Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Sunday, March 16, 2025

SCHEHERAZADE
Haruki Murakami

Mỗi lần họ làm tình, nàng lại kể cho Habara một câu chuyện kỳ lạ và hấp dẫn ngay sau đó.  Giống như hoàng hậu Scheherazade trong Nghìn Lẻ Một Đêm.  Mặc dầu, dĩ nhiên, là Habara chẳng hề có ý định chặt đầu nàng vào buổi sáng hôm sau như nhà vua.  Thật ra thì nàng cũng không bao giờ ở lại với ông ta cho đến sáng.  Nàng kể chuyện cho Habara vì nàng muốn thế, bởi vì, ông nghĩ, nàng thích nằm cuộn trên giường và nói chuyện với người đàn ông trong những khoảnh khắc rã rời, thân thiết, khi vừa làm tình xong.  Và cũng có thể là vì nàng muốn an ủi Habara, người mà ngày ngày phải bị giam chân trong nhà.


Vì thế, Habara đã mệnh danh cho người đàn bà ấy là Scheherazade. Ông không bao giờ dùng tên này trước mặt nàng, nhưng gọi nàng như thế trong cuốn nhật ký nhỏ của mình. "Scheherazade đến ngày hôm nay", ông ghi xuống bằng cây viết bi.  Và rồi ông tóm lược chuyện trong ngày bằng những từ đơn giản, ẩn nghĩa, mà nếu sau này lỡ có ai đọc sẽ khó hiểu được.


Habara không biết những chuyện của nàng là có thật hay bịa đặt, hoặc là nửa thật, nửa bịa đặt.  Ông ta không có cách nào đoán được.  Sự thực và giả thiết, nhận xét và hoang tưởng như lẫn lộn vào nhau trong lời kể của nàng.  Thế nên Habara thưởng thức chúng như một đứa trẻ nghe chuyện, không màng đặt câu hỏi.  Dù sao thì cũng chẳng quan trọng gì với ông nếu câu chuyện đấy thật hay giả, hoặc là một kết hợp phức tạp của cả hai.


Thế nào đi nữa thì Scheherazade có tài kể chuyện thật cảm động.  Bất kỳ loại chuyện nào, nàng cũng làm cho nó thật đặc sắc.  Giọng nói, cách phối hợp thời gian, nhịp kể chuyện, tất cả đều toàn hảo.  Nàng thu hút sự chú ý của người nghe, dày vò hắn, khiến hắn phải cân nhắc và suy đoán, và rồi cuối cùng, ban cho hắn chính cái mà hắn đang tìm kiếm.  Say mê câu chuyện, Habara có thể quên hết cả thực tế xung quanh mình, dù là chỉ trong chốc lát.  Như tấm bảng đen được chùi bằng miếng giẻ ướt, ông xoá sạch hết cả mọi ưu phiền, mọi kỷ niệm khó ưa.  Ai còn có thể đòi hỏi gì hơn nữa?  Ở thời điểm này trong cuộc đời của mình, sự quên lãng là điều mà ông ước muốn nhiều hơn tất cả mọi thứ.


Scheherazade ba mươi lăm tuổi, lớn hơn Habara bốn năm và là một nội trợ với hai đứa con đang học trường cấp một (tuy nhiên nàng cũng là một y tá có đăng ký và đã từng được gọi đến làm khi có ai cần).  Chồng nàng là một nhân viên công ty điển hình.  Nhà của họ chừng hai mươi phút lái xe cách nhà Habara.  Đấy là tất cả (hoặc gần như tất cả) những gì mà nàng cho biết về bản thân mình.  Habara không có cách nào để kiểm tra những điều ấy, nhưng ông ta không nghĩ ra được lý do nào để nghi ngờ nàng.  Nàng chưa bao giờ cho ông biết tên.  "Ông chẳng cần biết để làm chi, phải không?" - nàng nói.  Và nàng cũng chưa bao giờ gọi Habara bằng tên của ông, mặc dù nàng biết ông tên gì.  Nàng khôn ngoan tránh xa các tên gọi, như thể là sẽ xui xẻo hoặc không thích hợp nếu để cho chúng tuôn khỏi môi.


Nhìn bề ngoài, nàng Scheherazade này chẳng có gì giống như hoàng hậu xinh đẹp của truyện Nghìn Lẻ Một Đêm.  Nàng trên đà đến tuổi trung niên và cơ thể đã hơi mềm nhão, má đầy ra và các đường nhăn bắt đầu toả ra từ đuôi mắt.  Kiểu làm tóc, cách trang điểm và ăn mặc của nàng không hẳn là ẩu tả, nhưng cũng khó mà được ai khen.  Dáng vẻ của nàng không xấu, nhưng khuôn mặt nàng thiếu sự nổi bật khiến cho cái ấn tượng nàng để lại bị lu mờ.  Vì thế, những ai có đi cạnh nàng ngoài đường, hoặc dùng chung thang máy, chắc là cũng ít để ý đến nàng.  Mười năm về trước, có thể nàng đã là một cô gái linh hoạt và khả ái, cũng có thể là đã khiến vài chàng trai xoay đầu.  Tuy nhiên, đến lúc nào đó, một tấm màn đã buông xuống trên quãng đời nàng và chắc là sẽ không bao giờ kéo lên nữa.


Sheherazade đến nhà Habara một tuần hai lần.  Ngày đến không nhất định nhưng nàng không bao giờ đến vào cuối tuần.  Chắc là nàng dành thì giờ ấy cho gia đình của mình.  Nàng luôn gọi điện thoại báo trước một giờ trước khi đến.  Nàng mua thực phẩm ở siêu thị trong khu vực và đem đến bằng xe riêng, một chiếc Mazda nhỏ màu xanh.  Chiếc xe kiểu cũ với một vết móp ở cản phía sau và các bánh xe đen cáu bẩn.  Đậu xe vào chỗ dành riêng cho căn nhà, nàng mang các bao hàng đến cửa trước và bấm chuông.  Sau khi kiểm tra qua lỗ nhìn ở cửa, Habara mở khoá, gỡ sợi dây xích an toàn và đưa nàng vào.  Nàng soạn các món đồ chợ ra trong bếp và xếp vào tủ lạnh.  Rồi nàng lập một danh sách những thứ cần mua cho lần kế tiếp.  Nàng làm các công việc ấy thật khéo léo, với thật ít động tác dư thừa và chẳng nói gì nhiều trong lúc đó.


Khi xong việc, cả hai người yên lặng tiến vào phòng ngủ, tựa hồ như bị cuốn vào đó bởi một dòng nước vô hình.  Sheherazade nhanh chóng cởi quần áo và, vẫn im lặng, leo lên giường cùng Habara.  Nàng gần như không nói gì trong khi làm tình, thực hiện mỗi động tác như thể đang hoàn tất một nhiệm vụ được giao phó.  Những lúc có kinh nguyệt thì nàng dùng tay để tiến đến kết quả cuối cùng.  Cách thức khéo léo, hầu như nghề nghiệp của nàng luôn khiến Habara nhớ rằng nàng là y tá có đăng ký.


Sau khi ân ái, họ nằm lại trên giường và nói chuyện.  Đúng hơn, nàng nói và ông ta nghe, thỉnh thoảng thêm vào một chữ chỗ này, đặt một câu hỏi chỗ kia.  Khi đồng hồ chỉ bốn giờ rưỡi, nàng cắt ngang câu chuyện (vì một lý do nào đó, câu chuyện luôn luôn vừa đến hồi cao điểm khi ấy), nhảy ra khỏi giường, gom góp áo quần và chuẩn bị đi về.  Nàng nói là phải về nhà để sửa soạn bữa ăn tối.


Habara đưa nàng ra cửa, gài sợi dây xích và nhìn qua bức màn chiếc xe nhỏ màu xanh cáu bẩn chạy đi.  Đến sáu giờ, ông làm cơm tối đơn giản và ăn một mình.  Trước kia ông đã từng làm đầu bếp, nên nấu một bữa ăn chẳng có gì là khó.  Ông uống nước suối Perrier với bữa ăn (ông không bao giờ uống rượu) và sau đó pha một ly cà phê mà ông vừa nhâm nhi vừa xem DVD hoặc đọc sách.  Ông ta thích những cuốn sách dài, nhất là những cuốn mà ông phải đọc nhiều lần mới hiểu hết.  Ngoài ra, chẳng có gì khác để mà làm.  Ông không có ai để nói chuyện cùng.  Không có ai để gọi điện thoại.  Không có máy điện toán, ông không thể vào internet được.  Nhà không có mua báo và ông không bao giờ xem TV.  Không cần phải nói ra cũng hiểu rằng ông ta không thể đi ra bên ngoài.  Nếu Scheherazade không đến nữa vì lý do nào đó thì ông sẽ cô đơn một mình thôi.


Habara không lo lắng nhiều về việc này.  Nếu có xảy ra, ông nghĩ, sẽ là khó khăn đấy, nhưng mình sẽ lướt qua được bằng cách này hay cách khác.  Mình không bị mắc kẹt trên đảo vắng.  Không đâu, mình chính là hòn đảo vắng đấy chứ.  Ông ta luôn cảm thấy thoải mái khi là chính mình.  Tuy nhiên, cái làm ông lo là ý nghĩ không được nói chuyện nữa cùng Scheherazade trên giường.  Hoặc đúng hơn là không được nghe phần kế tiếp câu chuyện của nàng.


"Em là con cá mút đá trong kiếp trước", Scheherazade một lần có nói khi họ nằm với nhau trên giường.  Đấy là một câu phát biểu đơn giản, thẳng thừng, tự nhiên như thể nàng vừa tuyên bố là Bắc Cực ở xa tận phía bắc.  Habara chẳng biết cá mút đá là con gì, mà ít hơn nữa là nó hình thù như thế nào.  Bởi vậy ông ta không có ý kiến đặc biệt gì về đề tài ấy.


"Ông biết con mút đá nó ăn con cá hồi như thế nào không" - nàng hỏi.


Ông ta không biết.  Thực ra, đây là lần đầu tiên ông nghe nói con mút đá ăn cá hồi.


"Cá mút đá không có hàm răng.  Đó là cái làm cho chúng khác biệt với nhưng con lươn khác."


"Hả? Lươn có hàm răng hả?"


" Bộ ông chưa bao giờ nhìn kỹ một con lươn hay sao?" - nàng hỏi, ngạc nhiên.


"Tôi thỉnh thoảng có ăn lươn, nhưng tôi chưa bao giờ để ý xem chúng có răng không nữa."


"Vậy thì lúc nào ông phải coi lại đi.  Đến hồ cá hoặc một chỗ nào giống vậy đó.  Mấy con lươn bình thường có hàm răng.  Những con cá mút đá chỉ có mấy ống mút mà chúng dùng để bám vào đá ở đáy sông hay đáy hồ.  Rồi tụi nó cứ nổi lều phều ở đó, uốn qua uốn lại như cây rong."


Habara tưởng tượng ra một bầy cá mút đá đang uốn lượn như rong rêu dưới đáy hồ.  Cảnh tượng đó có vẻ rất xa vời thực tế, mặc dù ông biết là thực tế đôi khi cũng rất giả tạo.


"Cá mút đá sống như vậy, núp trong mấy cây rong. Chúng nằm chờ đó.  Rồi khi có con cá hồi bơi ngang trên đầu, chúng vọt lên và bám vào nó bằng những ống mút.  Bên trong ống mút của chúng có những cái giống như lưỡi tua tủa những răng mà chúng cà tới cà lui trên bụng con cá hồi cho đến khi đục lủng một lỗ rồi chúng bắt đầu ăn thịt nó, từng miếng một.


"Tôi chẳng muốn là con cá hồi đâu" - Habara nói.


"Hồi thời La Mã, người ta nuôi cá mút đá trong ao. Những tên nô lệ có tội thường bị ném xuống cho chúng ăn sống."


Habara lại nghĩ mình cũng chẳng muốn là tên nô lệ La Mã tí nào.


"Lần đầu tiên em thấy con cá mút đá là hồi còn tiểu học, khi được đi tham quan hồ cá" - Scheherazade nói - "Khi đọc lời giải thích chúng sống như thế nào, em biết ngay em là nó ở kiếp trước. Ý em muốn nói là em vẫn còn nhớ được - bám dính vào cục đá, uốn lượn ẩn mình trong đám rêu, liếc nhìn những con cá hồi mập mạp bơi ngang trên đầu."


"Em còn nhớ lúc em ăn thịt chúng không?"


"Không, em không nhớ."


"May phước" - Habara nói - "Mà bộ em chỉ còn nhớ chừng đó về cuộc đời cá mút đá của em thôi sao - uốn qua uốn lại dưới đáy sông?


"Một cuộc đời trước không thể nào gợi lại một cách dễ dàng như thế" - nàng nói. "Nếu may mắn, mình có thể nhìn thấy một thoáng của nó thôi.  Giống như bắt được tia sáng qua một lỗ nhỏ trên tường.  Ông có nhớ được chút gì về những đời trước của ông không?"


"Không, không chút nào" - Habara nói.  Đúng ra thì ông chưa bao giờ có ý muốn nhìn lại một cuộc đời trước.  Cuộc đời này cũng đã làm ông quá bận bịu rồi.


"Nhưng mà, ở dưới đáy sông cũng đã lắm.  Nằm lộn ngược đầu, với cái miệng gắn vô cục đá nhìn bầy cá bơi phía trên.  Một lần em thấy một con rùa thật to, một cái hình thù khổng lồ đen thui bạt ngang, giống như chiếc phi thuyền bọn cướp trong phim Star Wars.  Và còn mấy con chim lớn màu trắng với mỏ dài và nhọn; nhìn từ phía dưới lên trông chúng giống như mây trắng trôi ngang trên trời."


"Và bây giờ em thấy lại hết được mọi thứ đó sao?"


"Rõ như ban ngày.  Ánh sáng, sức kéo của luồng nước, hết tất cả.  Có lúc em lại còn có thể trở về trong tưởng tượng."


"Trở về những gì em nghĩ ngày xưa chăng?"


"Đúng."


"Thế mấy con cá mút đá nghĩ gì?"


"Cá mút đá nghĩ về những tư tưởng cá-mút-đá.  Về những đề tài cá-mút-đá trong những phạm vi rất là cá-mút-đá.  Không có từ nào diễn đạt được những suy nghĩ ấy.  Chúng thuộc về thế giới của nước.  Giống như là khi chúng ta còn trong bụng mẹ.  Chúng ta nghĩ về những chuyện gì gì trong đó, nhưng không diễn tả các suy nghĩ ấy được bằng ngôn ngữ ta dùng ngoài này.  Có phải không?"


"Khoan đã!  Em nói em nhớ được trong bụng mẹ như thế nào hả?"


"Dĩ nhiên" - Scheherazade nói, ngửng đầu nhìn qua ngực của ông - "Bộ ông không nhớ sao?"


Không, ông nói.  Ông không thể nào nhớ được.


"Thế thì em sẽ kể cho ông bữa nào đó.  Về đời sống trong bụng mẹ."


"Scheherazade, Cá Mút Đá, Tiền Kiếp", đó là những gì Habara ghi lại ngày hôm đó trong sổ nhật ký.  Ông không tin rằng có người nào đọc được những chữ ấy mà lại có thể đoán ra chúng  muốn nói gì.


Habara gặp Scheherazade lần đầu tiên vào bốn tháng trước.  Ông ta bị chở đến căn nhà này trong một thị trấn phía bắc của Tokyo, và nàng được phân cho ông với vai trò "yểm trợ viên".  Bởi vì ông không thể đi ra ngoài, nhiệm vụ của nàng là mua thực phẩm và những thứ cần dùng rồi đem đến nhà.  Nàng cũng đi tìm những sách báo mà ông muốn đọc và những dĩa nhạc CD mà ông thích nghe.  Ngoài ra nàng còn gom cho ông những bộ phim DVD tuy rằng ông khó thể nào đồng cảm với sở thích của nàng.


Một tuần lễ sau đó, tựa như là một bước kế tiếp hiển nhiên, Sheherazade đã đưa ông lên giường.  Khi mới vào nhà, ông đã thấy có sẵn những bao cao su trong bàn đầu giường.  Habara đoán rằng phục vụ tình dục là một trong những nhiệm vụ của nàng, hoặc có lẽ là một "sinh hoạt yểm trợ" nói theo danh từ họ dùng.  Cho dù gọi bằng từ gì đi nữa, và cho dù động cơ nào thúc đẩy nàng đi nữa, ông ta đã xuôi theo dòng và chấp nhận đề nghị của nàng mà không do dự.


Việc ân ái của họ không hẳn là bắt buộc, nhưng cũng không thể nói là họ đặt hết mình vào đấy.  Nàng như luôn cảnh giác để cho họ đừng quá hăng say - giống như một thầy dạy lái xe không muốn học sinh của mình bị kích động bởi việc lái xe.  Tuy nhiên, nếu cuộc làm tình không thể gọi là nồng cháy, nó cũng chẳng phải đơn thuần là một công tác.  Lúc đầu, có thể đó chỉ là nhiệm vụ (hoặc ít ra, là điều được khuyến khích), nhưng đến một điểm nào, nàng hình như tìm được một loại khoái lạc trong đó, cho dù chỉ một mảy may.  Habara có thể cảm được điều này qua những đáp ứng tế nhị của thân thể nàng, điều mà cũng làm cho ông thích thú.  Dù sao, ông ta chẳng phải là con thú hoang bị nhốt trong chuồng mà là con người với một bầu cảm xúc, và dùng tình dục chỉ với mục đích duy nhất là thư giãn cơ thể thì khó mà trọn vẹn được. Thế nhưng, phần bao nhiêu thì Scheherazade xem quan hệ tình dục của họ như là một phận sự, và phần bao nhiêu là thuộc về đời tư của nàng?  Ông ta không thể nào biết được.


Còn nhiều chuyện khác khó biết nữa.  Habara thường thấy là tình cảm và ý nghĩ của Scheherazade khó thể đoán được.  Thí dụ, nàng gần như lúc nào cũng mặc quần lót bằng vải cotton.  Loại quần lót mà ông nghĩ các bà nội trợ khoảng ba mươi mấy tuổi hay dùng - tuy rằng đây chỉ là phỏng đoán vì ông chẳng có kinh nghiệm với các bà nội trợ khoảng tuổi ấy.  Nhưng có vài ngày nàng lại đến với quần lót lụa màu có viền ren.  Tại sao nàng thay đổi qua lại giữa hai thứ, ông cũng chẳng biết được.


Điều khác nữa làm cho ông phân vân là việc làm tình và kể chuyện của nàng liên kết mật thiết với nhau, khiến cho khó thể biết khi nào việc này hết và việc kia bắt đầu.  Ông chưa bao giờ trải qua một tình cảnh như thế này: dù rằng ông không yêu nàng và việc làm tình cũng chỉ tàm tạm thôi, ông cảm thấy mình lại gắn bó chặt chẽ với nàng về thể chất.  Thật là khó hiểu.


"Hồi còn thiếu nữ em đã bắt đầu cạy cửa vào những căn nhà trống" - một hôm nàng nói khi họ nằm trên giường.


Habara như á khẩu - chuyện thường xảy ra khi nghe nàng kể chuyện.


"Ông có bao giờ cạy cửa vào nhà của ai chưa? - nàng hỏi.


"Không làm vậy được" - Habara trả lời với giọng khô khan.


"Làm một lần đi rồi ông sẽ ghiền."


"Nhưng vậy là bất hợp pháp."


"Dĩ nhiên.  Nguy hiểm nữa, nhưng mà cũng mê lắm."


Habara yên lặng chờ nàng kể tiếp. Nàng nói:


"Cái điều thích nhất khi mình ở trong nhà người nào mà không có họ ở đấy là nó im lặng làm sao.  Không một tiếng động.  Giống như là chỗ im lặng nhất trên thế giới.  Ít ra là em thấy nó như vậy.  Khi em ngồi trên sàn nhà và không nhúc nhích gì cả, cuộc đời cá mút đá như trở lại với em.  Em có nói với ông là kiếp trước em là cá mút đá rồi phải không?"


"Có, em có nói."


"Giống y vậy đó.  Mấy cái ống mút của em dính vào cục đá dưới nước và thân mình em uốn qua uốn lại phía trên, giống như mấy cây rong ở chung quanh.  Tất cả đều im lặng.  Em nghĩ chắc tại mình không có tai.  Những ngày nắng, các tia sáng chiếu xuống từ trên mặt nước như những mũi tên.  Những con cá đủ màu sắc và hình thù bơi ngang phía trên.  Và đầu óc của em không có một suy nghĩ nào cả, nghĩa là ngoại trừ những suy nghĩ cá-mút-đá.  Những suy nghĩ đó mơ hồ nhưng rất trong sạch.  Đó là một chốn tuyệt vời.


Lần đầu tiên Scheherazade xâm nhập vào nhà người khác, nàng kể, là khi mới lên trung học và si tình một cậu trai trong lớp.  Cậu không đẹp trai lắm nhưng cao ráo, gọn ghẽ, là học sinh giỏi chơi trong đội bóng đá và khiến nàng bị lôi cuốn mãnh liệt.  Nhưng hình như cậu ấy lại thích một cô gái khác trong lớp và không để ý đến Scheherazade.  Đúng ra thì cũng có thể là cậu chẳng biết rằng nàng có mặt trên đời.  Tuy vậy, nàng không thể nào gạt hình ảnh cậu ra khỏi trí óc của mình.  Chỉ thấy mặt cậu ta là nàng đã như hụt hơi thở, có lúc lại cảm thấy như buồn nôn.  Nàng nghĩ, nếu mình không làm gì về chuyện này, mình có thể hoá điên.  Thế nhưng, thố lộ tình yêu ấy là chuyện không thể được.


Một hôm, Scheherazade trốn học và đến nhà cậu trai.  Nhà cậu cách nhà nàng khoảng mười lăm phút đi bộ.  Nàng đã tìm hiểu về gia đình cậu ta trước đó.  Mẹ cậu dạy Nhật văn ở một trường tại thành phố kế cận.  Cha cậu, trước đây làm ở hãng xi măng, đã chết trong một tai nạn lưu thông vài năm về trước.  Chị cậu là nữ sinh trung học.  Điều này có nghĩa là căn nhà sẽ vắng người vào ban ngày.


Như đã đoán, cửa vào bị khoá.  Scheherazade kiểm tra dưới thảm chùi chân để tìm chìa khoá.  Đúng vậy, chìa nằm dưới đó.  Những khu vực nhà ở trong các thành phố nhỏ như của họ rất ít tội phạm nên người ta thường đặt một chìa khoá dư dưới thảm cửa hoặc trong một chậu kiểng.


Để cho chắc ăn, Scheherazade bấm chuông, chờ cho đến lúc chắc chắn không ai trả lời, liếc quanh con đường để xem mình có đang bị ai quan sát không, mở cửa và bước vào.  Nàng khoá cửa lại từ bên trong.  Nàng tháo giày, bỏ vào bao ny lông và cất vào túi đeo sau lưng.  Rồi nàng rón rén leo cầu thang lên lầu.


Phòng ngủ cậu ta ở trên đó, như nàng đã đoán.  Giường cậu xếp thẳng thớm.  Trên kệ sách là một máy hát nhỏ với vài dĩa CD.  Trên tường treo một tấm lịch với hình đội bóng tròn Barcelona và cạnh đó là một cái gì giống như cờ hiệu của đội, nhưng ngoài ra không còn gì khác.  Không hình poster, không tranh ảnh.  Chỉ một bức tường sơn màu kem.  Một tấm màn trắng treo trên cửa sổ.  Căn phòng ngăn nắp với mọi thứ sắp xếp đâu vào đó.  Không có sách vất lăn lóc, không có quần áo giăng trên sàn nhà.  Căn phòng là một chứng minh cho tính kỹ lưỡng của người chủ.  Hoặc là của một người mẹ luôn giữ cho nhà cửa hoàn hảo.  Hoặc của cả hai.  Nó làm cho Scheherazade lo lắng.  Nếu căn phòng bừa bãi hơn, lỡ nàng có làm xê xích gì thì cũng không ai thấy được.  Tuy nhiên, cùng một lúc, sự sạch sẽ và đơn giản của căn phòng, sự ngăn nắp tột bực, làm cho nàng sung sướng.  Thật là giống như cậu ta.


Scheherazade hạ người xuống chiếc ghế bàn viết và ngồi ở đó một hồi.  Đây là chỗ cậu ta học bài mỗi tối, nàng nghĩ, tim đập mạnh.  Nàng bốc lên từng thứ dụng cụ trên bàn, mân mê giữa các ngón tay, đưa lên mũi ngửi và áp vào môi.  Bút chì của cậu, chiếc kéo, cây thước, cái đồ bấm - những thứ rất thông thường mà sao rạng rỡ bởi vì chúng là của cậu ta.


Nàng mở các hộc kéo và kiểm tra bên trong một cách cẩn thận.  Hộc phía trên hết chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn đựng một khay nhỏ với nhiều món lẫn lộn và đồ kỷ niệm.  Hộc thứ hai đựng phần nhiều là bài vở cho những lớp đang học, còn hộc dưới cùng (hộc sâu nhất) đựng một tập hợp những giấy má cũ, tập vở và bài thi.  Hầu như mọi thứ đều dính lứu đến trường học hoặc bóng tròn.  Nàng đã hy vọng có thể tìm được một cái gì riêng tư - chẳng hạn như một nhật ký, hoặc một lá thư - nhưng cái bàn viết chẳng đựng những thứ đó.  Chẳng có cả một tấm hình.  Sheherazade thấy điều này hơi bất thường.  Chẳng lẽ cậu ta không có đời sống bên ngoài trường học và đá banh hay sao?  Hoặc là có thể cậu đã giấu kỹ những gì có tính cách riêng tư để không ai tìm thấy được?


Thế nhưng, chỉ cần ngồi ở bàn học và lướt mắt qua dòng chữ viết của cậu là nàng đã thấy rung cảm không từ nào diễn tả được.  Để lấy lại bình tĩnh, nàng rời khỏi ghế và ngồi xuống sàn nhà. Nàng nhìn lên trần.  Cái yên lặng chung quanh nàng thật tuyệt đối.  Thế là, nàng trở về thế giới của cá mút đá.


"Vậy là em chỉ vào phòng cậu ta, lục lọi đồ và ngồi xuống sàn?" - Habara hỏi.


"Không" - Scheherazade nói - "Còn nữa.  Em muốn lấy một cái gì của ảnh đem về nhà.  Cái gì mà ảnh dùng hàng ngày mà cận kề thân thể của ảnh.  Nhưng cũng không thể là cái gì quan trọng mà ảnh sẽ thấy thiếu vắng.  Bởi vậy em chỉ lấy một cây viết chì."


"Chỉ một cây viết chì thôi à?"


"Đúng.  Cây viết mà ảnh đang dùng.  Nhưng nếu mà chỉ lấy không thì chưa đủ.  Vì đó sẽ đơn thuần là một trường hợp ăn trộm thôi.  Cái việc mà em làm sẽ uổng công.  Đúng ra thì em là ả trộm tình yêu mà."


Ả Trộm Tình Yêu?  Habara nghe thấy giống như tựa đề của một phim không lời.


"Cho nên em mới quyết định để lại một cái gì thay chỗ nó, một cái gì tượng trưng thôi.  Như là bằng chứng là em đã tới đó.  Một phát biểu rằng đây là một sự trao đổi chứ không phải chỉ là lấy trộm.  Nhưng mà để lại cái gì bây giờ?  Không gì hiện đến trong đầu em cả.  Em tìm trong giỏ và túi, nhưng không thấy gì thích hợp.  Em tự trách mình sao không nghĩ đến đem theo một cái gì tương xứng.  Sau cùng, em quyết định để lại một miếng băng vệ sinh.  Một miếng chưa dùng, dĩ nhiên, vẫn còn trong bọc ny lông.  Ngày kinh nguyệt của em gần kề nên em có mang theo để phòng hờ.  Em dấu nó ở phía đáy của hộc kéo dưới cùng, nơi mà khó thể nhìn thấy.  Việc này kích thích em vô cùng.  Việc một miếng băng vệ sinh của em được dấu kín trong hộc kéo bàn của ảnh.  Có lẽ vì em bị kích thích quá mức nên em bị ra kinh gần như lập tức ngay sau đó."


Một miếng băng vệ sinh cho một cây bút chì, Habara nghĩ.  Có lẽ mình phải viết vào nhật ký ngày hôm nay: "Ả Trộm Tình Yêu, Viết Chì, Băng Vệ Sinh."  Để xem người ta có thể đoán ra được là gì không!


"Em chỉ ở trong nhà ảnh chừng mười lăm phút.  Em không thể ở lâu hơn nữa: đây là lần đầu tiên em xâm nhập vào nhà người ta và em sợ có ai bắt được.  Em kiểm tra xem con đường có vắng người không, lẻn ra khỏi cửa, khoá lại và đặt chìa khoá xuống dưới thảm chùi chân.  Rồi em đến trường.  Đem theo cây viết quý báu của ảnh."


Scheherazade trở nên im lặng.  Hình như nàng đã đi ngược thời gian và đang mường tượng ra những sự việc sắp lần lượt xảy đến.


"Tuần lễ ấy là tuần sung sướng nhất trong đời em" - nàng nói sau một hồi lâu im lặng. "Em viết vớ vẩn vào tập vở bằng cây viết của ảnh.  Em ngửi nó, hôn nó, cạ vào má và vân vê trên những ngón tay.  Có khi, em còn ngậm vào miệng và mút.  Dĩ nhiên, em khổ tâm là hễ càng viết thì cây viết càng ngắn đi, nhưng em không thể cưỡng lại được.  Nếu nó trở thành ngắn quá, em nghĩ là em có thể trở lại để lấy một cây viết khác. Có khối cây bút chì đang dùng dở trong khay đựng viết trên bàn anh ấy.  Ảnh sẽ chẳng hề biết nếu thiếu đi một cây.  Và chắc là ảnh cũng chưa thấy miếng băng vệ sinh dấu trong hộc kéo.  Ý tưởng ấy làm em kích thích vô cùng - nó gợi cho em một cảm giác lăn tăn phía dưới đó.  Em chẳng còn phiền hà gì nữa chuyện anh ấy không để mắt đến em trên thực tế, hoặc không biết rằng em có hiện hữu trên đời.  Bởi vì em đã bí mật có được một cái gì của ảnh - như là một phần của anh ấy."


Mười ngày sau, Scheherazade trốn học một lần nữa và trở lại căn nhà cậu trai.  Lúc ấy là mười một giờ sáng.  Cũng như lần trước, nàng moi chìa khoá dưới thảm chùi chân và mở cửa.  Và phòng của cậu ta cũng lại toàn hảo như vậy.  Đầu tiên, nàng chọn một cây bút chì chưa dùng mấy và thận trọng bỏ vào hộp bút chì của mình.  Rồi nàng nhẹ nhàng nằm lên giường, hai tay đặt đan trên ngực và nhìn lên trần nhà.  Đây là cái giường chàng ta ngủ mỗi đêm.  Ý nghĩ ấy làm tim nàng đập nhanh hơn và nàng cảm thấy khó hô hấp.  Buồng phổi nàng như không hít vào đủ không khí và cổ họng nàng khô khốc, làm cho mỗi hơi thở đớn đau.


Scheherazade rời khỏi giường, vuốt thẳng tấm trải và ngồi bệt xuống sàn như lần trước.  Nàng nhìn lên trần.  Mình chưa sẵn sàng với cái giường của ảnh, nàng tự nhủ.  Cái này còn hơi quá mức chịu đựng.


Lần này, Scheherazade ở lại trong nhà khoảng nửa giờ.  Nàng lôi những tập vở ra từ hộc bàn và lướt nhìn qua chúng.  Nàng tìm thấy một bài điểm sách và bắt đầu đọc.  Bài nói về "Kokoro", một tiểu thuyết của Soseki Natsume, sách phải đọc mùa hè.  Chữ viết của cậu ta thật đẹp, giống như ai nấy đều nghĩ là chữ học sinh giỏi phải như thế, không một sai phạm hay thiếu sót chỗ nào.  Điểm của bài là Xuất Sắc.  Còn có thể nào khác hơn?  Thầy giáo nào mà chứng kiến được nét bút rồng bay phượng múa ấy đương nhiên là phải cho điểm Xuất Sắc, cho dù thầy có màng đọc dòng chữ nào đi chăng nữa.


Scheherazade tiến lại những hộc kéo tủ áo quần, lần lượt xem xét những gì bên trong.  Đồ lót và vớ.  Áo sơ mi và quần dài.  Bộ đồng phục đá banh. Tất cả đều xếp gọn ghẽ.  Không một vết ố hoặc sờn.  Có phải cậu ta xếp chăng?  Hoặc, đúng hơn, phải chăng mẹ cậu đã xếp dùm?  Nàng cảm thấy một nhói ghen tức với bà mẹ, người có thể làm được những việc ấy cho cậu ta hàng ngày.


Nàng khom người ngửi những áo quần trong hộc kéo.  Chúng thơm mùi vừa mới giặt và thoảng hơi nắng mặt trời.  Nàng lấy ra một chiếc áo thun màu xám, bung ra và áp vào mặt mình.  Có thể nào còn ướm chút mồ hôi của cậu trong nách áo chăng?  Nhưng không có gì cả.  Tuy nhiên, nàng cứ ôm như thế và hít thở qua đằng mũi.  Nàng muốn giữ riêng chiếc áo ấy cho mình.  Nhưng vậy thì mạo hiểm lắm.  Quần áo của cậu giữ kỹ và sắp xếp ngăn nắp quá.  Cậu ta (hoặc mẹ cậu) chắc là biết rõ có đúng bao nhiêu cái áo thun trong hộc kéo.  Nếu mất đi một cái, chắc là sẽ rùm beng lên.  Scheherazade cẩn thận xếp chiếc áo lại và cất vào chỗ cũ. Thay vào đó, nàng lấy một phù hiệu nhỏ hình như trái bóng đá mà nàng tìm thấy ở một trong những hộc kéo.  Phù hiệu này có lẽ của một đội banh từ thời cậu còn học tiểu học.  Chắc là cậu ta sẽ không nhớ đến nó.  Ít ra thì cũng phải qua một khoảng thời gian lâu cậu mới biết được nó bị mất.  Trong khi lục lọi, nàng luôn thể kiểm tra cái băng vệ sinh dưới đáy hộc kéo.  Nó vẫn còn nằm nguyên ở đó.


Scheherazade thử tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu mẹ cậu khám phá ra được cái băng vệ sinh.  Bà ta sẽ nghĩ gì?  Bà có sẽ đòi hỏi cậu ta phải giải thích tại sao lại có cái băng vệ sinh trong hộc bàn chăng?  Hoặc bà có sẽ giữ kín chuyện ấy và trăn trở với những tư tưởng đen tối trong đầu chăng?  Scheherazade không thể đoán được.  Nhưng nàng quyết định để yên cái băng ở chỗ ấy.  Dù sao, đấy chính là cái biểu tượng đầu tiên của nàng.


Để đánh dấu lần viếng thứ nhì, Scheherazade để lại ba sợi tóc của nàng.  Đêm hôm trước, nàng đã nhổ chúng ra, gói vào bao ny lông và đặt vào một phong bì tí hon dán kín.  Giờ đây, nàng lấy nó ra từ giỏ xách và kẹp vào một trong những cuốn sách toán trong hộc bàn.  Ba sợi tóc thẳng và đen, không quá dài mà cũng không quá ngắn.  Không ai có thể biết được là của người nào nếu không làm xét nghiệm DNA, nhưng rõ ràng đấy là tóc con gái.


Nàng rời nhà cậu ta và đi thẳng đến trường, vừa đúng lúc bắt đầu lớp học buổi chiều.  Một lần nữa, nàng mãn nguyện được khoảng mươi ngày.  Nàng cảm thấy cậu ta đã thuộc về nàng nhiều hơn tí nữa.  Nhưng, như có thể đã đoán trước được, các sự việc này sẽ không thể kết cục mà không có vấn đề.  Vì, như Scheherazade đã nói, việc lẻn nhập vào nhà ai khác làm cho người ta đam mê.


Đến đoạn ấy của câu chuyện, Scheherazade liếc nhìn đồng hồ đầu giường và thấy đã 4:32 chiều.  "Em phải về thôi", nàng nói, tựa như với chính mình.  Nàng nhảy ra khỏi giường, mặc vào chiếc quần lót trắng đơn sơ, móc nịt ngực, xỏ chiếc quần jeans và tròng qua đầu chiếc áo len Nike màu xanh đậm.  Rồi nàng rửa tay trong phòng tắm, chải tóc và lái đi bằng chiếc Mazda xanh.


Còn lại một mình với chẳng có gì đặc biệt để làm, Habara nằm nán trên giường và ngẫm lại câu chuyện nàng vừa kể, thưởng thức từng tí một, như một con bò đang nhai lại.  Chuyện sẽ đi đến đâu?  Như với những chuyện khác của nàng, ông chẳng thể biết được.  Ông thấy mình khó tưởng tượng ra Scheherazade như là một nữ sinh trung học.  Hồi ấy nàng có thon gọn chứ không đẫy đà ra như bây giờ chăng?  Với đồng phục nhà trường, vớ trắng, tóc thắt đuôi bím?


Ông ta chưa đói bụng nên hoãn việc làm cơm tối và trở lại đọc cuốn sách đang xem dở dang, nhưng cảm thấy mình không thể tập trung được.  Hình ảnh Scheherazade lẻn vào nhà bạn cùng lớp và úp mặt vào chiếc áo của cậu trai còn quá rõ rệt trong đầu óc của ông.  Ông ta nôn nóng được nghe kể phần kế tiếp.


Ba ngày sau, Scheherazade trở lại căn nhà khi ngày cuối tuần đã qua.  Như thường lệ, nàng đến với những bao lớn đựng đầy đồ tiếp tế.  Nàng soạn tủ lạnh, thay thế những món đã hết hạn, xem xét những đồ hộp và chai lọ trong tủ đồ ăn, kiểm tra những bao gia vị xem gần hết chưa và lập danh sách những món cần mua.  Nàng đặt vài chai Perrier vào tủ lạnh.  Sau cùng, nàng đặt những sách mới và DVD vừa đem đến lên bàn.


"Ông còn thấy cần gì nữa không?"


"Không nghĩ ra gì nữa", Habara nói.


Rồi như mọi lần, họ lên giường và làm tình.  Sau một hồi dạo đầu, ông mang bao cao su, tiến vào nàng, và sau một thời gian đủ dài, ông xuất tinh.  Nàng liếc nhìn bên trong chiếc bao cao su với một con mắt thành thạo rồi bắt đầu kể phần tiếp của câu chuyện.


Như lần trước, Scheherazade cảm thấy sung sướng và toại nguyện được mười ngày sau lần xâm nhập nhà thứ hai.  Nàng đặt cái phù hiệu bóng đá vào hộp viết của mình và thỉnh thoảng sờ vào nó trong lớp học.  Nàng gặm cây bút đã lấy trộm và liếm cái đầu chì.  Lúc nào nàng cũng nghĩ đến căn phòng của cậu trai.  Nghĩ đến bàn viết của cậu, chiếc giường cậu nằm, những hộc tủ đựng đầy quần áo của cậu, những chiếc quần sóc trắng tinh, và chiếc băng vệ sinh và ba sợi tóc mà nàng đã giấu trong hộc kéo.


Nàng không màng chi nữa đến việc học.  Trong lớp, hoặc nàng mó máy cái phù hiệu hoặc cây bút chì, hoặc chìm đắm trong mơ màng.  Khi về nhà, nàng không còn tâm trí nào để làm bài tập.  Học lực của Scheherazade chưa bao giờ có vấn đề.  Nàng không đứng đầu lớp nhưng chăm chỉ và luôn hoàn tất các bài làm.  Vì thế, khi thầy giáo gọi tên trong lớp và nàng không trả lời được, ông ta ngạc nhiên hơn là giận dữ.  Cuối cùng, ông gọi nàng vào văn phòng trong giờ ăn trưa. "Em có vấn đề gì hả?", ông hỏi.  "Có việc gì làm em lo âu chăng?"  Nàng chỉ có thể ấp úng vài câu mơ hồ về mình không được khoẻ.  Cái bí mật của nàng quá nặng cân và đen tối để có thể kể cho một ai - nàng phải mang nó một mình thôi.


"Em phải tiếp tục lén vào nhà anh ấy," Scheherazade nói. "Em như bị ép buộc.  Như ông thấy đó, việc này mạo hiểm lắm.  Chính em cũng thấy nữa.  Sớm muộn gì, ai đó sẽ bắt gặp em, và họ sẽ kêu cảnh sát.  Cái ý nghĩ này làm em sợ đến chết.  Nhưng khi trái banh đã lăn đi rồi, em không thể ngừng nó được.  Mười ngày sau lần thứ hai, em trở lại đó.  Em không còn chọn lựa nào khác.  Em thấy nếu em không đi, em sẽ rơi xuống hố sâu.  Bây giờ nhìn lại, em thấy mình hồi đó thực là hơi điên."


"Bộ em trốn học hoài mà nhà trường không nói gì cả sao?" Habara hỏi.


"Cha mẹ em có công việc làm ăn riêng, cho nên họ quá bận bịu để chú ý đến em.  Cho đến ngày đó, em chưa bao giờ có vấn đề và luôn luôn vâng lời cha mẹ.  Bởi vậy hổng bả để em muốn làm gì cũng được.  Giả mạo giấy xin phép cho trường dễ như chơi.  Em giải thích cho thầy giáo rằng em có vấn đề sức khoẻ và thỉnh thoảng cần đến bệnh viện nửa ngày.  Vì các thầy giáo luôn phải động não xem phải giải quyết như thế nào việc có học sinh chẳng bao giờ đến lớp, cho nên họ cũng chẳng quan tâm mấy đến việc em lâu lâu xin nghỉ nửa ngày.


Scheherazade liếc nhanh chiếc đồng hồ đầu giường trước khi tiếp tục.


"Em lấy chìa khoá dưới tấm thảm và vào nhà lần thứ ba.  Căn nhà yên lặng như những lần trước - không, yên lặng hơn, chẳng biết vì sao.  Em giật mình khi cái tủ lạnh bật chạy - nó kêu như là một con vật khổng lồ đang hát.  Rồi chuông điện thoại réo vang.  Tiếng reng thật to và chói chát khiến em nghĩ tim mình sẽ đứng luôn.  Người em đầy mồ hôi.  Không ai bốc máy, dĩ nhiên, và điện thoại ngưng sau mười lần reo.  Căn nhà lại càng yên lặng hơn ngay sau đó."


Hôm ấy, Scheherazade nằm duỗi dài trên giường của chàng trai thật lâu.  Lần này, tim nàng không đập dữ dội nữa và nàng thở được bình thường.  Nàng có thể tưởng tượng cậu ta đang nằm ngủ êm đềm bên cạnh mình, và còn cảm thấy được cả như nàng đang ngắm nhìn cậu ấy ngủ.  Nàng có cảm giác rằng, nếu vươn tay ra, nàng có thể chạm vào cánh tay vạm vỡ của cậu.  Dĩ nhiên là cậu ta chẳng có bên cạnh nàng.  Nàng chỉ chìm đắm trong hào quang của cơn mơ màng mà thôi.


Nàng cảm thấy một cơn thôi thúc không cưỡng lại được muốn ngửi mùi cậu ta.  Ngồi nhổm dậy từ giường, nàng bước đến tủ quần áo, mở một hộc kéo ra và ngắm nghía bên trong.  Tất cả đều giặt sạch và xếp gọn ghẽ.  Tất cả đều tinh khiết, hoàn toàn không có mùi, hệt như lần trước.


Thế rồi một ý nghĩ vụt đến với nàng.  Nàng phóng cầu thang thật nhanh xuống tầng dưới.  Tại đó, trong căn phòng cạnh buồng tắm, nàng tìm thấy giỏ đựng quần áo dơ và mở nắp ra.  Giỏ đựng lẫn lộn các y phục chờ giặt của cả ba người trong gia đình: bà mẹ, con gái và cậu trai.  Hình như là đồ dơ của một ngày.  Scheherazade lượm ra một áo con trai.  Một chiếc áo thun cổ tròn màu trắng.  Nàng hít một hơi.  Một mùi thanh niên không thể lầm được.  Cái mùi chua ẩm mà nàng đã từng ngửi thấy ở những bạn con trai cùng lớp.  Không phải một mùi ngây ngất, dĩ nhiên rồi.  Nhưng sự kiện đấy là mùi của cậu ta làm cho Scheherazade sung sướng vô cùng.  Khi nàng đặt mũi ở nách áo và hít vào, nàng cảm thấy như đang được cậu ta ôm, hai tay vòng chặt quanh người nàng.


Cầm áo trên tay, Scheherazade leo lên lầu và trở lại nằm trên giường.  Nàng úp mặt vào chiếc áo và hít lấy hít để.  Bấy giờ, nàng nhận được một cảm giác rã rời ở phần dưới cơ thể của mình.  Hai đầu vú cũng cương lên.  Có thể nào nàng sắp xuất kinh chăng?  Không, còn sớm quá mà.  Có phải đây là khao khát nhục dục?  Nếu vậy, nàng phải làm gì bây giờ?  Nàng chẳng có một khái niệm nào cả.  Một điều chắc chắn, nàng không thể làm gì được trong hoàn cảnh này.  Không phải ở đây, trong phòng của cậu ta, trên giường của cậu.


Cuối cùng, Scheherazade quyết định đem chiếc áo về nhà mình.  Việc này chắc chắn là nguy hiểm.  Mẹ cậu chắc là sẽ thấy thiếu mất một cái áo.  Ngay cả nếu bà ta không nghĩ rằng nó bị lấy trộm, bà cũng sẽ thắc mắc rằng nó biến mất đi đâu.  Bất kỳ người đàn bà nào mà giữ nhà sạch sẽ quá như thế cũng phải là sư tổ ngăn nắp.  Khi thấy cái gì bị mất, chắc bà sẽ lục tung nhà cửa lên, như một con chó thám tử, cho đến khi tìm ra được.  Đương nhiên là bà sẽ khám phá ra vết tích của Scheherazade trong căn phòng của cậu quý tử.  Nhưng, mặc dù Scheherazade hiểu rõ điều này, nàng không muốn bỏ lại chiếc áo.  Trí óc của nàng không đủ sức để thuyết phục con tim.


Thay vào đó, nàng bắt đầu nghĩ xem nên để lại cái gì.  Chiếc quần lót của nàng có lẽ là chọn lựa hợp lý nhất.  Quần kiểu bình thường, đơn giản, vẫn còn mới và sạch vào buổi sáng ấy.  Nàng có thể dấu nó ở phía sau tủ áo.  Còn gì thích hợp hơn để mà trao đổi?  Nhưng khi nàng cởi nó ra, đáy quần đã ẩm ướt.  Cái này chắc tại mình bị ham muốn quá, nàng nghĩ.  Không thể nào để lại cái gì bị vẩn đục bởi dục vọng của mình trong căn phòng này.  Sẽ chỉ làm mình bị mất giá trị mà thôi.  Nàng mặc quần lại và bắt đầu nghĩ xem nên để lại cái gì khác hơn.


Scheherazade ngưng kể.  Nàng không nói gì trong một lúc lâu.  Nàng nằm yên, thở nhẹ với đôi mắt nhắm.  Bên cạnh nàng, Habara cũng làm như thế, đợi chờ nàng tiếp tục câu chuyện.


Sau cùng, nàng mở mắt và nói.  "Này, ông Habara."  Đấy là lần đầu tiên nàng gọi ông bằng tên."


Habara nhìn nàng.


"Ông có nghĩ rằng mình làm thêm lần nữa được không?"


"Dĩ nhiên là được chứ," ông nói.


Thế là họ làm tình lần nữa.  Tuy nhiên, lần này rất khác với lần trước.  Mãnh liệt, đam mê và lâu dài.  Cơn sướng ngất của nàng vào lúc cuối thật không thể lầm được.  Một chuỗi những co thắt mạnh mẽ khiến nàng run lẩy bẩy.  Ngay cả khuôn mặt nàng cũng biến đổi.  Habara như bắt được một hình ảnh thoáng qua của Scheherazade thời còn trẻ: người đàn bà trong vòng tay ông hôm nay là một thiếu nữ hoang mang mười bẩy tuổi bị giam hãm trong thân thể một bà nội trợ ba mươi lăm tuổi.  Habara có thể cảm thấy được nàng bên trong đó, mắt nhắm nghiền, thân mình run rẩy, ngây thơ hít thở hương vị chiếc áo thun thấm mồ hôi của một chàng trai trẻ.


Lần này, Schherazade không kể chuyện cho ông nghe sau khi ân ái.  Nàng cũng không xem xét bên trong chiếc bao cao su.  Họ nằm yên lặng cạnh nhau.  Mắt nàng mở to và nhìn sững lên trần nhà.  Như cá mút đá đang ngắm nghía mặt nước sáng chói.  Habara nghĩ, thật thú vị biết bao nếu mà ông cũng có thể ở vào một thời gian và không gian khác - bỏ lại phía sau cái con người đơn độc và xác định rõ ràng tên là Nobutaka Habara này để trở thành một con cá mút đá vô danh.  Ông tưởng tượng ra mình và Scheherazade sát cạnh nhau, các ống mút của họ gắn vào cục đá, thân thể họ đong đưa trong luồng nước, liếc nhìn lên mặt nước đợi chờ một con cá hồi béo mập chãnh choẹ bơi ngang.


"Thế em để lại cái gì thay cho chiếc áo?" Habara phá vỡ sự yên lặng


Nàng không trả lời ngay lập tức.


"Không gì cả," nàng trả lời sau một lát.  "Em chẳng mang theo được cái gì tương xứng với chiếc áo có mùi đó.  Bởi vậy, em chỉ lấy nó thôi và đi về.  Đó là lúc mà em trở thành một kẻ ăn trộm xoàng, không gì hơn nữa."


Mười hai ngày sau, Scheherazade trở lại nhà cậu ta lần thứ tư.  Có một ổ khoá mới trên cửa vào.  Ổ khoá màu vàng choé chói chang trong ánh nắng ban trưa, tựa như đang khoe khoang sự cứng chắc của mình.  Và cũng không có chìa khoá dấu dưới thảm chùi chân.  Rõ ràng là bà mẹ đã đâm ra nghi ngờ vì chiếc áo bị mất.  Chắc chắn là bà đã tìm tòi khắp nơi và khám phá ra những dấu vết khiến bà thấy rằng có chuyện gì lạ đã xảy ra trong nhà mình.  Bản năng của bà đã không sai lầm, và bà đã phản ứng nhanh chóng.


Scheherazade dĩ nhiên là thất vọng với tiến triển này, nhưng cùng một lúc, nàng cảm thấy được giải thoát.  Giống như ai đó đã bước ra phía sau nàng và gỡ một gánh nặng khỏi hai vai.  Có nghĩa là mình không còn phải đột nhập vào nhà cậu ta nữa, nàng nghĩ.  Thật rõ ràng là, nếu chiếc khoá cửa không bị đổi, nàng sẽ vẫn tiếp tục những cuộc xâm phạm mãi mãi.  Và cũng không còn nghi ngờ gì nữa là các hành động của nàng sẽ leo thang với từng cuộc thăm viếng.  Một lúc nào đó, một người trong gia đình cậu có thể sẽ về nhà trong khi nàng đang ở trên lầu.  Sẽ không thể có con đường nào để trốn chạy.  Và sẽ không có cách nào cho nàng giải thích được tình trạng gay go ấy.  Đấy là cái tương lai sẽ đón chờ nàng, sớm hay muộn gì, và hậu quả sẽ là tàn khốc.  Bây giờ thì nàng đã tránh được nó rồi.  Có lẽ nàng phải cám ơn mẹ của cậu ta - cho dù nàng chưa hề gặp bà ấy - rằng bà đã có cặp mắt tinh như cú vọ.


Scheherazade hít mùi chiếc áo thun mỗi buổi tối trước khi đi nằm.  Nàng ngủ với chiếc áo bên cạnh mình.  Mỗi buổi sáng trước khi đi học, nàng gói áo vào trong giấy và giấu đi.  Rồi, sau bữa ăn tối, nàng lại lấy nó ra để ve vuốt và hôn hít.  Nàng lo lắng rằng cái mùi ấy sẽ phai đi với thời gian, nhưng chuyện ấy đã chẳng xảy ra.  Mồ hôi của chàng trai đã thấm quá sâu vào chiếc áo.


Giờ đây khi không còn có thể lẻn vào nhà cậu ta nữa, đầu óc của Scheherazade dần dần trở lại bình thường.  Nàng ít mơ màng hơn trong lớp và bắt đầu để ý đến lời thầy giảng.  Tuy nhiên, tâm trí nàng không để nhiều vào lời nói của thầy mà lại đến những cử chỉ của cậu bạn học.  Nàng kín đáo đưa mắt theo dõi cậu ta, cố gắng tìm một thay đổi, một dấu hiệu nào đó cho thấy cậu có đang lo âu về chuyện gì.  Nhưng cậu ta vẫn xử sự bình thường như mọi ngày.  Cậu hất đầu ra sau và cười một cách vô tư, và nhanh nhẹn đáp lời mỗi khi có ai gọi.  Cậu la hét thật to khi tập dượt bóng đá và nhễ nhại mồ hôi như thường lệ.  Nàng không thể tìm được một vết tích gì bất thường - đấy chỉ là một chàng trai trẻ đứng đắn, với một cuộc đời hình như không một vẩn đục.


Thế nhưng, Scheherazade có biết một màn đen giăng mắc trên đầu cậu ta.  Hoặc một cái gì gần giống như thế.  Chắc là không người nào khác biết đến cả.  Chỉ một mình nàng thôi (và, nếu nghĩ kỹ lại, có thể là mẹ cậu nữa).  Vào lần đột nhập thứ ba, nàng tìm thấy một số báo ảnh khiêu dâm, được dấu thật khéo ở một kẹt tủ.  Báo đầy hình ảnh các đàn bà loã lồ, hai chân dang rộng, bộ phận sinh dục phơi bày tô hố.  Vài tấm hình còn chụp cả cảnh làm tình:  đàn ông nhét những dương vật cương cứng vào thân thể đàn bà trong những tư thế kỳ quặc nhất.  Scheherazade chưa bao giờ nhìn thấy những hình ảnh như thế.  Nàng ngồi xuống bàn học và chầm chậm lật những trang báo, chăm chú ngắm nhìn từng tấm hình một.  Nàng đoán chắc là cậu ta thủ dâm trong khi xem hình.  Nhưng ý nghĩ ấy không làm nàng thấy ghê tởm lắm.  Đối với nàng, thủ dâm là một sinh hoạt cũng thường thôi.  Chất tinh dịch ấy phải có chỗ nào để thoát ra, giống như con gái thì phải có kinh nguyệt vậy.  Nói một cách khác thì cậu ta là một thiếu niên điển hình.  Không phải anh hùng hoặc ông thánh.  Nàng cảm thấy như trút được gánh nặng khi biết điều này.


"Khi không còn những buổi đột nhập, mức say mê anh ấy giảm dần trong em.  Rất từ từ, như thuỷ triều rút xuống trên một bãi biển dài, thoai thoải dốc.  Không biết vì sao, em thấy mình hửi chiếc áo ít đi và bớt dần vuốt ve cây bút chì và cái phù hiệu của cậu.  Cơn sốt đã đi qua.  Em đã vướng không phải chỉ một cơn bịnh mà là cả một cái gì ghê gớm lắm.  Giờ phút nào nó còn đó, em không thể nào sáng suốt được.  Có thể là ai cũng đã trải qua một giai đoạn điên khùng như thế này ở một lúc nào đó.  Hoặc là có thể việc này chỉ xảy đến với em mà thôi.  Còn ông thì sao?  Có bao giờ ông bị trường hợp như thế chưa?"


Habara gạn óc nhưng không nghĩ ra gì cả. "Không, tôi chưa bao giờ có gì cực cùng như thế."


Scheherazade có vẻ hơi thất vọng với câu trả lời của ông.


"Nhưng rồi em quên tuốt anh ấy sau khi ra trường.  Thật nhanh và thật dễ dàng, kỳ cục ghê.  Ảnh đã có cái gì mà khiến con bé mười bẩy tuổi em đây mê dữ vậy?  Em nghĩ hoài mà cũng chẳng nhớ được.  Cuộc đời lạ quá phải không!  Mình có thể bị hoàn toàn mê hoặc bởi một cái gì trong giây phút này, sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ để chiếm đoạt nó, rồi chỉ cần một chút thời gian trôi qua, hoặc là cái nhìn của mình bị đổi thay một tí, thế rồi mình chợt thấy sốc nặng vì cái hào quang ấy đã phai mất tự hồi nào.  Mình tự hỏi, mình đã mê mệt cái gì?  Vậy đó, câu chuyện thời-xâm-nhập-gia-cư-trái-phép của em như thế đó."


Habara thấy giống như nàng đang nói về Thời Màu Xanh (*) của hoạ sĩ Picasso.  Nhưng ông hiểu rõ những gì nàng muốn diễn đạt.


Nàng liếc nhìn chiếc đồng hồ đầu giường.  Đã gần tới giờ phải ra về.


"Thật ra thì," nàng nói sau một lát, "câu chuyện không kết thúc ở đấy.  Vài năm sau đó, khi em đang học năm thứ hai trường y tá, một bước lạ kỳ của định mệnh khiến tụi em gặp lại nhau.  Mẹ anh ta đóng một vai trò quan trọng trong việc này.  Đúng ra thì có một cái gì quái đản về vụ này, giống như trong mấy chuyện ma hồi xưa.  Các diễn biến đã xảy ra một cách không thể ngờ được.  Ông có muốn nghe không?"


"Muốn chứ," Habara nói.


"Tốt hơn nên để đến lần tới," Scheherazade nói. "Bây giờ muộn rồi.  Em phải về nhà nấu ăn đây."


Nàng bước xuống giường và mặc quần áo - quần lót, vớ, nịt ngực, và, sau rốt, váy và áo.  Habara hờ hững ngắm những động tác của nàng từ trên giường.  Ông chợt nghiệm thấy là cách thức đàn bà mặc áo quần vào trông lý thú nhiều hơn là cách họ cởi đồ ra.


"Ông có cần em mang cuốn sách nào đặc biệt đến không?" nàng hỏi khi bước ra cửa.

"Không, không nghĩ ra gì cả," ông trả lời.  Cái mà ông thực sự muốn, ông nghĩ, là nàng kể nốt cho ông phần còn lại của câu chuyện, nhưng ông không nói điều đó ra.   Ông sợ làm như thế, có thể mình lại mất luôn cơ hội có  lúc nào được nghe tiếp.


Habara đi ngủ sớm đêm hôm ấy và nghĩ về Scheherazade.  Ông có thể sẽ chẳng bao giờ gặp lại nàng nữa.  Điều này làm ông lo lắng.  Việc này rất có khả năng xảy ra.  Không có gì ràng buộc cá nhân họ với nhau - không một lời thề, không một giao ước ngầm.  Quan hệ của họ có tính cách ngẫu nhiên và được tạo ra bởi một ai khác, và có thể bị kết thúc nếu người ấy muốn.  Nói một cách khác, họ chỉ dính vào nhau bằng một sợi chỉ mỏng manh.  Có thể là - không, chắc chắn là - sợi chỉ ấy một lúc nào sẽ đứt, và tất cả những câu chuyện kỳ lạ và khác thường mà nàng sẽ kể cho ông sẽ  không có được.   Câu hỏi duy nhất là, bao giờ nó sẽ xảy ra.


Cũng có thể là, đến một lúc nào đó, ông sẽ hoàn toàn mất tự do, và khi đó, không chỉ một Scheherazade mà tất cả các đàn bà sẽ biến mất khỏi cuộc đời của ông.  Ông sẽ không bao giờ nữa được tiến vào cái ẩm ướt của thân thể họ.  Ông sẽ không bao giờ nữa cảm được họ run rẩy đáp lại.  Tuy nhiên, có lẽ cái viễn ảnh đau khổ nhất cho Habara không phải là không còn được làm tình nữa, mà là việc mất mát những giây phút chia sẻ riêng tư.  Việc chung đụng với đàn bà cho ông cơ hội diện kiến với thực tế trên một mặt này, nhưng lại hoàn toàn chối bỏ nó trên một mặt khác.  Đấy là cái mà Scheherazade đã cung cấp cho ông thật nhiều - đúng thế, món quà của nàng thật là vô tận.  Cái viễn ảnh mất đi điều ấy làm cho ông vô cùng buồn bã.


Habara nhắm mắt và ngưng nghĩ về Scheherazade.  Thay vào đó, ông nghĩ đến những con cá mút đá.  Những con mút đá không quai hàm, gắn chặt vào cục đá, ẩn mình trong những đám rong, đong đưa qua lại theo luồng nước.  Ông tưởng tượng mình là một trong những con đó, đang đợi một con cá hồi xuất hiện.  Nhưng không có con cá hồi nào bơi ngang qua, cho dù ông có chờ bao lâu đi chăng nữa.  Không một con béo mập, không một con ốm o, chẳng có một con nào cả.  Sau cùng thì mặt trời lặn xuống, và thế giới của ông đắm chìm vào bóng tối.


DND

(dịch từ bản tiếng Anh)



      


(*) Thời Màu Xanh (Blue Period - Período Azul) là tên gọi cho những tác phẩm của hoạ sĩ Pablo Picasso khoảng năm 1901-1904 khi ông vẽ chuyên bằng những tông màu xanh chỉ thỉnh thoảng mới có vài đốm màu khác.


No comments:

Post a Comment