Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Saturday, January 16, 2016

HỘI NHẬP

Ngày đặt chân đến xứ Huê Kỳ, bà Phước Mỹ không còn trẻ lắm, tuổi đã khoảng giữa tứ tuần.  Không muốn ỷ lại vào trợ cấp chính phủ, bà xông xáo đi tìm việc làm khắp nơi.  Khoảng vài tuần sau, người ta chỉ bà đến văn phòng thiện nguyện Cuộc Đời Mới.  Ông nhân viên xã hội đưa tay sửa cặp kính gọng vàng, nheo mắt đọc qua hồ sơ của bà, trầm ngâm một lát rồi bảo:
- Tôi khuyên bà nên đổi tên khác đi.
Tự thuở bé, bà Phước Mỹ vẫn tự hào về cái tên của mình nên hốt hoảng thốt lên:
- Trời, tên cha mẹ đặt cho hồi giờ, tại sao phải đổi.
Ông nhân viên ngần ngừ vài giây rồi đáp:
- Bởi vì tên của bà Mỹ nó sẽ đọc là Phấc Mi, nghe nó... hơi tục.  Bà nên đổi đi thôi.
Ông nói tiếp thật nhanh, sợ bà ta bắt phải giải thích cặn kẽ hơn:
- Này nhé, để cho dễ gọi, mà cũng không trại quá cái tên của bà lắm, tôi đề nghị bà lấy tên là Mia, đọc là Mi-A.  Như thế Mỹ nó đọc được dễ dàng, Mi-A, Mi-A.  Thế nhé, để tôi ghi vào hồ sơ đây để ngày mai đi làm luôn.

Trở về nhà, bà Phước Mỹ cảm thấy vừa vui vừa buồn.  Vui vì đã có việc làm, nhưng buồn vì cái tên đẹp bao nhiêu năm của mình bị ông xã hội đổi mất thành Mia, nghe gì kỳ cục, mia, mia, nghe như mía, nước mía, mía ghim, trời đất ơi.  Mà ông ấy bảo tên mình hơi tục là như thế nào.  Bà cố ráng moi móc cái vốn liếng tiếng Anh nhỏ nhoi của mình từ hồi trung học bao năm về trước, nhưng chữ nghĩa đã trả lại thầy hết cả nên đành chịu thua.  Ấm ức trong bụng, bà chờ cô cháu gái, thế hệ lớn lên ở Mỹ, đến thăm buổi chiều để gạn hỏi.  Cô bé cười ha hả tự nhiên như Mỹ con, rồi cố gắng nén cơn cười giải thích cho bà thật rõ ràng, không có lấp liếm như cái ông hồi sáng.  Trời đất quỷ thần ơi, bà Phước Mỹ ôm đầu rên rỉ. Ngôn ngữ xứ sở này sao mà khốn nạn thế!   Thôi, thôi, đành từ bỏ cái tên thân yêu của mình từ giờ phút này trở đi.  Ta sẽ là Mia, Mi-A, Mi-aaa...

Ngày đầu tiên đi làm, bà được ông xã hội chở đến sở và giới thiệu cho người quản lý. Công việc gồm sắp xếp quần áo từ trong những thùng hàng to ra thành từng loại khác nhau và dán nhãn trước khi đưa ra cửa tiệm.  Nói chung thì cũng dễ nên chỉ sau vài giờ huấn luyện và vài cái gật đầu, vài tiếng ô kê, là bà Mia - dùng ngay tên mới đây - đã khá rành việc. Ông quản lý còn sắp xếp cho bà đi chung xe với một nhân viên người Việt khác để cùng đi làm cho tiện, chỉ cần chia tiền xăng.  Tài xế của bà Mia là cô Thi, trẻ hơn bà khoảng chừng dăm bẩy tuổi, ở Mỹ cũng khá lâu nên có vẻ rành rọt mọi chuyện.  Buổi chiều, cô đưa bà về:
- Nhà chị ở đường nào vậy?
Bà Mia nhanh nhẩu:
- Ơ, tui hổng biết tên đường, nhưng mà dễ lắm cô ơi, ngay đầu ngõ có tiệm 7-Eleven đó!  Thấy nó quẹo vô mấy căn là tới liền.
Rốt cục thì cô Thi cũng đưa bà được tới nhà vì, may mắn sao, bà tìm thấy được trong sắc tay mẩu giấy có ghi địa chỉ nhà mình.  Hôm ấy, bà Mia học thêm được một điều mới, là ở Mỹ, gần như cứ cách vài góc đường lại có một tiệm 7-Eleven mà tiệm nào cũng sơn màu xanh xanh vàng vàng giống hệt như tiệm khác.

Cô Thi là con lai mỹ đen.  Thoạt nhìn, ai cũng tưởng cô là người da màu bản xứ cho đến lúc nghe cô vừa bấm nhãn áo vừa ư ử hát vọng cổ mới biết.   Cô nói tiếng Anh có mùi nước mắm, thật một trời một vực khác xa âm hưởng ghét-tô của những người Mỹ gốc châu Phi.  Cô lái xe được nhưng không bao giờ dám lên xa lộ.  Bà Mia có lần thắc mắc:
- Sao cô hông lên xa lộ chạy cho nhanh?
- Ui, hông được đâu.  Người ta chạy ghê lắm, chết như chơi.
- Vậy hả cô?  Thôi thì mình chạy sao chắc ăn thôi, đường nào cũng được.
- Chị biết không, chạy đường dưới em mới an tâm.  Có lần em lỡ quẹo vô đường lên xa lộ, em hết hồn phải lật đật de lại.  Mấy thằng cha đằng sau bóp kèn chửi quá xá cỡ mà em cứ trây mặt rồi họ cũng phải lùi lại cho em ra, hi hi hi...
Cô hứng chí kể tiếp như để phần nào cứu vãn cho cái sự không biết lái xe xa lộ của mình:
- Mà em còn đỡ à.  Chỗ khu nhà em, có bà kia không bao giờ dám quẹo trái vì sợ đụng xe.  Thay vì quẹo trái, bả chạy thêm một ngã tư đường nữa, quẹo mặt, rồi quẹo mặt, rồi quẹo mặt thêm một lần thứ ba nữa là sẽ đi được theo chiều bả muốn.
- A, bà này sáng kiến cũng hay quá ta - bà Mia trầm trồ.
- Ha ha, cho đến bữa bả gặp đường một chiều thì khóc luôn.  Hoặc con đường mắc dịch tự nhiên nó cong đi hướng khác thay vì chạy vuông vức như bàn cờ là chết ngắc, hi hi hi...

Cô Thi nói tiếng Anh thiếu mùi hamburger nồng nàn nhưng bà Mia phục vô cùng vì cô có thể líu lo duy trì một cuộc đối thoại với người Mỹ.  Bà nhớ lại thời trung học dở dang của mình, sinh ngữ chính là Anh Văn, ôm ấp bao nhiêu năm bộ sách Let's Learn English mà bây giờ nghe không được, nói không được mà viết và đọc thì chỉ lõm bõm, thật là tức mình. Những Mít-tơ Brown, Mít-tơ Black trong sách giáo khoa hồi xưa gặp nhau ngoài đường chào "hao đu du đu" nghe như từ truyện cổ tích ra, vì ở đây không ai nói như vậy cả.  Guát xấp, men?  Hao đi pác nơ! (What's up, man? Howdy partner!)  Đâu đâu cũng toàn những câu kỳ cục như thế...  Bà Mia nhớ hồi xưa mình khi dễ các cô bán ba nói tiếng bồi nghe rổn rảng, nào tháo giường (thousand), nào hun rết (hundred), nào xe đạp (shut up), du du, mi mi, loạn cào cào.  Bây giờ bà mới thấy nói líu lo được như vậy, cho dù chỉ líu lo bồi, là cả một công trình vĩ đại.  Bà ta ngại nói vì sợ sai.  Mà ngại nói thì ít có dịp thực tập.  Ít thực tập thì lại càng không nói cho xuôi xẻ được.  Đúng là một vòng luẩn quẩn.  Còn nữa, người không biết chữ thì cứ lập lại như vẹt, có khi nói được còn nhanh hơn người biết tí chữ.  Vì cái mặt chữ nó đánh lừa bà, nó lái cách phát âm của bà theo mùi nước mắm, có khi lại ra mùi mắm tôm hoặc cả mắm bò hóc, khi môi bà mấp máy đánh vần cái chữ xa lạ ấy và dân Mỹ thì đớ mặt ra vì chẳng hiểu bà muốn nói gì.  
Cô cháu bảo:
- Dì cứ nói đại đi, đừng ngại.  Cứ nghĩ là thằng Mỹ, nó đâu biết nói tiếng Việt đâu.  Mình nói được chút tiếng Mỹ là mình hơn nó rồi.
Bà phân trần:
- Con nói sao chứ dì thấy Mỹ nó hổng biết đọc tiếng Anh, nói gì trật lất hết trơn, chẳng giống hồi xưa mình học ở trường chút nào.
Cô cháu nén cơn tức cười, vuốt ve:
- Thôi dì ráng đi, xứ người ta mà, mình phải hội nhập thôi.
Thế rồi cô dạy cho bà vài câu học tủ để xài hàng ngày trong những tình huống thông thường. Những lúc rảnh rỗi, bà siêng năng tập tành, một mình lẩm bẩm thành tiếng những câu đối thoại, tay múa may như ca sĩ làm điệu trên sân khấu.

Sau một thời gian, bà Mia bắt đầu nói chuyện được bằng tiếng Anh với những người làm cùng sở.  Không líu lo bằng cô Thi, nhưng không còn kiểu im như hến, lặng như sò, của những ngày mới vào làm.  Nhân viên trong sở người Mễ và Ấn cũng nhiều nên bà phải nói tiếng Anh để giao thiệp.  Ngôn ngữ của bà và những người Việt trong cùng môi trường dần dà có nhiều lai căng lý thú.  Nghe lóm hai bà nói chuyện với nhau ngoài chợ:
- Hai (hi), em.  Mua gì nhiều quá vậy?
- À, làm bớc đây (birthday) cho thằng boi (boy) guých ken (weekend) này đó chị.  Chút nữa chất lên chiếc ven (van) mệt nghỉ.
- Cần chi.  Nói thằng a mi gồ (amigo) nó hép (help) cho.  Xe trấc (truck) nó còn chất chứ xe ven nhằm nhò gì.
- Cũng may mà em có nhà hao (house) rồi chứ ở áp bạc măng (appartment) chật ních làm bạc ti (party) cũng khó.
- Sao, mua gíp (gift) ghiếc gì chưa?
- Thằng boi nó muốn cái cồm biu (computer).  Ông xã sẽ đi sốp bing (shopping) ở Best Buy chiều nay đó...
Lại còn có người thích dùng chữ "you" và "me" để xưng hô, nói theo tiếng Việt là "du" và "mi", nghe rất dễ lầm.  Cũng hai bà gặp nhau ngoài đường:
- Hôm qua mi đi chợ Hồng Kông - bà này kể lể.
- Hả, mi nhìn lộn ai rồi, hôm qua tao đâu có đi chợ Hồng Kông đâu - bà kia cãi lại.
- Hông, mi nói là mi đi chứ hông phải du đi.
- Hả, tao nói là tao đi hồi nào?
- Trời ơi cái bà này, mi là tui nè chứ hông phải là du...
Mới đầu nghe loạn cả cào cào nhưng rồi mọi sự dần trở nên thật rõ ràng và bà Mia có thể thao thao cái ngôn ngữ ấy hàng giờ, tự nhiên như người nói rành một thứ tiếng lóng.

Trong tổ làm việc của bà có cô Maria người Mễ-Tây-Cơ, trẻ người, rất vui tính và hay nói. Bà học được nhiều câu tiếng Mễ ngăn ngắn từ cô nhưng chỉ dám xài với cô mà thôi.  Hô là Maria, cô mô ét ta, mui biên, gra xi át... Thế nhưng, cái cô quỷ quái này không chỉ dạy bà tiếng Mễ thôi mà còn kể cho bà cái kinh nghiệm làm tình phong phú của mình.  Bà Mia hồi xưa có chồng nhưng đã ly dị vì không sống với nhau được.  Về cái vụ ấy bà chỉ lơ mơ nhớ nó giống như bổn phận hơn là thú vui.  Cô Maria như mở một cánh cửa bí mật hồi giờ khép kín để bà kinh ngạc khám phá ra các tư thế Kamasutra qua sự minh hoạ rất tượng hình, thậm chí đôi khi đến mức lố bịch của người đàn bà trẻ rửng mỡ trong những tiếng cười hinh híc.  Tuy vậy, bà chỉ nghe và tưởng tượng suông cho vui thôi, chứ từ ngày ly dị bà vẫn không có người đàn ông nào trong đời, mặc dù có nhiều ông theo đuổi.  

Một trong những người đặc biệt chú ý đến bà là ông người Việt đầu hói làm việc ở tiệm bán thịt gần sở làm.  Mỗi ngày, ông này hay lân la ghé qua khi chiếc xe bán đồ ăn trưa đến bãi đậu xe của sở bà Mia, giương những liếp cửa lên để thoát ra những mùi chiên xào thơm phức, quyến rũ các nhân viên bụng đói đang xếp hàng chờ mua bữa ăn nóng hổi đựng trong những chiếc hộp bằng móp màu trắng.  Ông đầu hói - bà Mia đặt cho biệt danh là ông thịt bò tái - thường theo bà tán tỉnh với những bài bản cải lương.  Bà không thích týp người ông này nhưng cũng nói chuyện qua lại cho vui, nhất là luôn có cô Maria bên cạnh mỗi khi xuống mua đồ ăn trưa nên bà cũng dạn dĩ hơn.  Cô Maria châm chọc hỏi ông liệu có đủ sức phục vụ bà không.  Ông thịt bò tái, như bắt được mùi chòng ghẹo của cô gái Mễ Tây Cơ, chộp ngay cơ hội để thao thao khoe khoang khả năng hơn người của mình trong lãnh vực ấy, vừa nói vừa liếc nhìn bà Mia.  Bà Mia nghe tiếng Anh thoảng mùi thịt bò của ông câu được câu chăng nhưng cũng đủ cho bà đỏ mặt và ngại ngùng lẩn đi chỗ khác.  Một lát sau, cô Maria bắt  kịp bà cười hi hí và phán:
- He sounds like a stud.  You should try him, hihihi... (Lão này nói nghe gân lắm.  Bà phải thử xem sao).
- Nố, nố, nô.  Du lai, du trai, nót mi...
Và kể từ hôm đó, bà Mia luôn tránh mặt ông thịt bò tái, tránh cả xuống mua hàng ở xe ăn trưa, vì sợ lão ấy thừa thắng xông lên...

Không mua đồ ăn trưa ở xe hàng nữa, ngày nào bà Mia cũng bới theo một hộp cơm, đến giờ thì chờ hâm ở microwave rồi cùng ngồi ăn với những bạn làm.  Bữa nào làm biếng thì đem theo mì gói ăn liền cho khỏi mất công.  Nhiều người cũng làm như bà cho đến ngày cô Thi hốt hoảng công bố:
- Mấy bà coi chừng, báo mới đăng nói ăn mì ăn liền nhiều sinh đủ thứ bịnh à nghe.
Cả tập thể xôn xao:
- Trời, thiệt hông đó, mà bịnh gì biết hông?
- Họ nói đủ thứ, nhiều quá hông nhớ hết, hình như có bao tử, gan, ruột, lá lách, nguyên bộ đồ lòng luôn, mà có thể bịnh trĩ nữa...
Bà Mia nhăn mặt hình dung ra những bộ phận cô Thi liệt kê nằm xếp hàng cạnh nhau đỏ loe loét trên bàn như đang bày bán ở hàng thịt, và bà tự nhiên tưởng tượng ra ông thịt bò tái đứng ở đằng sau quầy với nét mặt đau khổ.  Chắc ông đang nhớ bà, không đâu, chắc ông đang bị bịnh trĩ.  Xua đuổi ý nghĩ kỳ cục và lố bịch ấy, bà chép miệng:
- Chậc, chậc!  Ai mà ăn nhiều lắm kìa chứ mình lâu lâu xài đỡ chắc chẳng sao đâu.

Bà Mia rất ghét những món như hamburger hoặc hot dog.  Ăn gì lạt lẽo, hoi hoi thấy mà kinh.  Đi tiệm ăn bà chỉ thích những món thuần tuý Việt Nam.  Thỉnh thoảng có đi tiệm Mỹ với cô cháu, bà rất ngại vì không biết phải kêu món gì.  Đọc cái menu loằng ngoằng trông mù tịt, không thể nào biết đâu mà rờ.  Một lần bà gọi món Chicken Fried Steak và cứ đinh ninh rằng mình gọi thịt gà cho đến khi cắn vào cái miếng anh bồi dọn ra mới thấy là thịt bò bọc bột chiên.  Bà tức mình làu bàu rằng sao tiệm này nó đểu thế, ghi rõ ràng là chicken mà dám dọn thịt bò, và nhất định đòi kêu anh bồi lại than phiền cho đến khi cô cháu kiên nhẫn giải thích là món ấy đúng là thịt bò, nhưng chiên theo kiểu gà chiên, hoàn toàn bò thôi mặc dù tên gọi nó có chữ chicken.  Bà biết mình trật nhưng vẫn ấm ức.  Chắc là phải do lão thịt bò tái xúi quẩy đây.

Thế rồi năm tháng qua mau và bà Mia trở thành người Việt rành rẽ ở xứ Mỹ không kém gì cô Thi.  Bà hăng hái đóng vai quân sư chỉ bảo cho những người mới vào làm, cái chút xíu gì gì cũng chẳng biết, giống như bà ngày xưa.  Bà trở thành lão làng.  Bà đã hội nhập được vào cuộc sống ở xứ người với hết cả khả năng của bà và trong những giới hạn mà bà không thể vượt qua được, nhưng điều quan trọng là mọi sự đều êm xuôi, ấm đẹp...

Sáng thứ Bẩy, bà Mia đội mũ kê-pi có in phù hiệu World Peace đứng tưới các chậu hoa kiểng ngoài sân trước nhà.  Ông Mỹ già quen thuộc trong xóm đi bộ thể dục ngang qua mỉm cười vẫy tay chào:
- Good morning Ma'am!  It's a beautiful day!
Phản xạ bà Mia đến thật tự nhiên:
- Gút mo ninh, Xơ!  Yét, biu ti phun đây!
- OK, you have a good day, Ma'am!
- Thanh kiu!  Du he vờ gút đây tu!

Bà Mia chợt cảm thấy hài lòng.  Bà đưa mắt nhìn lên tàn cây sồi trên đầu.  Những chồi lá mùa xuân một lần nữa đã chi chít vươn ra, xanh mướt trong ánh nắng ban mai.  Bầu trời trên cao trong vắt, lững lờ vài cụm mây trắng giăng mắc nhau như nối vòng tay.  Bầy chim từ bốn phương tụ tập về trên những cành cây căng tràn nhựa sống, líu lo, ríu rít, như đã thân thiết cùng nhau tự bao giờ.  Bà thầm nhủ, hôm nay chắc chắn phải là một ngày đẹp...

DND
09-20-14

No comments:

Post a Comment