Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Friday, January 22, 2016


MỘT CÁI CHẾT
(phỏng theo A Death của Stephen King)


Thằng Tửng có một chòi tranh nhỏ cạnh đám ruộng hoang của ba nó.  Chính tại đó mà cò Bảy và vài cảnh sát viên tìm thấy hắn ngồi chòm hỏm cạnh bếp lò nguội tanh, giả như đang đọc tờ báo Hương Đồng Nội cũ mèm dưới ánh đèn dầu leo lét.

Cò Bảy tướng dềnh dàng đứng chật khung cửa hẹp.  Ông đưa cao cây đèn bão:
- Ra đây mày!  Mà dơ tay lên nghe chưa!  Tao không móc súng đâu!
Tửng bước ra, tay cầm tờ báo đưa cao trên đầu. Hắn đứng yên nhìn ông cò với cặp mắt không hồn.  Mấy người cảnh sát chăm chú nhìn hắn từ trên chiếc xe cam nhông có thùng bọc lưới sắt phía sau để chở tù.
- Sao mày không hỏi tại sao tao tới đây? - cò Bảy hỏi.
- Tại sao chú Bảy tới đây?
- Cái nón cao bồi của mày đâu?
Tửng đưa tay không cầm tờ báo sờ vào đầu như để tìm cái nón không có đó.
- Ở nhà mày hả?
- Hông, hông có ở nhà con.
- Vậy thì ở đâu?
- Chắc con làm rớt đâu đó rồi.
- Lên xe mau đi về đồn.
- Đi xe tù xui lắm.
- Mày xui tận mạng rồi còn nói gì nữa.  Lên mau đi! - một cảnh sát viên nạt to.

Thằng Tửng trèo lên thùng lưới sau xe có hai băng dài hai bên như xe lam.  Hai cảnh sát viên ngồi kèm hai bên.  Một người móc súng ra cầm ở tay.  Tửng biết mặt hai người này nhưng không biết tên.  Cò Bảy và phụ tá Được bước vào chòi lục soát.  Họ xem xét dưới gầm chõng tre và khươi bới đống tro bếp lò.  Sau một hồi họ đi trở ra.
- Hông thấy cái nón. - cò Bảy nói - Mà có thì tao phải thấy liền vì nó to chành bành.  Sao Tửng, mày nói tao nghe coi!
- Tiếc quá con làm mất nó rồi.  Cái nón ông già cho con hồi ổng còn chưa khùng.
- Vậy mày giấu ở đâu?
- Con làm mất rồi, hoặc là đứa nào ăn trộm của con đó chú.  Chắc vậy đó, con đang buồn ngủ sắp tính lên giường.
- Ngủ cái con mẹ gì.  Hồi chiều mày ở ngoài quận phải không?
- Nó ở ngoải là cái chắc, ông thầy à. - cảnh sát viên Được nói - Chính mắt tui thấy mà,  nó có đội cái nón cao bồi nữa.
- Thằng Được, im mày! - cò Bảy quát -  Còn mày có ra ngoài quận không hả Tửng?
- Dạ có chú Bảy - Tửng nói.
- Ở quán Cỏ May hả?
- Dạ đúng.  Con chỉ ra đó uống hai chai bia rồi về đây.  Chắc con mất cái nón ở ngoải.
- Mày có khai thiệt không đó?
Tửng nhìn lên bầu trời tối đen:
- Chuyện con nói thiệt vậy mà.
- Nè, nhìn tao đi con.
Hắn nhìn trân thầy cò.
- Mày có khai thiệt không đó?
- Con nói rồi.  Chuyện con nói thiệt vậy mà.
- Thôi được rồi, giờ đi về bót!
- Sao lại về bót?
- Tại vì mày bị bắt.
Cảnh sát viên Được phê bình:
- Thằng này ngu như heo.  Ông già khùng nó coi bộ còn sáng láng hơn.

Chiếc xe cảnh sát chạy về quận cách đó khoảng bốn cây số. Tửng ngồi đằng sau run trong gió lạnh.  Người tái xế hỏi không ngoái đầu lại:
- Mày hiếp con nhỏ xong lấy luôn đồng tiền vàng của nó phải không thằng chó chết?
- Tui không biết anh nói gì. - Tửng lắp bắp.
Chuyến đi tiếp tục trong yên lặng, trừ tiếng gió thổi ào ào.  Khi đến quận, dân chúng đứng đầy hai bên đường.  Thoạt đầu họ im lặng, nhưng rồi một người đàn bà quấn khăn rằn chạy theo xe và khạc nhổ lên thằng Tửng.  Bãi đờm không trúng nó nhưng dấy lên một tràng hoan hô cổ vũ.

Đến đồn cảnh sát, cò Bảy lôi thằng Tửng xuống xe.  Gió lạnh có mùi tanh của nước sông.  Mấy bụi cỏ tranh kêu rột rẹt cạnh hàng rào kẽm gai.
- Xử tử thằng sát nhân đó đi! - một người đàn ông la to và một người khác ném một cục đá to bay sát đầu thằng Tửng, rớt xuống trên nền xi măng kêu lạch cạch.
Cò Bảy quay lại, giơ cao chiếc đèn bão nhìn đám đông và lên giọng:
- Bà con đừng có làm vậy.  Đừng có làm chuyện điên khùng.  Cảnh sát sẽ xử lý chuyện này.
Ông cò kéo tay Tửng băng qua văn phòng rồi vô gian tù, gồm hai ngăn song sắt.  Ông đẩy nó vô ngăn bên trái.  Có một cái chõng, một ghế đẩu và một cái bô.  Tửng đang tính ngồi xuống ghế thì ông biểu:
- Khoan.  Mày đứng đó cái đã.
Cò Bảy nhìn quanh và thấy nhân viên của mình đứng chật cửa vào.
- Tụi bay đi ra hết đi - ông nói.
- Lỡ nó tấn công ông thầy thì sao? - cảnh sát Được lo lắng.
- Thì tao khoá cổ nó liền.  Đi đi, khỏi lo.

Khi mấy cảnh sát viên đi hết, ông bảo:
- Cởi áo quần ngoài ra đưa cho tao.
Tửng cởi đồ ra, ở trần, chỉ còn lại cái quần xà lõn.
Ông cò lục soát trong túi áo quần, kéo ra được hai điếu thuốc lá cong queo và một vé số tôm-bô-la có phần thưởng là một chiếc xe mô-bi-lét.  Ngoài ra còn có một hòn bi màu đen tuyền.
- Hòn bi hên của con đó chú. - Tửng nói.  Con giữ nó từ hồi còn nhỏ.
- Cởi giày ra.
Tửng tháo đôi giầy ba ta sờn gót.  Cò Bảy thọc tay vào khám.  Một chiếc giày lủng lỗ ngay ngón chân cái.
- Cởi quần ra.
- Con không muốn.
- Tao cũng không muốn thấy cái của nợ của mày, nhưng mà cởi ra mau.
Tửng tuột quần xuống.
- Quay lại, chổng đít ra.
Tửng quay lại, cúi người, lấy hai tay banh hai mông ra.  Cò Bảy choáng ngộp với mùi thúi khắm, nín thở và ngoáy ngón tay vào hậu môn thằng Tửng.  Nó rên lên đau đớn.  Ông rút ngón tay ra, nhíu mày khi hậu môn khép lại với tiếng kêu đánh bóc, rồi chùi tay vào đống áo quần dưới đất.
- Mày dấu ở đâu?
- Cái nón hả?
- Bộ  mày nghĩ tao móc đít mày để tìm cái nón hả?  Hay là bới đống tro nhà mày để tìm nó sao.  Mày bày đặt khôn le hả?  
Tửng mặc quần áo vào rồi đứng run rẩy.  Trời đột nhiên trở lạnh.  Hồi nãy ở nhà nó đã tính đốt lò lên cho ấm.
- Cái nón mày ở trong văn phòng tao.
- Vậy thì chú hỏi để làm gì nữa?
- Để coi mày nói gì.  Chuyện cái nón xong rồi.  Giờ tao muốn biết mày dấu đồng tiền vàng con nhỏ ở đâu.  Hổng có ở nhà mày, hổng có trong túi, hổng có trong lỗ đít.  Hông lẽ mày ăn năn hối hận ném nó đi rồi hả?
- Đồng tiền nào con hổng biết.  Cho con cái nón lại đi.
- Không được!  Đó là tang vật.  Thằng Tửng, tao bắt mày tội giết con bé Hường.  Mày có muốn nói gì không?
- Dạ có.  Con không biết con Hường nào đâu.

Cò Bảy rời phòng giam, đóng cánh cửa và vặn khoá.  Ổ khoá kêu cót két khi ông xoay chìa.  Phòng giam này thường chỉ nhốt mấy tên say rượu và cái khoá hiếm khi được dùng.  Ông nhìn Tửng:
- Mày làm chuyện ác ôn đó, xuống địa ngục còn chưa đủ đền tội.
- Chuyện ác ôn nào?
Ông bỏ đi không trả lời.  

Thằng Tửng ở trong phòng giam, ăn cơm tù, ngủ trên chõng, ỉa đái trong bô, cứ hai ngày mới đem đổ.  Ba nó không vào thăm bởi vì ông bịnh tâm thần và đang được chăm sóc trong nhà mấy bà sơ.  Còn anh của nó thì đi lên rừng làm củi xa lắc mù khơi.

Thỉnh thoảng, một nhóm đàn ông tụm năm tụm ba trước cửa nhà tù đòi thiến dái thằng Tửng.  Một lần, má con bé Hường cũng đến và tuyên bố bà sẽ tự tay giết thằng Tửng nếu được cho phép.
- Tại sao mày nỡ lòng nào giết con tao?  Nó mới có mười tuổi đời, mà trúng ngày sinh nhật nó nữa.
Tửng đứng trên chõng nhìn qua song sắt cửa sổ, phân bua:
- Bà ơi, tui đâu có giết con bà đâu, tui không có giết ai đâu.
- Thằng khốn kiếp nói láo - bà hét lên rồi bỏ đi.

Hầu như khắp xóm ai cũng đến dự đám tang con bé.  Cả hai bà Miên bán thuốc lá ngoài cửa quán Cỏ May cũng đến.  Thằng Tửng nghe văng vẳng tiếng kinh cầu ê a từ phòng giam khi hắn ngồi phóng uế trên bô.

Cò Bảy đánh điện lên tỉnh và khoảng một tuần sau có quan toà xuống. Ông này còn trẻ, đầu chải tém bi-ăng-tin láng cóng, tên là thầy Hứa.  Ông đeo kính cận gọng đồi mồi, sơ mi trắng, giày đánh bóng xi-ra, dạo vòng ra phố quận, gặp đàn bà con gái nào cũng liếc cười, mặc dù ngón tay ông đeo rõ ràng chiếc nhẫn cưới.

Ở quận không có luật sư nào nên thầy Hứa cho gọi ông Tám Hên, chủ khách sạn Yên Bình.  Ông này có bằng trung cấp trường Canh Nông miền Tây nên quan toà gán cho ông trách nhiệm biện hộ cho thằng Tửng.  Ông Tám nói ông sẽ chỉ chịu làm luật sư nếu cha mẹ con bé Hường đồng ý.  Thầy Hứa nói:
- Vậy thì ông tới hỏi họ liền đi - Rồi thầy búng ngón tay trỏ bồi tiếp:
- Chuyện hôm nay chớ để ngày mai, biết hông?

Ba con Hường thắc mắc sau khi nghe ông Tám giải thích:
- Nếu không ai làm luật sư cho nó, người ta có xử tử nó được không?
- Nếu vậy là bất hợp pháp - ông Tám nói với vẻ rất thành thạo.  Đất nước mình độc lập tự do, phải có quyền lợi bình đẳng cho mọi công dân chứ.
- Nó có thể nào trắng án được không?
- Không đâu, chuyện đó không thể nào xảy ra được.
- Vậy thì ông làm bổn phận công dân của ông đi.

Phiên toà kéo dài nguyên buổi sáng rồi qua đến chiều. Toà xử ở trụ sở quận, và hôm đó trời mưa tầm tã.  Thầy Hứa đã xem xét kỹ mọi sự việc và chễm chệ đóng vai cả công tố viên lẫn quan toà.
- Cha này làm ăn gì kỳ cục, không công bằng cho can phạm - có người phát biểu như thế ở giờ nghỉ ăn trưa, nhưng không ai phản đối chuyện này.  Đỡ tốn người, tốn của nhà nước thôi.
Công tố viên Hứa cho gọi một số nhân chứng và quan toà Hứa không hề phản đối một câu hỏi nào.  Ba con Hường lên làm chứng trước tiên và cò Bảy lên cuối cùng.

Câu chuyện được trình bày một cách đơn giản.  Hôm đó là buổi tiệc sinh nhật của bé Hường ở quán Cỏ May với nhiều bánh kem và nước ngọt.  Khoảng hai giờ chiều, khi cô bé xúng xính trong chiếc áo đầm phồng mới đang chơi bịt mắt bắt dê cùng các bạn, Tửng bước vào gọi một chai bia.  Hắn đội một chiếc mũ cao bồi màu cứt ngựa.  Hắn chậm rãi uống chai bia với khô mực.  Khi hết hắn kêu thêm chai nữa.

Rồi hắn có bỏ cái nón ra không?  Hoặc treo nó ở cái móc ngay cửa vào?  Không một ai nhớ được.
- Chỉ có là chưa bao giờ tui thấy hắn không đội nón - anh Đớp bán quán nói.  Hắn thích cái nón đó lắm, nếu có bỏ ra thì cũng để ngay trên bàn trước mặt thôi.  Khi uống hết chai bia thứ hai, hắn bỏ đi đâu mất.
- Có cái nón trên bàn khi hắn đi không? - thầy Hứa hỏi.
- Dạ thưa không.
- Anh có thấy nón treo trên cái móc gần cửa khi đóng cửa tiệm không?
- Dạ thưa không.

Khoảng ba giờ chiều hôm đó, bé Hường từ nhà đi đến quán bánh kẹo trên đường Độc Lập.  Má nó dặn chỉ được mua một ít kẹo thôi với tiền quà sinh nhật, nhưng không được ăn vì nó đã ăn ngọt quá nhiều trong buổi tiệc.  Nhưng đến năm giờ mà Hường vẫn chưa về.  Ba nó và một vài người khác bắt đầu đi tìm khắp xóm.  Sau một hồi, họ tìm ra xác cô bé trong một đường hẻm giữa kho quân cụ và khách sạn Yên Bình.  Cô đã bị xiết cổ chết.  Đồng tiền vàng cũng không cánh mà bay.  Khi ba của Hường bồng con gái lên thì cái nón cao bồi của thằng Tửng rớt ra từ trong cái váy đầm xoè của cô bé.

Trong giờ toà nghỉ ăn trưa, tiếng búa đóng chát vang từ sau kho quân cụ, không mấy xa địa điểm tội phạm.  Đó là dàn treo cổ đang được dựng lên.  Công việc được điều khiển bởi lão thợ mộc giỏi nhứt trong quận có tên rất phù hợp là Đinh Dàn Dáo.  Trời mưa dầm mấy ngày nay nên con đường đến trại tù lớn của tỉnh bị lụt nước không đi được, có thể kéo dài đến cả tháng hoặc dám đến cả cuối mùa mưa.  Phòng giam của quận không có khả năng tài chánh giam tù lâu dài, nên cần phải xử gấp.

- Đóng cái giàn treo cổ dễ ẹc - Đinh Dàn Dáo nói với những người đứng xem.  Con nít cũng làm được.
Lão ta giải thích có một cây đà chắn ngang ở dưới tấm bửng dưới chân người tử tù. Tác động một cần gỗ sẽ làm cây đà rớt xuống và tấm bửng sẽ mở xuống phía dưới làm người tù bị hỏng cẳng rơi xuống theo.  Trục của cây đà sẽ được bôi mỡ cho trơn để không bị mắc kẹt.
- Nếu phải làm chuyện dữ như vầy thì phải làm cho nó chạy ngọt sớt cái một - lão nói.

Buổi chiều, thầy Hứa đưa thằng Tửng lên trước toà.  Một số người bắt đầu ồn ào la hét khiến quan toà phải đe doạ đuổi những ai không giữ trật tự ra khỏi phòng.
- Vậy anh có vào quán Cỏ May ngày hôm đó không? - thầy Hứa hỏi khi phiên toà nghiêm chỉnh trở lại.
- Dạ chắc là có - Tửng nói.  Nếu không thì con đã hổng phải đến đây.
Vài tiếng cười cất lên trong phòng.  Quan toà xuỵt mọi người im lặng cho dù chính ông cũng thoáng nụ cười.
- Anh có kêu thêm chai bia thứ hai phải không?
- Dạ có.  Con chỉ có tiền đủ hai chai bia thôi.
- Bởi vậy mày mới đi ăn cướp thêm đồng tiền vàng nữa, phải không đồ chó chết? - ông Sáu nhà đòn ngồi hàng ghế trước hét vang.

Thầy Hứa chỉ tay vào mặt ông Sáu rồi về phía cò Bảy:
- Thầy đem ông này ra ngoài và buộc tội gây rối trật tự cho tôi.
Cò Bảy đưa ông Sáu ra ngoài nhưng không bắt.  Thay vào đó, ông hỏi tại sao lại nổi nóng như vậy.
- Tui xin lỗi thầy cò nghe.  Thấy nó ngồi đó chường cái mặt trơ trẽn, tui bực hổng chịu được.
- Thôi, ông đi xuống mé kia coi Đinh Dàn Dáo cần phụ đóng dàn không.  Đừng có trở lại đây trước khi toà xử xong.  
- Chả có nhiều người phụ rồi.  Mà trời đang mưa nữa.
- Đi đi, mưa chút cho bớt máu nóng.

Trong khi đó, Tửng tiếp tục hầu toà.  Không, hắn không đội nón khi rời khỏi quán Cỏ May, nhưng hắn không để ý điều đó trước khi về đến nhà.  Lúc đó thì hắn mệt rồi không muốn đi trở lại quận để tìm.  Với lại, trời đã tối rồi.
Thầy Hứa cắt lời:
- Bộ anh tưởng toà tin được rằng anh đã đi bộ bốn cây số mà không biết mình có đội nón không hả?
- Chắc tại vì con đội nó hoài nên con giả sử rằng nó vẫn ở trên đầu - Tửng trả lời, gây nên một tràng cười khác.

Cò Bảy trở vào toà ngồi xuống cạnh cảnh sát Được:
- Họ cười cái gì vậy?
- Thằng ngu đó không cần đao phủ.  Nó tự cột dây vô cổ nó thôi.  Chuyện này không vui gì nhưng mà nghe có lúc cũng mắc cười lắm.
Luật sư Tám Hên to giọng hỏi:
- Anh có gặp bé Hường trong đường hẻm không?
Với tất cả mọi con mắt đổ dồn về mình, ông Tám sửa tư thế theo một tác phong rất cải lương:
- Vậy thì anh có gặp cô gái rồi chiếm đoạt đồng tiền vàng quý báu, món quà sinh nhựt của cô ấy không?
- Dạ không. - Tửng nói.
- Anh có giết cô ta không?
- Dạ không. Con còn không biết cô ta là ai nữa.
Ba bé Hường đứng vụt dậy và hét to:
- Mày chính là thủ phạm.  Thằng chó đẻ nói láo!
- Con đâu có nói láo đâu - Tửng phân bua.  
Và ngay từ lúc đó, cò Bảy tin rằng hắn nói thực.
- Tôi không còn câu hỏi nào khác nữa. - Tám Hên tuyên bố và trở về chỗ ngồi.

Tửng đang tính đứng dậy thì thầy Hứa bảo hắn ngồi im để trả lời thêm vài câu hỏi nữa.
- Anh vẫn còn khẳng định là ai đó lấy trộm cái nón của anh khi anh đang uống bia ở quán Cỏ May, rồi ai đó đội nón này đi ra đường hẻm, giết bé Hường rồi để lại cái nón để liên can anh hả?
Tửng ngồi im.
- Anh Tửng, trả lời câu hỏi ngay.
- Thưa thầy con không hiểu "liên can" nghĩa là gì.
- Anh muốn toà tin rằng ai đó gán cho anh cái tội giết người ghê tởm này sao?
Tửng suy nghĩ hồi lâu, hai bàn tay xoắn vào nhau.  Sau cùng hắn nói:
- Chắc ai đó lấy lộn xong liệng nó đi.
Thầy Hứa nhìn xuống những hàng ghế:
- Có ai đây lấy lộn cái nón của anh Tửng không?
Gian toà yên lặng ngoại trừ tiếng mưa dội vào cửa sổ.  Cơn mưa bão đầu mùa đã đến.  Dân ở đây gọi đó là mùa mưa cóc vì mùa này cóc xuất hiện hằng hà sa số, nhảy đầy đường phố.
- Tôi không còn câu hỏi nào nữa - thầy Hứa nói.  Vì lý do thời tiết, ta hãy làm nhanh gọn.  Bồi thẩm đoàn sẽ họp riêng ngay để tuyên án.  Quý vị có ba lựa chọn: vô tội, ngộ sát và cố sát.
- Giết con nít thì đúng hơn - một người nào đó rít lên.

Cò Bảy và cảnh sát Được ra quán Cỏ May nghỉ giải lao.  Ông Sáu nhà đòn cũng chạy theo vào, tay phủi lia lịa những hạt mưa trên vai áo.  Chủ quán Đớp chiêu đãi họ những ly cối bia hơi sủi bọt.
- Thầy Hứa không còn câu hỏi nào nữa nhưng tui có câu hỏi này - cò Bảy nói -  Bỏ qua chuyện cái nón đi, nếu thằng Tửng giết con nhỏ thì tại sao mình khám hoài mà không tìm thấy đồng tiền vàng đâu hết?
- Tại vì nó sợ nên liệng mất rồi. - Ông Sáu nhà đòn suy luận.
- Tui không nghĩ vậy.  Thằng đó khờ lắm.  Nếu có đồng tiền, nó đã trở lại quán bia uống cho hết tiền luôn rồi. - cò Bảy trả lời.
- Bộ ông thày nói nó vô tội hả? - cảnh sát Được nhướng mắt.
- Tao nói phải chi mình tìm được đồng tiền vàng.
- Có thể là nó rớt mất từ túi quần nó.
- Túi quần nó không lủng.  Chỉ có một lỗ trong chiếc giày của nó nhưng mà nhỏ xíu đồng tiền qua hổng lọt.
Cò Bảy uống một ngụm bia lớn.  Vài cành cây nhỏ bị cơn giông thổi gãy lộn nhào như hát xiệc ngoài đường.

Bồi thẩm đoàn họp mất một tiếng rưỡi.
- Chúng tôi quyết định treo cổ nó ngay lập tức. - một thành viên kể lại sau đó - Nhưng chúng tôi phải giả bộ dông dài ra cho có vẻ hình thức hơn.
Quan toà hỏi bị can có muốn nói gì không trước khi tuyên án.
- Không, không có gì hết. - Tửng nói - Con không hề giết cô nhỏ đó.

Cơn mưa giông kéo dài ba ngày.  Đinh Dàn Dáo hỏi cò Bảy thằng Tửng nặng chừng bao nhiêu và ông cò đoán nó khoảng sáu mươi ký lô.  Lão Dáo làm ngay một hình nộm bằng bao bố, bỏ lên cái cân ở vựa thóc và thồn đá vào cho đến khi cái kim chỉ ngay số sáu chục.  Lão đem treo hình nộm để thử cái hệ thống cần điều khiển của mình trong khi cả xóm xúm lại đứng coi.  Cuộc thử nghiệm thành công.  Dàn treo cổ chạy ngọt sớt.

Đêm trước ngày xử án, trời tạnh mưa.  Cò Bảy hỏi thằng Tửng muốn gì cho bữa ăn cuối cùng.  Tửng xin một tô bún bò giò heo đặc biệt có thêm huyết và chả lụa .  Cò Bảy bỏ tiền túi ra mua, rồi ngồi cắt móng tay tại bàn làm việc nghe Tửng nhai chóp chép và húp nước súp xì xụp.  Khi những tiếng nhai nuốt êm đi, cò Bảy bước vào.  Tửng đang ngồi trên chõng.  Tô bún bò sạch trơn, chỉ còn những mẩu xương giò gặm láng như được chà giấy nhám.  Tửng khóc:
- Con mới nghĩ ra một điều.
- Cái gì?
- Nếu họ treo cổ con sáng mai, con sẽ chết mà bún bò còn đầy trong bao tử.  Sẽ không đủ thì giờ cho những cái béo bổ đó tiêu vô cơ thể.

Cò Bảy im lặng một hồi lâu.  Ông cảm thấy ghê sợ, không phải vì cái hình ảnh ấy mà vì việc Tửng đã nghĩ ra điều này.  Ông nói:
- Chùi mũi mày đi.
Tửng quẹt hai tay áo lên chùi, bên trái rồi bên phải, mũi hít sụt sịt.
- Mày nghe tao nè con.  Đây là cơ hội cuối cùng của mày.  Mày ở trong quán đó lúc buổi chiều.  Không có nhiều người trong đó lắm phải không?
- Con chắc vậy.
- Vậy thì ai lấy cái nón của mày?  Nhắm mắt lại suy nghĩ coi.  Thấy gì không?
Tửng nhắm nghiền hai mắt và cò Bảy đứng chờ.  Sau cùng Tửng mở cặp mắt ra, đỏ ngầu vì khóc:
- Con còn không nhớ được con có đội nón không nữa.
Cò Bảy thở dài:
- Thôi, đưa tao cái tô, muỗng đũa nữa.

Tửng luồn cái tô qua song sắt.  Hắn hỏi xin uống chút bia.  Cò Bảy chần chừ một chút rồi khoác áo bước ra quán Cỏ May.  Ông đem về một thố bia hơi.  Ông Sáu nhà đòn đang nhâm nhi ba xi đế trong quán bước ra theo cò Bảy.
- Mai là ngày trọng đại. - cò Bảy nói -  Quận mình mười năm nay chưa có vụ treo cổ nào.  Nếu hên thì mười năm nữa sẽ không có thêm vụ nào nữa.  Lúc đó thì tui về hưu rồi.  Phải chi bây giờ tui mà về hưu rồi thì đỡ biết mấy.
Ông Sáu nhìn cò Bảy:
- Bộ ông cò thiệt không tin thằng Tửng nó làm chuyện đó hả?
- Nếu nó không làm thì tên thủ phạm nào đó vẫn còn chạy rông ngoài kia.

Buổi hành hình được định vào chín giờ sáng.  Trời gió và rất lạnh, thế mà dân cả quận đổ dồn ra xem.  Thầy tu Huỳnh Rọt đứng trên đài gỗ bên cạnh Đinh Dàn Dáo.  Cả hai đều run lạnh mặc dù đã khoác thêm áo ngoài và khăn choàng cổ.  Các trang giấy cuốn kinh thầy tu run phần phật trong gió.  Một cái túi trùm đầu may bằng vải đen đeo bên dây nịt của lão Dáo cũng tung bay phất phới.

Cò Bảy dẫn thằng Tửng, hai tay còng sau lưng, đi lên đài gỗ.  Tửng có vẻ bình thường cho đến lúc sắp phải bước lên bậc thang, khi đó hắn chùn chân và bắt đầu khóc.
- Xin đừng làm chuyện này - hắn van xin -  Xin đừng hại tui.  Xin đừng giết tui.
Hắn nhỏ con nhưng rất mạnh.  Cò Bảy phải ngoắc thêm cảnh sát Được đến phụ một tay.  Hai người kềm chặt Tửng đang dãy dụa cong người và đẩy hắn lên mười hai bực cầu thang.  Một lần hắn dẫy quá mạnh khiến cả ba người xém té xuống đài và rất nhiều cánh tay trong đám người đi coi đã vươn lên sẵn sàng chống đỡ.
- Hãy im đi và để được xử tội cho ra con người - ai đó trong đám đông hét to.

Trên đài gỗ, Tửng im lặng được một lúc, nhưng khi thầy Huỳnh Rọt bắt đầu đọc kinh, hắn rú lên như bị kìm kẹp lỗ tai.  
- Xin Thượng Đế hãy thứ tội cho con! -  thầy Rọt rướn cao giọng cố gắng át tiếng la của người tử tù - Xin Thượng Đế hãy tha thứ cho con!

Đinh Dàn Dáo đưa tay rút cái bao trùm đầu ra khỏi dây nịt.  Tửng thở hồng hộc như một con chó, lắc đầu từ trái qua phải để tránh né cái bao.  Tóc hắn xổ tung trong gió.  Lão Dáo kiên trì đưa bao theo cái đầu lắc lư của Tửng như người nài ngựa đang cố gắng kềm hãm một con ngựa chứng.
- Cho tui nhìn lên núi chút xíu! - Tửng rống to, dãi chảy thòng lòng từ hai lỗ mũi - Tui sẽ im nếu mấy người cho tui nhìn lên núi một lần nữa.

Nhưng Đinh Dàn Dáo đã tròng được cái bao đen vào đầu của Tửng và kéo xuống hai vai run rẩy của hắn.  Giọng người thầy tu vẫn ra rả đọc bài kinh và Tửng cố hết sức bước ra khỏi tấm bửng dưới chân.  Cò Bảy và cảnh sát Được luôn phải ráng đẩy hắn trở lại vị trí.  Ở dưới đài gỗ, một người la to:
- Đè đầu nó xuống, đè thằng khốn kiếp xuống!
Cò Bảy hét về phía người thầy tu:
- Đủ rồi, nói amen đi!  Trời ơi, nói amen đi!
- Amen! - thầy Huỳnh Rọt nói và bước lui, tay gập cuốn kinh kêu đánh bốp.

Cò Bảy ra hiệu cho Đinh Dàn Dáo.  Lão kéo cần gỗ.  Cây đà bôi mỡ trơn rơi xuống và tấm bửng mở ra.  Thằng Tửng rơi theo xuống lỗ.  Một tiếng rắc vang lên khi cổ hắn gẫy.  Hai chân hắn thụt lên gần tới cằm rồi thỏng xuống bất động.  Một thứ nước vàng vàng nhễu xuống mặt sàn gỗ.
- Đáng đời đồ khốn kiếp! - ba bé Hường hét to - Chết té đái như đồ chó đẻ.  Xuống địa ngục đi mày.
Một vài người vỗ tay.  Khán giả nấn ná lại cho đến khi xác thằng Tửng, vẫn còn đeo cái bao đen trùm đầu, được chở về nhà đòn.

Cò Bảy trở về bót và bước vào trong gian tù nhốt thằng Tửng.  Ông ngồi đó khoảng mười phút.  Trời lạnh buốt.  Ông ta biết mình đang chờ cái gì, và rồi nó vụt đến.  Ông chồm tay lấy cái thố đựng phần bia cuối cùng của thằng Tửng và nôn thốc vào đó.

Tám tiếng đồng hồ sau, Cò Bảy vẫn còn ở văn phòng.  Ông đang cố gắng đọc một cuốn sách thì ông Sáu nhà đòn chạy vào.
- Thầy phải đến ngay mới được.  Tui muốn thầy coi cái này.
- Cái gì?
- Không, thầy phải chính mắt thấy mới được.
Họ đến nhà đòn.  Tửng nằm trần truồng trong gian phòng phía sau.  Không gian sực mùi hoá chất và phân người.
- Chết kiểu đó, tụi nó phọt cứt đái tùm lum. - ông Sáu nhà đòn giải thích - Cả những người gan dạ cũng vậy.  Họ không chống lại được.  Cái hậu môn nó tự động xả.
- Thì sao?
- Thầy bước lại đây đi.  Chắc chắn là trong nghề cảnh sát thầy đã từng thấy mấy cái quần đầy cứt rồi phải không?

Chiếc quần xà lõn nằm trên sàn nhà, lộn ngược từ trong ra ngoài.  Một vật gì sáng choé trong đống bầy hầy.  Cò Bảy cúi xuống gần hơn và nhìn thấy đồng tiền vàng.  Ông đưa tay khảy nó ra từ đống cứt.
- Tui không hiểu được - ông Sáu nói - Thằng chó đẻ đó bị nhốt cũng lâu lắm mà.
Một cái ghế nệm lỏng chỏng trong góc nhà.  Cò Bảy thả người xuống thật mạnh tạo nên một tiếng hơi phụt.
- Chắc là nó nuốt đồng tiền ngay khi nó thấy xe cảnh sát tới.  Và cứ mỗi lần ỉa ra, nó lại chùi sạch và nuốt vô lại.
Hai người đàn ông nhìn nhau.
- Mà thầy thì tin nó - sau cùng ông Sáu nói.
- Ừ, tui khùng quá mới tin nó được.  Mà nó cứ nhứt định kêu mình vô tội.  Chắc chắn là rồi dưới địa ngục nó cũng khai với quỷ sứ như vậy thôi.
- Là cái chắc! - ông Sáu nhà đòn phụ hoạ.
- Tui không hiểu nó làm vậy để chi.  Nó sẽ bị treo cổ thôi.  Cách nào thì nó cũng bị treo cổ thôi.  Ông có hiểu tại sao không?
- Tui còn không hiểu tại sao trời lại hết mưa nữa.  Mà thầy cò tính làm gì với đồng tiền đó?  Đưa lại cho ba má con nhỏ hả?  Tốt hơn là thầy đừng đưa, bởi vì... - ông Sáu bỏ lửng câu nói.

Bởi vì gia đình con bé Hường đã biết câu chuyện xảy ra như thế nào.  Ai trong quận cũng đều đã biết câu chuyện xảy ra như thế nào.  Chỉ mình thầy cò là không biết thôi.  Thầy khờ quá.
- Tui cũng hông biết làm gì với nó bây giờ - cò Bảy lẩm bẩm.

Gió lộng ngoài đường phố đem theo giọng hát vang vang.  Tiếng hát đến từ ngôi nhà thờ quận.  Bài hát Ngợi Ca Thượng Đế…


DND
06.02.15

No comments:

Post a Comment