NHỈNH MỘT TÍ
Bà Nương rưới muôi bột lỏng lên tấm vải bọc trên miệng nồi hơi, tráng quanh thành một lớp mỏng vừa phải rồi đậy nắp lại. Khoảng hai mươi giây sau, bà mở nắp. Làn hơi nước tỏa ra trong không khí mát mẻ buổi sáng khiến bà dễ chịu. Bột đã trong ra và chuyển màu trắng đục. Được rồi đấy! Bà lấy chiếc đũa tre cuộn mép bánh, tách ra khỏi nồi, đặt vào đĩa đã quét dầu chống dính. Bà rải một muỗng nhân thịt nấm vào rồi cuộn tròn lại. Thế là xong. Bà xoay lại, khoắng nồi bột rồi đổ muôi bánh kế tiếp. Thao tác trông đơn giản thế mà bà đã phải tập mãi mới thuần.
Nhớ ngày mới ra nghề thật vất vả. Được đến ngày hôm nay là cả một thành tích lớn. Trước đây bà chỉ là nội trợ ở nhà, nhưng thời buổi khó khăn và lũ con nheo nhóc khiến bà phải tìm mọi cách kiếm thêm tiền phụ vào đồng lương ít ỏi của chồng. Bà đã thử nhiều cách, nhưng rốt cục thì ra hàng bánh cuốn đầu ngõ này tương đối thành công nhất. Ấy là cũng nhờ có cô hàng xóm tốt bụng, khéo nữ công gia chánh, đã tận tình chỉ bảo.
Tuy đã có người dìu dắt, những ngày đầu bà bấn loạn cả người. Nào là pha bột gạo và bột năng vào thau cho đúng liều lượng, thêm dầu thực vật với muối, rồi đổ nước lọc vào, ráng khuấy đều cho không vón cục. Rồi lại phải bọc kín, ủ trong chỗ mát cả tiếng đồng hồ, sau đó phải dùng phới lồng đánh thêm cho sánh mịn lại. Không biết tại sao, bà luôn căng thẳng, lo âu về liều lượng. Nhiều bột năng quá chăng? Thêm chút dầu nữa nhé? Chết, mình châm nhiều nước quá rồi?
Cô giáo bảo, chị đừng lo, nhỉnh một tí chả sao đâu.
Thế mà bà vẫn liên tục cân nhắc. Không phải chỉ việc pha bột thôi, mà còn cả làm nhân thịt nấm nữa. Ôi giời, cái này lại còn phức tạp hơn nhiều. Nào ngâm nấm mèo, thái nhỏ, pha với thịt heo xay, rồi lại phải thêm bột nêm, tiêu, nước mắm, bao nhiêu thứ này, bao nhiêu thứ kia, lỡ nhiều thịt quá thì tốn, mà ít thì lại không ngon, rồi phải nêm nếm thế nào cho vừa đây.
Cô giáo bảo, chị đừng lo, nhỉnh một tí chả sao đâu. Thế mà bà vẫn lo.
Nhưng làm riết rồi cũng quen nên bà từ từ bớt căng thẳng. Một phần ăn bao nhiêu thì bà đã định sẵn rồi, một đĩa bốn cái bánh cuốn, mỗi bánh một muỗng cà phê nhân thịt nấm, một nhúm hành phi, ít giá và dưa leo, thế cũng ổn. Thế nhưng còn một thứ gay go nữa là chả lụa. Thì, một dĩa hai lát chả lụa. Được thôi, nhưng mà phải cắt cho đều tay. Dầy quá thì hao, mà mỏng quá thì khách chê. Bà quyết định bề dầy tiêu chuẩn là ba mi li mét, thế nhưng con dao phải gió lần nào cũng cứ cắt mỏng hơn. Khi bà điều chỉnh thì lại quá dầy. Tức cả mình. Nhớ lời cô giáo bảo, nhỉnh một tí chả sao đâu. Không được! Chả lụa mắc lắm, nhỉnh hoài dám mất cả vốn ấy chứ. Thôi, chẳng thà lỡ hơi mỏng mình thêm một lát nhỏ nữa. Và cứ thế, bà xén tới xén lui những lát chả lụa, dầy quá thì cắt bớt phần rìa, mỏng quá thì thêm vào một miếng nhỏ nữa, khách ngồi xem sốt cả ruột. Dần dà, ai nấy trong xóm cũng kháo nhau chuyện lát chả bà hàng bánh cuốn đầu ngõ. Thậm chí có người đã dùng cả từ “bà hàng bánh cuốn” để tả một ai đó hay so đo, cân nhắc. Mặc dù thế, hàng bà cũng nhiều khách ăn vì bánh cuốn ngon và giá phải chăng.
Bà Nương nheo mắt nhìn lát chả lụa trên đĩa bánh cuốn sắp đưa người đàn ông chạy xe ôm. Hơi mỏng đấy. Bà quyết định thái lát chả thứ nhì dầy hơn một tí để bù vào. Xoẹt! Ôi, lại dầy quá rồi! Đúng là con dao phải gió! Bà đang phân vân có nên lạng bớt lại một ít trước khi đặt vào đĩa không thì bắt gặp ánh mắt soi mói của người khách đang nóng ruột ngồi chờ. Bối rối, bà bỏ đại lát chả quá tiêu chuẩn vào, thêm thắt phụ tùng rồi trao cho ông khách với nụ cười gượng gạo.
DND
No comments:
Post a Comment