Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Friday, January 22, 2016


MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH
(Phỏng theo A Story Of Love của Ray Bradbury)


Đấy là tuần lễ cô Anh Tú mới về dạy trường cấp hai ở Đơn Dương.  Mùa hè năm ấy, cô vừa hai mươi bốn tuổi, và mùa hè ấy, thằng Dinh sắp được mười bốn tuổi.

Ai cũng nhớ đến Anh Tú, vì cô là giáo viên mà học sinh nào cũng muốn đem biếu những quả mận Đà Lạt to tướng hoặc những bó hoa rừng xinh đẹp, và chúng luôn quét dọn lớp học thật sạch sẽ mà không cần cô phải hỏi.  Cô là người phụ nữ luôn hiện ra trong những ngày phố nhỏ buồn âm u dưới vòm lá sẫm màu, và mỗi bước cô đi qua với khuôn mặt rạng rỡ lại làm cho tất cả trở nên tươi đẹp.  Cô là trái chín ngon của mùa hạ trong giá lạnh mùa đông, và cô là ly nước mát cho cơn khát trưa hè oi bức.  Mỗi khi ai cần giúp đỡ, cô Anh Tú có ngay ở đấy.  Và những ngày hiếm hoi trên đời, khi mà thời tiết cân bằng như một chiếc lá nhẹ rung trong gió, đấy là những ngày như cô Anh Tú, và những ngày ấy, lẽ ra phải đặt tên theo cô trên tờ lịch.

Còn thằng Dinh, nó là thằng bé thường một mình vào rừng nhặt củi đeo về cho mẹ một bó to tướng trên lưng, hoặc người ta có thể thấy nó lội chơi bờ đá mé sông Đa Nhim, mặt rám nâu nắng hạ suốt đến khi mùa thu tới.  Hoặc người ta còn nghe nó hát vang cùng gió trên cành cây cao, rồi tuột xuống dưới gốc thui thủi ngồi nhìn ngắm thế gian, và chốc lát sau nữa, có thể thấy một thằng Dinh cô đơn nằm dài trên cỏ đọc truyện mãi đến hết buổi chiều, hoặc chơi cờ tướng một mình trước hiên nhà, hoặc ngồi tựa bên khung cửa sổ gẩy vài âm điệu tình buồn trên cây đàn ghi-ta cũ mèm.  Không ai bao giờ nhìn thấy nó chơi với một đứa bạn nào.

Buổi sáng đầu tiên ấy, cô Anh Tú bước vào lớp học và tất cả các học sinh ngồi yên lặng nhìn cô viết tên cô trên bảng với dòng chữ tròn xinh xắn.
- Cô là Anh Tú - cô nói thật nhẹ nhàng - Và cô là cô giáo mới của các em.
Cả phòng học rực sáng hẳn lên, tựa hồ như mái nhà đã tháo bỏ, và cây cối như đầy tràn tiếng chim hót.  Thằng Dinh ngồi táy máy trong tay một chiếc xe gỗ nó vừa đẽo từ cây rừng.  Sau nửa giờ nghe cô dạy, nó hết muốn nghịch và lẳng lặng vất chiếc xe xuống sàn.  Hôm ấy, sau giờ học, nó mang vào một xô nước và một tấm giẻ rồi bắt đầu chùi rửa tấm bảng đen.
- Gì thế em? - cô quay lại từ bàn giáo viên nơi cô đang chấm bài.
- Cái bảng này dơ quá. - Dinh trả lời, tay tiếp tục lau chùi.
- À, cô cũng thấy vậy.  Em có chắc em muốn rửa nó không?
- Đáng lý em phải xin phép cô trước - nó ngừng tay, hơi ngần ngại.
- Coi như em đã hỏi cô rồi đi - cô nói, miệng mỉm cười, và ở nụ cười đó, thằng Dinh lau sạch tấm bảng trong chớp nhoáng và đập giũ những miếng chùi bảng thật hăng sức đến độ không khí trắng mờ lên như sương mù bên ngoài cửa sổ.
- Để coi. - cô Anh Tú nói - Em là Dinh phải không!
- Thưa cô, phải.
- Cám ơn em nhé, Dinh.
- Em chùi bảng mỗi ngày được không cô?
- Em cũng nên để các bạn khác làm nữa chứ?
- Em thích tự em làm thôi - nó trả lời. - Mỗi ngày nhe cô.
- Vậy thì mình hãy thử một thời gian xem sao - cô bảo.
Nó vẫn còn lảng vảng.
- Em phải về nhà đi chứ - sau cùng cô nói.
- Thưa cô em về - nó bước đi chầm chậm rồi biến mất.

Sáng hôm sau, thằng Dinh đến trước nhà cô ở trọ ngay lúc cô vừa bước ra để đi đến trường.
- Thưa cô, em đây.
- Em biết không, tự nhiên cô cũng nghĩ là em sẽ tới.
Hai cô trò đi chung với nhau.
- Để em mang sách dùm cô nhe.
- Ô, cám ơn em.
- Không có chi, thưa cô - nó nói và cầm lấy hết chồng sách của cô.
Họ bước đi một chốc và nó chẳng nói lời nào. Cô giáo nhìn qua cậu bé.  Cô cảm thấy nó thật thoải mái và sung sướng.  Cô quyết định chờ cho nó phá vỡ cái im lặng nhưng nó vẫn không nói gì cả.  Khi họ đến rìa sân trường học, nó đưa lại chồng sách cho cô.
- Em nên để cô đi một mình thôi. - nó bảo - Sợ mấy đứa kia không hiểu.
- Cô không hiểu em muốn nói gì?
- Cô với em là bạn. - Dinh giải thích thật hăng say, rất tự nhiên và thành thật.
- Em Dinh... - cô bắt đầu nói.
- Dạ thưa cô?
- Thôi...- cô do dự rồi bước đi.
- Em sẽ vào lớp sau - nó vói theo.

Và rồi nó vào lớp, và nó ở lại sau giờ học mỗi ngày trong hai tuần lễ kế tiếp, không bao giờ nói một lời, chỉ yên lặng rửa tấm bảng đen, giũ sạch những miếng chùi bảng và quét dọn lớp học trong khi cô chấm bài vở.  Và cái yên lặng của bốn giờ chiều, cái yên lặng của mặt trời chầm chậm đi xuống, cái yên lặng kèm với âm thanh những miếng chùi bảng đập vào nhau, và tiếng giọt nước nhễu xuống từ tấm giẻ lau đang đi động trên bảng, và tiếng loạt xoạt của trang vở lật, và tiếng rột rẹt của ngòi viết trên giấy, và có lúc, tiếng vo ve của một con ruồi mắc kẹt đang hung hăng đập mình vào ô kính cửa sổ trên cao.  Đôi khi, cái yên lặng ấy kéo dài cho đến gần năm giờ chiều khi cô Anh Tú chợt thấy thằng Dinh ngồi ở băng ghế cuối lớp, ngây người ra ngắm nhìn cô và chờ được sai bảo.
- Này, tới giờ về rồi. - cô đứng dậy.
- Dạ vâng thưa cô.
Và nó sẽ chạy đến lấy mũ và áo khoác cho cô.  Nó cũng sẽ khoá cửa lớp học, trừ khi nào biết sắp tới giờ ông cai trường đến.  Họ sẽ bước ra và băng ngang sân trường trống vắng nơi ông cai đang bắc thang gỡ những sợi dây xích đu trong ánh nắng chiều vừa bắt đầu khuất sau rặng cây.  Hai cô trò nói với nhau về đủ thứ chuyện.

- Khi lớn lên em muốn làm gì hả Dinh?
- Làm nhà văn.
- Ô, tham vọng lớn đấy.  Sẽ phải làm việc nhiều lắm.
- Em biết, nhưng em sẽ cố gắng.  Em đọc rất nhiều sách rồi.
- Dinh à, bộ em không có gì làm sau giờ học hay sao?
- Ý cô muốn nói sao?
- Cô muốn nói là cô không muốn em phải chùi rửa bảng hoài.
- Em thích làm mà.  Em không bao giờ làm cái gì em không thích.
- Nhưng mà...
- Không, em phải làm. - Dinh quả quyết, suy nghĩ một thoáng rồi tiếp tục - Cô Anh Tú, em hỏi cô một việc nhe?
- Còn tuỳ việc gì.
- Mỗi thứ Bảy, em thường đi bộ theo con suối ra hồ Đa Nhim.  Ngoài đó có rất nhiều bươm bướm lắm, có cá bảy màu và chim nữa. Cô có muốn đi không?
- Cám ơn em.
- Vậy thì cô đi hả?
- Chắc cô đi không được.
- Bộ cô sợ không vui sao?
- Ô, chắc là rất vui, nhưng cô bận lắm.
Nó định hỏi tại sao nhưng rồi ngưng lại.
- Em mang theo bánh mì chả lụa.  Và bi đông nước đá chanh, rồi cứ tà tà đi thôi.  Em thường tới hồ lúc giữa trưa rồi quay về nhà chừng khoảng ba giờ chiều.  Đi vậy đã lắm, em ước gì có cô đi cùng.  Cô có sưu tầm bướm không?  Em có một bộ sưu tập lớn lắm.  Em có thể làm cho cô một bộ.
- Cám ơn em Dinh.  Nhưng mà thôi, để lúc nào khác đi.
Nó nhìn cô giáo, phân vân:
- Đáng lẽ em không được hỏi cô, phải không?
- Không đâu!  Em có thể hỏi cô tất cả những gì mà em muốn.

Vài ngày sau, cô tìm được cuốn tiểu thuyết cũ Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng trong đống sách cũ của mình và đưa cho Dinh.  Nó cám ơn rối rít, đem về nhà thức suốt đêm để đọc rồi đem ra bàn tán sáng ngày hôm sau.  Bây giờ, cứ mỗi ngày, nó lại đến chờ ở chỗ khuất đầu ngõ nhà cô, và nhiều lần, cô đã mở miệng, "Dinh à..." với ý định bảo nó đừng đến đón cô nữa, nhưng rồi cô không bao giờ nói tiếp, và nó lại tiếp tục bàn với cô về Tự Lực Văn Đoàn, về Tản Đà, về Hồ Xuân Hương và nhiều tác giả nữa trên đường đi đến trường.  Sáng thứ Sáu, cô thấy một con bướm trên bàn viết của mình.  Cô vừa tính đưa tay xua nó đi thì nhận ra rằng đấy là một con bướm chết đã được đặt trên bàn cô lúc cô không có ở đấy.  Cô đưa mắt đến thằng Dinh qua những cái đầu lố nhố ở hàng ghế phía trước.  Nó đang nhìn vào cuốn sách, giả vờ chăm chú đọc.  

Đấy là thời điểm mà cô cảm thấy khó khăn khi muốn kêu Dinh lên trả bài trước lớp.  Cô thường rà ngòi bút trên cái tên của nó nhưng rồi lại kêu một tên khác ở hàng trên hoặc hàng phía dưới.
Cô cũng không nhìn Dinh những lúc đi bộ đến trường hoặc trở về nhà.  Nhưng đã có khá nhiều buổi chiều, khi nó với tay lên bảng cao xoá đi nhưng công thức toán học bằng khăn lau ướt, cô tự bắt gặp mình nhìn đến nó trong nhiều giây đồng hồ trước khi trở lại chấm bài.  Và rồi một buổi sáng thứ Bẩy khi thằng Dinh đang khom người hớt những con cá bẩy màu trong lòng suối đá và bất chợt nhìn lên, nó thấy cô Anh Tú đứng ngay cạnh bờ suối.
- Dinh, cô đây - cô cười tươi.
- Em biết là rồi cô sẽ tới mà - nó trả lời.
- Đâu, cho cô xem cá bẩy màu và bươm bướm đi.
Họ đi xuống hồ và ngồi trên bờ cỏ.  Mặt hồ phẳng lì phản chiếu nền trời trong xanh, lững lờ vài cụm mây trắng, trải dài đến bờ đập nhà máy thuỷ điện phía xa.  Làn gió ấm thổi tóc cô bay loà xoà và nhẹ rung viền ren tà áo.  Nó ngồi cách cô vài bước và họ ăn bánh mì chả lụa, uống nước chanh như một bữa tiệc long trọng.
- Trời, sướng hết sảy! - nó thốt lên - Đây là lúc sướng nhất trong đời của em.
- Cô đâu nghĩ rằng mình sẽ đi píc-níc như thế này.
- Với một thằng con nít hả?
- Không sao, cô thoải mái thôi.
- Thế thì tốt.
Họ không nói gì nhiều trong buổi chiều ấy.  Cuối cùng Dinh buột miệng:
- Mình đi chơi như vầy sai trái rồi.  Mà em cũng không nghĩ ra tại sao là sai nữa.  Mình chỉ đi dạo, rồi bắt bướm, rồi hớt cá và ăn bánh mì thôi mà.  Nhưng nếu ba má em biết, ổng bả sẽ la em chết, mà mấy đứa bạn khác cũng vậy.  Còn mấy thầy cô khác, em nghĩ chắc họ cũng chế diễu cô, hả cô?
- Cô cũng sợ như vậy.
- Em nghĩ chắc mình đừng nên đi nữa.
- Cô cũng không biết tại sao cô lại đi đến đây - cô nói nhỏ gần như thì thầm.
Thế là ngày hôm ấy chấm dứt.

Cuối cùng thì cuộc gặp gỡ giữa cô Anh Tú và thằng Dinh chỉ có ngần ấy thôi, hai ba con bướm vàng, một cuốn tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, một chục con cá bẩy màu, hai ổ bánh mì chả lụa và bình nước chanh.  Sáng thứ Hai tuần tới, thật không ngờ trước được, Dinh chờ rất lâu ngoài ngõ nhưng không thấy cô giáo rời nhà để đến đi trường.  Hồi sau nó mới khám phá ra rằng cô đi khỏi nhà rất sớm và đã có mặt ở trường học rồi.  Cũng thế, buổi chiều thứ Hai, cô than nhức đầu đi về sớm và nhờ một cô giáo khác đứng lớp giùm.  Dinh đi ngang nhà trọ của cô nhưng chẳng thấy bóng dáng cô đâu và nó cũng e ngại không dám kêu cửa để hỏi thăm.

Buổi chiều thứ Ba sau giờ học, họ lại cùng ở trong lớp học yên lặng, nó chùi tấm bảng một cách hài lòng như thể lần này sẽ kéo dài được mãi mãi, và cô giáo ngồi chấm bài giống như là cô cũng sẽ ở trong căn phòng này trong cái bình an và hạnh phúc mãi mãi, cho đến khi chuông nhà thờ đổ năm giờ.  Tháp chuông ở cách đó một ngã tư đường và tiếng đồng đúc rền vang như chấn động thân thể con người khiến cho tro thời gian rơi rụng khỏi xương cốt và hoà vào trong máu làm cho người ta già đi từng giây phút.  Choáng người bởi tiếng chuông, người ta chỉ còn cảm được thời gian rầm rộ chảy qua, và khi kim đồng hồ trong lớp chỉ đúng năm giờ, cô Anh Tú chợt ngước lên nhìn một hồi lâu rồi đặt bút xuống:
- Dinh à - cô nói.
Nó quay lại, ngạc nhiên.  Cả hai đều đã im lặng trong cái giờ đồng hồ bình an trước đó.
- Em đến đây đi.
Nó đặt tấm khăn lau xuống thật chậm rãi:
- Dạ, cô?
- Dinh, cô muốn em ngồi xuống.
- Dạ.
Cô nhìn nó chăm chú một hồi lâu cho đến khi nó quay đi chổ khác:
- Dinh, em biết cô sắp sửa nói gì không? Em biết không?
- Dạ biết.
- Có lẽ tốt hơn là em nói trước đi.
- Về chuyện chúng mình.
- Em bao nhiêu tuổi rồi Dinh?
- Gần mười bốn tuổi.
- Em mới mười ba tuổi thôi.
Nó như chới với:
- Dạ.
- Em biết cô bao nhiêu tuổi không?
- Dạ, em biết.  Cô hai mươi bốn tuổi.
- Hai mươi bốn. - Cô lập lại.
- Em cũng sẽ hai mươi bốn chừng mười năm nữa.
- Nhưng tiếc rằng em chưa hai mươi bốn tuổi bây giờ.
- Chưa, nhưng nhiều khi em cảm thấy em hai mươi bốn tuổi.
- Đúng vậy, mà có lúc em cũng xử sự giống như thế nữa.
- Thật hả cô? - nó mừng rỡ.
- Này, ngồi yên đấy, đừng mừng hão.  Chúng ta có nhiều chuyện cần nói.  Mình cần phải hiểu thật rõ chuyện gì đã xảy ra, phải không em?
- Dạ, em cũng nghĩ như thế.
- Trước tiên phải công nhận em với cô là hai người bạn tốt nhất trên thế gian này.  Phải công nhận là cô chưa bao giờ có được một học trò như em, và chưa bao giờ cô mến thích một ai nhiều như vậy trong những người khác phái mà cô biết.
Dinh đỏ mặt khi nghe như thế.  Cô nói tiếp:
- Và để cô nói giùm em luôn nhe.  Em cho cô là cô giáo dễ mến nhất trong tất cả các cô giáo mà em biết.
- Ồ, còn nhiều hơn vậy nữa.
- Có thể là nhiều hơn vậy nữa đi, nhưng còn có những sự kiện mà ta cần phải đương đầu và cả một cách sống mà ta phải xem xét.  Cô đã suy nghĩ chuyện này trong rất nhiều ngày, Dinh à.  Cô không nghĩ là cô đã bỏ sót điều gì, hoặc là không ý thức được tình cảm của mình về vấn đề này.  Ở những hoàn cảnh thông thường thì tình cảm giữa chúng ta sẽ rất dị kỳ.  Nhưng mà em là một người con trai khác thường.  Còn cô, cô rất biết mình.  Cô biết cô không bệnh hoạn về cả tinh thần lẫn thể xác, và chuyện gì đã xảy ra đây quả là do cô đã mến phục cái cá tính và lòng tốt của em.  Nhưng Dinh à, đấy không là những chuyện chúng ta có thể có được trên đời này, ngoại trừ khi em đã trưởng thành rồi.  Cô không biết cô nói có đúng không nữa.
- Thì cũng đúng.  Nhưng mà nếu em lớn hơn chừng mười tuổi nữa và cao hơn chừng mấy gang tay nữa thì mọi sự đều ổn cả.  Thật là khùng điên nếu mà chỉ căn cứ trên chiều cao thôi.
- Thế giới này nó như vậy.
- Em đâu phải là thế giới này - nó phản đối.
- Cô biết là vô lý.  Nhưng khi em cảm thấy mình trưởng thành và đúng thì không có gì phải xấu hổ cả.  Không có gì để xấu hổ cả, em nhớ đó.  Em đã rất chân thật và đứng đắn, và cô hy vọng là mình cũng đã như vậy.
- Thì cô là vậy chứ sao.
- Dinh à, trong những điều kiện lý tưởng, có thể ngày nào đó người ta sẽ đánh giá được chính xác mức độ trưởng thành của con người và sẽ nói được "đây là một người đàn ông, cho dù cơ thể của hắn chỉ mới mười ba tuổi; qua một phép lạ hoặc may mắn nào đó, đây là một người đàn ông rất xứng đáng với trách nhiệm và địa vị và bổn phận của một người đàn ông."  Nhưng mà Dinh à, cho đến ngày đó, cô sợ rằng chúng ta vẫn phải canh theo tuổi và chiều cao và theo qui định của một cái thế giới tầm thường thôi.
- Em không thích như vậy.
- Cô cũng không thích vậy nữa.  Nhưng mà em có muốn rồi sẽ đau khổ hơn bây giờ không?  Em có muốn cả hai chúng ta đều đau khổ?  Chắc chắn là ta sẽ khổ đau rồi.  Chúng ta không còn làm gì khác hơn được nữa.  Nội chỉ nói về chuyện chúng ta không cũng đã kỳ dị rồi.
- Dạ.
- Nhưng ít ra là chúng ta biết rõ về mình và nhất là mình đúng và tốt và không có gì bậy bạ khi mình biết nhau, mà chúng ta đâu phải cố tình làm như vậy, bởi vì ta hiểu rằng đó là chuyện không thể nào được, phải không?
- Đúng, em biết, nhưng em không thể nào cản mình được.
- Bây giờ thì mình phải quyết định làm gì đây? - cô nói - Hiện giờ chỉ có mình em và cô biết chuyện này.  Nhưng rồi sẽ có người khác biết.  Cô sẽ xin đổi đi dạy ở một trường khác.
- Không!
- Hoặc cô có thể xin cho em đến học trường khác.
- Không cần đâu.
- Tại sao?
- Em sẽ đi.  Nhà em sắp dọn đi Đà Lạt.  Tuần tới là dọn rồi.
- Có phải vì lý do này không em?
- Không, không phải đâu.  Chỉ vì ba em mới xin được việc làm trên đó.  Cách đây chỉ chừng bốn mươi cây số thôi.  Em có thể ghé thăm cô mỗi khi em xuống đây?
- Bộ em nghĩ vậy là tốt sao?
- Không, chắc là không nên đâu.

Họ ngồi một hồi lâu trong phòng học yên lặng.
- Làm sao lại đến tình cảnh này được? - nó than lên một cách bất lực.
- Cô không biết.  Mà cũng không ai biết được.  Không biết từ mấy ngàn năm nay, mà cũng chẳng bao giờ biết được đâu.  Người ta yêu nhau hoặc là không, và nhiều khi hai người thương nhau mà lẽ ra không được.  Cô không giải thich được cho cô, và chắc chắn là cô không giải thích được cho em.
- Chắc em về nhà thôi - Dinh nói.
- Em không giận cô phải không?
- Trời ơi, không!  Không bao giờ em giận cô được.
- Còn một chuyện nữa.  Cô muốn em phải nhớ là có sự đền đắp trong đời.  Sẽ luôn luôn có, nếu không chúng ta không thể nào sống được.  Bây giờ em cảm thấy bất hạnh, cô cũng vậy.  Nhưng rồi sẽ có chuyện gì đó xảy ra để cứu vãn nó lại.  Em có tin vậy không!
- Em muốn tin như vậy.
- Đúng đó em.
- Phải chi… - Dinh ngập ngừng.
- Em nói gì?
- Phải chi cô chờ em được - nó buột miệng.
- Mười năm!
- Em sẽ hai mươi bốn tuổi.
- Nhưng cô sẽ ba mươi bốn tuổi, và có thể sẽ là một người hoàn toàn khác.  Không, cô không nghĩ là điều đó có thể được.
- Bộ cô không muốn là được sao? - nó rưng rưng nước mắt.
- Có - cô nói nhỏ - Chuyện này khùng điên và không được đâu, nhưng mà cô cũng muốn lắm chứ.
Nó ngồi yên lặng trong một hồi lâu.
- Em không bao giờ quên cô.
- Em nói nghe dễ thương quá, nhưng mà chưa chắc đâu.  Đời nó không như thế.  Em sẽ quên thôi.
- Em không bao giờ quên.  Em sẽ tìm cách để không bao giờ quên cô.
Cô đứng dậy và lên chùi bảng.
- Để em làm - nó nói.
- Không, không - cô vội vã đáp - Bây giờ em về đi, và không lau bảng nữa sau giờ học.  Cô sẽ nhờ trò Hoan làm việc đó.

Nó bước ra khỏi lớp.  Ngoảnh nhìn lại, nó thấy cô Anh Tú, lần cuối cùng, đứng trước tấm bảng chầm chậm chùi những dòng phấn viết, bàn tay di chuyển lên xuống như người máy.

Nó rời thị trấn tuần lễ kế tiếp và đi mất trong mười sáu năm.  Mặc dù chỉ ở cách đó bốn mươi cây số, nó chưa bao giờ trở lại Đơn Dương cho đến ngày nó gần ba mươi tuổi và đã lập gia đình.  Rồi một buổi sáng mùa xuân, trên đường từ Đà Lạt xuống Nha Trang, vợ chồng Dinh ngừng lại thành phố ấy một ngày.

Dinh để vợ ở khách sạn, đi dạo vòng quanh phố, và sau cùng hỏi thăm tin tức cô Anh Tú.  Thoạt đầu không ai biết nhưng rồi có một người nhớ lại:
- A, cái cô giáo xinh lắm ấy.  Cổ bị thương hàn mất hồi năm bẩy mấy, chỉ ít lâu sau khi anh đi.
- Cổ có gia đình không?
- Không, cô ấy có một mình thôi.

Nó bước đến nghĩa trang vào buổi chiều và tìm thấy bia mộ cô giáo.  Nguyễn Thị Anh Tú, sinh 1950, tạ thế 1976.  Hai mươi sáu tuổi.  Cô ơi, em bây giờ lớn hơn cô ba tuổi.  Nó thì thầm.

Cuối ngày hôm đó, dân thị trấn thấy vợ Dinh thả bộ ra gặp hắn trong phố nhỏ buồn âm u dưới vòm lá sẫm màu, và mỗi bước nàng đi qua với khuôn mặt rạng rỡ lại làm cho tất cả trở nên tươi đẹp.  Nàng như trái chín ngon của mùa hạ trong giá lạnh mùa đông, và nàng như ly nước mát cho cơn khát trưa hè oi bức.  Và hôm ấy là một trong những ngày hiếm hoi trên đời khi mà thời tiết cân bằng như một chiếc lá nhẹ rung trong gió, một ngày mà ai nấy đều nghĩ rằng phải đặt tên theo vợ của Dinh trên tờ lịch.

DND
08-02-14




No comments:

Post a Comment