Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Saturday, January 16, 2016

CÂY ĐÀN BỎ QUÊN


Hôm nọ, tôi nghe trên radio có một bài nghiên cứu nói rằng hình ảnh phái nam chơi đàn ghi ta rất là "hot", có sức thu hút phái nữ nhiều hơn là chơi một nhạc cụ nào khác như... kèn tuba chẳng hạn.  Không biết các cô các bà nghĩ sao, chứ tôi thấy nó đúng boong, ít ra là ở thời tôi vừa vào đại học.

Ngày ấy, trong nhóm thanh niên nào cũng có một vài tay chơi đàn thật hay.  Buổi họp mặt nào họ cũng là trung tâm điểm nóng bỏng, tóc rơi loà xoà trên trán, tay loang loáng trên phím đàn, chân đánh nhịp nhấp đều, đầu lắc lư liên hồi, mắt mơ màng như người say thuốc phiện.  Và các cô thì miệng há hốc ra trong một nỗi khâm phục khôn cùng, gìn giữ một cái im lặng tuyệt đối trong cơn thưởng thức say mê, như thể một tiếng thở to sẽ làm hỏng cả cái bầu không khí linh thiêng ấy.  Ngoại hình chàng ấy có thể không đạt yêu cầu lắm (xin hỏi nhỏ thế nào là đạt hỡi các cô?) nhưng khi chơi đàn trên sân khấu dã chiến, chàng biến ngay thành một con người khác hẳn, thanh tú hơn, điển trai hơn, dễ yêu hơn, một nghệ sĩ với sức hấp dẫn cao độ, có thể đã khiến nhiều cô rơi rớt vào cơn si mê tình khốc liệt.  

Cho nên lũ chúng tôi hồi đó ai cũng thích biết chơi đàn, ấy, xin nói rõ một chút, không phải là để thu hút các cô đâu - vì còn nhiều cách thu hút khác - nhưng vì cái tính "hot" của sự đánh đàn và cái thích thú mình có được khi chơi xong một bài hay.  Tôi cũng là một trong những tay muốn chơi đàn hay như vậy, và đã chuẩn bị sẵn tinh thần để bước vào cái ảo ảnh hào quang ấy, nhưng các bạn hãy biết rằng, đây là một quá trình rất ư gian khổ.  Đầu tiên cần phải có một cây đàn kha khá, chứ cây đàn quèn lượm mót của ai thì, vừa đánh dở, vừa đàn xoàng, có ma nào mà nghe được phải không?

Thế là tôi đi theo thằng bạn luồn lách quanh co trong những con hẻm hẹp rí trong khu chợ gần trường đến căn xưởng nhỏ của một ông đóng đàn đủ loại.  Theo như thằng bạn giới thiệu, sản phẩm ông này cũng có hạng.  Ông ta có dáng vóc một nhạc sĩ còm cõi với bộ râu quai nón lởm chởm, hình như ráng dưỡng hoài vẫn không mọc nổi để đủ che cái cằm lẹm.  Sau vài câu phỏng vấn về yêu cầu và ước mơ của tôi, ông phán rằng tôi cần một cái đàn như thế này này, không hảo hạng nhưng không hạng bét, vừa với túi tiền và vừa với tài năng của tôi.  Tôi đặt hết tin tưởng vào ông và bước đi trong lòng rộn sướng, chỉ hơi một tí hoang mang về... tài năng của mình.  Ủa mình có tài năng à?  Tài năng nào vậy?  Thằng bạn cười ha hả, lão ấy bốc phét cho mày sắm đàn chứ mày làm đếch gì có tài năng.

Ngày đem cây đàn mới toanh về gác trọ, tôi mê mẩn ngồi ngắm cái thùng đàn còn nồng mùi véc ni vàng lạt bóng loáng gắn vào một cần đàn thuôn thả màu nâu sậm hơn, ở đầu có bộ khoá đồng vàng choé ông thợ bảo là đồ gin cao cấp, và căng bộ dây cước ny lông ông thợ bảo để bấm êm tay hơn dây đồng.  Tôi ôm đàn ngắm nghía mình trong gương dưới đủ mọi góc cạnh và chợt thấy mình nghệ sĩ lên gấp bội.  A ha, ảo ảnh hào quang, ta chào mi...

Từ hôm ấy, ngày nào tôi cũng bỏ thì giờ ra để tập đàn, lèng phèng đồ rê mi pha sôn la xí vang dội căn phòng trọ, mấy đầu ngón tay luôn đau rêm kinh niên vì bấm vuốt dây đàn liên tục.  Ban đêm nằm ngủ còn bị ám ảnh nên chiêm bao ú ớ, đô trưởng hả, rê thứ ư, nói càm ràm như người bệnh tâm thần.  Dần dà tôi cũng bắt đầu đệm nhạc được du dương theo bài hát, ai mà không biết, nghe tôi đàn bài ruột cứ tưởng là tài năng cao độ, nói kiểu mấy thằng bạn tôi là xài đồ giả ấy.  Không biết các cô có biết không, chứ ngày ấy, lũ "đàn sĩ" vàng thau lẫn lộn, mà tỷ lệ đồ giả nhiều hơn đồ thật, nghe ba chớp ba nháng cứ tưởng anh ấy đàn hay thiiii...iệt.

Nhạc tân chưa đủ, lũ chúng tôi cần phải tập ghi ta cổ điển nữa mới đúng điệu.  Thế là tôi phải ra chợ trời sắm ngay những tập nhạc classique nổi tiếng để dợt nghề.  Tôi nhớ mãi những bài rondo đơn giản dễ tập để bắt đầu, dần dà tạo tự tin để tấn công đến những bài khó khăn hơn, khi đó mới thấy là mình có cố căng dãn mấy ngón tay cỡ nào cũng khó mà bấm được cho chỉnh.  Một trong những bài thịnh hành mà chàng nào cũng phải ráng tập cho được là Romance d'Amour.  Bài này cũng không khó cho lắm nên sau một thời gian tôi cũng múa may đồ giả có cỡ, không biết hồi đó có cô nào bị xí gạt không.  Nhưng cái bài làm tiêu chuẩn cho các tay học đòi chơi đàn cổ điển phải là bài Los sitios de Zaragoza, mà lũ chúng tôi ai cũng đều mê mẩn khi nghe Andres Segovia trình bày.  Bài này rất hay nhưng rất khó.  Nó trở thành vũng lầy của tôi.  Tập hoài mà vẫn vấp, vẫn không kịp nhịp, vẫn bấm tay không chỉnh.  Tôi mất dần tin tưởng vào tương lai nghệ sĩ quèn của mình.  Tôi đâm chán cây đàn, và chợt nhớ ra ở đời còn biết bao điều khác lý thú hơn là ôm cây đàn chết tiệt mỗi ngày.

Thế rồi, tôi lãng quên cây đàn, bỏ quên trong xó, cho bụi phủ mờ, màng nhện giăng tơ...

Người ta bỏ quên cây đàn lãng mạn như thế này:

    Hôm qua tôi đến nhà em
    Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn...

Còn tôi thì cũng bỏ quên cây đàn, nhưng kiểu khác:

    Hôm nao tôi bỏ tiền ra
    Sắm đàn về đánh bỏ cha mỗi ngày
    Đánh sao cực khổ đoạ đày
    Giấc mơ nghệ sĩ chợt bay mất vèo
   Chán đời đàn vất chèo queo
   Đàn ơi nay đã một lèo bỏ quên…


DND
09-12-14

No comments:

Post a Comment