Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Sunday, March 16, 2025

 NHỮNG HÀNG QUÀ RONG CỦA NGÀY XƯA


Xa nhất mà tôi nhớ được về những hàng quà rong thời thơ ấu là khoảng cuối thập niên một chín năm mươi ở thành phố Tây Ninh.  Ngày ấy tôi vừa mới bắt đầu vào tiểu học.  Gia đình chúng tôi ngụ tại một căn biệt thự xinh xắn, ngoài đường đi vào phải qua một cổng bằng song sắt uốn hoa.  Mỗi buổi trưa hè oi bức, có ông Tàu bán rong sương xáo đẩy một chiếc xe cũ kỹ ngang trước nhà, rao ngân nga:

- Sươơơng xáooo đêêê...

Tôi thường dành công việc đem một cái ly cối chạy ra mua đầy nhóc một ly để cùng chia nhau trong nhà.  Tôi say mê ngắm ông hàng cắt những miếng sương đen thành cục vuông nhỏ, bỏ vào ly, rồi xoành xoạch bào nước đá lên trên bằng cái bàn bào kê cao trên mặt xe có bọc nhôm.  Màu trắng của đá bào trên màu đen của sương xáo cùng cái viễn ảnh sắp được đút tất cả những thứ ấy vào miệng trông thật mát mắt và hấp dẫn làm sao.  Ông hoàn tất việc bào chế ly sương xáo bằng cách chan nước đường và xịt thêm dầu chuối thơm lừng từ một cái chai có mỏ nhọn.  Ông nhìn tôi háy mắt:

- Hầy, thêm đường, thêm đá dồi nghe nị.  Mai mua tiếp nghe!

Tôi vừa trả tiền vừa nuốt nước bọt rồi chạy le te vào nhà, không quên dừng lại ở cổng, húp trước một miếng nước đá xi-rô ngọt ngào vô cùng trên miệng ly.  Tôi ghiền ăn sương xáo đến độ ba tôi cứ chọc bảo sẽ cho tôi đi làm con nuôi ông tàu để được ăn sương xáo suốt đời.  


Quay thời gian chạy nhanh đến những năm sáu mươi, tôi nhớ lại giờ ra chơi ở sân trường tiểu học Phú Nhuận.  Những người bán quà rong tập trung đầy cổng trường.  Nào cóc, xoài, ổi ngâm nước cam thảo, nào khô mực nướng thơm phức quệt tương ớt, nào chè đậu xanh đậu đỏ chan nước dừa, nào cà rem khua chuông leng keng, nào bánh tráng trét me ngào đường, rồi bánh mi-don-don-mi-dòn-dòn, rồi khoai mì cà bông rắc dừa nạo đậu phụng, và còn rất nhiều quà bánh khác mà tôi không nhớ hết được.  Tôi chẳng thích gì những món ấy lắm nên chỉ chiếu cố đến hàng ông nước đá nhận.  Tôi có thằng bạn ngồi cạnh trong lớp cũng thích ăn nước đá nhận.  Nó nói như mẹ tôi nói:

- Trò biết không, ăn mấy thứ kia coi chừng đau bụng.

Ngày ấy các học sinh được dạy phải kêu nhau bằng trò và xưng tôi.  Không được mày tao.  

Tôi trò tôi với nó:

- Trò với tôi mua ly đá xi rô rồi xin hai cái muỗng mình ăn chung nghe.  

- Ờ, trò nói đúng đó.  Ăn cục đá nhận cầm tay dơ lắm.

Ông hàng làm nước đá nhận bằng cách bào nước đá vào một cái ly bằng ny lông, gõ gõ xuống mặt quầy để nén thật chặt, xịt xi rô vào, rồi đổ ra thành một cục đá cho khách hàng nhỏ cầm tay để mút.  Cục đá có màu xanh, đỏ hoặc vàng tùy loại xi rô.  Khách hàng nào cầu kỳ có thể yêu cầu một cục đá hai hoặc ba màu khỏi trả tiền thêm. Tôi thấy mấy thằng nhỏ mút đá nhận nhễu nhão làm sao, lâu lâu lại phải sang từ tay này qua tay khác cho đỡ lạnh, xi rô màu chảy xuống cằm, xuống cổ, xuống cả cùi chõ thành những vết màu nhuếch nhoác.  

Thằng bạn của tôi - quên mất nó tên gì nên tôi tạm gọi nó là thằng trò – à, thằng trò và tôi không hề ăn thứ này.  Chúng tôi thích món nước đá bào xịt xi rô trong ly ăn bằng muỗng, trông lịch sự và văn minh hơn nhiều. Ông hàng có hai loại xi rô.  Xi rô thường là nước đường rẻ tiền pha màu xanh, đỏ hoặc vàng, ăn nhăng nhẳng đắng mà ăn xong rồi cái lưỡi nhuộm màu của xi rô luôn.  Xi rô ngon của ông là chai hột gạo hãng BGI, ngọt và thơm phức mùi cam hoặc mùi dâu, mùi nào cũng khoái khẩu.  Thằng trò cũng là dân “sành ăn” như tôi nhắc ông hàng:

- Xi rô BGI cam nghe ông!

- Rồi, xi rô BGI, năm cắc.  Xi rô thường, ba cắc thôi. - Ông hàng nheo mắt nhắc lại giá tiền cho chắc ăn.

Hồi ấy giấy một đồng còn có giá trị, bạc cắc vẫn còn xài nhiều.  Chúng tôi trả tiền bằng những đồng xu leng keng rồi xin hai cái muỗng cùng nhau nhâm nhi miếng đá bào thơm ngọt, rượi đỏ màu xi rô.  Tôi còn nhớ nó ngon mát tuyệt vời trong cái nóng bức giữa ngày. 


Tôi hồi bé không được phép tự ăn hàng rong ngoài đường nên trong ký ức chỉ lờ mờ một ít hàng quà mà mẹ tôi thường hay kêu vào trước hiên nhà.  Ngày mới ra Nha Trang, chúng tôi thấy những bà quẩy gánh đi rảo trong xóm, miệng lanh lảnh rao cái gì nghe như là "ai ăn chè đậu chén hông", thắc mắc mãi rồi hỏi ra mới biết là chè đậu ván, giọng Nha Trang đọc là đậu "vén", mà tiếng rao trầm bổng lại biến dạng thêm tí nữa nghe thành đậu "chén".  Chè đậu ván của người miền Trung nấu bằng đậu ván pha với nếp và đường mía vàng.  Nồi chè ngon, đậu và nếp quyện đều vào nhau mà không bị nát.  Ăn chén chè nóng hổi màu vàng nâu sền sệt, thơm thơm, bùi bùi, cộng thêm hương vị cay nồng của gừng giã nhuyễn, tôi nhớ thật ngon miệng xiết bao, tỉnh hẳn cả người đang cơn ngầy ngật của giấc ngủ trưa vừa đột dứt.  

Một món quà rong khác đã để nhiều ấn tượng trong tôi là bắp nướng, thường được ăn vào những buổi chiều tối dạo chơi ngoài bãi biển.  Gió biển mát rợi thổi mùi bắp thơm lừng, chúng tôi không cần nghe rao cũng biết bà hàng sắp tới.  Gánh hàng một bên là bếp than cháy âm ỉ, khi có khách mua mới quạt lên cháy hừng hừng để nướng những trái bắp vàng đã bóc vỏ.  Tiếng than phừng lửa kêu lách tách thỉnh thoảng lại chen vài tiếng hạt bắp nổ đánh bóc nghe thật vui tai.  Sau khi bắp chín, bà hàng dùng cọng chuối đập dập một đầu trét lên chút mỡ hành có pha muối, đường, có chỗ còn thêm tỏi, ớt, nước mắm cho những khách hàng thích đậm đà. Mùi ngọt của bắp cộng với mùi nồng gia vị quyện vào nhau thành hương thơm đặc biệt lan toả dưới sức nóng của trái bắp vừa nướng xong, thật hấp dẫn vô cùng.  Cầm trái bắp bằng cây đũa tre lụi vào cùi để khỏi phỏng tay, cạp từng hột, nhai thật chậm để tận hưởng cái hương vị của nếp ngọt hoà vào cái béo của hành mỡ, cùng cái cay, cái mặn của mắm ớt, thật ngon khỏi chỗ chê.


Cái ngon của những hàng quà rong không ngừng lại ở tuổi thơ.  Mãi những năm ngoài ba mươi tuổi, tôi và vợ con vẫn thích thú kêu bà hàng chè vào trước hiên nhà để cùng nhau thưởng thức mỗi buổi trưa. Gánh chè của bà hàng tôi nhớ có ba loại, chè đậu trắng, chè thưng và chè chuối, món nào cũng ngon vô cùng.  Chén chè của bà nhỏ xíu, ăn chỉ vài muỗng là hết ngay.  Muỗng đầu tiên đánh thức vị giác đã hôn mê từ khi bước vào giấc ngủ trưa.  Muỗng thứ nhì kích thích vị giác ấy lên tầng thứ hai, nơi nó vươn vai đứng dậy và ngọ nguậy tay chân.  Muỗng thứ ba thẩm thấu cái ngon thơm ngọt lịm của bột và đường vào lưỡi, vào miệng, vào thực quản, và cái vị giác nó phấn chấn hẳn lên, ngứa ngáy đua đòi cơn khiêu vũ.  Thế nhưng ngay lúc ấy chén chè đã cạn, và chúng tôi đương nhiên phải lật đật kêu thêm chén tiếp để nuôi cơn hứng khởi, lâng lâng thưởng thức thêm vài ba bát nữa và chỉ ngừng sau khi cảm thấy cơ thể đã trở lại được mức độ hoạt động bình thường sau giờ nghỉ trưa.  


Thế mới biết sức mạnh của chén chè ngon. Và phải là của bà hàng chè rong có ba thứ chè để chọn, và phải là của tiếng rao ngân vang đầy hứa hẹn sẽ kéo ta ra khỏi vũng lầy của giấc ngủ trưa ngật ngầy.  Bà hàng chè muôn năm!  Hàng quà rong muôn năm!  Cái thú ấy không bao giờ quên được, có phải không các bạn?


DND



 


No comments:

Post a Comment