Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Friday, January 29, 2016

NGƯỜI BỘ HÀNH


NGƯỜI BỘ HÀNH
The Pedestrian - 1951
Ray Bradbury

Khoảng đầu thập niên 1950, nước Mỹ đã có đã có nhiều tiến triển lớn với những phát minh như vô tuyến truyền hình, máy điện toán và sự tự động hoá.  Cùng với những tiến triển ấy, người ta trở nên lệ thuộc vào máy móc đến độ bỏ đi những sinh hoạt thường nhật giữa con người với nhau.  Thế thì cũng nên suy nghĩ lại xem đây có thực là tiến bộ hay thoái lui.  Trong chuyện Người Bộ Hành, tác giả Ray Bradbury, qua những nhân vật và hình ảnh giả tưởng trong tương lai, đã muốn nói rằng khi nhân loại tiến đến mức mà xã hội không còn nhân tính nữa thì nhân loại cũng có thể xem như không còn tồn tại.  Đề tài quen thuộc của tác giả này là cái đề tài muôn thuở mà chúng ta vẫn còn thấy trong nhiều phim khoa học giả tưởng ngày nay.
                                                                                  
*****

Ông Lễ Mịch thích nhất là bước ra khoảng không gian im lìm của thành phố vào lúc tám giờ buổi tối mù sương tháng Mười Một, đặt chân lên vỉa hè bê tông gập ghềnh, lướt qua những khe nối mọc đầy cỏ và dấn mình vào cái tĩnh lặng, hai tay thọc sâu vào túi.  Ông đứng ở một góc ngã tư đường và nhìn về bốn hướng dọc theo những lề đường có ánh trăng soi để quyết định sẽ đi lối nào.  Nhưng rồi đi hướng nào cũng thế thôi.  Ông chỉ còn một mình trong cái thế giới năm 2053 này, hoặc gần như chỉ là một mình, và một khi đã chọn được hướng đi rồi, ông sẽ bước mau, thở ra những làn hơi nước lạnh giá về phía trước như phun khói xì gà.

Đôi khi, ông sẽ đi hằng nhiều tiếng đồng hồ và nhiều cây số ngàn để chỉ trở về nhà lúc nửa đêm. Và trên đường đi ông sẽ thấy nhà nhà phố phố đóng cửa tối đen, chẳng khác nào đang băng qua một nghĩa địa nơi những đốm sáng yếu ớt hiện ra sau khung cửa sổ như ánh lập loè của những con đom đóm.  Ông Lễ Mịch ngừng lại, nghiêng đầu nghe ngóng, nhìn quanh và tiếp tục tiến bước, chân lướt im lặng trên lối đi gồ ghề.  Từ lâu rồi, ông đã khôn ngoan đổi ra mang giầy thể thao khi đi dạo ban đêm, bởi vì lũ chó sẽ hùa nhau sủa lên từng chập trong suốt buổi đi nếu ông mang giày gót cứng, và ánh đèn sẽ mở lên, và các khuôn mặt sẽ xuất hiện, và cả con đường sẽ thảng thốt khi thấy một bóng người cô độc, chính là ông, bước đi trong giờ chập tối tháng Mười Một.


Vào buổi tối ấy, ông bắt đầu đi về hướng tây, ra phía biển.  Không khí sắc lạnh cắt vào mũi và làm buồng phổi hừng nóng như cây thông Giáng Sinh bên trong nhà; người ta có thể cảm thấy được các bóng đèn lạnh tanh chớp nháy và các cành cây phủ đầy một lớp tuyết vô hình.  Ông hài lòng lắng nghe tiếng giày của mình nhẹ dẵm lên những chiếc lá mùa thu, miệng huýt một điệu sáo qua kẽ răng, thỉnh thoảng lượm lên một chiếc lá khô để ngắm nghía các đường gân dưới ánh sáng không đều của những ngọn đèn đường và hít ngửi mùi hăng mốc của nó.
- Này, bên trong nhà kia! - ông thì thầm với mỗi căn nhà ông đi ngang - Tối nay TV chiếu gì trên Đài số 4, Đài số 7, Đài số 9?  Mấy chú cao bồi chạy đi đâu thế kia, và khi nào thì tôi thấy được đoàn quân Kỵ Binh vượt đồi đến cứu viện?

Con đường yên lặng, dài và vắng, chỉ có cái bóng của ông di chuyển như bóng chim diều hâu giữa cánh đồng quê.  Nếu ông nhắm mắt và đứng thật yên, bất động, ông có thể tưởng tượng mình đang đứng giữa một cánh đồng lạnh lẽo, lặng gió của sa mạc Arizona, chẳng có đến một ngôi nhà nào trong vòng một ngàn cây số, chỉ có những giòng sông khô cạn, là những con đường, để làm bạn.
- Mấy giờ rồi? - ông hỏi các căn nhà, mắt liếc đồng hồ đeo tay - Tám giờ rưỡi tối?  Đã đến giờ cho một tá các vụ giết người đủ kiểu?  Một buổi thi đố?  Một bài phê bình?  Một anh hề ngã trên sân khấu?

Phải chăng vừa có một giọng cười nho nhỏ trong ngôi nhà sáng trăng?  Ông do dự nhưng rồi tiếp tục bước khi không có gì hơn nữa xảy ra.  Ông vấp chân trên một chỗ vỉa hè lồi lõm.  Lớp xi măng gần như đã biến mất dưới hoa và cỏ.  Trong hàng chục năm đi bách bộ ban ngày hay ban đêm, đã bao ngàn cây số, ông chưa bao giờ gặp người nào khác cùng đi, chả có được đến một người trong bấy lâu nay.

Ông bước đến một ngã đường giao nhau hình hoa thị lặng yên nơi hai xa lộ chính chạy băng qua thành phố.  Ban ngày ở đấy xe chạy ồn như sấm động, tựa bầy côn trùng xào xáo tranh dành chỗ nhau, mùi hôi của khói phảng phất qua ống thoát hơi của những chiếc xe bon chạy về nhà ở hướng xa xăm nào đó.  Nhưng bây giờ, những con xa lộ này cũng giống như những con suối mùa khô cạn, trơ đầy những đá cuội phản chiếu ánh trăng đêm. 

Ông quay trở lại trên một con đường phụ, đánh vòng về phía nhà mình.  Chỉ còn một ngã tư đường trước khi đến nơi, chợt một chiếc xe đơn độc quẹo gắt ở góc đường và chiếu một tia đèn cực sáng vào người ông.  Ông đứng trân người ra, chẳng khác nào con mối bị loé đèn và rồi bị thu hút về vùng ánh sáng.
Một giọng nói sắt thép dõng dạc:
- Đứng yên!  Đứng yên đó!  Không được đi!
Ông dừng lại.
- Đưa hai tay lên!
- Nhưng...- ông phân trần.
- Đưa tay lên, không chúng tôi sẽ bắn!

Cảnh sát, dĩ nhiên rồi, nhưng mà thật là một điều hiếm hoi khó tin.  Trong thành phố ba triệu người này chỉ còn có một chiếc xe cảnh sát thôi, không đúng à?  Từ năm ngoái, 2052, năm bầu cử, lực lượng cảnh sát đã bị cắt từ ba chiếc xe xuống một.  Tội phạm đã giảm nhiều, không cần đến cảnh sát nữa, ngoại trừ chiếc xe đơn độc này chạy lang thang trên những con đường trống vắng.
- Ông tên gì? - Chiếc xe hỏi với một giọng kim khí.  Ông không thể nhìn thấy những người bên trong xe vì đèn choá mắt.
- Lễ Mịch - ông nói.
- Nói to lên!
- Lễ Mịch!
- Nghề nghiệp?
- Có thể gọi tôi là nhà văn.
- Vô nghề nghiệp - Chiếc xe nói tựa như đang nói chuyện với chính nó.  Ánh đèn giữ cứng ông một chỗ, như ghim một mẫu trưng bày trong bảo tàng viện với cây kim đâm xuyên qua ngực.
- Có thể cho là như vậy đi - ông nói.

Ông đã ngừng viết từ nhiều năm qua.  Tạp chí và sách không còn bán được nữa.  Mọi chuyện dường như đều xảy ra về đêm bên trong những căn nhà kín bưng như ngôi mộ.   Ông bắt đầu tưởng tượng ra những ngôi nhà mồ thắp sáng yếu ớt bằng màn hình TV, ở đấy người ta ngồi như thây ma để cái  ánh sáng xám xịt hoặc màu mè thấm sâu vào mặt, nhưng có thật làm họ rung cảm được chăng?
- Vô nghề nghiệp - giọng nói như máy hát rít lên - Thế ông làm gì ngoài đường?
- Tôi đi dạo.
- Đi dạo!
- Chỉ đi dạo thôi - ông nói ngắn gọn, nhưng mặt ông cảm thấy lạnh.
- Đi dạo, chỉ đi dạo thôi, đi dạo à?
- Vâng, đúng thế.
- Đi dạo ở đâu?  Để làm chi?
- Đi dạo để lấy không khí mát.  Đi để ngắm nhìn.
- Địa chỉ ông ở đâu?
- Số 11 đường Thánh Doan.
- Trong nhà ông đã có không khí rồi còn lấy gì nữa?  Mà ông có máy điều hoà chứ, ông Mịch?
- Có.
- Và ông có màn truyền hình để xem chứ?
- Không.
- Không à? - Có một khoảng yên lặng với tiếng máy rọt rẹt như một lời kết án.
- Ông có gia đình không, ông Mịch?
- Không.
- Độc thân. - Giọng cảnh sát nói từ sau ánh đèn sáng rực.
- Không ai muốn tôi cả. - Ông Mịch nói với một nụ cười.
- Không được nói, trừ khi được hỏi.

Ông Lễ Mịch đứng chờ trong đêm lạnh.
- Thế ông chỉ đi dạo thôi à, ông Mịch?
- Đúng.
- Nhưng ông chưa giải thích để làm gì.
- Thì tôi đã giải thích là để hóng mát và để nhìn, và chỉ để đi bách bộ thôi.
- Ông hay làm chuyện này không?
- Đêm nào tôi cũng đi từ nhiều năm nay rồi.
Chiếc xe cảnh sát đậu giữa đường với tiếng radio kêu rè rè.
- Vậy à, ông Mịch - nó nói.
- Ông hỏi gì nữa không?
- Không. - Giọng nói ấy trả lời. - Bỗng một tiếng kêu đánh bụp và cửa sau xe cảnh sát mở ra. - Này, lên xe đi!
- Khoan đã, tôi có làm gì đâu!
- Bước lên ngay!
- Tôi phản đối!
- Lễ Mịch, nghe lời không?
Ông bước đi như một người bỗng dưng say rượu.  Khi đi ngang cửa trước của xe, ông ghé mắt nhìn vào.  Quả như ông đã đoán, chẳng có ai ở băng trước, chẳng có một người nào cả trong chiếc xe.
- Lên xe đi!

Ông đưa tay vịn cửa và nhìn vào băng ghế sau, trông giống như một phòng giam nhỏ, một nhà tù đen tối với song sắt.  Nó có mùi những con ri-vê bằng sắt, có mùi thuốc sát trùng mạnh, nó có mùi tẩy sạch quá mức, khô khốc và sắt thép.  Không có chút gì mềm mại ở phía sau đó.
- Phải chi ông có một người vợ để bà ấy cho ông một chứng cớ ngoại phạm (alibi) - giọng kim khí nói - nhưng không...
- Đưa tôi đi đâu đây?
Chiếc xe do dự, hay đúng hơn là đang bận phát ra những tiếng máy xoay lịch kịch, tuồng như là các dữ kiện từ đâu đó đang được nhập vào qua phiếu đục lỗ dưới những con mắt điện tử.
- Đến Viện Nghiên Cứu Tâm Thần về các Khuynh Hướng Thoái Lui.

Ông bước vào xe.  Cánh cửa đóng lại với một tiếng phụp êm nhẹ.  Chiếc xe chạy đi qua những đại lộ trong đêm, đèn chóa nhấp nháy về phía trước.  Một lát sau, họ chạy qua một căn nhà trên một con đường, một căn nhà trong nguyên cả một thành phố đầy những căn nhà tối tăm, nhưng căn nhà cá biệt này có tất cả các ngọn đèn điện bật sáng, mỗi cửa sổ là một vùng ánh sáng rực rỡ, vuông vức và ấm cúng trong cái tối tăm lạnh lẽo.
- Đấy là nhà của tôi! - Ông Mịch nói.
Không ai trả lời ông.

Chiếc xe chạy xuôi theo những con đường giống lòng sông khô cạn rồi mất hút, để lại những con lộ trống vắng và những vỉa hè trống vắng, và không một âm thanh, không một chuyển động trong khoảng thời gian còn lại của cái đêm lạnh giá tháng Mười Một ấy.


(dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
DND

No comments:

Post a Comment