Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Sunday, March 16, 2025

 CHIM QUYÊN ĂN TRÁI NHÃN LỒNG


Cây nhãn lồng miền Nam chỉ lờ mờ trong trí nhớ của tôi trong hằng bao nhiêu năm nay. A, cái cây gì mà chim gì thích ăn, như bài hát gì đó thường nghe mà tôi chỉ nhớ có mỗi một câu “chim quyên quầy ăn trái quây, nhãn lồng này nhãn lồng”…

Thế rồi, một ngày xuống thăm thành phố San Antonio ở miền nam tiểu bang Texas, tôi tình cờ nhìn thấy một dây leo trên bờ rào hàng xóm nhà trọ, hình ảnh mài mại quen thuộc của một cây gì mình đã biết, cây gì đây, cây gì đây, tôi nặn óc, à nhớ rồi, cây nhãn lồng của ngày xa xưa. Phiêu lưu qua bao nhiêu ngàn dặm đường, bao nhiêu núi đồi sông biển, giờ chợt tìm lại được cây cỏ quê hương ngày xưa, tôi không thể bỏ qua cơ hội này. Thế là tôi xén trộm ngay một nhánh dài, quấn giấy ướt giữ cho tươi suốt cuộc hành trình năm tiếng đồng hồ lái xe giữa mùa hè nắng cháy đem về giâm trong vườn nhà.

Tôi đã từng giâm nhánh thành công khá nhiều, từ những cành dâm bụt lạ màu xin được ở Galveston đến những chồi hoa sứ đỏ thắm cắt về từ San Diego và những sợi chanh dây lấy giống của cô em ở Garden Grove, nên thêm một thứ nữa lại càng thích thú hơn. Chăm chút ngót hai tháng, dây leo nhà tôi trổ những nụ tròn dài nằm giữa những cọng lưới xanh đan vào nhau thành một lồng bảo bọc. A, nhãn lồng đây rồi, e ấp lồng xanh mươn mướt trong nắng sáng ban mai. Rồi hoa nở bung, màu trắng điểm tím nhạt ở rìa cánh và gần nhuỵ, đẹp tuyệt, thu hút đàn ong bướm và thu hút cả một tôi, lăng xăng ngắm nghía chụp hình dưới đủ mọi góc cạnh đem đi khoe cùng bà con bạn bè. Và tôi bắt đầu lục lọi sưu tầm về cây nhãn lồng, gốc là của người ta nhưng bây giờ là của tôi.

Theo Wikipedia, dây nhãn lồng, còn gọi là chùm bao hoặc lạc tiên, danh pháp khoa học: Passiflora foetida, thuộc họ Lạc tiên (Passifloraceae), là một loại cây có lá và quả ăn được. Cây có nguồn gốc từ tây nam Hoa Kỳ, Mexico, vùng Caribe, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Ô hay, thế mà hồi giờ cứ tưởng cây này gốc ở xứ ta, té ra cây xứ người đem về xứ ta trồng rồi cho là của ta. Thật là thú vị, hệt như cây tôi đi hái trộm của hàng xóm đem về trồng rồi cho là của mình. Dây leo này mọc nhiều ở miền nam Việt Nam, đừng nhầm lẫn với cây nhãn lồng miền Bắc (nhãn lồng Hưng Yên) là một loại trái nhãn cùi dầy, mọng nước, nổi tiếng thơm ngon. Loại nhãn quý này khi chín thường bị chim chuột ăn phá hoại nên người ta dùng tre tươi đan thành lồng để bảo vệ chùm quả, từ đó có tên là nhãn lồng.

Còn dây nhãn lồng Nam bộ mọc hoang khắp nơi và rất dễ sống, có thể đeo trên cành lá của những loại cây cỏ khác hoặc bò trên hàng dậu lối xóm. Người miền quê thường hái đọt non về luộc chấm với nước cá kho hoặc đem nấu canh với tép bạc. Món này phổ biến đến độ đã đi vào ca dao miền Nam:

Cá kho chấm đọt nhãn lồng
Ngày má gả chồng, con vẫn nhớ quê

Lá và thân cây nhãn lồng còn được dùng làm thuốc, tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, giúp trấn tĩnh, chống hồi hộp, lo âu, mất ngủ. Dân gian thường dùng dây và lá sắc uống làm thuốc an thần chữa mất ngủ. Hiện nay, một viện bào chế dược phẩm ở Việt Nam đã làm hẳn hòi một loại thuốc ngủ có dùng cây này, bảng thành phần ghi là lạc tiên cho có vẻ sách vở hơn, chắc vì nhãn lồng nghe quê mùa bình dân chăng. Muốn dùng tên khác thì dùng nhưng về quê miền Nam, phải nói nhãn lồng người ta mới biết. Thuốc này, theo ba tôi, hình như rất công hiệu vì ông hay dùng và luôn đặt mua tận từ Sài Gòn mỗi khi có người thân sang Mỹ.

Quả nhãn lồng khi chín chuyển sang màu vàng, lấp ló trong lồng lưới như những lồng đèn trên bờ dậu. Trái chín luôn hấp dẫn lũ trẻ con, bên trong có những hạt nhỏ màu đen bọc lớp cơm trắng, được tả là có vị thơm thơm chua chua ngọt ngọt. Tôi chưa có dịp ăn trái này nhưng có lẽ mùi vị nó cũng giống như một trái cùng họ Passifloraceae mà tôi thường ăn hồi còn bé ở Đà Lạt, gọi là trái mát mát hoặc chanh dây, ở Âu Mỹ gọi là passion fruit dùng pha nước uống hoặc bỏ mùi thơm vào kẹo bánh. Hoa chanh dây cũng tựa như hoa nhãn lồng nhưng trái chanh dây thì to hơn, khi chín có màu tím và không có lồng lưới bao bọc. Dĩ nhiên là tôi sẽ có dịp kiểm chứng khi cây nhãn lồng của tôi ra quả chín trong một ngày gần đây. Nhãn lồng ơi, hãy chờ đó, dĩ nhiên là nếu lũ chim không ăn mất của tôi. Vì quả chín hấp dẫn không chỉ trẻ con mà cả chim chóc. Như con chim quyên trong bài hát ngày xưa.

Và tôi bắt đầu đi tìm về bài hát ngày xưa...

Bài Lý Chim Quyên đặt theo dân ca Nam bộ nói về nỗi lòng của một cặp trai gái thương yêu nhau nhưng không thành duyên phận. Đôi bạn phải xa cách nhau hát lời than vãn, như chim xa rừng thì thương nhớ núi non, như người cách xa cội nguồn thì không còn có gì buồn hơn. Bài hát dùng những hình ảnh tượng trưng cho sự gắn bó thiết tha, như chim quyên mê ăn trái nhãn lồng ngon ngọt, cá thia thia (lia thia) quen chậu là nơi ở của mình, để đối lại với nỗi xót xa của đôi bạn tâm đồng mà phải mỗi người một phương. Chàng trai nghe tin bạn tình vài hôm nữa sẽ đi lấy chồng ở xa, lòng u sầu than thở một mình như chim quyên lẻ bạn. Nàng nghe lời anh than thở, đêm nằm ngẫm nghĩ ruột gan rối vò, nhớ ngày nao còn mong chờ, còn mơ tưởng đến ngày thành duyên cùng anh nhưng, hỡi ơi, chuyện đã không thành. Ôi đâu còn có gì buồn hơn, ôi đâu còn có gì buồn hơn, lời than vãn trở đi trở lại trong bài hát như một điệp khúc não nề. Thấm thía nhất là cô nàng khuyên anh đừng quá cay đắng buồn phiền vì cô thực thương yêu anh nhưng phải theo sắp đặt của cha mẹ đi lấy chồng giàu phương xa. Gái lấy chồng như chim lồng cá chậu khó có dịp về thăm nhà, nàng ngỏ lời nhờ anh sớm tối ghé thăm cha mẹ già cô quạnh. Chàng trai đau lòng nhưng cũng hứa để anh lo liệu những công việc nặng nhọc chai tay như tát nước, đắp bờ, làm cỏ, anh đây dù làm rể hụt nhưng còn hiếu thảo hơn người được vợ, mặc cho bè bạn ngạo chê. Nàng đáp lời xin anh đừng mỉa mai và phân trần rằng không phải nàng chê anh nghèo đi lấy người khác nhưng vì phận con cha mẹ đặt đâu phải ngồi đó. Vì phận nàng là thế và rồi cũng sẽ an bài theo tháng năm, rồi con cái, rồi ái ân, rồi tình nghĩa sẽ phải mặn mà, như chim quyên quen trái nhãn lồng, thia thia quen chậu, thì vợ chồng cũng sẽ quen hơi...

Và thế là, chỉ nhờ một nhánh dây leo hái trộm hàng rào nhà ai vào một buổi trưa hè nắng cháy mà tôi đã có dịp hiểu biết nhiều thêm hơn về cây nhãn lồng miền Nam và bài Lý Chim Quyên bất hủ. Xin mời các bạn cùng thưởng thức:

LÝ CHIM QUYÊN

Chim quyên quầy ăn trái quây
Nhãn lồng này nhãn lồng ơi con bạn mình ơi
Chim ơi chim xa rừng thì chim thương núi nhớ non
Người cách xa cội nguồn này người cách xa cội nguồn
Ôi đâu còn có gì buồn hơn
Ôi đâu còn có gì buồn hơn, ôi đâu còn có gì buồn hơn.

Chim xa rừng nhớ cây thương cội
Người xa người đêm đợi ngày mong
Tụi mình duyên phận long đong
Thương nhau ngần ấy mà không được gần
Chim quyên còn ăn trái nhãn lồng
Thia thia còn quen chậu
Mà đôi bạn tâm đồng sao kẻ Bắc người Đông
Cô bác họ đồn năm ba bữa nữa
Bậu phải theo chồng cách mấy sông sâu
Sông sâu còn bắc được nhịp cầu
Hai đứa mình sầu biết cùng ai san sẻ

Chim quyên lẻ bạn than thở một mình
Tụi mình lẻ bạn một mình thở than
Một mai én Bắc nhạn Nam
Xa nhau đâu chỉ mấy năm mà chờ

Xa nhau xa đến một đời
Tai nghe lời anh than anh thở
Đêm nằm ngẫm nghĩ mà ruột rối đường tơ
Uổng công mình đợi mình chờ
Mình mơ mình tưởng bây giờ mình xa nhau
Chắc là không nợ cùng nhau
Thì thôi lấp thảm khuây sầu bạn tình ơi.

Thia thia quầy quen chậu quây
Vợ ơ chồng này vợ ơ chồng
Ơi con bạn mình ơi, ơi con bạn mình ơi
Chim ơi chim xa rừng thì chim thương núi nhớ non
Người cách xa cội nguồn này người cách xa cội nguồn
Ôi đâu còn có gì buồn hơn
Ôi đâu còn có gì buồn hơn, ôi đâu còn có gì buồn hơn.

Hò ơ hai đứa mình có duyên mà không nợ
Người ta có tiền nên người ta có nợ lẫn duyên
Lòng riêng đã nặng ưu phiền
Sao còn cay đắng cho thêm buồn lòng
Buồn hay không rồi bậu cũng theo chồng
Gái có chồng rồi như chim lồng cá chậu
Nhớ cửa nhớ nhà cũng lâu lắm mới về thăm
Cha mẹ già cô quạnh sớm hôm
Xin nhờ bạn sớm thăm tối viếng
Thân đi làm rể mà người ta được vợ
Bè bạn hát ngạo tôi xúc tép nuôi cò.

Thôi nói thì nói vậy
Chớ bậu lấy chồng xa cha mẹ bên nhà để đó tôi lo liệu
Thế nào người ta cũng khen thằng rể hụt mà nó có hiếu
Tát nước be bờ làm cỏ chai tay.
Mỉa mai chi vậy, đâu có phải
tôi chê bạn xấu bạn nghèo mà thương họ bảnh trai
Chỉ gặp ông mai chứ đâu biết mặt mày chàng rể
Cha mẹ đặt đâu thì xin ngồi đó
Trong bụng không thương cũng phải chiều ý cha mẹ già.

Tháng rộng năm dài rồi mặn mà
tình nghĩa rồi con rồi cái rồi ái rồi ân
Như chim quyên nọ quen lồng
Thia thia quen chậu rồi vợ chồng quen hơi.


DND

No comments:

Post a Comment