Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Monday, January 11, 2016


MỘT CHUYẾN NGHỈ HÈ


Mùa hè năm ấy, lũ bạn cùng trường chúng tôi rủ nhau đi một chuyến nghỉ xả hơi sau kỳ thi cuối khoá.  Mũi Né là địa điểm được chọn vì thằng Phúc nhà ở Phan Thiết và thằng Trung thì quê hương chính là ở cái doi đất đâm ra biển này.  Thằng Trung và thằng Hải bạn thân của nó đi thẳng về Mũi Né, còn tôi rủ thằng Phúc và một thằng bạn nữa tên Thành đi vòng lên Đà Lạt để ghé nhà tôi trước khi xuống Phan Thiết.


Sau vài ngày làm hướng dẫn viên du lịch thành phố cao nguyên cho hai tên bạn, tôi cùng chúng nó hối hả lên xe đò xuống Phan Rang để kịp bắt chiếc xe kế tiếp về Phan Thiết.  Ngày ấy, vào những năm sau 30 tháng Tư, đi xe đò rất cực khổ.  Khách ngồi xe chen chúc như cá mòi vì lơ xe kê thêm rất nhiều ghế 'súp' dọc lối đi để thêm được nhiều khách.  Thêm vào đấy, hàng hoá chất chồng khắp nơi, từ trên mui xuống tới gầm xe, xui xẻo ngồi gần giỏ mắm trong cái thùng xe nung nóng bởi nắng mùa hè là đầu tóc sẽ thối cả đến mấy ngày chưa hả.


Thằng Thành là công tử nhà giàu Quảng Nam, gia đình có xưởng dệt ở Ngã Tư Bẩy Hiền, ít khi nào phải đi xe đò chen chúc nên rất khổ sở.  Nó thuộc loại người bẩm sinh lo lắng, lỡ thùng nước mắm rỉ xuống đầu mình thì sao, lỡ mình không bắt kịp chuyến xe tiếp thì sao, lỡ công an chận hỏi giấy tờ thì sao, ôi biết bao nhiêu câu hỏi ám ảnh khuôn mặt đực ra vì âu lo của nó.  Tôi và thằng Phúc cười hè hè trấn an.  
- Lo gì mấy cha công an mày, có giấy chứng nhận đi nghỉ hè của thư ký trường chứng rồi mà.
Nhớ lại thời ấy thật khó khăn, đi đâu cũng phải có giấy phép chứng nhận.  Cái mảnh giấy pơ-luya đánh máy có đóng dấu triện đỏ cơ quan và chữ ký loằng ngoằng rất là quan trọng, hình như dấu gì cũng được miễn ra vẻ cơ quan là tốt và chữ ký thì phải mạnh dạn thoáng nét, chứ nguệc ngoạc chữ "x" là sẽ có chuyện ngay với công an.


Chúng tôi đến Phan Rang bình an nhưng chờ mãi vẫn không thấy xe đi Phan Thiết.  Bến xe đông kịt người, nằm ngồi lổn nhổn, mùi hôi người và mùi hôi hàng hoá nồng nặc trong cái nắng gay gắt ban trưa.  Mặt thằng Thành đẫm mồ hôi, chắc một phần vì nóng nhưng phải đến hai ba phần vì lo âu.  
- Đi ăn cơm mày!  Bà hàng cơm tôm kia coi có lý a. -  Chúng tôi rủ.
- Thôi, coi chừng trễ xe - Thành lo lắng.
- Xe chưa tới đâu.  Mà ngồi đây mình thấy mà, lo gì.
Chúng tôi kêu ba dĩa cơm tôm của một bà hàng đầu quấn khăn rằn.
- Mấy chú ăn nước "sết" hông? - bà hỏi.
Hơi chút ngạc nhiên vì cái từ lạ, nhưng rồi chúng tôi hiểu ngay là cái nước xốt đỏ cam trông thật hấp dẫn của bà:
- Dạ, chan nhiều nghe dì.
Dĩa cơm thật ngon, chúng tôi ăn đánh vèo, ngoại trừ thằng Thành quá lo để thưởng thức.


Thế rồi chiếc xe bấy lâu đợi chờ đã tới.  Chúng tôi chen vào dành được ba vé và hoa tay múa chân như mọi người để lên xe.  Dĩ nhiên là bạn Thành của chúng tôi lọt tuốt lại đằng sau.  Tôi và Phúc kiếm được chỗ ngồi cạnh cửa sổ, ngoảnh lại thấy khuôn mặt gần như tuyệt vọng của Thành sau những cái đầu lố nhố.  Tôi lú đầu ra cửa sổ:
- Ê!  Trèo qua đây, tao kéo mày lên!
Thành như người chết đuối có kẻ đến cứu, dẫy dụa một hồi rồi cũng đu được lên băng ghế với chúng tôi.  Mặt nó bơ phờ.  Chắc nó đang thề sẽ không bao giờ đi du lịch với mấy thằng này nữa.


Lúc bấy giờ đã xế chiều, trời đã bớt nóng.  Chiếc xe chạy ngang qua bờ biển Cà Ná, nước trong xanh, cát trắng phau với những tảng đá chất chồng đẹp vô cùng. Thằng Thành tỉnh hẳn người lên, trầm trồ khen ngợi.  Đó là lần đầu tiên nó nhìn thấy biển.  Gần đó là suối nước khoáng Vĩnh Hảo ở đâu trong xa, thỉnh thoảng có thấy người ta bày bán dăm ba chai thuỷ tinh trắng có lẽ đã sôi nóng trong cái nắng ban chiều trên những cái sạp cỏn con dọc theo lề đường.  Chiếc xe chạy qua những cánh đồng đầy lò than, không khí sực mùi củi đốt.  Thành giật tay tôi:
- Sao có mấy người đi ra đi vô những cái nhà nhỏ xíu, mà họ nấu gì khói quá trời đất?
Thằng Phúc cười ngất:
- Đi một ngày đàng học một sàng khôn nhe con.  Lò than đó cha nội!


Chúng tôi đến Phan Thiết vào cuối buổi chiều.  Thành phố sực mùi nước mắm vì đây là xứ sở của món nước chấm đặc biệt Việt Nam này.  Chiếc xe đò thả chúng tôi trên con quốc lộ Một băng qua thành phố, cũng may là gần nhà thằng Phúc nên chúng tôi chẳng phải cuốc bộ xa.  Bước vào nhà gặp ngay ba thằng Phúc.  Sau lời chào hỏi, ông nói thẳng thừng:
- Chà, mấy chú ở đây cơm gạo hơi kẹt à nghen.
Chúng tôi đỡ lời:
- Dạ, tụi con có mang theo gạo đây, bác đừng lo.
Ông nói như phân trần:
- Mấy chú thông cảm, thời buổi khó khăn quá, phải chi tui lo được, nhưng mà...
Phải nói là thời buổi ngày ấy thực khó khăn.  Gạo chỉ được mua theo tiêu chuẩn đầu người, không ai có dư để chia cho người khác, trừ khi có tiền mua thêm ở chợ đen. Cho nên khi đến thăm nhà ai lâu thì thường phải đem theo phần gạo của mình.  Ông dặn tiếp:
- Phúc, đem bạn con ra trình phường ngay bây giờ đi!
A, thời buổi khó khăn như tôi đã nói.  Đi đâu phải xin phép, đến nơi phải trình làng.  Kiểm tra, kiểm tra, kiểm tra... Chúng tôi ra văn phòng làm thủ tục.  Chú Tư ngoài phường rất tử tế, ký xoẹt vào giấy:
- Mấy chú sinh viên nghỉ hè hả?  Cứ yên tâm ở đây chơi đi.  Biết trình vậy là tốt rồi.  Sinh viên là người tổ quốc mong cho mai sau mà.
Ông nói như hát cái bài ca quen thuộc của nhạc sĩ Lê Thương "học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau", và chúng tôi lẩm bẩm thầm trong bụng "học sinh là người hủ tíu ăn hai ba tô".   Dĩ nhiên là phải ăn hủ tíu rồi, vì ngay trước văn phòng phường là một quán hủ tíu nhỏ có kê vài bàn nhỏ ở lề đường.  Chúng tôi vào kéo ghế, kêu ba tô đặc biệt có dào cháo quẩy, thêm một chai bia lớn với ba cái ly, chiêu đãi của công tử Thành sau một ngày nhiều căng thẳng.  Ngon tổ mẹ!


Buối tối về nhà Phúc, ba nó đã đi ngủ sớm vì trúng buổi tối cúp điện của tuần.  Vào quãng thời gian thiếu thốn năng lượng hồi đó, mỗi khu nhà phải bị cúp điện nhiều ngày trong tuần.  Nhà Phúc quây quần quanh chiếc bàn phòng khách dưới ánh sáng một ngọn đèn dầu lớn.  Má nó là một người đàn bà ốm và cao, người sặc mùi thuốc lá.  Giọng bà khào khào, hỏi thăm chúng tôi vài ba câu rồi bỏ đi lên lầu để chúng tôi được tự do nói chuyện.  Bà buôn thuốc lá ngoài chợ, hình như riết rồi ghiền hút luôn.  Phúc nói một ngày bà hút cả một gói thuốc, mà đó là đã bớt xuống rồi vì ba nó cằn nhằn hoài.  Em gái Phúc là một cô bé khá xinh, có một tí vẻ bất cần đời của kẻ nghệ sĩ, không biết từ đâu ra.  Cô ta ngồi xem một tạp chí cũ, thỉnh thoảng góp chuyện với chúng tôi với những nhận xét dí dỏm.  Thằng Thành hình như bị tiếng sét ái tình với cô gái trẻ, ngồi ngây ra ngắm nhìn, thỉnh thoảng vội luống cuống đảo mắt đi chỗ khác khi bắt gặt ánh mắt của cô.  Cô bé như có vẻ cười thầm những lúc ấy với vẻ mặt phớt lờ.  Chắc chắn những tên như thằng Thành không có chỗ đứng trong cô.


Ngày hôm sau, chúng tôi đón xe đò ra Mũi Né.  Chiếc xe "díp" nhà binh, sửa lại thành xe chở hành khách với hai băng ghế dài hai bên phía sau như xe lam nhưng to lớn hơn, có thêm một hàng ghế ở giữa.  Phan Thiết đến Mũi Né ba chục đồng (1), ai xuống khoảng giữa thì trả ít tiền hơn.  Chiếc xe chạy lắc lư trên con lộ gập ghềnh qua những rừng dừa xào xạc.  Đến một cổng xây bằng gạch băng ngang đường như một cổng thành ngày xưa, một chị con buôn phía sau to giọng gọi bác tài ngừng lại để xuống.
- Hai chục đồng! - Bác tài hét lên át tiếng máy xe.
- Gì dữ vậy, mười lăm đồng thôi! - Chị tru tréo mặc cả, rồi thả mười lăm đồng trên ghế bác tài và quày quả bỏ đi.
Người chủ xe quắc mắt, bùng nổ cơn lôi đình, tay sang số chiếc xe giật mạnh, lái thật nhanh qua mặt chị con buôn, ép ngặt vào lề đường chận chị ta lại:
- Đù má, đi xe quịt hả! - Mặt anh ta dữ tợn.
Chị con buôn thấy không ổn đành móc ra thêm năm đồng nữa đưa cho anh tài xế, nhưng cũng còn ráng xỉa xói:
- Nè, xí cô hồn đó!
Thật là thời buổi và miếng ăn đã làm con người mất đi sự tử tế dễ thương.  Chúng tôi ngồi im lặng cho đến bến xe Mũi Né.


Thằng Trung ra đón chúng tôi ở bến xe. Như thằng Thành, nó cũng là công tử con nhà giàu nhưng vóc dáng thanh lịch, nghệ sĩ hơn, phải nói là đẹp trai, nổi bật hẳn trong đám thanh niên địa phương lố nhố ngoài bến xe.  Nhà nó trước kia có nhiều tàu đánh cá và xưởng làm nước mắm, tuy bây giờ đã phải vào quốc doanh, nhưng gia đình nó vẫn còn rất khá giả.  Phần lớn là nhờ ở chú ruột của nó ngày xưa đi tập kết, bây giờ trở về nắm quyền ở thị trấn này và bao che cho gia đình khỏi bị phiền nhiễu.  Việc đầu tiên là ra trình giấy ngoài phường.  Dễ như trở bàn tay vì cái quen biết của gia đình Trung.
- À, mấy chú bà con bà Năm phải không?  Ra đây nghỉ hè hả?  Có cần gì hỏi anh Bường đây, ảnh giúp cho.
Ông chủ tịch hề hà, chỉ tay về một thanh niên trẻ, khăng khiu, đen đúa.  Anh khoát tay cười làm quen, lộ một cái răng sún.  Anh có vẻ hiền lành và thơ ngây.  Chúng tôi muốn có cảm tình với anh này, nhưng cũng còn hơi ngại vì chắc đâu anh không là... phe bên kia.


Bà Năm là bà nội của Trung.  Hình như ba má nó chia tay nhau hồi xưa rồi để con trai cho bà nội nuôi.  Bà là một người phúc hậu, khoảng chừng sáu bẩy mươi tuổi nhưng rất khoẻ mạnh xông xáo.  Có cháu đem bạn về, bà lăng xăng vào bếp làm đủ mọi món ăn đặc biệt, nào bánh canh cua, nào bánh khọt, nào bún bò..., món nào cũng ngon vô cùng, những thằng chúng tôi húp nuốt ào ào như kẻ đói ăn lọt vào nhà bếp của vua chúa.  Bà nhìn chúng tôi cười mãn nguyện và luôn miệng mời chào:
- Làm thêm tô nữa nghe con?  Thiếu rau hông bà bỏ thêm ra nghen.
Tôi còn nhớ là suốt mấy ngày ở Mũi Né, chúng tôi không hề ăn cơm.  Mấy bịch gạo chúng tôi đem theo nằm lăn lóc trong xó.  Chúng tôi chẳng dám đề cập đến vấn đề chia gạo với bà vì chắc chắn sẽ bị bà la cho mà chết.


Buổi chiều mới đến, chúng tôi ra phố chính, có một con đường đông đúc với nhiều tiệm buôn cạnh ngôi đình chợ.  Trung dẫn chúng tôi vào một căn tiệm, chính ra là một hiệu trồng răng và chữa răng, nhưng phía trước có ngăn ra một phần nhỏ làm "tiệm" sửa đồng hồ.  Nó giới thiệu anh thợ sửa đồng hồ với chúng tôi:
- Thằng Minh, em họ của tao.  Tối nay tụi bay ngủ nhà nó!
Minh gỡ bỏ chiếc kính lúp đeo mắt, bắt tay chúng tôi cười vui vẻ.  
- Có mấy anh ghé chơi vui ghê.  Thường ở đây buồn hiu.  Tối nay mình phải lai rai khô mực mới được.
Minh đóng cửa tiệm sớm đưa chúng tôi về nhà gần đó.  Đằng sau nhà Minh là một vườn dừa nhỏ với những cây thấp nhưng đầy trái.  Nó chặt chùm dừa xuống, lựa ra những trái to, dùng dao phay thành thạo vạt mỗi trái chỉ đúng ba phát là vừa đủ mở một rãnh cho chúng tôi ngửa đầu bưng lên mà uống.  Nước dừa ngọt lịm nuốt vào mát cả ruột gan.


Buổi tối, như đã hẹn, Minh nướng một rổ khô mực thơm phưng phức và cười hề hề đưa ra một chai rượu nếp than.
- Anh em mình lai rai nghe!  
Nó đóng cửa sổ, kéo màn thật kỹ và đưa tay mở máy cát-xét, vặn thật nhỏ vừa đủ nghe những bài nhạc trữ tình Trịnh Công Sơn bị cấm thời ấy qua giọng ca ma tuý của Khánh Ly.  Chưa hết, nó moi thêm ra một bộ bài tây và lũ chúng tôi say mê đánh bài "tiến lên" suốt đêm trong cái hào hứng im lặng, thỉnh thoảng kèm những cuộc cãi nhau với giọng thì thầm vì sợ công an khu vực đi tuần nghe được.  Vừa nhậu nhẹt, vừa nghe nhạc "đồi truỵ", vừa máu me cờ bạc, chúng tôi gần như...  tứ đổ tường.  Ôi thích làm sao cái thú được làm những điều cấm đoán mà không bị bắt gặp!


Sáng hôm sau, chúng tôi rủ nhau đi tắm biển.  Bãi biển gần thị trấn chỉ để cho ghe đánh cá vào không sạch sẽ lắm nên chúng tôi thả bộ về phía rừng dừa.  Ở đây, bờ cát vàng thoai thoải, tắm thật lý tưởng.  Bãi biển vắng tanh, chỉ có lũ chúng tôi chiếm ngữ, tha hồ nô đùa chạy nhảy.  Chúng tôi cào cát đắp tượng mỹ nhân ngư với bộ ngực và mông đít khổng lồ.  Thằng Thành nằm nghiêng trên cát, tay choàng ôm nàng người cá, mặt đờ đẫn, chắc nó đang mộng tưởng về cô em gái mi nhon mới gặp ngày hôm kia.  Thằng Trung và thằng Hải hứng chí tuột phăng cái quần tắm và trần truồng như nhộng thi nhau chạy đua trên bờ biển vắng.  Tôi và thằng Phúc lắc đầu cười ngất hai thằng rững mỡ, rồi nằm lim dim ngắm trời mây, tận hưởng cái êm đềm của ngày nghỉ hè rảnh rỗi.  Tiếng rì rào êm dịu của sóng biển chợt bị phá vỡ bởi vài tiếng cười khúc khích từ phía rừng dừa.  Tôi ngẩng đầu dậy và thấy hai cô thôn nữ đang quảy gánh gì đó rảo bước cách chúng tôi khoảng chừng vài chục mét.  Cùng lúc ấy, hai thằng Trung, Hải cũng đã thấy, và trong một cái "chết mẹ" thất thanh, chúng nó phóng ùm xuống biển và ngồi thụp xuống dưới nước.  Không biết hai cô ấy có nhìn thấy được gì không, chỉ biết rằng khi đi ngang qua chúng tôi, họ đã ném những tia nhìn bằng đuôi con mắt và cười khanh khách.


- Mấy anh ở đây chơi lâu không? - Anh Bường hỏi tôi.
- Chỉ có mấy ngày thôi, vài bữa nữa về lại Sài Gòn rồi.
- Thấy mấy anh đi chơi vui quá, ở đây buồn hiu.
Tôi hỏi thăm cho có chuyện nói:
- Làm ở phường có bận bịu lắm không?
- Không có gì nhiều, ba cái giấy tờ bậy bạ.  Chỉ có tháng trước có mấy người đi vượt biên bị công an bắt thì rùm beng một chút.
- Ở đây cũng có vượt biên nữa hả?
- Sao hông anh, thiếu gì tàu. - Bường nheo mắt - Mà hỏi thiệt nghe, mấy anh tính ra đây ngắm tình hình vượt biên hả?
Tôi nhìn vào mặt anh, bụng thầm nhủ, hỏi giỡn hay thiệt vậy cha nội, có đi là thằng Trung chứ tui đây sao đi nổi.  Tôi ỡm ờ:
- Xuống đây đóng tàu đây.  Nói giỡn chứ làm gì có, tụi này đi nghỉ hè thôi.
- Nói thiệt, mấy anh đi được cũng tốt thôi, hổng phải chuyện của tui. - Bường trả lời một cách bất cần.
Tôi không hiểu rõ được con người anh thư ký phường như thế nào.  Trong thâm tâm, tôi tự bảo mình hãy vẫn nên coi chừng anh này một tí, biết đâu anh ấy chỉ chơi trò cò mồi.


Bường rủ chúng tôi đi bẫy cua ghẹ.  Bẫy của anh là hai cái lồng bằng gỗ bọc lưới sắt mắt cáo nhỏ, có một cửa hom để ghẹ vào rồi không ra được.  Anh ra chợ xin mấy rẻo vụn cá cột vải mùng bỏ vào chính giữa lồng rồi đem thả xuống dưới nước sâu ở chân cầu tàu.  Khi trở lại kéo bẫy lên, chúng tôi vui mừng khi thấy đầy những chú ghẹ xanh khá to đang quều quào tìm đường thoát thân.
- Mấy anh số hên đó, có bữa chẳng bắt được con nào. - Bường nói, cười hể hả.
Chúng tôi luộc ghẹ ngay trên bãi biển bằng củi sơ dừa, cắn vào những cái càng đầy thịt, xì xụp hút cái gạch đỏ vừa béo vừa bùi từ chiếc mu ghẹ lật ngửa như chiếc thuyền, tay chân nhễu nhão đầy nước ghẹ tanh tanh nhưng ngon ơi là ngon.  Ăn xong, nhảy ùm xuống biển tắm một phát cho hết mùi cua ghẹ rồi lên bờ nằm phơi nắng, cái thú thật đơn giản, rẻ tiền, mà thiết tưởng vua chúa đi nghỉ hè chưa chắc đã sướng bằng.


Trung dắt chúng tôi đi xem cơ sở làm nước mắm của nhà nó.  Đấy là một gian nhà rộng đầy những bồn bằng gỗ khổng lồ cao khoảng hai, ba mét chung quanh được kiềng bằng những dây đai bện.  Nó giải thích cách làm nước mắm cho tôi.  Cá cơm tươi được trộn đều với muối hột thành hỗn hợp kêu là chượp, đổ vào thùng để ủ trong thời gian từ một đến hai năm.  Trong thời gian ủ này, các vi khuẩn sẽ thuỷ phân xác cá.  Khi quá trình thuỷ phân hoàn thành thì gọi là chượp "chín", nước mắm sẽ có màu nâu vàng, không còn tanh mà lại có mùi thơm đặc trưng.  
- Khi chượp chín thì bắt đầu có được nước mắm rồi. - Trung nói-  Lớp đầu rút ra từ thùng gọi là nước mắm nhỉ.
- Sao kêu là nước mắm nhỉ? - tôi hỏi.
- Gọi là nhỉ vì đó là lớp nước đầu tiên "nhỉ" ra từ thùng ủ.  Nước này thơm ngon vì nhiều chất đạm.
- Bởi vậy người ta mới bán mắc hả?
- Hông có đâu!  Nước mắm nhỉ thứ thiệt đâu có bán ra ngoài.  Người ta dùng để pha với những loại nước mắm thấp cấp khác để tăng chất đạm rồi mới chia hạng để bán ra thương trường.  Nước mắm nhỉ thường chủ chỉ giữ lại một ít để ở nhà ăn hoặc để tặng bà con, khách quý thôi.  Nè, hôm bữa mình ăn bánh khọt, bà nội tao làm nước mắm nhỉ đó.
- Hèn chi ngon quá trời đất. - chúng tôi đồng thanh gật gù.
Trung giải thích tiếp:
- Sau khi lấy nước nhỉ, người ta pha thêm nước muối đổ vào thùng ngâm tiếp khoảng một thời gian nữa rồi rút ra nước nhất, rồi nước nhì, rồi nước ba, cứ lần lượt như vậy, càng về sau thì chất nước mắm càng bớt đậm đà hơn.  Cái nước mắm bán ngoài chợ gọi là nước mắm nhỉ đó, giỏi lắm cũng chỉ là nước nhất thôi.
- Rồi người ta rút nước mắm cho đến bao giờ thì hết?
- À, tới khi xác cá trong thùng rã hết không còn chất ngọt thì thôi.  Lúc đó thì người ta bắc thang leo vào hốt xác cá ra, rửa sạch thùng, phơi khô để chuẩn bị cho mẻ kế tiếp.  
Thằng Thành ngước nhìn cái thùng cao quá đầu người không thấy được gì ở bên trong, tư lự:
- Ê, nếu có con gì lọt vô đó thì cũng thành mắm luôn hả?
Trung cười hề hề:
- Chứ sao mầy!  Chim, chuột, cáo, chồn gì lọt vô cũng thành nước mắm tuốt.  Nhiều khi chính vậy mới ra thượng hảo hạng đó nghe!  Hahaha...


Chuyến đi nghỉ hè của chúng tôi đã tới hồi kết thúc.  Tối hôm đó, chúng tôi làm một bữa tiệc chia tay ở nhà thằng Minh đồng hồ, dĩ nhiên là có cả nước dừa tươi, khô mực nướng và rượu đế, luôn cả nhạc đồi truỵ Khánh Ly và binh xập xám cho tới khuya trong cái hào hứng yên lặng bị kềm hãm bằng những tiếng thì thầm trong căn nhà che cửa sổ kín bưng.
- Mai về Sài Gòn hả? - Minh hỏi tôi.
- Ừ, tui và thằng Thành ra Phan Thiết rồi kiếm xe về Sài Gòn.
Phúc nói:
- Tui ở lại Phan Thiết với gia đình hết hè mới đi. - rồi hướng qua Trung - Còn ông bao giờ đi?
Trung thoáng do dự:
- À, tui với thằng Hải ở đây thêm vài tuần nữa.
Cái do dự của nó khiến tôi nhớ cuộc nói chuyện với anh Bường ngoài phường hôm trước:
- Hôm bữa anh Bường hỏi tui bộ tụi mình ra đây kiếm đường vượt biên sao?
- Hả, rồi ông nói sao? - Trung hỏi tới thật nhanh.
- Tui nói giỡn là mình ra đây đóng tàu, ha ha ha!  Ê, mà ông có tính đi hông vậy?
Trung nói lảng:
- Tại hồi bữa có mấy người đi vượt biên bị công an bắt, bây giờ thấy ai lạ họ cũng nghi nghi. Nhưng mà có đi thì họ núp đâu đó chứ đâu có chường mặt ra như mình.
Tôi không biết thằng Trung có ý định đi vượt biên hay không nữa, nhưng mà tôi cũng sẽ chẳng ngạc nhiên khi ngày nào đó nghe được tin nó đã đi mất đất.  Như anh Bường nói, đi được cũng tốt thôi, hổng phải chuyện của tôi.


Sáng hôm sau, chúng tôi ra bến xe, gặp ngay bác tài dữ tợn bữa hôm trước.  Ba chục đồng một vé chúng tôi trả ngay không ngần ngại.  Chiếc xe đò đánh một vòng chợ, chạy ngang qua cầu tàu hướng ra con lộ về phía Phan Thiết.  Ở mé bờ nước, tôi thấy bóng anh Bường tay cầm một xâu ghẹ xanh chắc vừa mới bẫy xong.  Anh đưa tay vẫy chào chúng tôi, miệng hé nụ cười lộ chiếc răng sún, bóng anh khẳng khiu in xuống bãi cát trông thật cô đơn trong ánh nắng buổi sáng...


DND
07-2014










Chú thích:


(1)  Giá tiền này tác giả không nhớ rõ là bao nhiêu, chỉ cho đại một giá để so sánh thôi.

No comments:

Post a Comment