CÁ RÔ BÍ
Chú bé chạy lăng quăng trong siêu thị trước mặt một người đàn ông luống tuổi. Ghé mắt vào tủ trưng bày hải sản đông lạnh, chú thốt lên:
- Trời, cá gì mà nhỏ xíu xìu xiu !
Chú nhướng mắt lẩm bẩm đọc giòng chữ đỏ in trên bao plastic bằng vốn liếng tiếng Việt nhỏ nhoi học được ở nhà thờ mỗi cuối tuần.
- Cá Rô Bí ! Tên gì kỳ cục. Ha ha, bí như bí lù, ha ha.
Quay lại người đàn ông phía sau, chú thích thú với khám phá mới lạ:
- Nội ơi ! Cá này nhỏ chút xíu, hổng có thịt luôn sao ăn?
Ông Sơn theo mắt chú bé bước đến tủ. Giòng chữ in hoa hoè màu đỏ như nhảy múa xác định hình ảnh quen thuộc của những thân cá nhỏ bé đen xám nằm chen nhau sau lớp plastic ép kín chặt của bao đông lạnh. Ô, đã lâu lắm rồi. Không ngờ hôm nay lại nhìn thấy chúng ở phương trời vạn dặm xa cách quê hương này.
Ông chậm rãi đưa tay cầm bao cá lên. Cả một trời kỷ niệm vụt về...
Ngày đó, ông còn bé như thằng cháu nội. Hàng năm, khi mùa mưa đến và nước bắt đầu dâng xâm xấp trên những cánh đồng, thì lũ cá rô trưởng thành phóng lên đồng để tìm kiếm thức ăn và sinh sản. Một thời gian sau, để tránh lúa khỏi úng ngập, người dân lại tháo nước trong ruộng ra. Thế là, từng đàn cá con đua nhau tìm đường di cư ra ao sông gần đó. Đấy là lúc thiên hạ đua nhau đi bắt cá rô non, còn gọi là cá rô bí.
Gọi là cá rô bí vì chúng còn rất nhỏ, chỉ cỡ bằng đốt ngón tay, giống như hột bí. Những con rô bí hơi lớn hơn một chút có người gọi là rô hột mít để phân biệt kích thước. Còn những con cá rô lớn bằng hai ba ngón tay gọi là rô mén và lớn nữa gọi là rô mề. Những chú này có thể to bằng bàn tay và câu được bằng mồi.
Trở lại cá rô bí, ngày đó ông Sơn nhớ mình hay theo các anh lớn ra đồng bắt cá. Khi xả nước ruộng, các thanh niên đem lọp (một dụng cụ bẫy cá như đơm, đó, lờ) đặt vào dòng nước chảy, chờ vài tiếng đồng hồ là được khối cá rô non. Hoặc khi cá đã thoát ra những ao nhỏ người ta quậy nước cho đục lên rồi dùng rổ hớt cá cũng được khá nhiều. Nhưng bắt được nhiều nhất phải là giăng lưới và thụt cá. Ông Sơn thích nhất là đi theo chú Hai và các anh mình đi thụt cá ở những rãnh nước ven ruộng. Chỉ cần giăng lưới ở một đầu rãnh rồi lại đầu kia thụt nước để xua cá về phía lưới. Dụng cụ thụt nước, là một sào tre có cột một lon sữa bò ở đầu, kêu phùm phụp theo từng múa tay nghe thật vui tai và hứa hẹn. Sau khi đi hết chiều dài rãnh nước, dở lưới lên là được vô số cá nhảy xoi xói trong tiếng reo hò trầm trồ mừng rỡ.
Cá rô bí đem về chế biến được nhiều món ăn ngon như kho sả ớt hoặc chiên giòn. Nhưng thích nhất phải là món cá rô bí chiên giòn. Cá để nguyên con, không cần đánh vẩy bỏ đầu, chỉ cần rửa sạch cho hết nhớt, để ráo. Đổ dầu vào chảo, chờ cho sôi, đổ cá vào chiên vàng hai mặt rồi vớt ra đĩa. Làm một dĩa rau sống, bánh tráng, bún và nước mắm tỏi ớt là có một bữa ăn đạm bạc nhưng nhớ đời. Đặt vào tấm bánh tráng một it bún, một ít dưa leo, xà lách, chuối chát, một ít xoài xanh, rau thơm, thêm vài con cá vàng rụm, cuốn lại cho thật căng, chấm vào chén nước mắm đỏ au, đưa lên miệng cắn một miếng thật lớn, nhai chầm chậm và nhắm mắt lại thưởng thức vị béo bùi của cá, vị thơm hăng nồng của rau sống và vị chua cay ngọt đậm đà của nước chấm, ôi thật không gì bằng...
Mặt ông Sơn thoảng một nụ cười mơ màng. Chợt chú bé giật tay ông.
- Nội cười gì vậy? Bộ nội tính mua cá này hả?
Giật mình tỉnh chuỗi hoài tưởng, ông thoáng một chút phân vân. Có nên mua về thử chăng? Cá này đông lạnh đã bao lâu rồi, đã qua bao nhiêu sông biển, bao nhiêu núi rừng. Biết có còn ngon được như mớ cá tươi ngày xưa không? Ông chép miệng đặt bao cá trở lại vào tủ đông lạnh.
Thôi, hãy để cá rô bí ngon mãi trong kỷ niệm...
DND
No comments:
Post a Comment