Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Sunday, January 10, 2016


CƠM CHỊ NUÔI


Nhà ăn nằm phía sau trụ sở Viện Thiết Kế, ở cuối một dãy nhà ngang.  Phía trước không có tường chắn, mở ra sân qua một lan can thấp.  Từ ngoài nhìn vào có thể nhìn thấy những bộ bàn ăn bốn chỗ, kê ngổn ngang, hình như không theo một thứ tự nào cả.  Tận cùng phía trong là quầy hàng cao nghệu, chận ngang một cánh cửa nhỏ đi vào nhà bếp phía sau, giang sơn của chị Phương.
Chị Phương là một người đàn bà bắc kỳ bẩy lăm, được vào nam sau ngày ba mươi tháng tư để làm chị nuôi (1) cho công ty.  Chị đã hí hửng, hãnh diện, khi tiếp thu cái nhà ăn mới của mình, vốn trước kia là câu lạc bộ của một cơ quan nước ngoài, trông một trời một vực khác hẳn với cái xó nhà quê chết tiệt của những tháng năm ngoài bắc. 
Những bức tranh nghệ thuật trang trí trên vách trước kia đã được tháo bỏ và thay bằng những tấm bích chương đỏ lòe loẹt sáo ngữ cách mạng rỗng tuếch.  Phía sau quầy hàng, các ngăn kệ ngày xưa đầy những chai rượu ngoại quốc đã được dọn sạch trơn, chính giữa chưng một bình hoa mai giả bằng nhựa rẻ tiền, ngăn dưới có để vài chai xì dầu và vài cây thuốc lá nội địa.
Những ngày đầu tiên vào làm việc, Tuấn được chỉ xuống giang sơn của chị Phương để mua phiếu ăn.  Tiền ăn rẻ nhiều so với giá ở ngoài, vì được chính phủ bù lỗ.  Bữa ăn đầu tiên, mối hồ nghi của Tuấn về phẩm chất hạng bét của cơm chị nuôi đã được xác định thật rõ ràng.  Tuy vậy, hàng năm tháng sau đó, chàng vẫn phải tiếp tục ăn với chị Phương vì không có tiền ra ngồi hàng ngoài chợ.  Những thành viên ăn cơm nhà bàn thường họp nhóm ăn chung hàng ngày, có người còn đem theo những lon guy-gô đựng thức ăn phụ như muối mè, muối xả, cùng chia sớt với nhau để cải thiện cái bữa ăn cơ bản nghèo nàn.
Chàng nhớ mãi cái thực đơn cố hữu, quanh đi quẩn lại vài món khó nuốt, thật xa lạ với cái khẩu vị công tử chưa kịp mất đi của mình.  Những bánh chả cá mỏng lét như miếng giấy bìa, chiên mặn chát, còn lẫn cả những xương dăm đâm vào lưỡi người ăn.  Những miếng đậu hũ kho với tóp mỡ, đen đắng mùi nước màu thắng quá tay.  Những dĩa cá “xô” (2) vụn nát, tanh nồng nặc và cay phỏng lưỡi.  Nhưng món ăn mà chàng sợ nhất là ruột heo xào với dưa leo.  Một dĩa lõng bõng nước, có vài lát dưa leo còn nguyên vỏ thái mỏng, lẫn lộn những khúc phèo non rửa chưa sạch còn nồng mùi hôi, vừa lạt lẽo, vừa cay ớt bột, có lẽ cố dùng nhiều để át mùi nội tạng khó ngửi.  Bữa nào chị nuôi dọn món ấy, chàng chỉ ăn qua loa vài miếng cơm không cho đỡ đói, húp tí canh rau loãng lét mỡ và bột ngọt, rồi bỏ đi lên phòng làm việc cho khỏi bị ám ảnh bởi những khúc ruột heo cắt ngắn, hai đầu uốn loe ra như một lỗ rốn thô kệch. 
Những người ăn cơm chị Phương đa số là thanh niên độc thân hoặc những đàn ông đã có gia đình nhưng không muốn bới cơm nhà đem theo.  Những người này thường được vợ làm thêm những món phụ để đem theo ăn kèm với cái phần ăn tiêu chuẩn ít ỏi.  Anh Hội là một trong những người như thế.  Hội là sĩ quan học tập cải tạo về.  Anh thường hay động viên tinh thần các anh em ở những bữa ăn có những món khó nuốt:
-       Có ăn là tốt rồi mấy ông ơi!  Ngày tôi còn trong trại, được mấy miếng này là cả một bữa ăn thịnh soạn rồi!
Hoặc mở lon guy-gô thịt bằm muối xả mời mọi người cùng bàn:
-       Dùng thêm cái này đi mấy ông!  Bà xã tôi làm món này có lí lắm!  Ê, thằng Tuấn, nuốt không nổi cái phèo, để tao!  Mày ăn cái này đi chứ không nhịn đói à!
Mỗi tháng một lần, các công nhân viên được phân phối phần thịt heo tiêu chuẩn.  Để cho công bằng, thịt được cắt ra nhiều miếng bằng nhau, dán số vào để bốc thăm.  Ai may mắn thì bốc được miếng thịt ngon, ai xui xẻo thì trúng miếng thịt bầy hầy chẳng ra gì.  Chị nuôi điều khiển việc xẻ thịt và nhà ăn là nơi phân phối thịt.  Các công nhân viên bu quanh cái lan can thấp chờ kêu tên lấy phần mình.  Phòng làm việc của Tuấn chỉ có dăm bẩy người nên luôn cử một người đại diện xuống lấy thịt cho cả nhóm.  Anh Hội thường hay tình nguyện ôm một cái thùng các-tông xuống chị Phương để đem về những miếng thịt có dán tên.  Anh vừa phân phối vừa phê bình:
-       Thằng Tuấn có miếng thịt đùi ngon khỏi chê!  Còn bà Hoa, cái của bà nhão nhẹt!
Cả phòng cười rần.  Chị Hoa đỏ mặt nhưng cũng không vừa, quạt lại:
-       Khiếp, ăn với nói thế à?  Còn cái của ông cứng chắc lắm sao?
Hội ỡm ờ:
-       Tôi cũng chưa sờ đến nó nữa!  Nè, bà muốn thử không?
Những câu đùa giỡn trong ngày phát nhu yếu phẩm (3) khiến Tuấn quên bớt cái cảm giác xót xa những khi thấy các khuôn mặt hớn hở ôm phần hàng được phân phối đem về.  Chìều nay là có thịt cho con cái ăn rồi, đường trắng Cu-Ba này không cần lắm đem ra chợ đen bán quách lấy ít tiền đi chợ, cá xô mẻ này không đến nỗi tệ chiên lên ăn cũng thơm ra phết...  Những toan tính nhỏ nhoi trong đầu người công nhân viên như vẩn vơ bay lượn trên những phần hàng tiêu chuẩn được cột chắc vào cái bóc-ba-ga của chiếc xe đạp bon bon trên đường về nhà.
Những thành viên cơm nhà bàn ai nấy đều hoan nghênh chị nuôi ở bữa ăn sau ngày được phát thịt tiêu chuẩn.  Chị cho ăn món thịt kho tàu.  Hoặc là cái mà chị gọi là thịt kho tàu.  Vì nó chẳng giống tí nào cái món thịt heo đậm đà thơm ngon mà Tuấn từng ăn mãi từ thuở bé.  Tuy vậy, nó là thịt hẳn hòi, không phải phèo, không phải cá xô, nó là món ngon nhất của chị Phương.  Thôi thì cho chị nuôi một tràng pháo tay ủng hộ cũng được.
Sau một vài năm ở trong nam, chị Phương lân la học hỏi thêm được cách nấu những món ăn khác.  Nhà bàn là nơi thí nghiệm.  Tuấn và các thành viên khác là những con chuột cô-bay.  Lúc ấy, những khắt khe của chế độ cũng hơi giảm bớt và chị Phương được phép nấu những món mà chị gọi là cà-ri, ra-gu, phở bò để bán thêm vào phần ăn tiêu chuẩn cho những ai muốn trả tiền thêm.  Những nồi phở đầu tiên của chị dở oẹt, chỉ bán được cho vài con chuột thí nghiệm như Tuấn.  Chị dò dẫm:
-       Tuấn à, hỏi thật mày nhé, mày thấy phở tao ra làm sao mà chẳng ai ăn cả?
-       Phở của bà lạt nhách như nước rửa chén!  Ra ăn tô phở của ông đầu đường coi, nó ngon ngọt như thế nào.  Mà thịt của bà phải nấu cho mềm ra tí nữa, nó dai nhách như dép râu bộ đội, nhai mỏi cả miệng.  Mà bà còn phải bày biện thêm hành ngò, giá, húng quế, chanh, tương ớt nó mới ra món phở chứ.  Cái tô của bà trông chán bỏ mẹ, cứ như không người lái (4)!
Tuấn tuôn ra một tràng phê bình thẳng thắn, rồi, chợt thấy mình hơi tàn nhẫn, chàng nhỏ nhẹ nói thêm:
-       Bà Phương, bà phải đi ra chợ sách tìm mấy cuốn sách dạy nấu ăn của bà Chịu Chơi đi, hay lắm!
Chị nuôi nhíu mày:
-       Bà Chịu Chơi?
Tuấn cười ha hả:
-       Tên bà ấy là Triệu Thị Chơi, tôi kêu bả là Chịu Chơi riết quen miệng.  Bà này dạy nấu ăn hay lắm!  Bây giờ bà học đi rồi nấu món mới, tôi ăn thử cho, không lấy tiền công đâu.  Hahaha!
Không biết chị Phương có xem sách của bà Chịu Chơi không, nhưng dần dà mọi người thấy chị nấu ăn khá dần lên.  Những món nấu thêm ngoài phần ăn tiêu chuẩn được chiếu cố nhiều hơn.  Thậm chí có nhiều người, như Tuấn, đã bỏ luôn không mua phiếu ăn nữa mà chỉ ăn những món bên lề kia.  Hàng cơm chị Phương, tuy không ngon được bằng ngoài chợ, nhưng đắt khách vì giá rẻ và vị trí thuận lợi cho những người lười đi ăn ở xa.  Bữa nào chị có món ăn được, Tuấn cũng khen làm chị cười tít cả mắt.  Chàng cảm được cả cái sự sung sướng và hãnh diện của người chị nuôi, xưa kia chắc chỉ biết nấu cơm heo, nay đã đứng bán được hàng cơm đông khách. Chị đánh giá cao cái khẩu vị của Tuấn, vì món nào chàng khen ngon đều bán rất chạy.  Có những bữa món ăn không ngon, thấy Tuấn chỉ liếc nhìn mà không mua, chị nài nỉ:
-       Hay mày ăn gì khác, tao nấu cho!  Trứng chiên không!  Hay là tao có món ra-gu đang hầm cho ngày mai, tao lấy một ít mày ăn trước nhé!
-       Ô kê! Thử cái xem! - Tuấn do dự một lát rồi trả lời.
-       Ô kê với ô kiếc!  Nhất ông rồi đấy nhé!  Này tiện thể xem coi vừa ăn chưa giùm tao cái nhé! - chị Phương bưng ra dĩa cơm ra-gu, nháy mắt với Tuấn như ra hiệu một giao ước ngầm với chuyên gia thử nghiệm thức ăn bất đắc dĩ.
Năm tháng qua dần, tài nấu ăn của người chị nuôi đã đến mức không thể tiến bộ hơn được nữa.  Gọi là ngon thì cũng chưa thể, chỉ ở mức tạm được thôi.  Ăn tạm được, giá rẻ, khỏi mất công đi xa.  Đấy là những điểm ăn khách của hàng chị Phương.  Tuy nhiên, lúc bấy giờ, các công nhân viên đã được dùng kế hoạch “xê” (5) nên đồng lương cũng khá hơn được phần nào.  Những hàng cơm ngoài chợ, chỉ mắc hơn cơm chị Phương một tí, đã trở nên trong tầm tay với. 
Đối thủ đáng gờm nhất của chị là quán cơm bình dân của chàng thanh niên tên Đức ở ngã ba đường gần sở, không biết ai đó đã đặt cho hỗn danh là quán Đức Kớp.  Tuy có cái tên nói lái lại nghe thật thô bỉ nhưng hàng cơm ấy có nhiều món ăn rất ngon. Đức là một thanh niên trẻ, không biết nấu ăn, nhưng bán rất lanh lợi những món ăn của mẹ hắn nấu trong nhà đem ra.  Khi nói chuyện với các kỹ sư, kiến trúc sư ở Viện Thiết Kế, hắn lịch sự lễ phép hẳn lên, mất hết đi những lời lẽ cộc cằn thường dùng với các khách bình dân lao động.  Tuấn có cảm giác hình như chú bé Đức muốn tự nâng mình lên hàng trí thức bằng cách ra vẻ giao tế mật thiết với các anh chị thiết kế gia trước mắt những khách ăn bình dân.   Chàng chua xót thầm nghĩ, em ơi, em có biết là mấy anh đây đói rách hơn em nhiều lắm không... 
Cơm Đức Kớp ngon hơn cơm chị nuôi rất nhiều.  Đức lại còn bán rẻ cho các anh thiết kế để lấy cảm tình.  Những chén cơm thêm luôn được chan một ít nước thịt hoặc xắt thêm vài lát dưa leo, khác hẳn với những chén cơm không, thường lệ bới cho những người khách khác.  Thêm vào đó, Đức luôn hỏi thăm sức khỏe, chào mời, xin lỗi, cám ơn, nghe mát ruột hơn là những câu đốp chát của chị Phương.  Tuấn và các bạn cùng sở, tuy thường vẫn ăn cơm chị nuôi cho tiện, nhưng thỉnh thoảng cũng đã hay rủ nhau ra hàng Đức Kớp để đổi món. 
Hàng cơm chị nuôi ngoài giờ ăn trưa vẫn có lai rai những người ngồi ăn phở hoặc uống cà phê trong lúc nghỉ giải lao. Đấy là nơi bàn chuyện thời sự, nơi kể chuyện phiếm, hoặc có người còn dùng để bàn công việc kế hoạch xê.  Chị Phương, trong những lúc rỗi việc, đã bắt đầu ghiền những cuốn tiểu thuyết “văn hóa đồi trụy” của miền nam.  Chị đóng đô ở một góc bàn, dùng cả ba cái ghế, một cái để đặt bàn tọa, hai cái để gác hai chân, đầu gối co lên, hai khủy tay gác vào hai đầu gối, tay nắm chặt cuốn tiểu thuyết chị đã cẩn thận bao che cái tựa đề bằng giấy báo, say mê đọc những chuyện tình sướt mướt bằng đôi môi mấp máy.  Đang hồi hấp dẫn, anh Hòa, thư ký phòng nhân viên, chạy vụt vào nhà ăn miệng bô bô:
-       Ê, cho nữ sĩ Quỳnh Giao ra chơi cái đi!  Ký cho tôi cái tờ giấy bù lỗ này để lãnh tiền mấy đứa con (6).  Bà bốn đứa phải không?  Chèn ơi, ai nhiều con, lãnh khẳm tiền!
Chị Phương hơi bực mình vì bị gián đoạn, miệng càu nhàu:
-       Đẻ vào!
-       Đẻ vào?  Đẻ ra chứ sao lại đẻ vào? – Hòa nheo mắt vặn lại.
Anh Hội đang ngồi uống cữ cà phê thường lệ với Tuấn khoát tay cười hô hố giải thích:
-       Bà ấy thì đẻ ra, nhưng mà ông ấy thì đẻ vào!  Có vào rồi mới có ra được chứ!
Chị Phương cau mày nguýt nhìn Hội, ký vội tờ giấy cho Hòa, rồi cầm cuốn tiểu thuyết đi vào nhà sau, đóng sầm cánh cửa lại phía sau lưng.  Hội nhìn Hòa phân trần:
-       Ông thấy tôi nói có gì trật đâu?  Bà ấy nổi giận rồi!  Tuấn à!  Trưa nay tao với mày chắc phải đi Đức Kớp thôi!  Ăn cơm bà ấy, bả bỏ bã cho mà chết mất!

DND
09-2007








Chú thích (rất cần cho những ai không ở VN sau 75):
(1)          Chị nuôi hoặc anh nuôi là danh từ miền bắc để chỉ người đầu bếp phụ trách nấu ăn (nuôi cơm) cho một tập thể.
(2)          Cá “xô” là loại cá vụn gồm những con cá nhỏ đủ loại còn sót lại trong những mẻ lưới sau khi đã lựa ra hết các con lớn đẹp để xuất khẩu.  Những con cá này thường bị ươn, có mùi hôi nặng khi tới tay người mua.  Gọi là cá xô vì thường cân đong bằng những cái xô khi mua bán.
(3)          Nhu yếu phẩm là phần hàng tiêu chuẩn hàng tháng được mua với giá rẻ của công nhân viên (nhân viên làm việc cho chính phủ), thường gồm có gạo, thịt, đường, bột ngọt...
(4)          “Không người lái” là chữ của bộ đội miền bắc mới vào nam dùng để tả những cái đồng hồ đeo tay tự động (đồng hồ không người lái).  Dân miền nam dùng rộng nghĩa ra một cách mỉa mai để chỉ những tô phở thời buổi khó khăn không có thịt.
(5)          Kế hoặc “xê” (C) là một phương pháp kế toán cho phép người thiết kế công trình (designer) được hưởng một phần của thiết kế phí (design fee) thêm vào mức lương hàng tháng của mình.  Như thế, tùy theo khối lượng công việc, tiền lương có thể tăng cao nhiều hơn.
(6)          Tiền bù lỗ đây là trợ cấp người công nhân được lãnh thêm tùy theo số con cái trong gia đình.

No comments:

Post a Comment