Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Sunday, March 16, 2025

 MỐI TÌNH ĐẦU

(Phỏng theo truyện ngắn Haruki Murakami. Một tình yêu đầu đời, mối tình học trò thật sâu đậm nhưng nhiều day dứt và đấu tranh nội tâm)


Tôi hết trung học vào đầu thập niên bẩy mươi. Thời điểm này rất quan trọng vì nó phần nào đánh dấu một mức độ trưởng thành trong tôi và các bạn đồng tuổi. Khoảng mười năm trước đó, thằng bé tôi đã nhìn các anh tốt nghiệp trung học và thấy họ sao mà người lớn thế. Thực vậy, thời những năm sáu mươi, với mảnh bằng trung học đã có thể ra kiếm việc làm khá tốt. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy tôi vẫn còn là trẻ con. Thế mà, tôi đã bắt đầu tự cho mình quyền đánh giá và quyết định rồi xông vào thám hiểm môi trường xung quanh. Cũng như ai, tôi tập tành những cuộc vui chơi, gạt qua các điều cấm đoán, say mê trong ánh đèn nhấp nháy và tiếng nhạc dập dồn của The Beatles, Christie,The Carpenters...
Và dĩ nhiên là phải nói đến lũ con gái. Về những liên hệ rối ren giữa bọn con trai chúng tôi, với cái dục tính mới toanh đang sôi sục, và bọn con gái mà lúc ấy, à, vẫn còn là con gái. Bọn con trai say mê ngắm nhìn con gái như xem một môn thể thao. Khăn quàng sặc sỡ, váy mini cũn cỡn, váy maxi xẻ tuốt lên cao… Ố là la… Buổi sáng, còn có những tên con trai rủ nhau ngồi bệt xuống lề con dốc dẫn lên cổng trường để ngắm các cô nàng váy ngắn chạy xe gắn máy ngang qua với hy vọng nhìn được màu quần lót. Và rồi, cũng phải nói về chữ trinh. Thời những năm ấy, chữ trinh có giá trị lớn nhiều hơn thời nay. Con gái hầu hết vẫn quý trọng cái gọi là trinh tiết, cho dù có hiểu được ý nghĩa của nó hay không. Chữ trinh đáng giá ngàn vàng, như trong thơ Kiều chăng? Ngoảnh nhìn lại, tôi nghĩ phần lớn con gái thế hệ tôi hồi đó hẳn đã phải có nhiều đấu tranh nội tâm về sinh lý mặc dù không nói ra. Bên ngoài đại đa số im lặng này, có những cô gái “đợt sóng mới” xem tình dục như trò chơi, và cũng có những cô tuyệt đối phải giữ trinh tiết cho đến khi lấy chồng. Tôi mập mờ biết có những nàng đời mới trong trường, nhất là các tiểu thơ con nhà giàu ở nội trú, nhưng biết để mà biết vậy thôi, chứ phải nói là e sợ không dám làm quen. Bọn con trai phần lớn vẫn nghĩ rằng người con gái mà sau này chúng cưới làm vợ sẽ phải còn trinh trắng. Con người và tiêu chuẩn đạo đức thay đổi. Điều này đúng; thời những năm bẩy mươi khác hẳn thời nay. Có điều các giá trị người ta tin vào chưa chắc đã là tuyệt đối. Ngay cả ông Nguyễn Du, mãi từ thế kỷ mười tám, đã có một cái nhìn vượt thời gian khi cho Kim Trọng phân biệt cái trinh-sinh lý và trinh-tâm hồn để xin Thuý Kiều tái hôn.
Xưa nay trong đạo đàn bà
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường...
Tôi xin kể lại câu chuyện của một anh chàng học chung năm cuối trung học với tôi ở Đà Lạt. Anh ta là một thanh niên lắm tài. Học giỏi, thể lực cao, ân cần, chu đáo, có khả năng lãnh đạo. Anh không cực kỳ đẹp trai, nhưng dáng người bảnh bao gọn ghẽ, lại còn hát hay và chơi đàn guitar có cỡ. Anh rất được lũ con gái để ý. Mỗi khi anh lên bảng hoặc đứng dậy phát biểu trong lớp, chúng nó ngắm anh thán phục. Nếu có bài học nào không hiểu được, chúng sẽ mang đến nhờ anh giảng giải. So với những đứa con trai khác, anh ta phải được mến chuộng hơn đến bội phần.
Trong bất kỳ tập thể nào cũng có một kiểu người như thế. Dĩ nhiên là tôi chẳng thích kiểu ấy lắm. Có lẽ tôi thích một người nào có nhiều khuyết điểm hơn, một người nào ít nổi bật hơn. Cho nên suốt một năm học chung, anh và tôi ít khi nào nói chuyện với nhau.
Nhưng tôi nhớ là anh ấy có cô bạn gái. Cô này học ở lớp khác và là một nữ sinh đẹp trong trường. Cô học rất giỏi, cũng là vận động viên và có tài lãnh đạo như anh. Họ thật xứng với nhau, Chàng và Nàng Sạch Sẽ, giống như trong quảng cáo kem đánh răng.
Hai cô cậu này rất khắn khít. Mỗi buổi ăn trưa, họ ngồi nói chuyện riêng ở góc sân trường. Tan học, họ cùng cỡi xe về nhà, chàng chiếc Honda màu đỏ và nàng chiếc Yamaha màu xanh, chạy sóng đôi xuống con dốc thoải dài ra phố. Chàng ở trong đội bóng tròn và nàng trong đội vũ cầu. Khi những sinh hoạt của họ không kết thúc cùng lúc, người nào xong trước sẽ vào thư viện học bài và ngồi chờ. Trong trường ai cũng biết đến cặp này, nên rồi họ thành như thời tiết, một sự kiện tự nhiên. Một cặp nam nữ con nhà gia giáo, hiền lành, đứng đắn, Chàng và Nàng Sạch Sẽ ấy mà. Không ai chọc ghẹo, phá rối họ và riết rồi cũng không để ý đến họ. Chúng tôi dành thì giờ để nói những chuyện hấp dẫn hơn nhiều, như nhạc rock và phim hay đang chiếu ngoài rạp, tiểu thuyết trinh thám hoặc trữ tình của những tác giả nổi tiếng, rồi thời trang và cả tình dục, những chuyện đại loại như thế, nhất là những chuyện tình dục.
Đây là câu chuyện của họ. Không phải một câu chuyện hạnh phúc hoặc có ít nào giá trị luân lý. Nhưng điều đó không quan trọng: đây là câu chuyện của họ nhưng cũng là chuyện của thế hệ chúng tôi. Tôi nghĩ đó là câu chuyện của văn hoá một thời, với những tình tiết day dứt mà tôi thu góp và trình lại ở đây, như kể về một truyền thuyết.

Anh ấy và tôi gặp lại nhau ở Vũng Tàu. Tôi là kỹ sư ra giám sát một công trình đang xây dựng và anh là bác sĩ ra dự hội nghị y tế tổ chức tại thành phố ven biển này. Thật tình cờ, chúng tôi ngụ cùng khách sạn ở bãi Ô Quắn. Buổi tối, chúng tôi đi ăn tại một nhà hàng Tây nằm trên sườn núi có tầm nhìn đẹp ra biển. Thoạt đầu câu chuyện chỉ vòng vo về việc làm, du lịch, câu cá. Thế rồi, không biết đưa đẩy làm sao mà khi người hầu bàn mang chai rượu thứ nhì đến, anh đã bắt đầu kể về mình. Tôi đoán rằng từ lâu chắc anh cũng đã muốn kể cho ai đó nghe nhưng chưa thể cho phép mình làm được. Nếu không có ngôi nhà hàng ấm cúng và hương rượu thơm nồng này thì có lẽ anh đã không hề mở miệng.
“Từ bé, tôi được uốn nắn trong khuôn khổ,” anh xoay xoay ly rượu và bắt đầu thố lộ. “Luôn có những rào cản chung quanh tôi mà tôi không bao giờ vượt qua. Giống như luật đi đường: giữ làn bên phải, cấm quẹo trái, giảm tốc độ, không được qua mặt. Cứ việc theo bảng chỉ đường là sẽ tới nơi. Tôi đã làm như thế với tất cả mọi thứ, đúng cách chỉ bảo, và luôn được người lớn vỗ đầu khen giỏi. Hồi bé tôi nghĩ ai cũng nhìn sự việc một cách giống nhau. Nhưng rồi tôi nghiệm ra rằng điều này không đúng.”
Liếc nhìn những đốm lấp lánh trên biển đen ngoài cửa sổ, anh tiếp tục. “Cuộc sống của tôi êm ả, ít ra là lúc ban đầu. Không có vấn đề để lo, nhưng mà thật ra hồi đó tôi đâu biết sống là như thế nào và để đạt mục đích gì. Tôi giỏi toán, giỏi văn, giỏi thể thao. Gì cũng đứng đầu cả. Cha mẹ vỗ vai khen, thầy giáo bảo quá chỉnh. Nhưng mà tôi giỏi nhất môn gì nhỉ? Tôi muốn làm gì sau này? Học luật ư? Kỹ sư? Hay là Bác sĩ? Món nào cũng tốt thôi. Thế rồi, tôi theo ý cha mẹ và thầy giáo vào Sài Gòn học Y Khoa.”
Anh nhấp một hớp rượu. “Ông còn nhớ cô bạn gái tôi ở Đà Lạt không?“
Tôi nặn óc ráng nhớ lại tên cô ta, nhưng cũng không chắc ăn lắm. “Phương Chi phải không?”
Anh gật đầu. “Đúng rồi, Trần Quỳnh Phương Chi. Chi cũng vậy, rất đồng cảm với tôi. Cô ta hiểu tất cả mọi điều tôi muốn nói, và chúng tôi có thể nói mãi không ngừng. Đúng ra thì trước khi gặp Chi, tôi chưa bao giờ có người bạn nào để nói chuyện cùng được.”
Anh ta và Phương Chi đúng là tri kỷ. Cả hai đều tài ba và là học sinh siêu giỏi. Con nhà khá giả, chỉ có điều cha mẹ họ không hoà thuận với nhau. Các ông bố đi bồ bịch lăng nhăng và có khi không về nhà ban đêm. Điều duy nhất khiến họ không ly dị là sợ thiên hạ đàm tiếu. Các bà mẹ điều hành tất cả mọi việc trong nhà và ép đẩy các con phải xuất sắc trên mọi phương diện. Hai cô cậu nổi tiếng như cồn trong trường, nhưng không có bạn và họ không hiểu tại sao. Có thể là những người không hoàn hảo chỉ thích chơi với những người không hoàn hảo khác mà thôi.
Hai cô cậu này luôn cô độc. Thế rồi, đùng một cái, họ gặp nhau, chấp nhận lẫn nhau. Rồi yêu nhau. Họ hoàn toàn thoải mái bên nhau. Hai người có biết bao nhiêu điều bí mật để chia sẻ và có thể nói mãi không ngừng về nỗi cô đơn, về những lo âu và những ước mộng của mình.
Nhưng về động chạm thể xác thì họ có luật riêng của mình: không bao giờ tháo bỏ y phục, chỉ được chạm người kia bằng tay mà thôi. Mỗi tuần một lần, họ gặp nhau buổi trưa ở nhà của một trong hai người. Nhà nào cũng vắng vẻ - cha không bao giờ có mặt, mẹ đi lo công việc đâu đó. Hai người ôm nhau sờ soạng tích cực trong khoảng mười lăm phút trên hai chiếc ghế kê sát bàn học trước khi trở lại sách vở. Nàng sẽ nói, tay vuốt thẳng chiếc váy, “Thôi, như vậy đủ rồi, ta học bài đi.”
Tuy nhiên, mối liên hệ này không làm cho anh ta thỏa mãn. Anh cảm thấy có gì chưa đủ. Anh muốn làm tình với nàng. Kết hợp thể xác, đấy là chữ anh dùng. “Tôi nghĩ việc ấy sẽ giúp chúng tôi hiểu nhau mật thiết hơn,“ anh phân trần với tôi. “Đấy phải là bước kế tiếp, tự nhiên thôi.”
Nhưng nàng không đồng ý. Nàng cắn môi và lắc đầu. “Em yêu anh nhất, nhưng em muốn nguyên vẹn cho đến khi em lấy chồng.” Anh có cố gắng thuyết phục bao nhiêu, nàng cũng không suy suyển. “Anh biết là em yêu anh,” nàng nói. “Yêu anh vô cùng. Nhưng đấy là chuyện đấy, còn đây là chuyện đây. Em xin lỗi, nhưng cần phải nghe em thôi. Nếu anh thực sự yêu em thì hãy đừng nhắc đến chuyện đó nữa.”
Anh nhìn tôi nói tiếp, “Nếu đó là điều nàng muốn, thì tôi đành phải chấp nhận. Cũng không phải là điều không thể làm được. Bản thân tôi không cho cái trinh là quý báu lắm. Tôi nghĩ, tôi cũng sẽ không đòi hỏi người tôi lấy làm vợ phải còn trinh trắng. Điều quan trọng là người đàn ông và đàn bà phải thực sự hiểu nhau. Tôi nghĩ thế, nhưng nàng có một qui luật khác mà nàng muốn sống theo. Và tôi phải đành chịu như vậy. Thế là, chúng tôi tiếp tục sờ soạng lẫn nhau, hai tay mò mẫm dưới lớp quần áo, làm chuyện gì thì ông biết rồi đó.“
Anh ta đỏ mặt, rồi cười. “Như thế thì cũng không đến nỗi nào tệ lắm, nhưng mà tôi không thể không nghĩ đến chuyện làm tình. Tôi thấy chúng tôi như chỉ đi có nửa đường. Tôi muốn hợp nhất với nàng. Tôi muốn không có gì che đậy, giấu diếm. Giống như để minh chứng chủ quyền. Tôi muốn có một biểu hiện. Dĩ nhiên, một phần cũng vì ham muốn tình dục của tôi, nhưng không hoàn toàn chỉ vì vậy. Trong đời, chưa bao giờ tôi cảm thấy được hoà hợp với một cái gì hoặc với một ai. Tôi luôn cô độc. Bị giam hãm trong cái hộp. Tôi muốn thoát thân. Tôi muốn khám phá ra cái tôi thực. Nếu ngủ với nàng, tôi nghĩ mình có thể vượt được ra ngoài.”
Anh ta tìm đến nàng với một kế hoạch. Khi xong đại học, mình sẽ lấy nhau. Nếu muốn đính hôn, mình có thể làm sớm hơn nữa. Dễ thôi, không có vấn đề gì cả. Nàng nhìn anh chăm chăm trong một lát rồi nở một nụ cười trên mặt. Một nụ cười thật đáng yêu. Chắc chắn nàng đã vui sướng khi nghe những lời ấy của anh. Nhưng đồng thời, đấy cũng là một nụ cười có phần ẩn nhẫn với một thoáng mong manh buồn. Không trịch thượng, nhưng cũng không khuyến khích...
“Không thể được đâu,” nàng nói. “Anh và em sẽ không bao giờ lấy nhau được. Em sẽ lấy một người già hơn em, và anh sẽ lấy một người trẻ hơn anh. Chuyện nó phải vậy thôi. Phụ nữ luôn trưởng thành sớm hơn và cũng già nhanh hơn. Cho dù mình có lấy nhau ngay khi xong đại học thì hôn nhân ấy cũng sẽ không bền. Mình đâu thể tiếp tục như vầy mãi. Anh biết đó, em yêu anh hơn bất cứ một ai. Nhưng đấy là chuyện đấy và đây là chuyện đây - lại câu nói cố hữu của nàng. Tụi mình vẫn còn ở trung học. Vẫn còn được gia đình bảo bọc. Thế giới ngoài kia to rộng và nhiều khó khăn lắm. Chúng ta cần phải chuẩn bị cái đã.”
Anh hiểu nàng muốn nói gì. Ít ra thì anh cũng có đầu óc thực tế hơn các chàng trai cùng thế hệ. Nếu có ai khuyên anh điều đó mà nói một cách tổng quát thôi, có lẽ anh sẽ đồng ý. Nhưng đây không phải một vấn đề tổng quát; chuyện này đặc biệt dính lứu tới anh.
“Anh không tin thế được,” chàng nói. “ Anh yêu em và muốn ở bên em. Chuyện này rất rõ ràng và quan trọng. Không cần lo tình ta có vững bền không, chắc chắn sẽ vững bền mà. Anh yêu em đến điên cuồng đây.”
Nàng lắc đầu, đưa tay vuốt tóc anh. “Anh có thực nghĩ mình biết gì về tình yêu chăng? Tình mình chưa hề được thử thách. Em và anh vẫn còn con trẻ mà.”
Quá đau buồn, anh không trả lời. Một lần nữa, anh đã không thể phá vỡ hàng rào vây chung quanh và anh ý thức được sự bất lực của chính mình. Anh nghĩ, mình chẳng làm được cái quái gì. Với đà này, chắc mình sẽ sống suốt đời trong cái hộp bưng bít, năm này qua tháng khác đầy vô nghĩa.
Hai người vẫn tiếp tục với nhau cho đến khi tốt nghiệp trung học. Hẹn nhau ở thư viện, đến nhà học chung, sờ soạng nhau dưới lớp áo quần. Nàng không thấy có gì sai trái với quan hệ đó; thực ra nàng lại có vẻ thích thú cái nửa vời ấy. Và, trong khi ai nấy đều nghĩ cặp tình nhân Sạch Sẽ này đang vui hưởng một tuổi thanh xuân lý tưởng thì chỉ có một mình anh ta là ưu sầu mà thôi.
Mùa xuân năm sau, anh vào Sài Gòn học Y Khoa. Nàng ở lại ghi danh Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Trường này cũng nổi tiếng trong các đại học nhưng học trình không gì khó khăn đối với nàng. Nàng có thể vào Y Khoa dễ như chơi nhưng đã chẳng thèm dự kỳ thi tuyển. Trong đầu óc của nàng, cái học vấn ấy không cần thiết. “Em chẳng thiết làm bộ trưởng bộ Y Tế. Em là con gái, nó khác. Còn anh, anh sẽ phải tiến xa. Em chỉ cần học tà tà thôi, trong bốn năm, như để nghỉ xả hơi. Bởi vì một khi em lấy chồng rồi thì chẳng cần sự nghiệp gì nữa.”
Thái độ của nàng khiến anh thất vọng. Anh đã mơ tưởng cả hai đứa sẽ cùng vào Sài Gòn và uốn nắn lại được mối liên hệ của họ theo chiều hướng mới. Anh năn nỉ xin nàng đổi ý, nhưng nàng chỉ lắc đầu.
Mùa hè kế tiếp, anh trở về Đà Lạt, và họ gặp nhau gần như mỗi ngày. Nàng cùng anh lang thang khắp phố, và họ sờ soạng nhau, cũng như những ngày xưa. Nhưng anh cảm thấy đã có một cái gì bắt đầu thay đổi. Không gì khác lạ nhiều lắm. Thật ra, mọi sự vẫn còn hệt như cũ. Cách nàng nói chuyện, cách nàng ăn mặc, phát biểu ý kiến, vẫn giống như trước. Nhưng lạ thay, chính anh là kẻ không còn muốn hoà mình vào cuộc sống ngày xưa nữa. Giống như luật động lực học: từng li từng tí một, những gì họ lập đi lập lại bao lâu nay đã mất đồng bộ. Khổ nỗi là anh không biết mình đang trệch đi về hướng nào.
Ở Sài Gòn, anh rất cô đơn và vẫn không kết bạn mới được. Thành phố đông đúc và bụi bặm, thức ăn không mùi vị. Lúc nào anh cũng nghĩ đến nàng. Ban đêm anh thức khuya ngồi viết thư tình. Nàng có hồi âm nhưng không nhiều bằng những lần anh gởi. Thơ nàng kể những sinh hoạt hàng ngày của mình và anh ngấu nghiến đọc đi đọc lại. Nếu không có những lá thư này chắc anh đã lên cơn điên. Anh bắt đầu hút thuốc, uống rượu. Có khi anh lại còn trốn học.
Anh đã miệt mài chờ hè đến để được trở về Đà Lạt. Nhưng bây giờ ở đấy, anh lại càng chán hơn. Chỉ mới có vài tháng thôi mà sao mọi sự lại trở nên lu mờ, váng bụi như thế? Thành phố cao nguyên anh nhớ hoài sao bây giờ tiêu điều như một phố quèn tỉnh lẻ. Nói chuyện với mẹ anh sao mà khó khăn ghê. Cả đi hớt tóc ở tiệm ông thợ quen từ bé cũng ớn quá. Con đường bờ hồ anh chạy thể dục hàng ngày sao như đầy rác rưởi.
Ngay cả gặp Phương Chi cũng không làm anh phấn khởi lên hơn. Chuyện gì đã xảy ra với anh đây? Dĩ nhiên, anh vẫn còn yêu nàng, nhưng điều đó không đủ. Tình yêu không thể tự nó duy trì mãi mãi. Anh phải tính nước như thế nào, chứ không thì mối quan hệ của anh và nàng sẽ ngộp chết mất. Anh quyết định phải moi lại câu hỏi mà anh đã cất kỹ vào tủ. Đây là cơ hội cuối cùng.
“Trong mấy tháng một mình ở Sài Gòn, anh chẳng nghĩ được đến gì ngoài hình bóng của em. Chắc chắn phải là anh yêu em quá rồi. Có xa em bao nhiêu, tình anh vẫn thế. Nhưng khi chúng ta xa nhau, anh lo âu vô cùng. Anh rầu rĩ. Có thể em không hiểu được chuyện này, nhưng anh chưa bao giờ cảm thấy cô đơn như thế trong đời. Anh cần phải có một kết nối mật thiết với em, một bảo đảm là chúng ta sẽ keo sơn cho dù có nghìn trùng xa cách.”
Nàng hít một hơi thở thật sâu rồi hôn anh. Nhẹ nhàng nàng nói, “Em xin lỗi. Em không thể hiến trinh tiết cho anh được. Đây là chuyện đây và đấy là chuyện đấy. Em có thể làm bất kỳ chuyện gì cho anh, bất kỳ chuyện gì, ngoài chuyện đó. Nếu anh thực sự yêu em, xin anh đừng đề cập đến nữa.”
Một lần nữa, anh nói đến chuyện cưới nàng.
“Có hai cô bạn trong lớp em đã đính hôn,” nàng nói, “nhưng hôn phu chúng nó đã có việc làm hẳn hoi. Lập gia đình có nghĩa là trách nhiệm.”
“Anh sẽ lãnh trách nhiệm,” anh nói chắc nịch. “Anh đang học trường Y và anh hứa với em là sẽ học thật giỏi. Anh sẽ là bác sĩ tài ba. Bệnh viện nào, cơ quan nào cũng sẽ mướn anh ngay. Anh sẽ được việc làm bất kỳ nơi nào em muốn. Khi đã quyết tâm, anh có thể làm được bất cứ một gì. Hoàn toàn không có vấn đề.”
Nàng nhắm mắt, ngả đầu vào lưng ghế và im lặng. “Em sợ,” nàng nói sau một hồi lâu, rồi úp mặt vào hai tay khóc nức lên. “Em sợ lắm, sợ không cầm được. Em sợ phải lao vào cuộc sống. Vài năm nữa, em sẽ phải ra đời ngoài kia, và điều này khiến em sợ hãi. Tại sao anh không hiểu được điều đó? Tại sao anh phải hành hạ em như thế này?”
Anh vòng tay ôm vai nàng. “Không gì đáng sợ cả. Có anh đây với em. Nhìn anh đi, anh cũng sợ nữa chứ, sợ như em vậy. Nhưng, nếu chúng ta bên nhau, mình sẽ khắc phục được thôi. Nếu chúng ta đồng góp sức, không gì đáng để sợ cả, không gì hết.” Nàng lắc đầu. “Anh chẳng hiểu gì cả. Em là phụ nữ. Em không như anh. Anh chẳng biết gì hết. Chẳng biết gì.”
Không lời nào của anh vỗ về nàng được. Nàng tiếp tục khóc. Và rồi nàng nói một câu thật lạ kỳ. “Anh, cho dù có dứt tình với anh, em nguyện sẽ nhớ anh suốt đời. Thật đó, em sẽ không bao giờ quên đâu. Anh biết em yêu anh đến chừng nào rồi. Anh là người đầu tiên em thương mến và em rất sung sướng bên anh. Nhưng anh cần phải hiểu. Nếu anh muốn một lời hứa gì đó thì em sẽ hứa với anh. Em sẽ ngủ với anh. Nhưng không phải bây giờ. Sau khi em lập gia đình, em sẽ ngủ với anh. Em hứa.”
“Trời đất ơi, nàng nói cái gì thế? Đầu óc tôi khựng lại,” anh nói, mắt nhìn vào chân không. ”Tôi không còn đủ sáng suốt để hiểu được. Khi tôi về nhà, câu nói của nàng vẫn vang vọng mãi trong đầu. Tôi không theo được lý luận của nàng. Theo ông hiểu là như thế nào?”
“Tôi nghĩ nàng muốn nói là nàng sẽ giữ trinh tiết cho đến đêm tân hôn, nhưng sau khi nàng lập gia đình rồi và trinh tiết không còn là vấn đề nữa, nàng có thể ngoại tình với anh. Đại khái như vậy đó.”
“Ừ, chỉ có nghĩa như vậy thôi. Đó là cách duy nhất mà tôi có thể hiểu được.”
“Độc đáo, cái cô này, mà cũng có phần hợp lý nữa.”
Anh nở một nụ cười. “Đúng đó. Nàng cũng có cái lô-gích của nàng.”
“Một cô dâu trinh trắng, một người vợ ngoại tình. Cứ như một chuyện tiểu thuyết cổ điển bên Tây.”
“Thế mà đối với nàng, đấy lại là giải pháp hợp lý nhất.”
“Thật đáng buồn,” tôi thở dài.
Anh nhìn tôi thật sâu rồi gật đầu. “Đúng, đáng buồn. Thật ra là đáng tội nghiệp. Bây giờ tôi cũng nghĩ vậy. Tôi cũng đã già đời hơn rồi. Nhưng hồi đó, tôi không thấy như vậy. Tôi còn là thằng con nít, và chẳng biết gì về những rúng động làm cho đầu óc con người hoang mang. Chuyện ấy đã làm tôi kinh ngạc, hụt hẫng.”
“Chắc chắn là thế rồi,” tôi đồng ý.
“Ông đoán được chuyện gì xảy ra kế tiếp rồi phải không? Nàng và tôi chia tay nhau. Không ai đứng ra nói gì cả. Cuộc tình chấm dứt một cách tự nhiên. Rất bình thản. Chúng tôi đều đã quá mệt mỏi cố gắng duy trì mối liên hệ. Hồi đó tôi thấy quan niệm của nàng về cuộc đời, nó… Nói sao bây giờ? Có vẻ không thành thực lắm. Mà không, cũng không phải vậy. Ý tôi muốn nói là tôi biết nàng có thể xử sự khá hơn. Tôi thất vọng về nàng. Trinh tiết, hôn nhân - thay vì quằn quại với những quan niệm cứng ngắc đó, có lẽ nàng cũng nên thử sống cho biết đời một tí.”
“Điều đó ngoài khả năng của nàng,” tôi nói.
Anh gật đầu. “Tôi cũng nghĩ thế. Khi bị kéo căng quá mức, con người không thể giãn thêm được nữa. Chuyện này cũng có thể xảy đến với tôi. Từ bé, cả hai chúng tôi đều được chăn dẫn quá mức, đi hướng này, rẽ đường kia, tiến lên phía trước. Được huấn luyện kỹ đến độ chúng tôi chỉ biết làm những gì được bảo. Và rồi một ngày nào đó thì gãy ngang.”
“Nhưng anh, rốt cuộc anh đâu có như vậy đâu.”
“Tôi vượt qua được cái chặng ấy,” anh trả lời sau một khoảng suy nghĩ. “Sau khi nàng và tôi chia tay, tôi có một cô bồ khác ở Sài Gòn. Rất dễ thương. Chúng tôi sống chung với nhau một thời gian. Và, phải nói là chẳng có những giới hạn, những day dứt như với Phương Chi. Đấy là một mối quan hệ đứng đắn và tôi thích cô ta lắm. Nàng đã cho tôi thấy con người ta sống thực như thế nào và tôi bắt đầu kết bạn được. Tôi nghiệm ra rằng thực tế có nhiều dạng và nhiều cỡ. Thế giới này đủ rộng để nhiều giá trị có thể cùng nhau tồn tại. Không nhất thiết phải luôn là một học sinh xuất sắc. Thế là tôi vững chân hơn để tìm chỗ đứng trong xã hội.”
“Và thành công trong đời,” tôi tiếp lời anh.
“Cũng khá thành công.” Anh lật ngửa bàn tay, xoè những ngón ra như vẻ phân trần. “So với những người cùng tuổi thì, thú thật, tôi có thu nhập cao hơn,” miệng anh thoáng một nét cười nhưng lại tắt ngay. Anh ngồi trầm ngâm không nói gì một hồi lâu.
Tôi biết là câu chuyện chưa thể chấm dứt ở đây. Hớp một ngụm rượu, tôi kiên nhẫn chờ phần kế.
Anh nói tiếp, “Tôi không gặp lại Phương Chi trong một quãng thời gian khá lâu. Lâu ghê lắm. Tôi tốt nghiệp bác sĩ và vào làm việc ở một bệnh viện lớn. Tôi làm ở đó năm năm, công việc rất bề bộn. Sau khi ra trường được hai năm, tôi nghe nói nàng đi lấy chồng, tôi cũng chẳng hỏi lấy ai. Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi được tin là không biết nàng đã giữ trinh tiết cho đến đêm tân hôn không. Nhưng rồi tôi cảm thấy buồn. Và ngày hôm sau lại càng buồn hơn. Giống như một thời đã chấm dứt, và cánh cửa đằng sau tôi đóng lại, vĩnh viễn. Thì, dĩ nhiên rồi. Đây là một người con gái tôi thực sự yêu thương. Chúng tôi cặp với nhau trong bốn năm và tôi đã nghĩ đến cưới nàng làm vợ. Nàng đã chiếm lĩnh trái tim non trẻ của tôi, dĩ nhiên là tôi phải buồn. Tôi thực sự muốn nàng được hạnh phúc. Tôi mong ước những điều tốt đẹp nhất cho nàng. Nhưng tôi cũng hơi lo lắng vì nàng có phần mỏng manh, dễ vỡ.”
Người hầu bàn dọn thức ăn vào và chúng tôi gọi cà phê.
“Tôi lập gia đình tương đối trễ, ngoài ba mươi. Khi còn độc thân, một hôm tôi nhận được điện thoại của Phương Chi. Lúc ấy tôi hai mươi tám tuổi. Có nghĩa là khoảng hơn mười năm về trước. Tôi đã bỏ bệnh viện và ra mở phòng mạch tư. Tôi chữa bệnh mát tay nên khách đông nườm nượp. Bận rộn vô cùng, ngày nào cũng phải ở lại trễ để hoàn tất hồ sơ. Giữa thời gian chộn rộn ấy thì nàng kêu phôn. Không hiểu nàng kiếm đâu được số điện thoại của tôi. Tôi nhận ra giọng nói của nàng ngay lập tức. Giọng nói ấy, tôi làm sao quên được. Một chút luyến tiếc dấy lên. A, thật là sung sướng khi nghe được giọng nói thân thương ngày nao vào một lúc bộn bề như thế này.”
Anh nhìn chăm vào tách cà phê, như cố gắng nhớ từng chi tiết.
“Tôi không biết nàng tìm hỏi ở đâu mà biết rất rõ về tôi. Gì cũng biết. Nàng biết tôi vẫn còn độc thân, đã rời bệnh viện và mở văn phòng tư đắt khách. Thế rồi tôi hỏi về nàng. Chồng làm gì, có mấy con, hiện đang ở đâu. Nàng không có con. Chồng lớn hơn nàng bốn tuổi, làm giám đốc hãng truyền hình, rất bận rộn công việc. Quá bận để có con, nàng nói, rồi phá lên cười.
Họ ở ngoại ô Sài Gòn trong một biệt thự gần Thủ Đức. Tôi ở cách đó không xa. Chẳng phải láng giềng nhưng cũng khá gần. Chúng tôi nói những chuyện mà bạn học thân thiết lâu năm không gặp thường nói. Hơi một chút gượng gạo và vụng về, nhưng nói chung cũng trôi suốt. Chúng tôi say mê nói, tựa như hàng giờ.
Thế rồi, chợt chúng tôi không còn gì để nói nữa. Một im lặng đè nặng trên đường dây. Cái kiểu im lặng đưa đẩy người ta nghĩ đến đủ mọi thứ chuyện.”
Anh nhìn vào hai bàn tay mình đặt bên tách cà phê. “Đáng lẽ tôi phải gác phôn ngay lúc đó. Cám ơn em đã gọi. Thật vui khi được nói chuyện với em. Click! Chấm dứt câu chuyện. Ông hiểu tôi muốn nói gì không?”
“Đấy có lẽ là điều nên làm nhất,” tôi đồng ý.
“Nhưng nàng không cúp dây. Nàng mời tôi đến nhà. Một cách tự nhiên như là, ô anh tới chơi đi, chồng em đi làm xa hoài, ở nhà một mình buồn lắm. Tôi khựng lời không biết nói gì, và tôi im lặng. Và nàng cũng im lặng. Im lặng kéo dài. Và rồi, ông biết nàng nói gì không? Nàng nói, ‘Em vẫn còn nhớ lời hứa với anh ngày xưa.”
“Em vẫn còn nhớ lời hứa với anh ngày xưa.” Thoạt đầu anh ta chưa nghĩ được nàng muốn nói gì - bởi vì anh không hề coi đó là một lời hứa thực thụ. Đến lúc nghĩ ra, anh lại tự bảo chắc nàng bối rối nên buột miệng.
Không, nàng đã không bối rối, lầm lẫn. Đối với nàng, một lời hứa là một lời hứa. Anh hoang mang không biết chuyện này sẽ đi đến đâu. Làm gì cho đúng bây giờ? Anh nhìn quanh mình một cách tuyệt vọng. Không còn những bức tường ngăn chận, không còn gì để hướng dẫn anh nữa. Đương nhiên, anh muốn ngủ với nàng, chuyện khỏi cần phải nói. Từ lúc chia tay, anh đã tưởng tượng mình đang ngủ với nàng biết bao nhiêu lần. Ngay cả khi bên những người đàn bà khác, đầu óc anh vẫn liên tưởng đến nàng trong bóng tối. Tuy chưa bao giờ nhìn được nàng loã thể, anh biết rất rõ thân hình nàng qua những sờ soạng dưới lớp áo quần.
Anh biết ngủ với nàng bây giờ là mạo hiểm lắm. Anh chẳng muốn khơi lại chuyện gì anh đã ráng chôn vùi trong bóng tối của dĩ vãng. Bản năng bảo anh đừng nên làm. Nhưng dĩ nhiên là anh không cưỡng lại được. Tại sao mình có thể từ chối được? Đây là câu chuyện thần tiên lý tưởng, một ước nguyện chỉ được ban bố một lần trong đời. Nàng ở gần đó, và nàng muốn thỏa một lời hứa thốt ra từ sâu thẳm của một thời xa xăm.
Anh nhắm mắt, im lặng. Tựa như anh đã mất đi khả năng nói.
“A lô?”, giọng nàng bên kia đầu dây, “Anh còn đó không?”
“Anh đến ngay đây. Cho anh địa chỉ của em.” Anh hấp tấp trả lời.
“Nếu là ông thì ông sẽ làm gì?” Anh xoay sang hỏi tôi.
Tôi lắc đầu. Tôi không chắc phải trả lời như thế nào. Anh cười và nhìn xuống tách cà phê đen.
“Tôi đến nhà nàng. Gõ cửa. Một phần trong tôi hy vọng nàng sẽ không có nhà. Nhưng, nàng bước ra mở cửa, và vẫn xinh đẹp như ngày nao. Nàng dọn thức uống và chúng tôi nói chuyện ngày xưa. Chúng tôi cùng nhau nghe lại cả những dĩa hát thời xa xăm đó. Thế rồi ông biết chuyện gì xảy ra không?”
Tôi không thể đoán được. Tôi nói với anh như thế.
“Hồi bé tôi có đọc một chuyện cổ tích,“ anh như đang đối thoại với bức tường trước mặt. “Quên mất cốt chuyện ra sao nhưng tôi nhớ mãi câu cuối cùng. Nó như thế này: ‘Và khi mọi chuyện xong xuôi cả, nhà vua cùng triều thần đồng phá lên cười.’ Một câu kết cục khá lạ kỳ, ông có thấy không?”
“Ờ, cũng lạ,” tôi nói.
“Phải chi tôi nhớ được câu chuyện nói về gì. Ráng hoài cũng không nhớ được. Chỉ nhớ được câu kết thúc kỳ cục đó. ‘Và khi mọi chuyện xong xuôi cả, nhà vua cùng triều thần đồng phá lên cười.’ Câu chuyện quái quỷ nào mà lại chấm dứt như vậy?”
Lúc này, chúng tôi vừa cạn tách cà phê thứ nhất.
“Chúng tôi hôn nhau,” anh nói tiếp, “nhưng chúng tôi không ngủ với nhau. Nàng không cởi quần áo. Chúng tôi dùng tay, hệt như thời xưa. Tôi nghĩ như thế là tốt nhất và nàng hình như cũng đồng ý. Chúng tôi sờ soạng nhau thật lâu, lâu lắm, và không nói gì. Còn có gì để nói? Đấy là cách duy nhất mà chúng tôi có thể nhận biết được nhau qua bao nhiêu năm xa cách. Thời trước còn đi học, mọi chuyện dĩ nhiên là khác. Làm tình với nàng một cách bình thường có lẽ sẽ giúp chúng tôi hiểu nhau được nhiều hơn. Và có thể là chúng tôi sẽ hạnh phúc bên nhau hơn. Nhưng thời ấy đã qua mất từ lâu. Tháng ngày đó đã bị niêm phong lại và không ai có thể phá vỡ dấu ấn triện”
Anh xoay vòng tách cà phê cạn trên chiếc dĩa, xoay mãi không nói gì khiến người hầu bàn bước lại thăm chừng. Anh như bước ra khỏi cơn mơ, đặt chiếc tách xuống và gọi thêm chầu cà phê nữa.
“Tôi ở đó khoảng một tiếng đồng hồ. Nếu lâu hơn nữa chắc tôi điên mất.” Anh kể tiếp với một nụ cười bối rối. “Tôi nói giã từ nàng và ra về. Nàng cũng nói giã từ tôi, và lần này thật sự là giã từ, một lần cuối cùng rồi thôi. Tôi biết và nàng cũng biết thế. Hình ảnh sau chót tôi nhìn thấy là nàng đứng khoanh tay giữa cửa. Có vẻ như nàng sắp sửa nói gì, nhưng rồi lại thôi. Tôi biết nàng sẽ nói gì. Tôi kiệt hết sức lực, người tôi rỗng tuếch. Tôi đi lang thang trên đường phố, không định hướng, cảm thấy như mình đã phí đi cả cuộc đời. Tôi ước chi mình có thể trở lại nhà nàng và làm tình với nàng, mạnh bạo và lâu dài. Nhưng tôi không thể khiến mình làm chuyện đó được, mà cho dù có làm thì mọi sự cũng sẽ không khả quan hơn được chút nào.”
Anh lắc đầu, bắt đầu uống tách cà phê thứ hai.
“Nói ra thì mắc cở, nhưng thú thật tôi đã đi tìm một ả điếm ngay sau đó. Lần đầu tiên trong đời tôi, và cũng là lần cuối cùng.”
Tôi muốn chia sẻ với anh những gì tôi nghĩ, nhưng không chọn được lời thích hợp và tôi không nói gì cả.
“Kể lại chuyện này, tôi cảm thấy như mình đang kể chuyện của một người nào khác,” anh cười nhẹ rồi chìm vào im lặng.
Cuối cùng anh nói: “Và khi mọi chuyện xong xuôi cả, nhà vua cùng triều thần đồng phá lên cười. Tôi luôn nghĩ đến câu kết đó mỗi khi nhớ lại chuyện này. Chắc là phản xạ có điều kiện. Tôi không biết đó là gì, nhưng hình như mọi chuyện buồn đều có mang một chút trò cười.”
Như tôi đã nói lúc ban đầu, câu chuyện này không thể xem như có ít nào giá trị luân lý. Tuy nhiên, đấy là câu chuyện đời của anh bạn mà cũng là câu chuyện đời của tất cả chúng tôi. Cho nên tôi đã không cười được khi nghe kể lại, và tôi vẫn không thể nào cười được mãi đến ngày hôm nay.

DND




No comments:

Post a Comment