy các cô như xem cậu như một người em hơn là một bạn ngang hàng. Ở tuổi này con gái thường hay có vẻ trưởng thành hơn con trai. Cậu bé chỉ nói chuyện học nhưng các cô thì phong phú đề tài hơn, chuyện trời mưa trời nắng, chuyện phim hay đang chiếu ngoài rạp, chuyện thời trang, chuyện ông nọ bà kia, chuyện gì cũng không thiếu... Và rồi một hôm, chính tôi trở thành đề tài nóng bỏng:

    - Thầy ơi, hôm qua tụi em thấy thầy đi chơi với cô trên phố tình quá xá cỡ. 

Các cô bấm nhau cười rinh rích, mắt liếc nhìn tôi đang lúng túng trước bảng đen một cách khoái trá. 

    - Cô đẹp quá thầy ơi, thầy đi chơi với cô một tuần mấy lần? Hi hi hi...

Hai tai hừng đỏ, tôi liếc nhìn chú Đác-ta-Nhăng mong được cứu bồ, nhưng lần này, con người nghiêm túc của tôi đã đào ngũ sang bên phe địch. Chú ta đang ngoác miệng ra cười theo. 


Tôi đã nói là đi dạy kèm cũng có nhiều nỗi khó khăn mà…


DND






No comments:

Post a Comment