Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Friday, January 22, 2016


CÁI THUỞ BAN ĐẦU


Dãy nhà ba gian hai tầng chủ xây phía sau một biệt thự xinh xắn thành ba căn hộ để cho thuê.  Tầng trên của mỗi căn có ban công song sắt, ngăn cách với nhà bên cạnh bằng bức tường gạch tạo một khoảng riêng tư. Từ trên nhìn xuống là một sân láng xi măng khá rộng, xe hơi chạy vào được qua cánh cổng lúc nào cũng mở.  Một bên của sân là hàng rào trồng hoa leo tràng pháo, rực rỡ những nụ dài dài màu cam. Bên đối diện trồng hai cây mimosa lá xám bạc, li ti những hoa vàng, như thể làm ranh giới giữa nhà chính và nhà phụ.  Phía sau hàng rào, đất bắt đầu tuột dốc từ từ rồi gắt dần xuống thung lũng trồng rau  phía dưới.

Gia đình nó thuê căn hộ ngoài bìa sát hàng rào hoa tràng pháo.  Căn nhà này hơn hẳn các căn còn lại ở chỗ có cửa sổ bên hông với tầm nhìn đẹp phóng qua bên kia thung lũng.  Nó kê bàn học trên lầu sát cửa sổ và, những lúc chán học, thường dùng ống nhòm quan sát sinh hoạt của xóm nhà bên kia sườn đồi.  Nổi bật nhất là một căn nhà quét vôi mầu hồng nhạt, có hai anh em bé con ngày ngày chơi đùa với nhau ngoài sân.  Hai chú bé trông gần giống nhau, nó đặt tên là Tí và Tèo cho dễ phân biệt.  Ngày nào nó cũng bỏ chút thì giờ ngắm nhìn hai chú bé, giống như ngắm hai con cá kiểng nuôi trong chậu.  Những lúc rỗi rảnh khác, nó tựa lan can trên lầu theo dõi sinh hoạt dưới sân xi măng xóm nhà phía sau, hoặc phóng tầm mắt xa hơn nữa đến dòng xe cộ trên con đường trước nhà.  Ở góc đường đầu hẻm, có một anh thợ sửa xe gắn tấm bảng “Sữa Honda” giống như đang bán sữa bò, sữa dê gì đó.  

Căn nhà chính giữa của bà Phương, một người đàn bà to béo có ông chồng ốm tong teo như trong truyện hí họa Lý Toét Xã Xệ.  Bà có ba đứa con gái khoảng từ bẩy đến mười hai tuổi, đứa nào cũng mập tròn.  Những buổi sáng trời lạnh trông chúng căng phồng rất giống anh chàng vỏ xe mít-xơ-lanh dưới hai ba lớp áo len dầy.  Bà Phương và mấy đứa con gái béo tốt như thế kia nhưng mà chồng bà thì lại ốm teo.  Mặt ông xương xẩu, gò má nhô cao, hàm răng hơi hô khiến môi trên lúc nào cũng như đang chu ra dưới bộ ria mép lún phún lẫn vài sợi bạc.  Ông lúc nào cũng có vẻ nghiêm trọng trên mặt như đang suy tính việc đại sự gì đấy, mặc dù ông chỉ là nhân viên hạng quèn của Nha Địa Dư thành phố.  Nó ít thấy ai nói chậm rãi như ông, buông từng tiếng một như đồng hồ gõ giờ khi nói chuyện với người trong xóm.  

Cô Hoan cùng chồng và người em trai ở thuê căn hộ thứ ba, gần nhà trên nhất.  Cô làm nhân viên bán vé Air Vietnam ở nhà ga xe lửa cũ.  Ngày ấy, đường hỏa xa việt nam không còn hoạt động được nữa vì lý do an ninh nên nhà ga Đà Lạt, một kiến trúc đẹp thời pháp thuộc,  được dùng làm văn phòng của hãng Hàng Không Việt Nam.  Chồng cô Hoan là chú Hân.  Nó thích gọi chú là chú Hân Hoan vì nghe rất vui tai làm sao ấy.  Chú là giáo sư môn việt văn tại trường nữ trung học thành phố.  Chú người nhỏ con, vừa ốm, vừa thấp, thế mà lấy được cô vợ đẹp, cao ráo như người mẫu kể cũng lạ.  Nó nghe kể rằng chú giảng thơ văn rất hay, tiếng tăm lẫy lừng, trường công, trường tư nào cũng muốn vời thầy đến dạy.  Đứng trên bục cao trước lớp với những lời trầm bổng văn chương bóng bẩy, chú như một nghệ sĩ nổi tiếng đã khiến nhiều cô học trò say đắm, quên cả ngoại hình hơi yếu kém của thầy.  Cô Hoan là một trong những nữ sinh mê thầy như điếu đổ, và cô đã vượt qua các đối thủ khác để thành hôn với chú Hân nhiều năm về trước.  

Người em cô Hoan là sinh viên chính trị kinh doanh năm thứ nhất ở đại học Đà Lạt.  Nó gọi chú Hân là chú nhưng lại gọi em của cô bằng anh vì người này lớn hơn nó chỉ khoảng ba bốn tuổi.  Anh Tạo đàn rất hay, nhất là những bài ghi-ta cổ điển độc tấu réo rắt vào buổi tối.  Một tuần ba lần, anh dạy kèm toán một nhóm học sinh khoảng năm sáu người ngồi chật cả phòng khách nhà cô Hoan..
- Em muốn học thêm toán không, cứ qua đây đi, khỏi trả tiền học.  Bà con mà.
Nó rất giỏi toán trong lớp, thoái thác:
- Dạ thôi, nhưng mà bữa nào anh bày em đàn đi.  Em tập mấy bài classique chai cả tay mà sao cứ vấp hoài.
- Cha, em tui cũng nghệ sĩ quá ta.  Để rồi anh dợt cho, em sẽ làm mấy cô bạn lác mắt.
Đầu nó lóe lên niềm hy vọng nhỏ nhoi.  Với khả năng hiện giờ, có cho tiền nó cũng không dám đàn cho cô nào nghe.  

Thực ra, nó chưa có cô bạn nào nhưng cũng đã bắt đầu để ý đến bọn con gái, cũng bắt đầu mộng mơ theo bài hát "tous les garcons et les filles de mon âge se promènent dans la rue deux par deux"...  Nhớ hồi vài năm trước, nó còn mày tao tỉnh bơ với đứa con gái ngồi cạnh trong lớp.  Rồi một hôm chơi trốn tìm với con bé hàng xóm cùng tuổi, ngồi nép sát mình vào con bé sau kẹt tủ, nó chợt khám phá ra cái cảm giác ấm êm mềm mại đầu đời của hai tấm thân kề sát.  Hình như con bé cũng cảm được điều đó nên ngượng ngùng đẩy nó ra chạy tìm chỗ trốn khác.  Từ sau đó, nó bắt đầu nhìn lũ con gái với một con mắt khác.  Cô  nào xinh xắn dễ thương thì nó rất thích nhìn, nhìn mãi cũng không chán, như chiêm ngưỡng một tác phẩm đẹp, một đoá hoa rực rỡ.  Nhìn mà sợ bị bắt gặp, nhìn len lén, nhìn say mê, rồi vội vàng đảo mắt ra chỗ khác khi bị phát giác, một chút bối rối và một chút nuối tiếc... Thích nhìn thì thế nhưng nó gan thỏ đế nào dám mở miệng với cô bé nào đâu. Và rồi nó viện thơ Nguyễn Tất Nhiên để tự an ủi:

    Tại vì hai đứa ngây thơ
    Tình tôi dạo ấy là ngơ ngẩn nhìn
    Nhìn vầng trăng sáng lung linh
    Nhìn em mười sáu như cành hoa lê...

Xóm nhà phía sau cũng có một bóng hồng như thế.  Nàng tên là Mây, con gái chủ ngôi nhà trên, thường hay cùng hai cô chị tụm nhau nói chuyện gẫu ở băng ghế sau nhà cạnh hàng cây mimosa.  Nhỏ Mây tóc dài quá vai, khuôn mặt trắng trẻo thanh tú điểm hai gò má quanh năm ửng hồng của con gái Đà Lạt, đẹp như bông hoa vừa hé nở.  Nó thường đứng tựa lan can trên lầu giả bộ nhìn đường phố thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn xuống các cô gái bên dưới.
- Ê, xương gà dòm mày nữa kìa - Chị cô gái cười chọc.
- Xí, dòm gì mà dòm hoài! - Mây liếc mắt lên phía nó thật nhanh rồi quay phắt người đưa lưng lại.
Nó bối rối nhìn ra chỗ khác, lòng hơi bất bình vì bị kêu là xương gà.  Người ta chỉ ốm thôi chứ đâu phải gà mà xương với xẩu.  Tiếng cô chị vẫn văng vẳng chòng ghẹo bên tai nó:
- Mây ơi, coi nó xương xương vậy chứ cũng đẹp trai ghê đó mày.  Kìa...ìa, dò...òm nữa kìa.  Mê li, rùng rợn quá xá cỡ...
Nó không thể cưỡng lại được, quay đầu nhìn xuống nhỏ Mây mong mỏi một ánh mắt đáp lời.  Cô gái vẫn ngồi quay lưng lại như trước nhưng hai vai nhún lên và đầu cô lắc quầy quậy.  Hai  cô chị nhìn lên phía nó, nói nhỏ gì với nhau rồi phá lên cười rũ rượi.  Hai tai đỏ nóng bừng, nó mắc cở bỏ đi vào nhà, tiếng cười sắc nhọn thủy tinh đuổi theo qua khung cửa sổ...

Anh Tạo có mấy người bạn trai hay đến nhà chơi nói chuyện đi ngắm gái ngoài phố rất ồn ào:
- Ê, ngồi ở Thủy Tạ rửa mắt đã lắm mày ơi.  Mấy em trường đầm mặc mini coi mát con mắt.
- Coi chừng nhìn quá nó chửi cho chết.
- Tao đâu có dòm tầm bậy mày.  Nhìn người đẹp là thưởng thức nghệ thuật chứ bộ.  Trời sinh bông hoa đẹp phải để được ngắm chứ.  Có đẹp mới có nhiều người ngắm.  Không người ngắm thì hoa nào biết hoa đẹp, mậy?
- Cha, mặt mày mà cũng biết nghệ thuật nữa hả?
- Tao hỏi thiệt, chứ mày nhìn con gái đẹp mày có thích không?  Tao nói thích là vì mình thấy nó đẹp quá, nó gây cảm giác dễ chịu, làm rực rỡ cảnh vật chung quanh, làm dịu mát những khô khan cuộc đời, chứ hông phải có ý đồ sàm sở đen tối gì nghen.  Một dáng đi thướt tha, một cái nghiêng đầu duyên dáng, một ngón tay thon vuốt tóc lạc bầy... ôi, ta có thể nhìn mãi không chán.

Nó thấy bạn anh Tạo nói có lý quá.  Vậy thì nó thích nhìn con gái đẹp thì cũng bình thường thôi, đâu có gì kỳ đâu.  Mà nghe nói đâu cả ông Phương quặm cũng thích nhìn gái đẹp nữa.  Một hôm ông đi làm về chiếc mô-bi-lét bị móp cái vè bánh trước, khuỷu tay áo rách một đường để lộ một vết trầy hơi rướm máu.  
- Sao thế?  Bà Phương hỏi.
- Xui quá lọt cái ổ gà đầu ngõ bị té.
- Mắt để đâu mà không tránh nó ra?  Hư bố nó cái vè rồi! - Bà quạu quọ, như thể ông làm hư một chiếc xe mới toanh đáng giá -  Rách cả cái áo nữa, giời ơi! -  .Bà hoàn toàn không hỏi đến cái tay bị thương của ông.
- Thì nhiều xe quá không tránh kịp.  Phải nhờ thằng sửa xe nó kéo ra bớt chứ lúc đầu cái bánh xe bị kẹt quay không được đấy.  Để từ từ tôi gõ nó ra lại như cũ thôi - Ông nói nhanh như máy, quên hẳn cái tốc độ đồng hồ gõ chậm thường ngày.
Nó thấy tội nghiệp ông Phương bị vợ mắng nhưng anh Tạo lại cười hì hì:
- Đáng đời!  Thằng Sữa Honda mới kể anh nghe ông Phương chạy xe gần tới nhà nhưng mắc quay đầu nhìn mấy cô học sinh mới tan trường nên mới lọt ổ gà đó.
Nhưng nó vẫn tội nghiệp ông Phương.  Ông đã phát huy nghệ thuật nhìn gái một cách thiếu kỹ thuật.  Ông ta phải học hỏi bạn anh Tạo thêm tí nữa.

Nó thấy nhìn con gái thì dễ chứ làm quen sao khó quá.  Nó chỉ nói chuyện được với nhỏ Mây trong giấc mơ mà thôi.  Bên ngoài đời, chỉ mới nghĩ đến việc nói chuyện với cô bé, tim nó đã đập thình thịch.  Nó hỏi anh Tạo làm sao mở chuyện với con gái.  Tạo thoáng chút do dự:
- À, à, em phải để ý cô ta có cái gì đặc sắc rồi hỏi về cái đó.
- Thí dụ như làm sao?
- Thì... thí dụ, à... cổ có cái nơ cột tóc đẹp, em nói, ơ... "cái nơ của cô đẹp lắm tôi thích nó ghê".
Nó cảm thấy không chắc ăn với lời khuyên này.  Nghe giống như chú lính mỹ mới học tán gái tiếng việt lắp bắp "chào cô buổi sáng, cô đẹp lắm".  Mà chắc gì anh Tạo rành vụ này?  Anh hùa theo chúng bạn nói chuyện cua gái ầm ĩ, vậy chứ hình như nó thấy anh cũng chưa có cô bồ nào.  Nó nhớ một hôm có một chị xinh xắn cùng trong nhóm bạn của anh đến chơi, anh Tạo chợt trở nên yên lặng, lúng túng, mất hẳn vẻ hoạt bát hàng ngày.  Tay anh thừa thãi, lúc vịn tường nhà, lúc thủ túi quần, lúc chắp tay sau đít, miệng nói không ra hơi, mặt hơi hồng đỏ như người đang mắc cở.  Thôi không học thầy Tạo được đâu, có lẽ nó phải đi hỏi cái anh nào hôm bữa giảng bài rửa mắt nghệ thuật cho chắc ăn...

Một buổi đi học về, nó vừa bước qua cổng thì bị nhỏ Mây đang tưới cây lỡ tạt một gáo nước vào gấu quần.  Nước thấm vào chân buốt giá trong trời chiều tắt nắng nhưng nó không thấy lạnh mà lại thấy một luồng khí nóng chạy dọc sau lưng lên tận gáy.
- Ơ, xin lỗi nghe, tui hổng thấy bồ! - cô bụm miệng bối rối.
- Hông sao, hông sao - Nó lắp bắp, tim bắt đầu đánh trống liên hồi.
Hai má cô bé hừng đỏ màu má hồng con gái Đà Lạt, đóng khung bằng hai lọn tóc xoăn nhẹ, phía trên buộc chiếc băng đô hồng nhạt có điểm những bông hoa li ti màu đỏ.  Nó sững người ra nhìn không nói nên lời.  Mây hơi ngượng đưa tay vuốt tóc:
- Dòm gì vậy?
Mặt nóng ran, hình như nó nghe giọng mình văng vẳng qua lỗ tai lùng bùng:
- Cái nơ bồ đẹp!
Nó chợt giật mình nhận ra mình vừa áp dụng phương pháp "không chắc ăn" của anh Tạo, lòng tự trách mình sao hấp tấp thế.  Lỡ nhỏ Mây chê mình cải lương thì sao?  Lỡ nó xí một cái bỏ đi thì sao?  Nó đang tự cắn chặt phần bên trong của môi dưới, nặn óc một cách tuyệt vọng cố tìm một cái gì để nói thì - ôi sao phép mầu - cô bé cười rạng rỡ:
- Nơ nào?  Cái băng đô này hả?  Đẹp ha! Tui cũng thích nó lắm!
Nó nhẹ nhõm cả người, cơn căng thẳng lúc nãy biến đâu mất.  Ôi xin cám ơn anh Tạo vô vàn và xin lỗi đã nghi ngờ anh.  Nhưng nó vừa chuyển lời tạ lỗi thần giao cách cảm cho sư phụ xong thì cơn gió bấn loạn ban nãy hình như bắt đầu trở về.  Nói cái gì nữa bây giờ, nói gì, ôi... nói gì?  
May mắn thay cho nó, Mây hỏi tiếp:
- Bồ đi học buổi chiều hả?
- À, có bữa thôi - Nó hú hồn tìm lại giọng nói - Bồ học trường nào vậy?
- Bùi Thị Xuân đó.  Mà thôi tui phải vô đây, hình như má kêu.  Xin lỗi cái chân ướt nghen!
- Hông sao đâu, cũng gần khô rồi.
Nó lắc lắc chiếc giầy ướt nhẹp lạnh ngắt, ngây người nhìn theo chiếc băng đô hồng nhún nhẩy khi cô gái bước bậc thang lên nhà trên.  Cái nơ đẹp thiệt, nó tự nhủ, mà cái mái tóc cài nơ lại càng đẹp hơn, mà nhỏ Mây lại còn đẹp hơn nữa, nó có thể đứng đây ngắm hoài không chán.  Như có mắt ở phía sau đầu, Mây quay lại nhoẻn cười với nó trước khi bước vào nhà.

Nó cảm giác người bồng bềnh trên mây, chân đưa bước về nhà chỉ theo bản năng, bộ óc hoàn toàn bị chiếm hữu bởi hình ảnh cô gái, mắt điều tiết nơi vô cực để chỉ nhìn thấy khuôn mặt diễm kiều và chiếc băng đô hồng, miệng nó phớt nụ cười như người sắp nhập niết bàn...  Chợt đánh sầm một cái, nó húc vào ông Phương đang chổng mông ngắm nghía vết méo ở cái vè xe mô-bi-lét trước nhà.  Ông té khuỵu đầu gối tới trước nhưng ráng sức gồng lại được, níu cho chiếc xe khỏi đổ.  Nó tỉnh hẳn cơn mê tình, bụm miệng hốt hoảng:
- Ôi chết, cháu xin lỗi, cháu không thấy chú!
Ông Phương hầm hầm ngồi dậy, mặt đỏ kè:
- Địt mẹ, cái thằng chết tiệt, mắt mũi mày để đâu?
- Dạ... Dạ... Cháu xin lỗi, cháu không thấy thật mà! - Nó lắp bắp sợ hãi khi thấy ông Phương dữ tợn.
May sao lúc đó có cô Hoan bước ra cứu viện:
- Em xin anh bỏ qua cho cháu, nó vô ý quá!  - Rồi cô quay sang nó nheo mắt, giả vờ cao giọng - Từ giờ về sau con phải ý tứ cẩn thận hơn nhe chưa!
Ông Phương cau có không nói không rằng dắt xe đi ra cổng.  Cũng may là bà Phương đang đi chợ, nếu không là có chuyện cãi nhau to.  Nó nhìn cô Hoan biết ơn rồi bước vội vào nhà, hai tai nóng ran.  Hình bóng nhỏ Mây bay đi đâu mất...

Nó ngồi nơi bàn học nhìn qua bên kia đồi theo dõi Tí và Tèo chơi đánh kiếm ngoài sân.  Hai chú bé nhái điệu bộ như Đác-Ta-Nhăng, tay phải cầm kiếm là một nhánh cây, tay trái chống nạnh bên hông, hai chân tiến thoái như ngựa phi.  Cu Tí lúc đầu có vẻ thắng thế, lấn cu Tèo vào góc vườn.  Nhưng rồi cu Tèo phản công mãnh liệt khiến cu Tí phải lùi dần.  Nó thú vị quan sát trận đấu một hồi lâu rồi nảy ra ý định đánh cá xem ai thắng.  À, để coi, nếu cu Tèo đuổi được đối phương đến được hàng rào, thì chiều nay nó phải, à... tìm cách bắt chuyện lại với nhỏ Mây.  À, à, được đó, nhưng mà hơi ớn nhe, sẽ nói cái gì bây giờ...  Nó nửa muốn cu Tèo thắng cuộc, nửa lại e ngại sự khó khăn của cuộc đối thoại sắp tới.  Cu Tí vẫn lùi dần về phía hàng rào.  Nó gắn sát mắt vào ống dòm, miệng la nho nhỏ:
- Dô, dô, Tèo ơi, chém chém, được đó!
Chợt nó lóe tia sáng trong đầu.  Mình sẽ kể chuyện hai chú bé này cho nhỏ Mây.  Mối e ngại biến mất, nó vội cầu mong cho cu Tèo thắng cuộc.  Nhưng oái oăm thay, cu Tí bắt đầu phản công trở lại và tới phiên cu Tèo thụt lùi trong nỗi thất vọng của nó.  Vừa đến giữa sân, hai chú bé chợt dừng kiếm đồng loạt quay đầu về hướng một người đàn bà đang ngoắc tay, rồi cùng nhau chạy vào nhà.  Nó bực mình xuýt xoa:
- Ê, sao bỏ cuộc ngang xương vậy?  Xíu nữa ăn cơm hổng được sao?  Hư chuyện của tao hết!
Thế rồi nó quyết định ăn gian.  Mình sẽ giả sử là cu Tèo thắng, đâu ai biết đâu...

Nó hái một bông hoa marguerite trắng để thử cái mức độ tình yêu của mình như trong cuốn báo nào chỉ.  Bứt từng cánh hoa, nó thì thầm:
- Je t’aime, un peu, beaucoup, à la folie, pas du tout... Tôi yêu em, một ít, nhiều nhiều, như điên, chẳng yêu tí nào...
Cánh hoa mắc dịch cuối cùng dừng ở "pas du tout".  Ồ, có lẽ nào? Nó hái một bông hoa khác tẩn mẩn làm lại.  Lần này kết quả tiến bộ đến "un peu".  Vẫn chưa hài lòng, nó vặt tiếp một bông hoa nữa, mấp máy môi đếm như người bệnh tâm thần.  Un peu, beaucoup, à la folie.  Stop!  Cánh hoa cuối cùng!  A ha, à la folie!  A la folie!  Chắc mình điên mất...  Mây ơi!

Một buổi chiều, nó đi lang thang lên cổng trường Bùi Thị Xuân vào gần giờ tan học.  Các tà áo nữ sinh trắng toát bay bay trong gió chiều như đang cùng múa một vũ điệu với những hoa marguerites trắng uốn éo trên ven đường đồi.  Nó nheo mắt nhìn xem coi có thấy nhỏ Mây ở đâu không.  Nhìn tới nhìn lui, chỉ toàn màu trắng, nó đâm nhớ thơ Hàn Mạc Tử.

    Mơ khách đường xa, khách đường xa,
    Áo em trắng quá nhìn không ra...
    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
    Ai biết tình ai có đậm đà?

A, mà tình nó có đậm đà không?  Hay đã đậm đà chưa?  Đậm đà không chẳng biết, nhưng mà đã dám men lên đây đứng chờ rồi.  Nó để ý thấy có vài cô vừa ra cổng đã có bạn trai đứng chờ, hai cô cậu cười rạng rỡ, chở  nhau vút đi bằng xe honda.  Nó tưởng tượng mình là chàng thanh niên ấy...

- Mây à, sao hôm nay ra trễ vậy, chờ em dài cả cổ - nó giả bộ rên rỉ.
- Ô, tội nghiệp anh chưa, cho bắt đền đó! - Mây chu mỏ nũng nịu.
- Phải đi dạo với anh một vòng bờ hồ Xuân Hương...
- Ô kê, nhưng mà em phải về sớm đó nghe!
- Rồi mình đi ăn kem Thuỷ Tạ nhé...
- Ừa đó, em đang thèm kem dâu đây, kem sầu riêng nữa.
- Ủa, bộ em nói em phải về sớm mà?
- Thì ăn kem rồi về sớm, anh này - Mây cung tay đấm lưng nó thình thịch...

Tiếng cười thuỷ tinh quen thuộc lôi nó khỏi cơn mơ hoang tưởng.  Mây kia rồi, nói cười huyên thiên cùng đám bạn.  Tim đập thình thình, nó nhìn nàng chăm chú mong bắt được một ánh mắt, nhưng cô bé đang mải vui không hề thấy nó.  Nó vừa muốn chạy lại chào hỏi vừa ngại ngùng.  Lỡ cô ả cũng sợ phải gặp nó trước đám đông thì sao?  Hoặc lỡ mấy đứa bạn cô ấy xúm lại chọc nó thì sao.  Ôi, cả một nỗi gian nan khó nghĩ... Nó lần bước theo con dốc xuống đồi, đi cách Mây và các bạn một quãng ở bên kia đường.  Vài lọn tóc cô bé bay nhè nhẹ trong gió quyện vào đôi bờ vai thon, da nàng trắng, má nàng hồng, mắt nâu đen dưới chiếc băng đô li ti hoa đỏ, bờ môi chúm chím theo những lời kể chuyện thỉnh thoảng nở ra trong những nhoẻn cười thanh tú...  Đẹp tuyệt vời!  Nó cảm thấy dễ chịu và rồi nó nhớ tới bài giảng của thầy rửa mắt nghệ thuật bạn anh Tạo và lại càng phục sư phụ hơn nữa.

Xuống đến cuối dốc, các bạn của Mây đã tan đám hết, chỉ còn một mình cô bé rảo bước trên hè, hai tay ôm chiếc cặp da trước ngực.  Nó gồng mình bước nhanh theo, lấy hết can đảm:
- Bồ đi học về hả?
Mây quay lại, hơi ngạc nhiên, rồi cười tươi khi nhận ra nó:
- Ờ, bồ ở đâu ra vậy, sao thở dữ vậy?
- À, à... tui thấy bồ từ cổng trường đi với mấy bạn nãy giờ vui quá không dám hỏi.
- Cha, đi theo nãy giờ đó hả? - Mây nheo một ánh mắt thích thú.
Nó miết đôi giày xuống cỏ, không dám bắt mắt nàng chỉ nhìn vào chiếc cặp da trước ngực.
- À... Thì mình tiện đi ngang trường lúc tan học, xem coi có thấy bồ không...
- Chứ hỏng phải đứng đón hả? - cô bé châm chọc.
Nó đỏ bừng hai tai, lắp bắp:
- Ờ thì đón, tui, ơ... muốn gặp bồ lắm.  À, mà có sao không?
Mây nhìn nó thân thiện:
- Không sao, nhưng mà coi chừng mấy con quỉ bạn nó chọc dữ lắm.  Bồ hiền ghê, tui cũng thích, ơ... mấy người hiền.
Nó như mở cờ trong bụng.  Mây thích ta, ôi, Mây thích ta, và ta thích Mây.  Elle m'aime, elle m'aime, et je l'aime... Un peu, beaucoup, à la folie... Một ít, nhiều nhiều, như điên... Nó muốn rủ Mây đi dạo vòng bờ hồ, nhưng mà từ đây ra hồ xa lắm, chắc chắn không được bữa nay.  Mà tiệm kem thì ở mãi tận ngoài hồ.  Nhưng nó cũng ráng nói mơ hồ về chuyện ấy:
- Trời này đi dạo ngoài hồ thích lắm, bữa nào mình đi không?    Xong rồi mình ghé ăn kem Thuỷ Tạ hay Việt Hương nữa.
Mây cắt cụt ngay cơn hứng của nó:  
- Không được đâu, đi học phải về nhà liền, đi lâu má la đó.
Thấy ánh mắt tiu nghỉu của nó nàng tiếp:
- Thì mình đi nói chuyện vầy cũng vui rồi.  Mây thích như vầy hơn.
Nói thực thì nó cũng thích như thế này hơn.  Đơn giản, chỉ có hai đứa nó, không phải tiếp xúc đương đầu với ai, không ai dòm ngó.  Nó chợt bắt cơn ngẫu hứng, liên miên kể chuyện xóm nhà phía sau cho Mây, từ ông Phương quặm cho đến chú Hoan đến hai chú bé Tí Tèo bên kia thung lũng.  Nhỏ Mây cười hinh hích với những tình tiết tiếu lâm qua câu pha trò của nó.  Nhưng  tuyệt nhiên nó cố tình không đá động đến bài nghệ thuật nhìn gái của bạn anh Tạo.  Không thể được, đề tài này tabou lắm lắm...

Đến cổng nhà, Mây buông một bàn tay khỏi chiếc cặp da vẫy chào:
- Thôi Mây về nghe!  Nãy giờ nói chuyện với bồ vui quá!  Mai mốt gặp nhe.  Bye!
Nó đánh bạo đưa bàn tay mình áp vào tay cô bé.  Mây để yên.  Một làn hơi ấm chạy dài từ lòng bàn tay cô gái, loan toả đi khắp người nó, ran nóng từ tận đỉnh đầu xuống tới từng móng chân,   thật dễ chịu làm sao.  Ôi, nó thiết tưởng xưa kia Dương Quá khi tiếp chân khí cùng Tiểu Long Nữ trong chuyện Thần Điêu Đại Hiệp cũng chỉ tuyệt đến thế là cùng.

Cái chạm tay không thể kéo dài mãi mãi.  Nó tiếc quá nhưng Mây phải vào nhà rồi.  Kiểm lại những sự việc xảy ra trong buổi chiều, nó cảm thấy vui sao trong lòng.  Thế thì làm quen với con gái cũng chẳng đến nỗi nào khó lắm đâu.  Người xưa có nói, đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.  A, chí lý, chí lý!   E ngại biết bao lâu nay, bây giờ ráng gồng mình một tí là nó qua được cửa ải thứ nhất rồi.  Giờ thì có thể xem nó thuộc hàng ngũ "có bồ" rồi chăng?  Vui quá, sướng quá... Vượt qua mặt cả anh Tạo, ha ha ha...  Lá là là lá là... Ôi đời đẹp quá tràn bao ý thơ... Nó nhẩy chân sáo, đầu lúc lắc, bắt đầu mơ mộng sắp xếp chương trình cho những ngày sắp tới.  

Bước chân qua sân sau, nó hứng chí nhe miệng cười duyên cả với ông Phương đang ngồi chồm hổm rửa chiếc mô-bi-lét cũ kỹ.  Ông Phương ngước cặp mắt đầy nghi ngại nhìn nó, một chân kín đáo chuyển nhẹ về phía sau.  Nó  đoán ông chắc đang xuống thế tấn hổ quyền để đề phòng lỡ nó húc ông một lần nữa...

DND
08-07-14

No comments:

Post a Comment