NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐẾN LÚC SÁU GIỜ
La mujer que llegaba a las seis
Garcia Gabriel Marquez (1950)
La mujer que llegaba a las seis
Garcia Gabriel Marquez (1950)
Cánh cửa con lắc mở ra. Vào giờ này chưa có ai trong quán ăn của José. Đồng hồ gõ sáu giờ và ông biết rằng chỉ từ sáu giờ rưỡi những khách quen mới bắt đầu đến. Khách hàng ở đây rất thủ cựu và đúng giờ nên khi chuông đồng hồ chưa đổ xong sáu giờ thì một người đàn bà bước vào, giống như mọi ngày cùng giờ này, và ngồi xuống chiếc ghế xoay ở quầy không nói gì. Ả ngậm một điếu thuốc chưa mồi lửa giữa đôi môi.
“Chào nữ hoàng,” José nói khi thấy ả ngồi xuống.
Rồi ông đi về đầu kia của quầy, tay lau mặt kính với một chiếc khăn khô. Luôn luôn khi có ai vào quán, José đều làm như thế. Ngay cả với người đàn bà mà ông đã đạt đến một mức thân mật, người chủ tiệm mập mạp và đỏ hồng cũng biểu diễn trò kịch thường ngày của một người chăm chỉ làm việc. Ông hỏi từ đầu kia của quầy hàng:
“Hôm nay em thích món gì?”
“Trước tiên tui muốn anh phải biết ga-lăng một chút.”
Người đàn bà ngồi ở cuối dãy ghế, chống hai cùi chõ trên mặt quầy, điếu thuốc tắt trên môi. Khi nói, ả mím miệng để José chú ý đến điếu thuốc chưa đốt.
“A, tui không để ý,” José thốt lên.
“Anh chẳng để ý đến gì cả.”
Ông đặt khăn lên quầy, bước lại hàng tủ sẫm màu, dậy mùi nhựa đường và gỗ bụi rồi trở lại với diêm quẹt. Người đàn bà nghiêng mình đến ngọn lửa đang cháy giữa hai bàn tay quê mùa và lông lá của ông ta. José nhìn mái tóc dầy bôi đầy kem rẻ tiền. Nhìn đôi vai trần trên chiếc áo hoa. Và nhìn bộ ngực vươn dậy trong ánh sáng chạng vạng khi người đàn bà ngước đầu lên với đốm lửa giữa đôi môi.
“Hôm nay em đẹp, nữ hoàng à,” ông nói.
“Đừng nói tầm bậy nữa,” ả đáp lời. “Anh đừng tưởng là cái đó sẽ khiến tui trả tiền anh.”
“Tui đâu có ý vậy, nữ hoàng. Tui cá bữa nay em thiếu ăn trưa.”
Người đàn bà rít vào hơi khói dày đặc thứ nhất, khoanh tay tựa hai cùi chõ trên quầy và nhìn ra đường qua khung cửa sổ kính rộng của nhà hàng. Ả có một vẻ u sầu. Một vẻ u sầu mỏi mệt và dung tục.
“Để tui làm cho em miếng bít-tết hết sảy,” José nói.
“Bữa nay hổng có tiền.”
“Cả ba tháng nay em không có tiền mà tui cũng làm đồ ăn ngon cho em.”
“Bữa nay khác,” ả ủ rũ nói, mắt vẫn nhìn ra đường.
“Ngày nào cũng vậy thôi. Ngày nào đồng hồ cũng gõ sáu giờ, rồi em bước vô miệng kêu đói như gấu, và rồi tui làm cho em một món gì ngon lành. Có khác là bữa nay em không than đói như gấu, bữa nay chỉ khác chỗ đó thôi.”
“Đúng vậy,” ả quay lại nhìn người đàn ông phía bên kia quầy đang lục lọi trong tủ lạnh. Ả ngắm ông trong hai, ba giây đồng hồ. Rồi ả nhìn chiếc đồng hồ dưới cái tủ. Sáu giờ ba phút.
“Đúng vậy, José. Bữa nay khác,” ả thả khói thuốc và tiếp tục từng chữ một với một giọng hăng hái.
“Bữa nay tui hông tới lúc sáu giờ, bởi vậy nó khác, José à.”
Người đàn ông nhìn chiếc đồng hồ.
“Đem chặt tay tui đi nếu cái đồng này đi trễ một phút.”
“Hông phải vậy, José. Chỉ là bữa nay tui hổng tới đúng sáu giờ,” ả nói. “Tui tới lúc sáu giờ thiếu mười lăm.”
“Nó vừa mới gõ sáu giờ, nữ hoàng à. Khi em bước vô nó vừa mới gõ xong.”
“Tui ở đây mười lăm phút rồi.”
Jose đi về phía ả. Ông đưa gương mặt đỏ bừng vào sát người đàn bà, cùng lúc dùng tay banh mí mắt ả ra:
“Thổi cái đi.”
Người đàn bà ngửa đầu ra sau. Ả có một vẻ nghiêm nghị, lo âu, yếu đuối, điểm thêm một váng u sầu và mỏi mệt.
“Đừng nói tầm bậy nữa, José. Anh biết là sáu tháng nay tui hông có uống rượu đó.”
“Em đi nói với mấy người khác đi. Đừng nói với tui. Tui cá là em đã uống cũng cỡ hai lít là ít.”
“Tui uống có hai ly với một người bạn.”
“A, bây giờ mới nói ha.”
“Tui hông cần phải giải thích với anh. Tui ở đây mười lăm phút rồi.”
Người đàn ông nhún vai.
“Được, em muốn vậy cũng được. Em ở đây mười lăm phút rồi. Dù sao đi nữa thì cũng chẳng ai quan tâm gì đến mười phút sớm hơn hay mười phút trễ hơn.”
“Quan tâm chứ, José,” Ả duỗi hai tay trên mặt kính quầy với một vẻ buông thả lơ đễnh. “Và không phải tại vì tui muốn. Chỉ là đã mười lăm phút rồi mà tui có ở đây.”
Ả quay lại nhìn đồng hồ rồi chữa lời.
“Tui nói trật: đã hai chục phút rồi.”
“Được thôi, nữ hoàng,” người đàn ông nói. “Tui sẽ cho em cả một ngày và một đêm để em hài lòng.”
Trong suốt khoảng thời gian ấy, José đã trở lại phía sau quầy, dọn dẹp mọi thứ, di chuyển những món từ chỗ này sang chỗ khác. Ông ta diễn trò chủ quán.
“Tui muốn thấy em hài lòng,” ông dừng lại một cách đột ngột, quay về phía người đàn bà. “Em biết là tui thương em lắm hông?”
Người đàn bà nhìn ông lạnh lẽo.
“Hả? Một khám phá vĩ đại, José! Bộ anh tưởng cho một triệu đồng tui sẽ ở với anh hả?”
“Tui đâu muốn nói vậy, nữ hoàng. Tui cá lần nữa là em thiếu ăn trưa.”
“Tui đâu có nói với anh tại vậy,” và rồi giọng nói ả trở nên bớt nhừa nhựa. “Có bà nào mà chịu nổi cái thân nặng ịch của anh, dù có cho một triệu đồng?”
José đỏ bừng mặt. Ông quay lưng lại người đàn bà và bắt đầu phủi bụi mấy chai lọ ở trong tủ. Ông nói, không xoay mặt lại:
“Bữa nay em khó chịu quá, nữ hoàng. Tốt nhất là em ăn miếng bít-tết đi rồi về ngủ.”
“Tui hổng đói.”
Người đàn bà lại nhìn ra đường, ngắm những khách bộ hành mờ ảo của thành phố về đêm. Trong một khoảnh khắc, một yên lặng đắm chìm tiệm ăn, cái êm ả chỉ gián đoạn bằng những tiếng khua lịch kịch của José trước hàng tủ.
Chợt người đàn bà thôi nhìn ra đường và nói với một giọng thỏ thẻ, êm ái, khác lạ:
“Có thiệt là anh thương tui hông, đại ca?”
“Thiệt chớ!” José nói thật nhanh, không nhìn lại người đàn bà.
“Mặc dù những gì tui nói hồi nãy?”, ả hỏi.
“Hồi nãy em nói gì?” José không đổi giọng, vẫn không nhìn lại ả.
“Chuyện một triệu đồng.”
“Tui quên rồi.”
“Vậy thì anh thương tui hả?”
“Ừ.”
Một lặng yên. José tiếp tục di chuyển phía dẫy tủ với nét mặt bối rối, mắt vẫn không nhìn người đàn bà. Ả thở ra một bụm khói lớn, tựa bộ ngực vào quầy, rồi cẩn thận và khôn khéo uốn lưỡi trước khi nói câu tiếp, nhẹ như đang sợ đổ vỡ.
“Cho dù tui không ngủ với anh?”
Và chỉ lúc ấy, José mới quay lại nhìn.
“Tui thương em nhiều đến độ đâu cần ngủ với em.”
Rồi José đi về phía người đàn bà. Ông đứng trước mặt ả, hai cánh tay vạm vỡ tựa vào quầy, nhìn thẳng vào mắt ả và nói:
“Tui thương em nhiều đến độ tối nào tui cũng muốn giết cái thằng đi với em.”
Thoạt tiên người đàn bà có vẻ ngỡ ngàng. Kế đến ả nhìn người đàn ông chăm chú với một vẻ thương hại và trêu cợt. Rồi sau đó, một im lặng hoang mang. Và rồi ả bật lên cười ha hả.
“Anh ghen, José. Hổng ngờ được, anh ghen!”
José đỏ bừng cả người với một xấu hổ thật thụ, gần như trơ trẽn, giống như một đứa trẻ chợt được người ta kể cho tất cả các bí mật. Ông nói:
“Tối nay em không hiểu gì hết, nữ hoàng à.” Và lau mồ hôi với chiếc khăn. “Đời khốn khổ nó làm em mụ người rồi.”
Thế nhưng bây giờ người đàn bà đã đổi thái độ.
“Mà không,” ả quay lại nhìn vào mắt người đàn ông với một long lanh kỳ lạ, một khoảnh khắc âu lo và thách thức. “Mà không, anh hổng có ghen.”
“Phần nào thì cũng có,” José nói. “Nhưng mà không như em nói.”
Ông nới nút cổ áo và tiếp tục thấm mồ hôi trên gáy bằng chiếc khăn.
“Vậy thì sao?” ả hỏi.
“Đúng ra là tui thương em nhiều đến độ tui không thích em làm chuyện đó.”
“Hả?”
“Chuyện em mỗi ngày mỗi đi với một thằng cha khác nhau.”
“Có thiệt là anh có thể giết nó để nó khỏi đi với tui?”
“Không phải để nó khỏi đi với em. Tui có thể giết nó bởi vì nó đi với em.
“Thì cũng giống vậy thôi,” người đàn bà kết luận.
Cuộc đối thoại đã đến hồi gay cấn. Người đàn bà dùng một giọng nhỏ nhẹ, êm ái, quyến rũ. Ả gần như dán mặt vào khuôn mặt khỏe mạnh và an bình của người đàn ông, lúc ấy vẫn đứng yên, giống như đã phải bùa vì hương khí của lời nói.
“Tất cả những gì tui nói là thiệt đó,” José nói.
“Vậy là,” người đàn bà rướn đến vuốt ve bắp tay thô thiển của ông, tay kia búng văng mẩu thuốc dư, “anh có khả năng giết người được?”
“Vì lý do mà tui nói với em, đúng vậy.” Giọng của José gần như mang mùi cải lương.
Người đàn bà phá lên cười run rẩy với một cố ý diễu cợt.
“Ghê quá, José, ghê quá,” và vẫn tiếp tục cười. “José đi giết người. Ai dám nói là đằng sau một ông mập ú và đạo đức mà không bao giờ tính tiền tui, mà ngày nào cũng chiên cho tui một miếng bít-tết và khoái nói chuyện với tui cho đến khi tui đi với một thằng cha khác, có một tên sát nhân! Ghê quá, José! Làm tui sợ quá!”
José bối rối. Có thể ông hơi bất bình. Có thể ông cảm thấy thất vọng khi người đàn bà phá lên cười.
“Em xỉn rồi, đồ khùng,” ông nói. “Đi ngủ đi. Ăn còn không muốn ăn nữa.”
Nhưng người đàn bà lúc này đã thôi cười và trở lại nghiêm túc, trầm ngâm, tựa người vào quầy. Ẩ nhìn người đàn ông bước đi. Nhìn ông mở tủ lạnh rồi đóng lại nhưng không lấy món gì ra. Nhìn ông sau đó đi về phía cuối quầy. Nhìn ông lau mặt kính bóng loáng như lúc ban đầu. Rồi người đàn bà lại trở về giọng nói truyền cảm, êm ái khi trước:
“Có thiệt là anh thương tui hông, đại ca?”
“José,” ả gọi.
Người đàn ông không nhìn lại.
“José!”
“Về ngủ đi,” Jose nói. “Và nhớ đi tắm cái trước cho nó tỉnh rượu.”
“Đừng giỡn José. Tui đâu có say đâu.”
“Vậy thì em xấc lấc quá rồi.”
“Lại đây, tui phải nói với anh chuyện này.”
Người đàn ông bước đến gần, phân vân giữa sự hài lòng và hoài nghi.
“Lại đây!”
Ông đến trước người đàn bà. Ả nghiêng mình tới, nắm chặt tóc ông nhưng với một cử chỉ rõ là âu yếm.
“Lập lại những gì anh nói với tui hồi nãy đi.”
“Cái gì?” José hỏi. Ông gắng nhìn người đàn bà với đầu tóc bị níu xuống.
“Rằng anh có thể giết người nào mà ngủ với tui.”
“Tui có thể giết thằng nào mà ngủ với em đó, nữ hoàng. Đúng vậy.”
Ả buông tay ra:
“Vậy thì anh sẽ che chở tui nếu tui giết nó?” Ả nói một cách quả quyết, đẩy tay vào cái đầu to như heo của José bằng một động tác ve vãn tục tằn.
Người đàn ông cười, không trả lời.
“Trả lời tui đi, José. Anh sẽ che chở tui nếu tui giết nó không?”
“Cái đó còn tuỳ. Em biết là làm đâu có dễ như nói phải không?”
“Tụi công an đâu có tin ai hơn tin anh đâu?”
José cười, xứng đáng, mãn nguyện. Người đàn bà lại nghiêng người về phía ông qua mặt quầy.
“Thiệt đó, José. Tui dám cá là anh chưa bao giờ nói láo.”
“Nói láo là không tốt.”
“Bởi vậy,” ả nói. “Công an nó biết nên nó sẽ tin bất kỳ cái gì anh nói mà không cần hỏi lại lần nữa.”
José bắt đầu gõ tay vào quầy hàng trước mặt ả, không biết nói gì. Người đàn bà lại nhìn ra đường. Sau đó, ả nhìn đồng hồ rồi đổi giọng, như cố ý kết thúc cuộc đối thoại trước khi những khách hàng quen đến tiệm.
“Vì tui anh có thể nói láo không, José? Hỏi thiệt đó.”
Rồi thì José quay lại nhìn ả, đột ngột, sâu đắm, như thể một ý tưởng ghê gớm vừa len vào đầu của ông. Một ý tưởng chui vào một lỗ tai, xoay vòng trong một lát, mơ hồ, rối rắm, rồi đi ra lỗ tai bên kia, thoáng để lại vết nóng ấm của sợ hãi.
“Bộ em bị rắc rối chuyện gì hả, nữ hoàng?”
Ông nghiêng người tới trước, hai tay khoanh trên quầy. Người đàn bà cảm thấy hơi thở mạnh, ngai ngái mùi chua của ông phì phò một cách khó khăn vì bụng ông đè vào quầy.
“Chuyện này nghe căng quá nữ hoàng? Em bị rắc rối vì vậy?” ông hỏi.
Người đàn bà xoay đầu về hướng khác.
“Hông có gì hết. Tui nói cho vui thôi.”
Rồi ả quay lại nhìn ông.
“Anh có biết là có thể anh khỏi cần giết ai không?”
“Tui đâu hề nghĩ đến giết ai đâu.” José trả lời, một thoáng thắc mắc.
“Không, cha nội. Tui nói là anh khỏi cần giết người nào mà ngủ với tui.”
“A! Bây giờ em mới nói rõ ràng. Tui luôn nghĩ là trong đời em đâu cần phải lang chạ vậy đâu. Tui thề nếu em thôi làm chuyện đó, tui sẽ chiên cho em miếng bít-tết tổ chảng mỗi ngày mà không tính tiền.”
“Cám ơn, José. Nhưng mà hổng phải tại vậy. Bởi vì rồi đây tui sẽ hông còn ngủ được với ai.”
“Bây giờ em lại làm rối ren câu chuyện,” José bắt đầu thiếu kiên nhẫn.
“Có gì rối đâu,” ả duỗi người trên ghế. José thấy ngực ả xệ xuống thảm não dưới chiếc nịt ngực.
“Mai tui sẽ ra đi và tui hứa với anh là sẽ không trở lại làm phiền anh nữa.”
“Em đi đâu mà vội dữ vậy?”
“Tui quyết định cũng khá lâu rồi. Nhưng chỉ gần đây tui mới ý thức được rằng làm chuyện đó là bẩn thỉu.”
José lại cầm lấy chiếc khăn và bắt đầu lau mặt kính gần chỗ người đàn bà. Ông nói mà không nhìn ả:
“Rõ ràng là cái chuyện em làm nó bẩn thỉu. Đã tới lúc em ý thức được ra vậy.”
“Đã tới lúc rồi. Nhưng mà chỉ gần đây tui mới tự thuyết phục được mình. Tui tởm mấy thằng cha đó quá rồi.”
Jose mỉm cười. Ông ngẩng đầu lên nhìn, vẫn giữ nụ cười, nhưng thấy ả đang tập trung, bối rối, so vai, đu đưa người trên chiếc ghế xoay với một vẻ lầm lì và sắc mặt ả vàng đi như bụi mùa thu đến sớm.
“Anh có nghĩ rằng họ sẽ để yên cho người đàn bà nếu bả giết một thằng cha sau khi ngủ với nó rồi cảm thấy kinh tởm, và tởm luôn hết mọi thằng đã ngủ với bả?”
“Không có lý do gì để đi tới mức đó,” Jose đáp lời, xúc động, với một thoáng đớn đau trong giọng nói.
“Và nếu bả nói với thằng cha đó là bả ghê tởm nó khi nó mò tới, vì bả nhớ rằng sau khi lăn lộn với nó cả buổi chiều, không có xà bông và bàn chải nào có thể gột được mùi hôi của chả dính trên người bà?”
“Chuyện nó vậy thôi, nữ hoàng,” José hơi có vẻ dửng dưng, đưa tay chùi mặt quầy. “Đâu cần gì phải giết nó. Đuổi nó đi, đơn giản thôi.”
Nhưng người đàn bà tiếp tục nói với một giọng đều đều, êm ái, thiết tha:
“Và nếu người đàn bà nói bả kinh tởm nó mà nó cứ cởi đồ chạy lại bả, hôn bả nữa, rồi…”
“Người đàng hoàng không làm chuyện đó.”
“Nhưng nếu nó làm?” Ả có vẻ thật lo lắng. “Nếu nó không đàng hoàng và cứ làm và người đàn bà cảm thấy kinh tởm đến độ có thể chết được, và bả biết là cách duy nhất để chấm dứt chuyện đó là đâm cho nó một phát dao vô bụng?”
“Đấy là một chuyện man rợ. May thay không có người đàn ông nào lại đi làm chuyện em nói.”
Người đàn bà trở nên bực tức:
“Được thôi. Nhưng mà nếu nó làm. Giả sử là nó làm đi.”
“Dù sao thì cái đó chẳng quan trọng gì,” José vẫn đứng yên, lau chùi mặt quầy và bớt màng đến câu chuyện.
Người đàn bà gõ vào mặt kính quầy bằng khớp ngón tay. Ả nói quả quyết:
“Anh như người rừng rú, José. Anh chẳng hiểu gì cả.” Rồi ả nắm tay áo ông. “Nói đi, nói người đàn bà có phải giết nó không.”
“Được rồi,” José làm lành. “Tất cả sẽ như lời em nói.”
“Đó không là tự vệ thích đáng sao?” ả giật tay áo của José.
Ông ném về ả một cái nhìn hờ hững và chiều ý:
“Có thể, có thể.”
Và rồi ông nháy một bên mắt, một cử chỉ như vừa là một hiểu ý thân mật, vừa là một thoả thuận đồng loã ghê gớm. Nhưng người đàn bà vẫn nghiêm nghị. Ả nói toẹt ra:
“Anh có nói láo được không để che chở người đàn bà làm chuyện đó?”
“Còn tuỳ,” Jose đáp lời.
“Tuỳ cái gì?”
“Tuỳ ở người đàn bà.”
“Giả sử đó là người đàn bà mà anh thương nhiều lắm. Không phải để ở với bả, hiểu không? Nhưng mà như anh nói là anh thương nhiều lắm.”
“Được thôi, như em muốn vậy, nữ hoàng,” Jose nói lỏng lẻo, bực mình.
Rồi ông lại bỏ đi. Ông nhìn đồng hồ. Ông thấy sắp sáu giờ rưỡi. Ông nghĩ chỉ vài phút nữa thôi là nhà hàng sẽ đầy khách và có lẽ vì thế ông bắt đầu mạnh tay chùi mặt kính quầy, liếc mắt ra đường qua cửa sổ kính. Người đàn bà ngồi yên trên ghế, im lặng, tập trung, ngắm nhìn những cử động của ông với một vẻ rầu rĩ. Ả nhìn thấy ông như thể thấy một ngọn đèn sắp sửa tắt. Ả vội vã nói với một giọng ngọt ngào, ngoan ngoãn:
“José!”
Người đàn ông nhìn ả với một vẻ thân tình buồn bã như cái nhìn của bò mẹ. Không nhìn để nghe ả, cũng không phải để thấy, nhưng để biết rằng ả đang ở đó, hy vọng rằng đó không phải một cái nhìn bảo bọc hoặc thông cảm. Chỉ là một cái nhìn chơi đùa mà thôi.
“Tui nói với anh rằng mai tui đi mà anh hổng nói gì hết,” người đàn bà nói.
“Có chứ. Mà em không nói đi đâu.”
“Đi đâu đó. Chỗ nào mà không có mấy thằng cha muốn ngủ với một con đàn bà.”
José cười trở lại.
“Em đi thiệt hả?” Ông hỏi như ý thức được cuộc đời, một nét hối hận trên mặt.
“Cái đó còn tuỳ ở anh. Nếu anh biết nói tui đến đây hồi mấy giờ, ngày mai tui sẽ ra đi và không bao giờ tui làm mấy chuyện này nữa. Nghe được không?”
José gật đầu tán thành, rạng rỡ và xác định. Người đàn bà nghiêng người về phía ông:
“Nếu ngày nào tui trở lại đây, tui sẽ ghen nếu tui thấy bà nào nói chuyện với anh vào giờ này và trên chiếc ghế này.”
“Nếu trở lại đây, em phải mang cho tui một cái gì.”
“Tui hứa sẽ kiếm khắp nơi và đem về cho anh một con gấu nhồi bông.”
José cười và vẫy chiếc khăn trong khoảng không khí giữa ông và người đàn bà như thể đang lau một tấm kính vô hình. Ả ta cũng cười, giờ đây với một vẻ thân mật và đỏm đáng. Rồi người đàn ông bỏ đi để chà bóng mặt kính dần về phía đầu kia của quầy hàng.
“Gì nữa?” José nói không nhìn về ả.
“Có thiệt là nếu ai hỏi tui tới hồi mấy giờ, anh sẽ nói là sáu giờ thiếu mười lăm?”
“Để chi vậy?” José vẫn không nhìn ả và bây giờ có vẻ hầu như không nghe ả nói.
“Để làm chi không quan trọng. Chuyện chính yếu là anh nói vậy thôi.”
José thấy người khách quen đầu tiên bước qua khung cửa và tiến đến một bàn trong góc. Ông nhìn đồng hồ. Đúng boong sáu giờ rưỡi.
“Được lắm, nữ hoàng,” ông nói lơ đãng. “Như em muốn thôi. Tui luôn luôn làm những gì em muốn mà.”
“Tốt. Bây giờ làm cho tui miếng bít-tết đi.”
Người đàn ông bước về phía tủ lạnh, lấy ra một dĩa thịt và đặt trên bàn. Rồi ông mở bếp lò.
“Tui chiên cho em miếng bít-tết tạ từ đây, nữ hoàng.”
“Cám ơn đại ca.”
Người đàn bà trở nên trầm ngâm giống như đang ăn năn đắm mình vào một hạ giới xa lạ, đầy những hình thể mập mờ, không rõ rệt. Ả không nghe được từ phía bên kia quầy tiếng xèo mạnh khi miếng thịt tươi chạm vào mỡ nóng. Không nghe cả sau đó tiếng lép bép sủi bọt khi José trở miếng bít-tết trong chảo và mùi thơm ngon của thịt ướp gia vị bão hoà không gian nhỏ hẹp của quán ăn. Ả ngồi như thế, tập trung, tái tập trung, cho đến lúc ả ngẩng đầu lên, chớp mắt, như thể vừa trở về từ một cái chết chốc lát. Và rồi ả nhìn thấy người đàn ông đứng cạnh bếp lò, rọi sáng bởi ánh lửa bốc lên hừng hực.
“Đại ca.”
“Hả.”
“Anh đang nghĩ gì?”
“Tui đang nghĩ coi em sẽ kiếm được con gấu nhồi bông ở chỗ nào .”
“Dĩ nhiên rồi. Nhưng mà tui muốn anh nói là anh sẽ cho tui tất cả những gì tui hỏi để giã từ.”
José nhìn ả từ phía bếp lò.
“Em hỏi gì hồi nào đâu? Em còn muốn gì hơn là miếng bít-tết ngon lành?”
“Có chứ.”
“Cái gì?”
“Tui muốn thêm mười lăm phút nữa.”
José nhổm người tới để nhìn đồng hồ. Rồi ông nhìn người khách quen đang ngồi im lặng chờ trong góc quán và sau cùng nhìn lại miếng thịt vàng ngậy trong chảo. Rồi ông nói:
“Tui thiệt không hiểu em nói gì, nữ hoàng à.”
“Đừng nói tàm xàm, José. Anh hãy nhớ rằng tui tới đây hồi năm giờ rưỡi .”
DND
(dịch từ nguyên tác tiếng Tây Ban Nha)
No comments:
Post a Comment