Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Saturday, January 30, 2016

TÔI NẤU BẾP


TÔI NẤU BẾP


Lần đầu tiên mà tôi để ý đến nấu ăn là ngày tôi khoảng mười tuổi và tình cờ khám phá ra cuốn sổ tay chị tôi ghi những công thức nấu ăn.  Tôi lướt qua thật nhanh những dòng chữ nắn nót liệt kê những nguyên liệu và mô tả những giai đoạn chế biến, rồi phản ứng đầu tiên là phê bình, trời, bà này mà nấu ăn gì, vì ngày ấy món gì ngon cũng toàn mẹ tôi nấu cả, chị tôi chỉ phụ qua loa.  Cái thằng ma mãnh trong tôi liền hí hoáy chế ra ghi tặng bà một công thức mới gọi là món Cứt Mũi Xào.  Món này, nguyên liệu chính là gì thì các bạn đều biết rồi đấy, còn các gia vị thì tôi cóp-bi ở những bài khác trong cuốn sổ tay của bà chị.  Dĩ nhiên là cái món này không thể ăn được, và cái kết quả duy nhất của sáng tác này là tôi bị bà chị rượt bắt nhéo hai tai đau điếng.  Nhưng đấy chính là lần thứ nhất tôi ý thức được rằng muốn nấu ăn thì phải nêm nếm, trộn ướp, hấp, xào và biết bao điều lỉnh kỉnh khác.  Tuỳ món muốn nấu, có thể là cả một qui trình chi li phức tạp đấy các bạn ạ.  

Quay thời gian chạy nhanh qua biết bao nhiêu năm, ở đấy tôi chỉ toàn ăn chứ không hề nấu, cho đến ngày tôi đi học xa phải bắt đầu tự lo.  Nói tự lo thì cũng quá đáng vì tôi đã có bà Năm cơm tháng lo tất cả, chỉ thỉnh thoảng lắm cuối tuần muốn tự biên tự diễn thì mới đội mũ đầu bếp thôi.  Cũng như mọi cuộc tập sự trên đời, bắt đầu thì nên phải từ dễ đến khó.  Thế thì món đầu tay là... mì ăn liền.  Nấu miếng nước sôi, thả gói mì vào, thêm gói bột nêm, trộn đều, et voilà.  Lên một cấp nữa, ra chợ mua miếng thịt heo, luộc lên, xắt lát bỏ vào tô mì, thêm vài cọng hành ngò lên trên, nếu để con mắt điều tiết ở vô cực thì nhìn cũng chẳng thua gì Hải Ký Mì Gia.  Sẵn có thịt heo, tôi thử nghiệm làm món thịt kho trứng vịt mà tôi rất thích thời còn ở nhà.  Tôi nhớ mang máng hồi xưa quan sát mẹ thắng nước màu và bắt chước làm.  Mẻ thứ nhất của tôi đen thùi lui và đắng nghét.  Nhưng thất bại là mẹ thành công, mẻ thứ nhì của tôi chuẩn màu nâu cánh dán và thịt kho của tôi óng đẹp như tấm hình màu trong sách gia chánh nấu ăn.  Tôi mới chỉ nấu được có mỗi một món mà đã tự cho mình là đầu bếp có cỡ, nhất là khi so sánh với một người quen mà tôi gọi là chú Quang.  Chú này vợ đẻ năm một.  Cứ mỗi lần bà xã vào viện bảo sanh là mấy đứa con chú rầu rĩ than phiền ba ở nhà cho ăn cháo miết vì ba không nấu cơm được.

Thế nhưng cái tài gia chánh của tôi nó không tiến triển được vì cơm hàng cháo chợ  ngon thơm quanh tôi quá nhiều.  Những lần tôi vào bếp chỉ đếm được trên đầu ngón của một bàn tay.  Cho đến ngày cuộc đời dân miền nam hoàn toàn thay đổi sau biến cố tháng tư bảy mươi lăm và tôi chợt thấy mình hàng tuần phải chổng mông nhóm lửa nấu một nồi cơm khổng lồ cho tập thể sinh viên.  Lúc ấy bọn chúng tôi góp gạo nấu ăn chung với nhau trong khuôn viên trường đại học.  Nếu nấu một nồi cơm nhỏ cỡ một vài lon gạo không đến nỗi nào khó lắm thì nấu một nồi cho khoảng mười mấy hai mươi người ăn là cả một công trình khó nhọc vô song.  Nhất là phải nấu bằng củi khói mù mịt và khó nữa là làm sao canh lửa cho đúng để cơm khỏi khê hoặc sống. Tôi nhớ mãi những lần lui cui vừa thổi vừa quạt để gầy lửa, mắt cay xè, hai hàng lệ tuôn trào vì khói trong khi các thanh củi cứ trơ trơ không chịu bén lửa.  Và rồi đến khi cơm cạn thì phải vội vàng bớt lửa phía dưới, gắp những thanh củi hừng đỏ bỏ lên trên nắp nồi để cơm được chín đều.  Buổi nấu cơm nào cũng thường đầy xì-trét và lẫn lộn tiếng văng tục chửi thề.  Hôm nào nấu được một nồi thành công, nghĩa là không khê, không sống, không nhão, là có thể vỗ ngực tự hào đấy.

Nấu cơm chỉ thay phiên nhau mỗi tuần một lần nhưng món ăn thì chúng tôi phải nấu hàng ngày.  Nhóm bạn chúng tôi hùn tiền để đi chợ chung.  Mỗi người góp vào một tí thì cũng đủ để mua một ít cá tôm, một ít rau củ, đem về nấu thành một món gì đấy mà chỉ với tiền của một người thì không thể nào sắm được. Tôi nặn óc xem phải mua những gì đủ cho bốn năm thằng ăn bằng cái ngân khoản nhỏ nhoi.  Chúng tôi bỏ qua những hàng thịt bò phi lê, những sạp tôm càng, những quầy gà vịt để đi tìm những thức ăn trong tầm tay với hơn.  Những món trong tầm tay với là những quả cà dái dê, mua về nướng trên bếp củi, cạo vỏ cháy đen, dầm vào dĩa nước mắm tỏi ớt.  Là  những con cá nhỏ xíu xiu nấu xong tan mất tiêu khó còn tìm được nữa trong nồi canh chua toàn rau với giá.  Là những miếng bí đỏ xắt vuông um mặn với hành và tắp mỡ.  Là những món ăn nhà nghèo tôi điều chế lại từ những món ăn tôi thích ngày xưa, cắt bớt phần chất đạm, tăng thêm phần rau ráng, thêm nước, thêm bột ngọt, mắm muối mặn nhiều lên để ăn cho đỡ hao.  Thế mà các bạn tôi khen lấy khen để.  Tôi hỉnh mũi nhận danh hiệu đầu bếp lẫy lừng.  

Thế rồi tôi lập gia đình.  Thời buổi khó khăn, hai vợ chồng chúng tôi đầu tắt mặt tối, làm việc chính là công nhân viên, việc phụ ngoài giờ cái gì làm được cũng làm tuốt mới tạm đủ ăn.  Chúng tôi thay phiên nhau nấu ăn mỗi ngày.  Vợ tôi nấu ăn rất ngon.  Vì thế tôi lại càng phải trau giồi kỹ thuật và phát huy sáng kiến để không bị lu mờ trước mắt các con.  Bữa nay ba nấu dở ẹc là câu không thể nghe được.  Và, thỉnh thoảng, câu khen món này ba nấu ngon hơn mẹ là phần thưởng tối hậu sau những lần lụp cụp trong nhà bếp nóng nực.  Tôi đọc sách nấu ăn bà Triệu Thị Chơi.  Phải nói là các món của bà nghe hấp dẫn thật, nhưng mà bị lạc thời mất rồi.  Giỡn hoài bà, thời củi quế gạo châu mà bà đòi phải có nấm đông cô, tôm hùm, cua lột, bào ngư.  Tôi trở thành chuyên gia cải biên món ăn.  Nấm à, chẳng cần đâu, bỏ củ cải vào.  Tôm hùm ư, có đùa không đấy, đầu tôm càng bán tiêu chuẩn công nhân viên cũng ngọt và đỏ gạch không thua gì.  Ở đây tôi  xin mở ngoặc một tí cho các bạn nào không rành thời ấy là đầu tôm càng đây là phần còn dư của con tôm đã được xuất khẩu ra nước ngoài, được phân bán cho công nhân viên với giá rẻ.  Dân chúng hí hửng có được mớ đầu tôm nhưng vẫn xót xa đố mày biết con gì dài nhất, đấy là con tôm đầu ở Việt Nam nhưng mình ở tận Liên Xô.  Nhưng cho dù có nguyên liệu cao cấp hay không, tôi nghiệm ra rằng nếu biết căn bản nấu nướng - cái này phải học của vợ - biết nêm nếm cho vừa miệng và trình bày cho đẹp mắt là có được món ăn khá hấp dẫn ngay.  Tôi có ông bạn hàng xóm chiên trứng omelette rất nghề, khi chín một mặt là phải lắc tay hất cái chảo cho miếng trứng lật lại chín đều mặt kia thật đẹp luôn.  Ông ta truyền nghề cho cô con gái trước mặt tôi khiến tôi phải về thực tập cho khỏi cảm thấy thua sút, lần đầu tiên chỉ sợ miếng trứng dính luôn trên trần nhà.

Sau này qua tới Mỹ tôi cũng còn duy trì cái kiểu nấu ăn cải biên ấy.  Ở đây nguyên liệu dẫy đầy và tiền bạc không còn eo hẹp muốn gì cũng có nhưng tôi vẫn thích sửa đổi các công thức món ăn tây tàu tìm được trên internet theo ý của mình.  Nãy giờ quý vị nghe tôi kể lể dài dòng vậy nhưng xin đừng vội đi đến kết luận.  Thật ra thì tôi chỉ nấu bếp được lúc nào có hứng.  Nếu không hứng thì ăn cơm bà xã nấu, có nghĩa là gần như mỗi ngày trong tuần đấy, ha ha.  Thỉnh thoảng hứng chí, tôi đẩy vợ ra khỏi giang sơn bếp và bày biện dao thớt, nồi niêu xong chảo khắp nơi, thố thịt bên này thố rau bên kia, vợ bảo sao mà bày bừa quá mức, tôi bảo executive chef nó làm việc như thế, vợ cười khì bỏ lên nhà xem ti-vi để tôi múa gậy vườn hoang.  Nhưng mà thích thú lắm, tôi hay vừa nấu ăn vừa tham khảo các bí quyết trên ipad, vừa lẩm bẩm phê bình kỹ thuật nấu nướng của thiên hạ trên khắp thế giới, thậm chí con tôi nó biết bèn tặng cho một cái giá để dựng ipad trên quầy bếp và một cây stylus để tôi khỏi trét thịt mỡ vào màn hình.

Viết lách nãy giờ hơi nhiều đâm đói bụng, nhưng mà cái hứng nấu ăn lúc này thì chưa phất được.  Thôi thì trở lại bước đầu tiên chập chững vào nghề.  Nấu miếng nước sôi, thả gói mì vào, thêm gói bột nêm, trộn đều, et voilà… Nấu ăn cũng chẳng khó gì đâu các bạn.


DND

11-22-14

Friday, January 29, 2016

MỘT TRONG NHỮNG NGÀY ĐÓ


MỘT TRONG NHỮNG NGÀY ĐÓ
Uno de estos dias
Gabriel Garcia Marquez


Buổi sáng Thứ Hai trời ấm và không mưa. Ông Ét-cô-Va, một nha sĩ không bằng cấp, và một người dậy rất sớm, mở cửa phòng làm việc lúc sáu giờ. Ông lấy vài cái răng giả còn gắn nguyên trên khuôn thạch cao ra khỏi tủ kính, đặt trên bàn một nắm dụng cụ rồi xếp chúng theo thứ tự từ lớn tới nhỏ giống như để triển lãm. Ông mặc áo sơ-mi sọc khuy cổ gài bằng một cây kim vàng và mặc quần dây đeo. Người ông thẳng thớm, xương xẩu, với một dáng vẻ hơi khác thường, giống như của những người điếc.

Sau khi sắp đặt xong mọi thứ trên bàn, ông kéo cái máy khoan lại gần chiếc ghế làm răng và ngồi xuống đánh bóng những cái răng giả. Ông làm việc đều đặn giống như chẳng để tâm đến chuyện đang làm, chân đạp máy khoan ngay cả lúc ông không cần đến. Đến tám giờ, ông ngừng tay một lát để nhìn trời qua khung cửa sổ, ngắm nghía hai con chim ó đang trầm ngâm phơi nắng trên mái nhà hàng xóm. Ông trở lại làm việc, bụng nghĩ trời sẽ mưa trước giờ ăn trưa. Giọng lanh lảnh đứa con trai mười một tuổi của ông làm gián đoạn sự tập trung:
- Ba!
- Cái gì?
- Ông Thị Trưởng hỏi Ba ông vào nhổ răng được không!
- Nói với ổng tao không có đây.
Ông đang đánh bóng một cái răng vàng. Ông dang tay cầm chiếc răng lên và nheo mắt quan sát. Đứa con trai lại hét lên từ căn phòng đợi bé xíu:
- Ổng nói Ba đang có ở đó vì ổng nghe tiếng Ba.
Người nha sĩ tiếp tục quan sát cái răng. Mãi đến sau khi đặt sản phẩm hoàn tất trên bàn ông mới thốt lên:
- Thế có phải đẹp hơn nhiều không!

Ông lại cho chiếc khoan chạy. Ông lấy những phần rời của một chiếc răng giả ra khỏi hộp cạc-tông nơi ông cất những thứ đang làm dang dở và bắt đầu đánh bóng phần vàng.
- Ba! - cậu con trai lại hét lên.
- Cái gì?
Vẻ mặt ông vẫn chưa thay đổi.
- Ổng nói nếu Ba không nhổ răng cho ông ấy, ổng sẽ bắn Ba.
Rất từ tốn, với một động tác thật trầm tĩnh, ông ngưng đạp máy khoan, đẩy nó ra xa chiếc ghế và kéo hộc bàn phía dưới ra. Trong đó là một khẩu súng lục.
- Ô kê, bảo lão ấy vào đây mà bắn tao.

Ông quay chiếc ghế đối diện cánh cửa, tay đặt trên mép hộc kéo. Lão Thị Trưởng bước vào cửa. Lão đã cạo hàm râu phía bên trái, nhưng phía bên kia sưng vù và đau đớn, râu mọc lởm chởm năm ngày chưa cạo. Người nha sĩ cảm được nhiều đêm dài tuyệt vọng trong cặp mắt đục mờ của lão ấy. Ông đóng ngăn kéo lại bằng đầu ngón tay và nói:
- Ngồi xuống đi.
- Chào nha sĩ - Lão Thị Trưởng nói.
- Chào ông.
Trong lúc chờ các dụng cụ được đun sôi, lão Thị Trưởng dựa đầu vào lưng ghế và cảm thấy dễ chịu hơn lên. Hơi thở lão lạnh giá. Đây là một phòng mạch nghèo: một chiếc ghế gỗ, một máy khoan đạp chân, một tủ kính với những chai lọ bằng sành. Đối diện chiếc ghế là một cửa sổ treo màn vải tới ngang vai. Khi người nha sĩ lại gần, lão gồng hai chân và há miệng ra.

Ông Ét-cô-Va xoay đầu lão ra ánh sáng. Sau khi quan sát cái răng bị hư, ông khép quai hàm lão Thị Trưởng bằng những ngón tay thận trọng.
- Sẽ phải nhổ mà không chích thuốc tê - ông nói.
- Tại sao?
- Tại vì ông bị sưng mủ.
Lão Thị Trưởng nhìn thẳng vào mắt ông:
- Được thôi - lão nói, và gắng gượng một nụ cười.
Người nha sĩ không cười đáp lại. Ông đem khay đựng các dụng cụ đã khử trùng đến bàn làm việc và gắp chúng ra khỏi nước nóng bằng một cây nhíp lạnh, vẫn rất từ tốn. Ông ta làm việc mà không nhìn đến lão Thị Trưởng, nhưng lão ấy thì không hề rời mắt khỏi ông.

Đấy là một cái răng khôn ở hàm dưới. Người nha sĩ dạng chân và kẹp vào răng bằng cây kìm nóng. Lão Thị Trưởng nắm chặt hai tay ghế, gồng hai chân với tất cả sức lực của mình. Lão cảm thấy lạnh buốt trong hai quả cật nhưng không kêu một tiếng nào. Người nha sĩ vặn hai cổ tay. Không thù ghét, đúng hơn là với một chút cay đắng, ông lẩm bẩm:
- Giờ là trả nợ cho hai mươi người đã chết.
Lão Thị Trưởng cảm được tiếng xương vặn rệu rạo trong hàm và lệ tuôn trào đầy hai mắt. Lão nín thở cho đến khi chiếc răng được nhổ ra. Thế rồi lão nhìn thấy nó xuyên qua màn nước mắt. Trông nó thật xa lạ với cái đau đớn của lão, đến độ lão không thể nào hiểu được năm đêm tra tấn vừa qua.

Gập người trên chậu súc miệng, người vã mồ hôi, hơi thở dồn dập, lão cài nút áo và móc chiếc khăn mu-soa từ túi quần. Người nha sĩ đưa cho lão một cái khăn sạch.
- Này chùi nước mắt đi.
Lão Thị Trưởng lau hai hàng lệ. Lão ta run rẩy cả người. Trong khi người nha sĩ rửa tay, lão nhìn lên trần nhà xiêu vẹo, giăng màng nhện đầy bụi cùng trứng nhện và vài côn trùng đã chết.  Người nha sĩ bước trở lại, vừa lau khô hai tay:
- Ông về nằm nghỉ và súc miệng bằng nước muối.
Lão Thị Trưởng đứng dậy, giã từ với một cái chào nhà binh lếu láo và bước ra cửa, bước chân duỗi dài, không màng cài khuy áo.
- Gởi biên lai đi - lão nói.
- Gởi cho ông hay cho thành phố?
Lão Thị Trưởng không thèm nhìn lại. Lão đóng cánh cửa và nói xuyên qua màn lưới:
- Cho cái con mẹ nào thì cũng chỉ là một mà thôi.


(dịch từ bản tiếng Anh)
DND










NGƯỜI BỘ HÀNH


NGƯỜI BỘ HÀNH
The Pedestrian - 1951
Ray Bradbury

Khoảng đầu thập niên 1950, nước Mỹ đã có đã có nhiều tiến triển lớn với những phát minh như vô tuyến truyền hình, máy điện toán và sự tự động hoá.  Cùng với những tiến triển ấy, người ta trở nên lệ thuộc vào máy móc đến độ bỏ đi những sinh hoạt thường nhật giữa con người với nhau.  Thế thì cũng nên suy nghĩ lại xem đây có thực là tiến bộ hay thoái lui.  Trong chuyện Người Bộ Hành, tác giả Ray Bradbury, qua những nhân vật và hình ảnh giả tưởng trong tương lai, đã muốn nói rằng khi nhân loại tiến đến mức mà xã hội không còn nhân tính nữa thì nhân loại cũng có thể xem như không còn tồn tại.  Đề tài quen thuộc của tác giả này là cái đề tài muôn thuở mà chúng ta vẫn còn thấy trong nhiều phim khoa học giả tưởng ngày nay.
                                                                                  
*****

Ông Lễ Mịch thích nhất là bước ra khoảng không gian im lìm của thành phố vào lúc tám giờ buổi tối mù sương tháng Mười Một, đặt chân lên vỉa hè bê tông gập ghềnh, lướt qua những khe nối mọc đầy cỏ và dấn mình vào cái tĩnh lặng, hai tay thọc sâu vào túi.  Ông đứng ở một góc ngã tư đường và nhìn về bốn hướng dọc theo những lề đường có ánh trăng soi để quyết định sẽ đi lối nào.  Nhưng rồi đi hướng nào cũng thế thôi.  Ông chỉ còn một mình trong cái thế giới năm 2053 này, hoặc gần như chỉ là một mình, và một khi đã chọn được hướng đi rồi, ông sẽ bước mau, thở ra những làn hơi nước lạnh giá về phía trước như phun khói xì gà.

Đôi khi, ông sẽ đi hằng nhiều tiếng đồng hồ và nhiều cây số ngàn để chỉ trở về nhà lúc nửa đêm. Và trên đường đi ông sẽ thấy nhà nhà phố phố đóng cửa tối đen, chẳng khác nào đang băng qua một nghĩa địa nơi những đốm sáng yếu ớt hiện ra sau khung cửa sổ như ánh lập loè của những con đom đóm.  Ông Lễ Mịch ngừng lại, nghiêng đầu nghe ngóng, nhìn quanh và tiếp tục tiến bước, chân lướt im lặng trên lối đi gồ ghề.  Từ lâu rồi, ông đã khôn ngoan đổi ra mang giầy thể thao khi đi dạo ban đêm, bởi vì lũ chó sẽ hùa nhau sủa lên từng chập trong suốt buổi đi nếu ông mang giày gót cứng, và ánh đèn sẽ mở lên, và các khuôn mặt sẽ xuất hiện, và cả con đường sẽ thảng thốt khi thấy một bóng người cô độc, chính là ông, bước đi trong giờ chập tối tháng Mười Một.


Vào buổi tối ấy, ông bắt đầu đi về hướng tây, ra phía biển.  Không khí sắc lạnh cắt vào mũi và làm buồng phổi hừng nóng như cây thông Giáng Sinh bên trong nhà; người ta có thể cảm thấy được các bóng đèn lạnh tanh chớp nháy và các cành cây phủ đầy một lớp tuyết vô hình.  Ông hài lòng lắng nghe tiếng giày của mình nhẹ dẵm lên những chiếc lá mùa thu, miệng huýt một điệu sáo qua kẽ răng, thỉnh thoảng lượm lên một chiếc lá khô để ngắm nghía các đường gân dưới ánh sáng không đều của những ngọn đèn đường và hít ngửi mùi hăng mốc của nó.
- Này, bên trong nhà kia! - ông thì thầm với mỗi căn nhà ông đi ngang - Tối nay TV chiếu gì trên Đài số 4, Đài số 7, Đài số 9?  Mấy chú cao bồi chạy đi đâu thế kia, và khi nào thì tôi thấy được đoàn quân Kỵ Binh vượt đồi đến cứu viện?

Con đường yên lặng, dài và vắng, chỉ có cái bóng của ông di chuyển như bóng chim diều hâu giữa cánh đồng quê.  Nếu ông nhắm mắt và đứng thật yên, bất động, ông có thể tưởng tượng mình đang đứng giữa một cánh đồng lạnh lẽo, lặng gió của sa mạc Arizona, chẳng có đến một ngôi nhà nào trong vòng một ngàn cây số, chỉ có những giòng sông khô cạn, là những con đường, để làm bạn.
- Mấy giờ rồi? - ông hỏi các căn nhà, mắt liếc đồng hồ đeo tay - Tám giờ rưỡi tối?  Đã đến giờ cho một tá các vụ giết người đủ kiểu?  Một buổi thi đố?  Một bài phê bình?  Một anh hề ngã trên sân khấu?

Phải chăng vừa có một giọng cười nho nhỏ trong ngôi nhà sáng trăng?  Ông do dự nhưng rồi tiếp tục bước khi không có gì hơn nữa xảy ra.  Ông vấp chân trên một chỗ vỉa hè lồi lõm.  Lớp xi măng gần như đã biến mất dưới hoa và cỏ.  Trong hàng chục năm đi bách bộ ban ngày hay ban đêm, đã bao ngàn cây số, ông chưa bao giờ gặp người nào khác cùng đi, chả có được đến một người trong bấy lâu nay.

Ông bước đến một ngã đường giao nhau hình hoa thị lặng yên nơi hai xa lộ chính chạy băng qua thành phố.  Ban ngày ở đấy xe chạy ồn như sấm động, tựa bầy côn trùng xào xáo tranh dành chỗ nhau, mùi hôi của khói phảng phất qua ống thoát hơi của những chiếc xe bon chạy về nhà ở hướng xa xăm nào đó.  Nhưng bây giờ, những con xa lộ này cũng giống như những con suối mùa khô cạn, trơ đầy những đá cuội phản chiếu ánh trăng đêm. 

Ông quay trở lại trên một con đường phụ, đánh vòng về phía nhà mình.  Chỉ còn một ngã tư đường trước khi đến nơi, chợt một chiếc xe đơn độc quẹo gắt ở góc đường và chiếu một tia đèn cực sáng vào người ông.  Ông đứng trân người ra, chẳng khác nào con mối bị loé đèn và rồi bị thu hút về vùng ánh sáng.
Một giọng nói sắt thép dõng dạc:
- Đứng yên!  Đứng yên đó!  Không được đi!
Ông dừng lại.
- Đưa hai tay lên!
- Nhưng...- ông phân trần.
- Đưa tay lên, không chúng tôi sẽ bắn!

Cảnh sát, dĩ nhiên rồi, nhưng mà thật là một điều hiếm hoi khó tin.  Trong thành phố ba triệu người này chỉ còn có một chiếc xe cảnh sát thôi, không đúng à?  Từ năm ngoái, 2052, năm bầu cử, lực lượng cảnh sát đã bị cắt từ ba chiếc xe xuống một.  Tội phạm đã giảm nhiều, không cần đến cảnh sát nữa, ngoại trừ chiếc xe đơn độc này chạy lang thang trên những con đường trống vắng.
- Ông tên gì? - Chiếc xe hỏi với một giọng kim khí.  Ông không thể nhìn thấy những người bên trong xe vì đèn choá mắt.
- Lễ Mịch - ông nói.
- Nói to lên!
- Lễ Mịch!
- Nghề nghiệp?
- Có thể gọi tôi là nhà văn.
- Vô nghề nghiệp - Chiếc xe nói tựa như đang nói chuyện với chính nó.  Ánh đèn giữ cứng ông một chỗ, như ghim một mẫu trưng bày trong bảo tàng viện với cây kim đâm xuyên qua ngực.
- Có thể cho là như vậy đi - ông nói.

Ông đã ngừng viết từ nhiều năm qua.  Tạp chí và sách không còn bán được nữa.  Mọi chuyện dường như đều xảy ra về đêm bên trong những căn nhà kín bưng như ngôi mộ.   Ông bắt đầu tưởng tượng ra những ngôi nhà mồ thắp sáng yếu ớt bằng màn hình TV, ở đấy người ta ngồi như thây ma để cái  ánh sáng xám xịt hoặc màu mè thấm sâu vào mặt, nhưng có thật làm họ rung cảm được chăng?
- Vô nghề nghiệp - giọng nói như máy hát rít lên - Thế ông làm gì ngoài đường?
- Tôi đi dạo.
- Đi dạo!
- Chỉ đi dạo thôi - ông nói ngắn gọn, nhưng mặt ông cảm thấy lạnh.
- Đi dạo, chỉ đi dạo thôi, đi dạo à?
- Vâng, đúng thế.
- Đi dạo ở đâu?  Để làm chi?
- Đi dạo để lấy không khí mát.  Đi để ngắm nhìn.
- Địa chỉ ông ở đâu?
- Số 11 đường Thánh Doan.
- Trong nhà ông đã có không khí rồi còn lấy gì nữa?  Mà ông có máy điều hoà chứ, ông Mịch?
- Có.
- Và ông có màn truyền hình để xem chứ?
- Không.
- Không à? - Có một khoảng yên lặng với tiếng máy rọt rẹt như một lời kết án.
- Ông có gia đình không, ông Mịch?
- Không.
- Độc thân. - Giọng cảnh sát nói từ sau ánh đèn sáng rực.
- Không ai muốn tôi cả. - Ông Mịch nói với một nụ cười.
- Không được nói, trừ khi được hỏi.

Ông Lễ Mịch đứng chờ trong đêm lạnh.
- Thế ông chỉ đi dạo thôi à, ông Mịch?
- Đúng.
- Nhưng ông chưa giải thích để làm gì.
- Thì tôi đã giải thích là để hóng mát và để nhìn, và chỉ để đi bách bộ thôi.
- Ông hay làm chuyện này không?
- Đêm nào tôi cũng đi từ nhiều năm nay rồi.
Chiếc xe cảnh sát đậu giữa đường với tiếng radio kêu rè rè.
- Vậy à, ông Mịch - nó nói.
- Ông hỏi gì nữa không?
- Không. - Giọng nói ấy trả lời. - Bỗng một tiếng kêu đánh bụp và cửa sau xe cảnh sát mở ra. - Này, lên xe đi!
- Khoan đã, tôi có làm gì đâu!
- Bước lên ngay!
- Tôi phản đối!
- Lễ Mịch, nghe lời không?
Ông bước đi như một người bỗng dưng say rượu.  Khi đi ngang cửa trước của xe, ông ghé mắt nhìn vào.  Quả như ông đã đoán, chẳng có ai ở băng trước, chẳng có một người nào cả trong chiếc xe.
- Lên xe đi!

Ông đưa tay vịn cửa và nhìn vào băng ghế sau, trông giống như một phòng giam nhỏ, một nhà tù đen tối với song sắt.  Nó có mùi những con ri-vê bằng sắt, có mùi thuốc sát trùng mạnh, nó có mùi tẩy sạch quá mức, khô khốc và sắt thép.  Không có chút gì mềm mại ở phía sau đó.
- Phải chi ông có một người vợ để bà ấy cho ông một chứng cớ ngoại phạm (alibi) - giọng kim khí nói - nhưng không...
- Đưa tôi đi đâu đây?
Chiếc xe do dự, hay đúng hơn là đang bận phát ra những tiếng máy xoay lịch kịch, tuồng như là các dữ kiện từ đâu đó đang được nhập vào qua phiếu đục lỗ dưới những con mắt điện tử.
- Đến Viện Nghiên Cứu Tâm Thần về các Khuynh Hướng Thoái Lui.

Ông bước vào xe.  Cánh cửa đóng lại với một tiếng phụp êm nhẹ.  Chiếc xe chạy đi qua những đại lộ trong đêm, đèn chóa nhấp nháy về phía trước.  Một lát sau, họ chạy qua một căn nhà trên một con đường, một căn nhà trong nguyên cả một thành phố đầy những căn nhà tối tăm, nhưng căn nhà cá biệt này có tất cả các ngọn đèn điện bật sáng, mỗi cửa sổ là một vùng ánh sáng rực rỡ, vuông vức và ấm cúng trong cái tối tăm lạnh lẽo.
- Đấy là nhà của tôi! - Ông Mịch nói.
Không ai trả lời ông.

Chiếc xe chạy xuôi theo những con đường giống lòng sông khô cạn rồi mất hút, để lại những con lộ trống vắng và những vỉa hè trống vắng, và không một âm thanh, không một chuyển động trong khoảng thời gian còn lại của cái đêm lạnh giá tháng Mười Một ấy.


(dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
DND

ĐỒNG CỎ


ĐỒNG CỎ
The Veldt
Ray Bradbury


Ray Bradbury là một nhà văn khoa học giả tưởng nổi tiếng của Mỹ. Truyện của ông rất ly kỳ, hơi chút kinh dị. Câu chuyện sau đây được ông viết từ năm 1950, nhưng không vì thế mà bị lỗi thời do nơi cái đề tài muôn thuở nói về trẻ con trở nên điên rồ vì ham muốn và về những máy móc kỹ thuật vùng lên phản lại chủ của mình.

*****

- Anh Hoạt, em muốn anh xuống coi lại cái phòng giải trí của các con.
- Nó làm sao?
- Em không biết nữa.
- Nghĩa là sao?
- Em chỉ muốn anh kiểm tra lại, hoặc gọi bác sĩ tâm lý học đến coi lại nó.
- Bác sĩ tâm lý học đến coi cái phòng giải trí làm quái gì? - Hoạt hỏi.
- Anh biết thừa ổng sẽ làm gì. -  Linh, vợ chàng, dừng chân giữa nhà bếp nhìn cái lò tự động đang chạy rù rù chuẩn bị bữa ăn tối cho bốn người - Cái phòng giải trí bây giờ sao nó khác lắm.
- Được rồi, để anh xuống coi.
Họ đi dọc theo hành lang của căn nhà Đời Sống Vui hoàn toàn cách âm, mà họ đã tốn đến ba mươi ngàn đô la để xây dựng, căn nhà đã mặc quần áo cho họ, dọn từng bữa ăn, ru ngủ, chơi và hát, và đã thật là chu đáo với họ.  Một công tắc tự động ở đâu đó cảm nhận được sự tiến gần của hai người và bật đèn sáng lên khi họ còn cách khoảng chừng mười bộ.  Tương tự như thế, dọc hàng lang phía sau họ, đèn bật lên khi họ bước đến và tắt sau khi họ đi qua với một sự tự động êm ái.
- Rồi, để xem nào. - Hoạt nói.

Họ đứng trên sàn trải thảm của phòng giải trí.  Căn phòng bốn mươi bộ chiều dài, bốn mươi bộ chiều ngang và ba mươi bộ chiều cao.  Căn phòng này đã tốn kém bằng một nửa phí tổn của phần còn lại căn nhà.  "Ta không tiếc gì với các con của mình", Hoạt đã từng nói thế.  Căn phòng yên lặng.  Yên lặng như một khoảng trống trong rừng già giữa cơn nắng ngọ gay gắt.  Những bức tường vừa trước đó màu trắng và bằng phẳng hai chiều.  Bây giờ, khi Hoạt và Linh bước vào giữa phòng, chúng như bắt đầu rừ rừ lui vào một khoảng xa trong suốt, và một cánh đồng cỏ châu Phi, hình ba chiều, hiện lên ở cả bốn phía, với màu sắc rõ đến cả từng viên đá sỏi và những cọng rơm.  Trần nhà phía trên trở thành bầu trời sâu thẫm với một mặt trời vàng nóng bỏng.
Hoạt cảm thấy mồ hôi bắt đầu rịn ra trên hàng lông mày.
- Mình ra khỏi chỗ nắng này đi. - chàng nói - Cái này sao mà giống thực quá.  Nhưng mà anh đâu thấy gì bất ổn đâu.
- Khoan, anh chờ một tí sẽ thấy. - Linh bảo.
Bấy giờ, những bộ phận phát âm thanh và mùi vị, đặt giấu ở đâu, bắt đầu thổi một làn gió đầy hương vị đến hai người ở giữa cánh đồng nung cháy.  Mùi rơm nóng của cỏ sư tử, mùi xanh mát của một ao nước đâu đó, mùi khét nồng của lông súc vật, mùi bụi hăng cay như ớt trong không khí nóng.  Rồi đến những âm thanh, tiếng chân hươu chạy thùm thụp từ đồng cỏ phía xa, tiếng loạt xoạt như vò giấy của bầy kên kên.  Một bóng đen vụt ngang bầu trời, cái bóng chớp trên khuôn mặt ngước ngửa đẫm mồ hôi của Hoạt.
- Quân bẩn thỉu! - chàng nghe tiếng vợ nói.
- Lũ kên kên.
- Anh thấy không, có mấy con sư tử ở đằng kia kìa.  Bây giờ chúng đang đi đến ao nước.  Chúng mới vừa ăn xong. - nàng nói - Không biết ăn con gì.
- Chắc một con thú nào đó. - Hoạt đưa tay lên cặp mắt nheo, che ánh nắng nóng bỏng - Có thể là một con ngựa vằn hoặc một con hươu cao cổ con.
- Anh có chắc không? - giọng vợ chàng nghe căng thẳng một cách kỳ lạ.
- Không, trễ mất rồi, không biết chắc được. - chàng nói, hơi pha trò - Anh chẳng thấy gì ở đấy ngoài những khúc xương đã gặm sạch, và bây giờ lũ kên kên đang nhào tới vét những gì còn lại.
- Anh có nghe tiếng hét đó không? - nàng hỏi.
- Không, hồi nào?
- Khoảng chừng một phút trước?
- Xin lỗi, anh không nghe.

Những con sư tử đang bước lại gần.  Và, một lần nữa, Hoạt hết sức thán phục người kỹ sư tài ba đã thiết kế cái phòng này.  Một bộ máy hữu hiệu thần kỳ mà chỉ bán với một giá rẻ mạt.  Căn nhà nào cũng nên có một hệ thống như thế này.  Ồ, đôi lúc nó làm  ta sợ với mức độ chính xác vô cùng, nó làm ta  kinh ngạc, nó làm ta  giật mình, nhưng phần nhiều nó đem đến niềm vui cho tất cả mọi người, không chỉ cho con cái ta thôi, nhưng còn cho cả chính ta, mỗi khi ta chợt muốn đi du lịch cấp kỳ đến một vùng đất lạ, cần một thay đổi phong cảnh.  Thế đấy, nó hiện đại vô cùng!

Và, bây giờ là những con sư tử, chỉ cách có mười lăm bộ, trông rất thực, thực nóng bỏng và giật mình đến độ ta có thể cảm được những bộ lông gai gai của chúng trong lòng bàn tay, và miệng của ta ngộp đầy mùi bụi bặm của làn da thú nóng, và màu vàng của chúng tràn vào mắt ta như màu vàng của một tấm thảm pháp quốc tuyệt vời, màu vàng của sư tử, và màu vàng của cỏ mùa hạ, và âm thanh trầm nén của lồng phổi mãnh sư thở ra trong cái yên lặng buổi trưa, và mùi của thịt sống bốc ra từ những cái miệng hồng hộc chẩy dãi.

Những con sư tử đứng nhìn Hoạt và Linh với những cặp mắt xanh vàng khủng khiếp.
- Coi chừng! - Linh hét lên.
Những con sư tử chạy đến họ.  Linh vụt bỏ chạy.  Theo bản năng, Hoạt chạy theo sau nàng.  Ra ngoài hành lang, với cánh cửa đóng sầm phía sau, chàng phát cười và nàng bật khóc, và họ sững người kinh ngạc trước phản ứng của người kia.
- Anh Hoạt!
- Linh!  Ôi tội nghiệp em yêu!
- Chúng nó xém chộp được mình!
- Chỉ là bức tường, Linh à, em hãy nhớ, chúng chỉ là bức tường trong suốt mà thôi!  Ồ, anh phải công nhận là chúng rất giống thật.  Phi Châu ở ngay trong phòng khách của mình.  Nhưng chúng chỉ là phim màu ba chiều, thật linh động, thật bén nhậy, chiếu lên những vách kiếng.  Còn mùi và âm thanh chỉ do máy làm thôi.  Linh à, này khăn tay của anh đây.

- Em sợ. - nàng bước lại tựa vào người anh và tiếp tục khóc - Anh có thấy không? Anh có cảm được không?  Nó giống y như thực.
- Này, Linh à...
- Anh phải bảo con Hoan và thằng Phước đừng đọc truyện về châu Phi nữa.
- Dĩ nhiên, dĩ nhiên rồi. - chàng vỗ về Linh.
- Anh hứa nhe?
- Bảo đảm.
- Và khoá cái phòng này lại trong vài ngày để em yên cái đầu đã.
- Em biết khó làm vậy được với thằng Phước lắm.  Khi anh phạt nó hồi tháng trước, mới khoá cái phòng trong mấy tiếng đồng hồ mà nó nổi cơn hét um sùm.  Con Hoan cũng vậy.  Chúng nó chỉ sống vì cái phòng đó.
- Anh phải khoá nó lại thôi.  Không còn cách nào khác.
- Được rồi. - chàng miễn cưỡng khoá cánh cửa khổng lồ - Chắc em mệt quá đấy.  Cần nghỉ chút đi.
- Em không biết. - nàng xì mũi, ngồi xuống một chiếc ghế đu đong đưa nàng vào cơn êm dịu - Có thể là em rảnh rỗi quá.  Có thể là em dư thì giờ để suy nghĩ vớ vẩn.  Hay là ta tắt cái nhà này đi trong dăm ba ngày để đi nghỉ mát?
- Em muốn nói là em sẽ chiên trứng cho anh?
- Dạ. - nàng gật đầu.
- Và vá đôi tất cho anh?
- Dạ. - nàng hối hả gật đầu rươm rướm nước mắt.
- Và quét nhà nữa?
- Dạ, dạ vâng.  Ô đúng thế!
- Nhưng mà anh nghĩ mình mua cái nhà này để khỏi phải làm những chuyện đó?
- Đúng vậy!  Nhưng em thấy như không còn chỗ cho mình nữa.  Cái nhà này vừa là mẹ, vừa là vợ, vừa là người ở.  Làm sao em cạnh tranh được với cánh đồng cỏ Phi Châu?  Làm sao em có thể tắm rửa cho các con hữu hiệu và nhanh bằng máy tắm tự động?  Không, em không làm được.  Và, không phải chỉ mình em đâu.  Cả anh nữa.  Dạo này thấy anh cũng lo lắng làm sao ấy.
- Chắc là tại anh hút thuốc hơi nhiều.
- Giống như là anh không biết làm gì với chính mình ở trong cái nhà này nữa.  Mỗi sáng anh hút thuốc nhiều hơn, trưa thì uống rượu nhiều hơn, tối đến lại cần nhiều thuốc ngủ hơn.  Anh bắt đầu cảm thấy mình là thừa thãi rồi đó.
- Thực vậy hả? - chàng khựng người, cố kiểm lại nội tâm mình để xem cái thực chất bên trong như thế nào.
- Anh Hoạt! - nàng chợt thốt lên nhìn vào cánh cửa ở phía sau anh - Mấy con sư tử đâu có ra khỏi chỗ đó được phải không?
Chàng xoay lại nhìn cánh cửa và thấy nó rung lên như bị vật gì dộng vào từ phía bên trong.
- Dĩ nhiên là không thể nào - chàng nói.

Họ ăn bữa tối một mình vì Hoan và Phước đang đi xem một hội chợ đặc biệt phía bên kia thành phố và đã truyền hình về nhà rằng chúng sẽ về trễ, ở nhà cứ ăn trước đi.  Thế là Hoạt và Linh ngây người ngồi nhìn cái bàn ăn tạo ra những dĩa thức ăn nóng hổi từ những máy móc nằm bên trong.
- Mình quên sốt cà chua rồi. - chàng nói.
- Xin lỗi. - một giọng nói nhỏ vang ra từ trong cái máy và món sốt cà chua hiện ra.
Còn về cái phòng giải trí, Hoạt nghĩ, có khoá lại trong ít lâu chắc cũng không sao với lũ trẻ.  Cái gì mà ê hề thì cũng chẳng tốt đâu.  Và thực rõ ràng là lũ trẻ đã bỏ quá nhiều thì giờ cho Phi Châu rồi.  Cái mặt trời đó.  Chàng vẫn còn cảm thấy nó ở trên gáy, như một vết cào nóng bỏng.  Và mấy con sư tử.  Và mùi của máu.  Thật đáng phục là căn phòng  đã bắt được những ý tưởng của lũ trẻ qua thần giao cách cảm và tạo ra cảnh trí theo như chúng muốn.  Chúng nghĩ đến sư tử là có ngay sư tử.  Chúng nghĩ ngựa vằn là có ngay ngựa vằn.  Mặt trời - mặt trời.  Hươu cao cổ - hươu cao cổ.   Cái chết - và cái chết.

Cái ý nghĩ cuối cùng đó!  Chàng nhai mà không cảm thấy ngon miếng thịt cái bàn đã cắt ra cho chàng.  Ý nghĩ về cái chết.  Con Hoan và thằng Phước, chúng còn quá trẻ để nghĩ về cái chết.  Mà cũng không đúng, thực ra thì chưa chắc đã quá trẻ.  Rất là lâu trước khi ta biết được cái chết là gì, ta đã tìm cách gán nó vào người khác rồi.  Khi mới hai tuổi đầu, ta đã đem súng đồ chơi ra bắn thiên hạ.  Nhưng mà cái này khác - cánh đồng cỏ dài ngoằng nóng bức - cái chết thê thảm dưới hàm sư tử.  Và lại còn lập đi lập lại nhiều lần nữa.

- Anh đi đâu đó?
Chàng không trả lời Linh.  Đầu óc bận rộn, chàng rón rén theo những cái đèn bật sáng trước mặt rồi tắt đi sau lưng mình để đến trước cửa phòng giải trí.  Chàng áp tai vào cửa.  Từ xa, một tiếng sư tử gầm vọng về.  Chàng mở khoá và kéo cánh cửa ra.  Ngay trước khi bước vào trong, chàng nghe một tiếng hét ở đâu xa.  Và rồi một tiếng sư tử gầm nữa, tắt đi một cách nhanh chóng.   Chàng bước vào Phi Châu.  Biết bao nhiêu lần năm ngoái, chàng đã mở cánh cửa này và thấy Xứ Sở Thần Tiên, nàng Alice, chú rùa Mock, hoặc Aladin và Cây Đèn Thần, hoặc Jack Pumpkinhead trong xứ Oz, hoặc bác sĩ Doolittle, hoặc con bò nhảy qua mặt trăng đang lên, tất cả những cảnh trí sắp xếp tuyệt diệu của một thế giới giả bộ như thực.  Đã bao lần chàng thấy chú ngựa Pegasus bay qua trời trên trần nhà, hoặc nhìn thấy những suối phun lửa đỏ, hoặc nghe những tiếng hát thiên thần.  Nhưng bây giờ là châu Phi vàng nóng, là cái lò nung này với sự giết chóc trong cơn nhiệt buổi trưa.  Có thể là Linh có lý.  Có thể là họ cần đi nghỉ ngơi, xa cái hoang tưởng đã ngày càng trở nên quá thực đối với những đứa trẻ mười tuổi.  Luyện trí óc mình với những bài thể dục hoang tưởng thì cũng chả sao, nhưng khi mà cái bộ óc năng hoạt non nớt ấy chỉ kết gắn vào độc một kiểu suy nghĩ thôi...?  Hình như là trong tháng vừa qua, chàng đã nghe tiếng sư tử gầm vọng về từ xa và ngửi được mùi nồng nặc của chúng bay ra đến tận phòng làm việc của mình.  Nhưng vì quá bận rộn chàng đã không để ý đến.

Hoạt đứng một mình giữa đồng cỏ Phi Châu.  Những con sư tử từ chỗ chúng đang ăn ngước lên nhìn chàng.  Khuyết điểm duy nhất của cái ảo ảnh này là cánh cửa phòng mở rộng qua đó chàng có thể nhìn thấy vợ mình đang ngồi ăn tối ở cuối hành lang tối tăm, trông như một bức tranh đóng khung.
- Cút đi! - chàng nói với lũ sư tử.
Chúng chẳng bỏ đi.
Chàng biết rõ cái nguyên tắc hoạt động của căn phòng này.  Chỉ việc phóng ra những ý nghĩ của mình.  Nghĩ gì là có nấy.
- Hãy cho tôi Aladin và cây đèn thần.- chàng dõng dạc.
Đồng cỏ vẫn còn nguyên.  Các con sư tử vẫn còn nguyên.
- Này phòng kia, ta muốn có Aladin. - chàng nói.
Không gì xảy ra cả.  Những con sư tử gầm gừ trong bộ lông cháy nắng.
- Aladin!
Chàng trở lại phòng ăn.
- Cái phòng hư rồi.  Nó chẳng nghe lịnh nữa.
- Hoặc là...
- Hoặc là sao?
- Hoặc là nó không đáp ứng được nữa.  Bởi vì lũ trẻ đã nghĩ về châu Phi, về sư tử, về giết chóc trong quá nhiều ngày qua nên nó bị mắc kẹt rồi.
- Có thể.
- Hoặc là thằng Phước đã điều chỉnh nó như vậy luôn rồi.
- Chỉnh nó?
- Có thể nó đã mở máy ra và sửa cái gì đó.
- Thằng Phước mà biết gì máy móc.
- Cứ mười đứa là nó đứng đầu.  Cái IQ nó cao lắm.
- Dù sao đi nữa...

- Thưa bố , thưa mẹ!
Hai vợ chồng Hoạt quay người lại.  Hoan và Phước đang bước vào cửa trước, má hồng như kẹo bạc hà đỏ, mắt sáng như những viên bi xanh, áo quần còn thoảng mùi khí ozone sau chuyến bay bằng trực thăng.
- Các con về đúng bữa ăn đấy.
- Tụi con no quá rồi, đầy kem dâu và bánh hot dogs. - chúng đồng thanh trả lời, tay nắm tay - Tụi con ngồi đây chơi thôi.
- Ừ đó, hãy kể cho bố nghe về cái phòng giải trí đi. - Hoạt nói.
Hai anh em chợp mắt nhìn chàng rồi chúng nhìn nhau.
- Cái phòng giải trí?
- Về châu Phi và tất cả mọi thứ khác. - Hoạt nói với một vui vẻ giả tạo.
- Con không hiểu. - Phước trả lời.
- Bố mẹ mới đi du lịch châu Phi về, với đầy đủ cần câu, chàng Tom Swift và những con sư tử điện.
- Làm gì có châu Phi trong phòng giải trí.- Phước nói cụt lủn.
- Này, Phước!  Đừng tưởng bố mẹ không biết.
Phước quay sang nói với Hoan:
- Anh chẳng nhớ châu Phi nào cả.  Em có nhớ không?
- Không.
- Chạy xuống coi xong về đây kể lại xem.
Hoan nghe lời đứng dậy.
- Hoan, trở lại đây ngay!  - Hoạt nói, nhưng cô bé đã chạy mất.  Các ngọn đèn trong nhà chạy theo cô như chùm đom đóm.  Quá trễ, chàng sực nhớ mình quên khoá cửa căn phòng sau lần kiểm tra vừa rồi.
- Hoan nó sẽ coi rồi kể lại cho bố biết.- Phước nói.
- Không cần nó kể.  Bố đã nhìn thấy rồi.
- Con chắc là bố lộn rồi đấy.
- Bố không lộn đâu.  Mình xuống coi đi!
Nhưng Hoan đã quay trở lại:
- Không phải châu Phi. - Cô thở dồn dập.
- Vậy thì chúng ta hãy xuống xem. - Hoạt nói, rồi mọi người cùng đi theo hành lang xuống mở cửa căn phòng.

Bên trong có một khu rừng màu xanh xinh xắn, một con sông thật đẹp, một quả núi tim tím, vang tiếng hát cao vút, và cô gái rừng già Rima, bí ẩn và tuyệt vời, nấp mình trong rặng cây, có bầy bướm rực rỡ bay lượn quanh mái tóc cô như một bó hoa linh động.  Cánh đồng cỏ Phi Châu đã biến mất.  Những con sư tử đã biến mất.  Chỉ còn Rima ở đây, hát vang một bài hát thật hay đến độ làm rướm nước mắt.  Hoạt nhìn sâu vào cái phong cảnh đã đổi thay:
- Đi ngủ đi! - Chàng bảo các con.
Miệng chúng há hốc ra.
- Tụi con nghe bố nói chưa. - Chàng bảo.
Chúng đi đến cái tủ hơi, ở đấy một luồng gió hút chúng như lá khô vào cái ống đưa thẳng đến phòng ngủ.
Hoạt băng qua khoảng trống vang vọng tiếng hát trong rừng và lượm một vật gì ở trong góc, gần chỗ có mấy con sư tử lúc trước.  Chàng bước từ từ về phía vợ.
- Cái gì thế? - nàng hỏi.
- Một cái bóp cũ của anh.
Chàng đưa cho vợ xem.  Nó có mùi cỏ nóng và mùi sư tử.  Có vài đốm nước bọt nhễu bên trên.  Cái bóp đã bị gặm và có bết những vệt máu ở cả hai mặt.
Chàng đóng cửa căn phòng giải trí và khoá lại.  Thật kỹ.

Đến nửa đêm Hoạt vẫn còn thức và chàng biết vợ mình cũng đang còn thức. Cuối cùng, nàng nói trong căn phòng tối đen:
- Anh có nghĩ rằng con Hoan nó đổi lại không?
- Dĩ nhiên rồi.
- Nó đổi đồng cỏ thành khu rừng rồi bỏ cô gái Rima vào đó thay chỗ mấy con sư tử.
- Đúng vậy.
- Tại sao?
- Anh không biết.  Nhưng căn phòng sẽ bị khoá cho đến khi anh tìm ra lẽ.
- Tại sao cái bóp của anh lọt vào đó?
- Anh không biết gì hết - chàng nói - ngoại trừ việc anh bắt đầu hối tiếc mình đã mua cái phòng này cho các con.  Nếu chúng có bị bệnh thần kinh, một căn phòng như thế...
- Lẽ ra là để giúp chúng bớt căng thẳng thần kinh một cách lành mạnh.
- Anh không biết nữa. - chàng nhìn chăm chú lên trần nhà.
- Mình đã cho các con tất cả những gì chúng muốn.  Bộ đây là cái phần thưởng bí mật sao, sự không vâng lời?
- Ai đó đã nói "trẻ con là những tấm thảm, lâu lâu phải dẵm lên chúng".  Mình chưa bao giờ la con.  Phải công nhận là chúng nó hư hỏng thật.  Muốn đi lúc nào thì đi, về lúc nào thì về.  Coi mình như con cái tụi nó.  Chúng nó được nuông chiều quá hoá hư, mình cũng hư luôn.
- Chúng nó bắt đầu kỳ cục từ khi anh cấm không cho tụi nó bay hoả tiễn đi Nữu Ước khoảng vài tháng trước.
- Anh đã giải thích rằng chúng còn quá nhỏ để bay một mình.
- Dù sao đi nữa, em thấy chúng bắt đầu lạnh lẽo với mình kể từ hồi đó.
- Anh nghĩ rằng anh phải mời ông Mạc Linh sáng mai đến xem lại cái Phi Châu.
- Nhưng mà nó hết là Phi Châu rồi.  Nó là sứ sở của Những Toà Nhà Xanh và nàng Rima.
- Anh có linh cảm rằng nó sẽ biến lại thành Phi Châu trước khi ông ta đến.
Một lát sau, họ nghe tiếng hét.  Hai tiếng hét.  Tiếng hai người hét từ phía dưới lầu. Và rồi một tiếng gầm sư tử.
- Con Hoan và thằng Phước không có trong phòng tụi nó. - vợ chàng nói.
Chàng nằm trên giường nghe rõ tiếng tim mình đập:
- Không.  Chúng đã đột nhập vào phòng giải trí.
- Mấy tiếng hét đó nghe sao quen quá.
- Quen hả?
- Dạ, quen dễ sợ.
Và cho dù chiếc giường đã cố gắng hết sức, nó vẫn không thể nào ru hai người vào được giấc ngủ dù chỉ một giờ.  Mùi hôi sư tử lan toả trong không khí ban đêm.

- Bố này! - Phước gọi.
- Hả!
Phước nhìn xuống đôi giầy.  Nó không còn nhìn thẳng vào mặt cha mẹ nó nữa.
- Bố tính khoá cửa cái phòng giải trí luôn rồi sao?
- Cũng còn tuỳ.
- Tuỳ cái gì? - Phước gắt.
- Tuỳ vào con và em.  Nếu tụi con xen kẽ cái Phi Châu này với vài thứ khác, thí dụ như Thụy Điển hay Đan Mạch hay Trung Hoa.
- Con tưởng tụi con tự do muốn chơi sao cũng được.
- Được, nhưng có chừng mực thôi.
- Thế bố thấy Phi Châu có gì sai?
- À, bây giờ thì con chấp nhận đã tạo ra cái Phi Châu ấy?
- Con không muốn cái phòng giải trí bị khoá lại. - Phước lạnh lùng nói - Không bao giờ!
- Thực ra thì bố đang tính đóng cửa nguyên nhà trong chừng một tháng.  Sống thử một đời bình dị không lo lắng.
- Trời, nói gì mà ghê quá vậy!  Bộ con phải tự cột dây giầy thay vì để cái máy nó làm?  Con phải tự đánh răng, tự chải tóc, tự mặc quần áo hả?
- Con không nghĩ rằng thay đổi vậy sẽ thú hơn sao?
- Không, như vậy sẽ khiếp lắm!  Con chẳng thích tí nào khi bố lấy cái máy tô màu ra hồi tháng trước.
- Bởi vì bố muốn con phải tự tập tô màu lấy.
- Con không muốn làm gì khác ngoại trừ nghe và hửi thôi.  Có cần làm gì nữa đâu?
- Thôi được rồi, đi chơi Phi Châu đi.
- Bộ bố sắp đóng cửa cái nhà rồi sao?
- Bố đang tính đấy.
- Con nghĩ là bố tốt nhất không nên tính chuyện đó nữa.
- Này, đừng có hăm bố!
- Tốt thôi!  Phước quày quả bỏ đi xuống căn phòng giải trí.

- Tôi đến đúng giờ không? - Ông Mạc Linh hỏi.
- Ăn điểm tâm nhé? - Hoạt mời.
- Không, tôi đã ăn rồi.  Có vấn đề gì đây?
- Ông Mạc Linh à, ông là bác sĩ tâm lý học.
- Tôi cũng hy vọng là thế!
- Thế thì hãy xuống kiểm tra cái phòng giải trí của chúng tôi đi.  Ông đã xem nó cách một năm trước đây.  Hồi đó ông có thấy gì lạ kỳ không?
- Không chắc là tôi có thấy gì lạ.  Một ít bạo động thông thường, một ít khuynh hướng lo ngại đây đó, thường thấy ở trẻ con khi chúng cảm thấy hay bị cha mẹ ức hiếp, nhưng mà, không gì quan trọng mấy.
Họ đi về phía cuối hành lang.
- Tôi đã khoá căn phòng lại - người cha giải thích - nhưng lũ trẻ phá cửa vào ban đêm.  Tôi để yên cho chúng tạo lại cái cảnh tôi muốn ông nhìn thấy.
Một tiếng thét hãi hùng vang lên từ phòng giải trí.
- Đó đó! - Hoạt nói - Để ông xem nó ra làm sao.
Họ bước vào phòng, không báo trước cho lũ trẻ.
Các tiếng thét đã phai mất.  Bầy sư tử đang ăn.
- Các con đi ra ngoài một tí. - Hoạt bảo - Không, đừng đổi suy nghĩ trong đầu, để các bức tường yên như thế.  Đi đi!
Khi lũ trẻ đi khỏi, hai người đứng ngắm bầy sư tử ở phía xa, đang ăn ngon lành một thứ gì chúng đã bắt được.
- Phải chi tôi biết được chúng đang ăn cái gì. - Hoạt nói - Đôi lúc tôi gần như có thể nhìn thấy được.  Ông có nghĩ rằng nếu tôi đem ống dòm cực mạnh thì...
- Khó lắm! - Mạc Linh cười một cách khô khan.  Ông ta quay lại nghiên cứu bốn bức tường. - Cái này xảy ra bao lâu rồi?
- Khoảng chừng hơn một tháng.
- Chắc chắn là tôi không cảm được điều gì tốt lành cả.
- Tôi muốn sự kiện rõ ràng, chứ không phải linh cảm suôn thôi.
- Ông Hoạt này, các nhà tâm lý học không bao giờ nhìn thấy sự kiện trong đời cả.  Họ chỉ có linh cảm, những cái gì mơ hồ.  Cái này không tốt đâu, tôi nói cho ông nghe đấy.  Hãy tin vào linh cảm và bản năng của tôi.  Tôi luôn đánh mùi được những điều xấu. Cái này tệ lắm.  Tôi khuyên ông nên phá bỏ căn phòng quỉ sứ này đi và đem các con ông cho tôi chữa trị mỗi ngày trong nguyên năm tới.
- Tệ hại đến thế sao?
- Đúng thế!  Một trong những công dụng đầu tiên của loại phòng giải trí này là để cho chúng ta có thể nhìn thấy các hình ảnh phóng lên tường từ suy nghĩ của trẻ con, từ đó nghiên cứu chúng để rồi giúp cho đứa trẻ phát triển.  Tuy nhiên, trong trường hợp này, căn phòng đã trở thành một con kênh dẫn đến những tư tưởng phá hoại, thay vì loại trừ các tư tưởng ấy ra khỏi đầu óc chúng.
- Ông có linh cảm được điều này trước đây không?
- Tôi chỉ cảm được rằng ông cưng chiều các con quá mức.  Và bây giờ ông đã làm chúng cảm thấy bị bỏ bê bằng một cách nào đó.  Ông đã làm gì vậy!
- Tôi không cho phép chúng đi Nữu Ước.
- Gì nữa?
- Tôi đã lấy một vài cái máy ra khỏi nhà, và doạ chúng là sẽ đóng cửa căn phòng giải trí nếu chúng không chịu làm bài tập ở nhà.  Tôi có đóng cửa căn phòng trong vài ngày để chứng tỏ rằng tôi không nói giỡn.
- À há!
- Điều này có ảnh hưởng gì không?
- Đến đủ mọi chuyện!  Trước kia chúng có ông già Nô En, bây giờ chúng có phú hộ hà tiện.  Trẻ con luôn thích ông già Nô En.  Ông đã để căn phòng này và cái nhà này chiếm chỗ của ông và vợ ông trong tình yêu của lũ trẻ.  Căn phòng này đã là mẹ, là cha của chúng, nó quan trọng trong cuộc sống của chúng hơn cả cha mẹ thật. Và bây giờ ông xuất hiện và đòi đóng cửa nó.  Đương nhiên là có sự thù ghét ở đây.  Ông có thể cảm được nó toả xuống từ bầu trời.  Từ cái mặt trời kia.  Ông Hoạt, ông cần phải thay đổi cuộc sống.  Như quá nhiều người khác, ông đã xây cuộc sống chung quanh sự tiện nghi.  Này, ông có thể chết đói nếu cái bếp ông bị hư.  Ông có thể chẳng còn biết làm sao đập được quả trứng.  Bởi vậy, tắt hết tất cả đi.  Bắt đầu lại từ đầu.  Sẽ cần có thời gian.  Nhưng chúng ta sẽ tạo được những đứa trẻ tốt từ những đứa hư hỏng trong vòng một năm.  Hãy chờ và xem.
- Nhưng mà đóng cửa luôn căn phòng một cách đột ngột như vậy có thể tạo sốc lớn cho lũ trẻ.
- Tôi không muốn để chúng chìm sâu hơn vào chuyện này nữa.  Thế thôi!

Những con sư tử đã ăn xong bữa tiệc đỏ loét.  Chúng đứng bên bìa rừng nhìn hai người.
- Bây giờ chính tôi cảm thấy bị khủng bố đây. - Mạc Linh nói - Chúng ta hãy ra khỏi chỗ này đi.  Tôi chưa bao giờ thích mấy cái phòng quỉ sứ này.  Chúng làm tôi áy náy làm sao.
- Mấy con sư tử giống y như thật. - Hoạt nói - Tôi giả sử không có cách nào...
- Ông nói gì?
- Chúng có thể trở nên thật?
- Theo tôi biết thì không thể được.
- Lỡ máy bị hư, hay bị ai sửa cái gì đó?
- Không đâu.
Họ bước ra cửa.
- Tôi không nghĩ rằng cái phòng sẽ thích bị tắt đi. - Người cha nói.
- Không có gì muốn chết cả - ngay cả một căn phòng.
- Tôi không biết nó có ghét tôi vì tôi muốn tắt nó đi hay chăng?
- Ở đây có quá nhiều lo ngại ám ảnh. - Mạc Linh nói - Ta có thể ngửi được mùi lo đấy.  Ủa! - Ông ta cúi xuống lượm một cái khăn quàng dính đầy máu - Cái này của ông hả?
- Không! - Mặt Hoạt sững sờ - Cái khăn này của Linh.
Họ cùng đi đến cầu dao điện và đẩy cần công tắc tắt máy căn phòng.

Hai đứa trẻ như nổi cơn điên.  Chúng la hét, nhảy dựng và ném các vật dụng khắp nơi.  Chúng gào khóc, nguyền rủa và nhảy lên trên bàn ghế.
- Bố không thể làm vậy được với căn phòng.  Không thể được!
- Này, các con!
Chúng bổ nhào người trên ghế xa lông, khóc rưng rức.
- Anh Hoạt à! - Linh bảo - Anh bật căn phòng lại đi, một tí thôi.  Làm vậy đột ngột quá!
- Không!
- Anh không thể ác quá vậy!
- Linh à!  Nó tắt rồi, và sẽ tắt luôn.  Và cả cái nhà quỉ này cũng tắt luôn ngay bây giờ.  Càng nhìn cái mớ bòng bong này mà mình đã chui vào, anh lại càng thấy bịnh hoạn hơn.  Chúng ta chỉ biết nghĩ đến mình biết bấy bao lâu nay.  Trời ơi, chúng ta cần hít thở được một cái không khí thực thụ.
Và chàng bước khắp nhà tắt hết những cái đồng hồ biết nói, những cái lò, những cái máy sưởi, những cái máy đánh giầy, máy cột giây dầy, máy kỳ cọ thân thể, máy chùi, máy đấm bóp, và tất cả những cái máy khác mà chàng đụng tay vào được.

Căn nhà dường như đầy những xác chết.  Giống như một nghĩa địa của máy móc.  Thật yên lặng.  Không còn tiếng năng lượng ẩn khuất rân rang của những chiếc máy đang chờ được bấm nút.
- Đừng để họ làm chuyện đó! - Phước nhìn lên trần nhà rên rỉ, giống như nó đang nói chuyện với căn nhà, với căn phòng. - Đừng để bố tắt hết mọi thứ! - và nó quay sang người cha - Ô, tôi thù ông!
- Có nguyền rủa cũng chẳng đi đến đâu.
- Tôi ước gì ông chết cho rồi!
- Chúng ta chết đã từ lâu rồi.  Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc sống thực.  Thay vì để cho máy móc điều khiển và nhào nặn, chúng ta sẽ thực sự sống đây.
Con Hoan đang khóc và Phước cũng ùa vào khóc chung.
- Một chút nữa đi, một chút xíu nữa đi, mở phòng giải trí thêm một chút xíu nữa đi! - chúng rên rỉ.
- Ồ, anh Hoạt! - vợ chàng nói - Mở thêm một tí nữa chẳng sao đâu mà.
- Được rồi, được rồi, nếu chúng nó câm họng lại.  Một phút thôi nghe chưa, rồi sẽ tắt mãi mãi.
- Bố, bố, bố! - lũ trẻ đồng thanh hát, tươi cười với mặt còn đẫm nước mắt.
- Xong rồi chúng ta sẽ đi nghỉ hè.  Ông Mạc Linh sẽ đến trong khoảng nữa giờ nữa để giúp chúng ta thu xếp ra phi trường.  Anh đi thay quần áo đây.  Linh à, em bật cái phòng giải trí lên một phút thôi, nhớ nghe, một phút thôi!
Rồi ba mẹ con đi xuống phòng miệng nói huyên thiên trong khi Hoạt bước đến cái máy hút để được đưa lên lầu thay quần áo.  Một phút sau, Linh xuất hiện.
- Em sẽ rất mừng khi mình rời được chỗ này - nàng thở dài.
- Em để chúng ở trong phòng chơi hả?
- Em cũng cần thay quần áo nữa.  Ồ, cái Phi châu khủng khiếp ấy, có gì mà chúng thích thế!
- Thôi, năm phút nữa là chúng ta sẽ lên đường đi nghỉ hè.  Trời ơi, tại sao chúng ta có thể ở được trong cái nhà này?  Cái gì đã khiến chúng ta sắm cơn ác mộng này?
- Tự hào, dư tiền, ngu xuẩn.
- Anh nghĩ chúng ta nên xuống lầu trước khi lũ nhỏ lại bị bầy súc vật quỉ quái thu hút mất.
Vừa lúc ấy, họ nghe lũ trẻ kêu réo:
- Bố ơi, mẹ ơi, xuống đây nhanh đi, nhanh đi!
Họ tuột xuống nhà qua ống hơi và chạy đến căn phòng.  Không thấy lũ trẻ đâu cả.
- Hoan, Phước đâu?
Họ chạy vào trong căn phòng.  Đồng cỏ trống trơn ngoại trừ mấy con sư tử đang đứng chờ, mắt nhìn về phía họ.
- Hoan? Phước?
Cánh cửa phòng chợt đóng sầm lại phía sau.
- Hoan! Phước!
Hoạt và vợ quay lại, chạy ngược ra cửa.
- Mở cửa ra! - Hoạt la to, tay vặn nắm cửa - Trời!  Chúng nó khoá từ bên ngoài.  Phước! - chàng đập cửa - Mở ra!
Chàng nghe vang vang giọng Phước phía ngoài sát ngay cánh cửa.
- Đừng để họ tắt căn phòng và cái nhà! - nó nói.
Hai vợ chồng Hoạt đập vào cửa.
- Này các con, đừng đùa như thế!  Sắp đến giờ đi rồi.  Ông Mạc Linh sẽ tới trong vòng vài phút thôi và...
Và rồi họ nghe thấy những tiếng động.  Những con sư tử tiến gần từ ba phía, dẵm lên những cọng rơm khô trong đồng cỏ vàng với tiếng gầm gừ trong cổ họng.  Những con sư tử.  Hoạt nhìn vợ và cả hai cùng quay lại nhìn lũ sư tử đang lom khom từ từ tiến tới, đuôi chúng dương thẳng.  Hai vợ chồng Hoạt hét lên.  Và họ chợt hiểu ra rằng tại sao những tiếng hét kia nghe quen thuộc làm sao.

- Tôi đây! - ông Mạc Linh nói trước cửa căn phòng giải trí - Chào các cháu!
Ông nhìn hai đứa trẻ ngồi giữa cánh đồng đang ăn picnic.  Phía sau chúng là ao nước và cánh đồng cỏ vàng, chói chang dưới ánh mặt trời nóng bỏng.  Ông bắt đầu chảy mồ hôi:
- Cha mẹ các cháu đâu?
Lũ trẻ ngước lên và mỉm cười:
- Ồ, họ sẽ tới ngay bây giờ.
- Tốt, chúng ta phải đi ngay thôi!
Ở phía xa, Mạc Linh thấy bầy sư tử đang đánh nhau, cào cấu nhau, rồi êm lại để ăn một cách yên lặng dưới bóng cây rợp.  Ông nheo mắt nhìn lũ sư tử, hai tay che phía  trên mắt.  Bây giờ mấy con sư tử đã ăn xong.  Chúng tiến đến ao nước để giải khát.  Một cái bóng đen chớp qua trên khuôn mặt nóng hổi của Mạc Linh.  Nhiều cái bóng đen nữa chớp qua.  Lũ kên kên đang xà xuống từ bầu trời bốc lửa.

- Bác uống một ly trà nhé? - Con bé Hoan hỏi trong cái yên lặng…


(dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
DND