Books

Books
The greatest pleasure of writing is not what's it about, but the inner music the words make - Truman Capote

Sunday, January 10, 2016

CHUYÊN GIA THÀNH PHỐ


CHUYÊN GIA THÀNH PHỐ

Phái đoàn chuyên gia thành phố, gồm một số kiến trúc sư và kỹ sư, ngồi chen chúc nhau trong hai chiếc xe của công ty, nối đuôi nhau chạy ì ạch trên con đường ngày xưa tráng nhựa, nay đã lở loét đầy ổ gà màu đất vàng cam.  Xe đầu là chiếc Fiat bốn cửa màu xanh da trời, ra vẻ nhất một chiếc xe hơi tư nhân, chở trưởng đoàn và các thành viên nhanh tay lẹ chân trong việc xí chỗ trước khi lên đường.  Xe thứ nhì là một chiếc camionette hiệu Datsun, loại xe để chở hàng, đằng sau có gắn hai băng ghế dài bọc nệm mỏng dính giống như trên xe lam chở hành khách ở Sài Gòn.  Thùng xe được quây kín bằng lưới thép ô vuông, chỉ chừa một lỗ cửa ra vào được chốt an toàn bằng một con bù loong bắt vào hai quai sắt hàn vào thành cửa.  Những thành viên đến muộn buổi sáng chỉ còn chỗ trên chiếc xe ấy mà họ mệnh danh là xe heo.  Họ kể nhau rằng chiếc xe heo, ngày chưa có quây lưới sắt, có lần đã bị lật nghiêng trong một chuyến công tác, khiến nhiều nhân viên bị hất văng ra đường phải nằm bệnh viện trong nhiều ngày. 
Ngọc là một trong những tay đi trễ.  Chàng xí một chỗ trong phần “chở heo”, sát phía trước, gần ca-bin tài xế nhất.  Chàng nghĩ nếu xe có lật thì mình ở trong góc này chắc cũng được che chở phần nào.  Chỉ cần coi chừng thằng Hưng mập trước mặt, đừng cho nó té vào mình thì chắc cũng không đến nỗi gẫy xương sườn.  Ngọc hơi lo lắng nghĩ tới bác tài già ngồi sau tay lái phía trước, nhớ những câu chuyện các bạn cùng sở kể rằng mắt bác ấy rất kém, thường hay phải nhờ người ngồi bên cạnh nhìn phụ những lúc trời mù mưa hoặc chập choạng tối.  Suốt chuyến đi, chàng không thể tự ngăn mình “nhìn hộ” bác tài con đường phía trước, miệng sẵn sàng để hô to lời cảnh giác nếu chẳng may có chướng ngại nào chợt xuất hiện trước mũi xe.
Nhưng rồi đoàn người cũng tới Rạch Giá an toàn vào lúc xế chiều.  Với tư cách chuyên gia của thành phố, họ được ở khách sạn và chiêu đãi ngày hai bữa ăn bậc thượng khách do ban tiếp tân tỉnh ủy phụ trách. Đấy là một đìều hiếm hoi và được tất cả các thành viên nhiệt liệt hoan nghênh, nhất là trong những ngày cả nước thiếu ăn của những năm sau ngày “giải phóng” miền nam. 
Các cô tiếp tân rất trẻ, mặt tươi mát dưới lớp mỹ phẩm trang điểm nhẹ, trông thật là khác với hình ảnh những “cô gái vót chông” mặc bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, mà Ngọc và các bạn đã nghĩ rằng mình sẽ phải tiếp xúc.  Cô Hoa nổi nhất trong đám, mặc quần sa-tanh đen, áo bà ba lụa màu hoa thiên lý, môi son hồng nhạt, má phấn rất nhẹ, phơn phớt đường chì kẻ mắt, cái đẹp gần thị thành bị đôi bông tai tòn teng kiểu nhà quê hơi kéo ngược lại.
- Ăn xong mấy anh ga biển ngồi chơi, chời ngoải mát lắm!
Ngọc liếc nhìn Hưng, thấy con mắt nó đang cười.  Chàng thầm nghĩ, em ơi, phải chi em bỏ đôi bông tai lúc lắc kia ra và đừng mở miệng thì đỡ biết bao.
- Anh Hưng ơi, xong cơm chưa, đầu bàn này có nhiều chái cây cháng miệng ngon lắm nghen!
Ngọc huých khuỷu tay Hưng:
- Ê, coi bộ cô Hoa khoái mày rồi đó!
Sau bữa ăn, Hoa dẫn các anh thành phố ra biển dạo chơi.  Ngọc ngạc nhiên khi thấy biển chẳng có bãi cát vàng với sóng rì rào vỗ về.  Bờ biển ở đây trông giống như bờ sông bến tàu Sài Gòn, với bờ kè đá có thành lan can chạy dài, nơi đấy có những cặp tình nhân ngồi bá vai nhau rù rì tâm sự.  Ở cuối bờ kè, có một bãi cát sình đen đúa, loang loáng màng nước trồi sụt dưới ánh đèn vàng vọt từ trụ đèn gần đấy.  Hoa phóc lên ngồi trên lan can, chỉ tay vào các khu vực của thành phố, thuyết minh như một hướng dẫn viên du lịch.  Chẳng gì hấp dẫn, Ngọc nghĩ bụng, chuyển đề tài:
-       Em làm đây lâu chưa?
-       Dạ, mới dô mấy tháng à anh!
Ngọc chỉ mấy cặp trai gái ngồi cặp nhau gần đó:
-       Em hay ra đây ngồi tâm tình với “chàng” không?
-       Nói tầm bậy! Đâu có chàng nào thèm để ý tới em đâu! – Hoa chu môi ngúng nguẩy.
Hưng chụp lấy cơ hội:
-       Xạo đi!  Em...đẹp vậy mà mấy ông Rạch Giá không nhìn thấy thì ngu hết sức.  Anh mà ở đây, anh đi theo em suốt ngày!
-       Anh dóc tổ!  Thiệt hông đó!  Dám theo em hông?
Hưng nhảy lên ngồi kề cô gái trên lan can, nheo mắt nhìn qua:
-       Theo sao hổng theo!  - rồi đổi giọng hát ngân nga – Anh sẽ theo em, về miền cát trắng...
Hoa phá lên cười khanh khách, đôi mắt lá răm liếc qua, bén ngót.  Ngọc thấy hai mắt nàng long lanh như nước biển đen nhảy múa phía bờ cát đen thui.

Sáng hôm sau, phái đoàn thành phố theo hẹn đến gặp bí thư tỉnh ủy.  Anh Năm Trà, cán bộ miền nam tập kết, chắc là đã từng lập nhiều công kháng chiến, hoặc là đã giỏi chen luồn phấn đấu, nên giờ đây ngồi vững trên chức vị béo bở đầu tỉnh ven biển miền nam này.  Năm Trà mặc quần tây xám, áo sơ mi trắng bốn túi kiểu bỏ ngoài quần, chân mang giày da nâu, mặt đẫy đà hồng hào.  Ngọc nheo mắt cố hình dung sau cái ngoại hình thương gia phát tướng ấy, đồng chí Năm Trà, ngày còn trong bưng, có lẽ ốm o gầy mòn, đen bủng, tái xanh, mặc bà ba đen, đội mũ tai bèo, chân quài dép râu, nhưng mãi sao chàng vẫn không chộp được cái bóng dáng mờ ảo thời hàn vi của hắn.  Năm Trà quả thực đã lột xác.  Hắn lịch sự đưa mời quanh bàn gói thuốc lá ngoại quốc thượng hảo hạng, miệng tóm lược tình hình kinh tế địa phương, khoe khoang về những thành quả đã vượt chỉ tiêu đảng nhờ sự lãnh đạo tài ba của hắn và cuối cùng đưa ra những yếu điểm đang cần nhờ trung ương giúp đỡ.  Trung ương đây là các “chuyên gia thành phố” đang ngồi trước mặt hắn, có những thành phần tiêu biểu như Ngọc và Hưng, khả năng chuyên môn rất cao, nhưng đẳng cấp chính trị và quyền lực ở mãi tận đối cực của Năm Trà.  Điều mỉa mai là Ngọc biết rằng đoàn thành phố xem chuyến công tác này như một cuộc du hành “kiếm cơm” cho công ty, trong khi chính quyền địa phương lại nghĩ rằng trung ương đảng đã ưu ái cho chuyên gia về giúp đỡ tỉnh nhà.  Lợi dụng nhau cả nắm!  Nhưng chính vì vậy bọn Ngọc mới được chiêu đãi như thượng khách. 
-       Ôi, kệ cha tụi bay - Ngọc nghĩ thầm – Ông dùng chuyến này đi chơi cho đã cái đã!
Năm trà chỉ tay ra ngoài cửa sổ phòng họp, phía bãi đậu xe, có hai chiếc tàu đánh cá to lớn, kê hỏng khỏi mặt đường trên những miếng chêm bằng bê tông:
-       Tàu Thái Lan xâm nhập hải phận, tui bắt về đó!
Hắn nhấn mạnh chữ “tui”, đầy tự hào, như chính cá nhân hắn đã thân chinh rượt bắt và kéo tàu địch về.  Ngọc bỗng chợt bắt được cái hình ảnh mập mờ mà chàng đã cố hình dung ra lúc nãy.  Năm Trà mặc bà ba đen, cổ quấn khăn rằn, mắt đằng đằng sát khí, tay kềm chặt khẩu súng đại liên trước mũi tàu, tóc rối loạn trong gió biển khơi, miệng gầm lên, giặc Thái Lan kia đầu hàng mau, tao bắn chết thấy mẹ...  Hài lòng với trí tưởng tượng của mình, Ngọc quan sát kỹ hơn hai chiếc tàu ngoài bãi đậu xe, trong khi Năm Trà oang oang tiếp tục nói cái gì đó.  Tàu đóng bằng gỗ nhưng cao ngất như ngôi nhà mấy tầng lầu, sơn nhiều màu sắc sặc sỡ, có những chạm trổ hoa hòe quanh cửa sổ buồng lái, phía trước mũi có sơn mã số ngoằn ngoèo với hai con mắt như đang trợn trừng chiếu tướng những chiếc xe nhỏ xíu đậu bên dưới.  Chiếc tàu xem thật chắc chắn và đẹp, nhưng toát ra một vẻ trang trí mọi rợ, làm Ngọc nhớ đến hình ảnh những chiếc xe tuk-tuk màu mè, có những tua vải treo toòng ten, phấp phới, mà chàng đã nhìn thấy trong một cuốn phim ngày xưa.  Thái Lan mà lị, cũng như Miên, như Lào, … mọi!  Chàng chợt thấy mình kỳ thị vô lý.  Tuy nhiên, Ngọc lại nhớ đến bọn hải tặc hiếp đáp những người Việt Nam vượt biên và chợt thấy lũ chúng nó thực mọi rợ vô cùng.  Xứ Thái đầy những chùa chiền mà sao có thể tạo ra được những bọn côn đồ hung bạo ác độc như vậy?  Chàng tưởng tượng ra những khuôn mặt gian hiểm, đen đúa, với con mắt láo liên sợ hãi của mấy tên Thái Lan khi bị bắt.  Và chàng cho Năm Trà nổ súng bắn những tên hải tặc văng tung người lên trời, cong vòng như con tôm, trước khi rơi tòm xuống biển.  Đáng đời lũ ác ôn!
Rồi Ngọc nhớ đến chiếc thuyền đánh cá mà mình đã ngắm nghía, khoảng một năm về trước, cũng ở Rạch Giá này, trong toan tính vượt biên.  Chiếc tàu bé xíu ấy, bề ngang hai thước, bề dài mười thước, nếu đặt cạnh chiếc tàu Thái Lan này, trông hệt như một chú chuột nhắt cạnh ông mèo to tướng.  Chàng đã lo ngại chiếc tàu quá nhỏ nhoi ấy khó đương đầu được với sóng gió.  Thế nhưng, tập tểnh người đi tớ cũng đi, chàng và các bạn cũng đã đánh liều chuẩn bị cho chuyến vượt biên ấy, vét hết tài sản trong nhà để chỉ đặt cọc được độc một chỗ ra đi.  Nhớ mãi những lần đi xe đò xuống xem tàu và bàn bạc, bụng lo thắt nhưng mặt cố làm tỉnh khi chờ tên công an đọc tờ giấy phép đi đường đóng con dấu giả khắc bằng củ khoai lang và chữ ký nhại của thủ trưởng công ty mà Ngọc đã giả mạo ra cho cả bọn.  Bao công lao thế, nhưng rồi, gần tới ngày lên đường, vợ Ngọc hạ sinh đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh, chàng không sao dứt bỏ ra đi nên đã quyết định ở lại.  Chiếc tàu bé con ấy vượt biển an toàn.  Đứa bạn gởi hình chụp lí le trước ngôi nhà chọc trời từ Úc châu về.  Ngọc tiếp tục làm chuyên gia thành phố, đi họp với những tên mán trong rừng ra ngồi xe.
-       Mời anh uống nước chanh!
Cô tiếp viên đặt ly nước mát rượi xuống bàn, kéo Ngọc về lại thực tế.  Năm Trà đang than phiền về hệ thống cấp nước thành phố đã xuống cấp trầm trọng và mong các chuyên gia trung ương giải quyết hộ.  Hệ thống thiết kế từ quá xưa, nay đã hư hại nhiều chỗ.  Đường ống quá nhỏ và nhà máy bơm cổ lỗ sĩ không đủ áp lực đưa nước đi khắp thành phố.  Để có nước dùng, nhiều nơi đã đặt bơm nhỏ hút nước trực tiếp từ đường ống chính vào nhà mình, khiến cho giòng nước, vốn thường đã chảy ri rí ở những nhà hạ lưu, nay lại tắt tịt vào giờ cao điểm.  Ngọc liếc nhìn Hưng bên cạnh.  Nó đang cố chống chỏi cơn buồn ngủ.  Chàng cười thầm vì biết công ty mình không chuyên về thiết kế hệ thống cấp nước cho toàn thành phố.  Mà cho dù có làm được đi nữa, thì việc xây dựng hệ thống đó sẽ đòi hỏi một kinh phí khổng lồ, mà cả Năm Trà và chính quyền trung ương đều không muốn chi ra.  Ngèo mà ham, em ơi!  Đoàn trưởng giả lả cười hứa hẹn:
-       Chúng tôi sẽ về bàn với trung ương đề nghị kế hoạch xử lý tình trạng này.
Hưng bây giờ đã tỉnh ngủ, lại cười bằng mắt với Ngọc.  Chàng huých khuỷu tay nó hát thì thầm:
-       Em ơi nếu mộng không thành thì sao?  Mua chai thuốc chuột uống vô là rồi...
Hưng thì thầm lại:
-       Sức mấy mà chả uống thuốc chuột!  Uống rượu whisky Mỹ ngon hơn!

Buổi chiều về phòng khách sạn nóng ran như một lò bánh mì vì trúng ngày cúp điện.  Hưng mở toang cánh cửa sổ, cởi chiếc áo sơ mi đẫm mồ hôi dính sát vào lưng, chạy vào phòng tắm mở nước.  Chiếc vòi nước khọt khẹt những tiếng kêu nghẹt mũi nhưng không rỉ ra được giọt nước nào.
-       Đù má!  Khách sạn như con c..!
Ngọc cười khảy:
-       Tiêu chuẩn chuyên gia đấy, con ơi!  Chờ tao thiết kế xong hệ thống cấp nước cái đã!  Mình ở trên lầu hai sao nước lên được.  Chờ chút đi, hồi nãy anh phục vụ dưới nhà nói để ảnh khiêng nước lên.
Vừa lúc đó, một thanh niên ì ạch xách hai xô nước bước vào, đổ vào cái lu trong phòng tắm.  Thở hổn hển anh nói:
-       Để em đi thêm chuyến nữa thì mấy anh tắm được.  Cần thêm cứ kêu, em mang lên tiếp!
Hưng ào ào dội nước bằng cái gáo ny lông như cố gắng gột rửa cái nóng ẩm ướt đang dính vào da thịt.  Tắm xong, nó chạy ra bật cái công tắc quạt trần vô hồn lên mức tối đa, miệng phân bua:
-       Để sẵn, có điện nó chạy liền!  Mẹ, nước chẳng có, điện cũng không, chuyên gia ông đây đéo làm việc được!
Ngọc vắt chiếc khăn lông lên vai bước vào phòng tắm.  Những gáo nước đục nhờ nhờ không đủ làm chàng tỉnh táo lại.  Nước bắn văng lên thành những đốm ẩm ướt tròn, nhanh chóng bốc hơi ngay trên bức tường nóng.  Từ tuốt trên cao, một giòng kiến lửa đang di chuyển hàng một xuống phía chân tường.  Có lẽ chúng đang chết khát và đi tìm nước.  Ngọc thấy chúng còn có phước rất nhiều hơn lũ người ngố đang quờ quạng đi tìm thiên đàng xã hội chủ nghĩa.
Những ngày hôm sau, phái đoàn chia thành hai nhóm đi thăm viếng các cơ quan của thị xã.  Đến đâu cũng bổn cũ soạn lại.  Chào các đồng chí địa phương, có việc gì cho chúng tôi kiếm cơm không?  Ấy, các đồng chí chuyên gia, xin trung ương ủng hộ cho chúng tôi một cái hội trường, vân vân và vân vân.  Ta nói kiếm cơm, địch nói ủng hộ, hà hà, cũng một chuyện thôi. Ngọc để mặc cho đoàn trưởng và đoàn phó mặc cả, thương lượng những áp phe với mán.  Những buổi làm việc chán ngoét không gì thành công lắm, chỉ thu thập được một vài công trình thiết kế tép riu.  Phiền nhất là phải ngồi nghe các chức sắc cách mạng xổ những từ chính trị mác lê-nin học vẹt, dao to búa lớn, mà chính chúng cũng không hiểu được có nghĩa là gì.  Ngọc và Hưng chỉ mong mau cho đến giờ nghỉ để trở về nhà khách ăn trưa hoặc ăn tối.  Tán dóc chuyện với cô Hoa phục vụ vui và hấp dẫn hơn nhiều.
Hoa chỉ cho phái đoàn tiệm ăn sáng “đồ tây” gần chợ.  Cái mơ-nuy của dì Năm chủ tiệm chỉ gồm ba món, nhưng món nào trông cũng hấp dẫn vô cùng.  Món thứ nhất là trứng gà ôm-lết chiên còn hơi ướt, có độn dăm bông thái chỉ xen lẫn những miếng hành tây và cà chua xắt hột lựu, vừa dọn ra nghi ngút khói thơm lừng thoảng mùi bơ, ăn với bánh mì nướng dòn tan.  Thứ nhì là món bò kho, có những miếng thịt bò nạc gân hầm rục trong nước sốt cà ri, vàng óng ánh những đốm mỡ tròn nho nhỏ, nóng hổi, cay thơm, tuyệt cú mèo.  Món cuối là súp lê-guym gồm có khoai tây, cà rốt, củ dền tím, lá poa-rô xanh, nấu với thịt bò bắp có những khoanh gân trong và dòn, đậm đà hương vị ngọt ngào, hăng hăng mùi tiêu sọ. 
Quán dì Năm làm Ngọc nhớ đến cái tiệm ăn sáng thời chàng còn bé xíu ở Nha Trang.  Quán tọa lạc ngay ngã ba đường bên cạnh một cây bàng cổ thụ, sáng nào cũng nườm nượp người vào ăn điểm tâm.  Quán có hai món đặc biệt nhất mà Ngọc còn nhớ là bánh mì thịt nguội và cà ri dê.  Hồi ấy, chàng còn là một cậu bé kén ăn vô cùng, kén ăn đến độ chỉ lựa một vài thứ mình thích trong dĩa và bỏ lại hết những phần không ưa, mãi sau này mới biết mình quá dại, vì hương vị của món ăn thật chỉ tận hưởng được khi gồm đầy đủ các thành phần.  Chàng nhớ mình không thích cà-ri dê vì không ăn cay được tí nào.  Lần nào ba dẫn đi ăn, chàng cũng chọn món bánh mì thịt nguội, có những lát dăm-bông, vài khoanh xúc-xích, một miếng pa-tê gan, đặt trên một dĩa xà lách đà-lạt điểm tô thêm vài lát cà chua xanh hồng.  Món thịt nguội dọn ra với bánh mì và một muỗng bơ to tướng đặt bên mép dĩa.  Việc đầu tiên cậu bé Ngọc làm là gạt bỏ phăng cục bơ, xà lách và cà chua ra một bên.  Xúc-xích thì ăn một miếng thôi, còn thì chỉ ăn toàn dăm-bông và pa-tê với bánh mì.  Đúng là khi xưa ta bé ta ngu!  Mất ngon đến năm mươi phần trăm!
Trở lại quán dì Năm, món ăn hấp dẫn thật nhưng quá mắc so với túi tiền chuyên gia thành phố.  Tuy nhiên, hôm nay ta lớn ta khôn!  Ngọc và Hưng rủ thêm một bạn cùng nhóm, mỗi người kêu một món để chia ra ăn cùng.  Cô Hoa phục vụ thực đã không nói ngoa.  Dì Năm xứng đáng là đầu bếp thượng thặng.  Trứng ôm-lết và bò kho cũng như món súp đều ngon vô cùng!  Sáng hôm sau, hai chuyên gia rảo qua trước tiệm, lòng phân vân không biết có nên vào ăn “đồ tây” tiếp một lần nữa hay không.  Ngon khẩu vị thì đã thật, nhưng mà teo túi tiền vốn đã rất nhỏ nhoi, thì lại đau bụng quá.  Sau một hồi dằng co với lòng mình, hai chuyên gia quyết định phát huy tinh thần xã hội chủ nghĩa vĩ đại bằng cách đổi món “đồ tây” ra gói xôi đậu đen của bà hàng rong trước tiệm.  Không ngon bằng trứng ôm-lết hay bò kho, nhưng không cháy túi và ngày mai còn có cơ hội... ăn xôi đậu đen tiếp.  Ngọc tự an ủi, dễ cái sự hy sinh của mình nó cũng vĩ đại như anh hùng sta-kha-nô-vít chứ đâu phải đồ bỏ đâu?

Khoảng giữa tuần làm việc, phái đoàn thu xếp được một chuyến đi công tác đến một huyện nhỏ dưới miệt Hà Tiên.  Thời ấy, con đường quốc lộ đã hư nát trầm trọng, có những khúc không thể nào chạy xe được.  May mắn thay, miền đất nước phía nam ấy có rất nhiều sông rạch, tạo nên một hệ thống giao thông thiên nhiên rất tiện lợi.  Do đó, chuyến du hành được tổ chức bằng đò máy chạy đường thủy.   Bí thư Năm Trà cho lệnh xung công một chiếc tàu đò làm phương tiện di chuyển riêng cho phái đoàn thành phố.  Hưng mập thích chí xoa xoa hai bàn tay, cười khoái trá:
-       Đã, đã, thủ trưởng ơi!  Mình đi vượt biên luôn há!
Đoàn người lục tục ra bến đò vào buổi tối, với dự định sẽ ngủ đêm trong khi tàu chạy, để sáng ngày mai làm việc được ngay.   Chiếc tàu đò rộng và dài hơn cả chiếc tàu vượt biên Ngọc đi hụt ngày xưa.   Khoang tàu có vòm mái che, hai đầu để hở làm chỗ ra vào, phía hai bên hông có trổ những ô cửa sổ như cửa xe đò.  Hai băng ghế dài chạy suốt chiều dài khoang tàu, sát dãy cửa sổ.  Ở chính giữa khoang có thêm hai băng ghế nữa, đâu lưng vào nhau, chạy song song với hai băng ghế ngoài.  Nếu đầy khách, chiếc tàu này có thể chở đến năm sáu chục người.  Tuy nhiên, tàu chỉ dành riêng cho đoàn chuyên gia thành phố, nên bọn Ngọc tha hồ vất hành lý, gác chân, duỗi tay, nằm dài trên ghế.  Tàu rộng thế, nhưng chỉ là loại cạn đáy, dùng để chạy sông, nên rất chòng chành khi có người di động phía trong.  Sau khi mọi người an tọa, Ngọc để ý thấy tàu nghiêng hẳn một bên.  Anh lái tàu nhắc nhở:
-       Mấy anh làm ơn ngồi chia đều hai bên dùm nghen!
Hưng đi lại giữa khoang tàu, chìa tay ra, cười hềnh hệch:
-       Lên tàu rồi, bà con cô bác chung tiền nghe!  Giá đặc biệt chuyên gia, mỗi người một cây thôi!
Ngọc chợt nhớ đến chiếc tàu đánh cá Thái Lan ở bãi đậu xe.  Giá mà có chiếc tàu ấy để vượt biên thì quá lý tưởng.  Chiếc tàu sông này, ra tới biển gặp sóng lớn chắc lật úp liền.
Lần đầu tiên đi tàu đò, Ngọc thích thú tò mò quan sát anh tài công khéo léo điều khiển chiếc tàu rời bến.  Khác với những chiếc tàu to lớn có máy nằm dấu trong khoang, chỉ lòi ra trục chân vịt phía ngoài, chiếc máy tàu đuôi tôm này nằm lộ thiên phía sau, trục máy nối dài ra đâm xiêng xuống nước có chân vịt quay tít ở đằng cuối.  Khi chạy, người tài công hướng trục máy về phía sau, tạo sức đẩy đưa tàu tiến tới.  Anh ta cũng có thể đổi hướng di chuyển của tàu bằng cách đưa trục máy qua bên trái hoặc phải, cái chân vịt có lúc bay bổng ra khỏi mặt nước trong tiếng động cơ chợt rú cao vì không còn sức cản.  Chiếc giàn máy trông to lớn nặng nề mà người tài công thì lại nhỏ con, thế mà anh ta điều khiển nó thật nhẹ nhàng, với những động tác thanh thoát gần như một vũ điệu, luồn lách con tàu qua những chướng ngại vật, từ từ ra giữa sông và tăng dần tốc độ.
Mặt sông đen kịt, vầng trăng lưỡi liềm mảnh mai không đủ sáng để soi đường.  Phía xa xa hai bên hông tàu có những bóng mờ mờ không hình dạng, có thể là hàng cây bên bờ sông, mà cũng có thể là những ghe thuyền khác.  Ngọc và Hưng trèo lên mui tàu ngồi ngắm trăng sao, ôm theo một chiếc mền nỉ nhà binh để quấn cho ấm.  Phía đằng trước mui, một chú bé khoảng mười hai tuổi ngồi bó gối cạnh một cái đèn pha và một bình ắc-qui.  Hưng thốt lên:
-       À há, ra-đa của anh tài công đây rồi!  Vậy mà tao tưởng chả có mắt thần thấy xuyên bóng đêm.

Để tiết kiệm hơi bình, cậu bé tắt đèn tối om, thỉnh thoảng mới bật lên, nhưng chỉ trong chốc lát, đủ để quét ngang mặt sông từ bên này sang bên kia.  Ánh đèn chợt sáng chợt tắt làm Ngọc liên tưởng đến ngọn hải đăng soi đường cho những chiếc tàu ngoài biển khơi.  Chàng thấy bóng tối trên sông lại càng dày đặc hơn sau mỗi lần đèn vụt tắt.  Ánh đèn chợt lóe sáng, cùng lúc cậu bé la to, giọng cảnh giác nhưng vững vàng:
-       Ghe khẳm đằng trước!
Anh tài công giảm tay ga máy, chiếc tàu đò chậm hẳn lại trong tiếng máy yếu dần như bị bóp nghẹt bởi bóng tối.  Cậu bé bật đèn lên lần nữa để xem xét tình hình.  Ngọc thấy bên phía trái một chiếc ghe đi ngược chiều, chở đầy ắp những hàng hóa gì đó, mực nước sông gần mấp mí mạn thuyền.  Người đàn bà chèo thuyền ngước mắt nhìn chiếc tàu đò như để đo lường mức độ hiểm nguy.  Chiếc tàu máy lúc ấy đã chạy rất chậm nên không còn tạo ra đường rẽ nước lớn ở phía sau.  Nếu không giảm tốc độ thì sóng nước ấy đã đủ cao để tràn ngập vào chiếc ghe chở khẳm và có thể gây nên đắm thuyền.  Chàng nhìn cậu bé gật gù:
-       Hay quá ha!  Hông thôi chìm ghe bà đó rồi!
Chú bé cầm đèn giải thích:
-       Mình làm chìm ghe người ta tội chết!  Anh biết hông, hồi mấy cha bộ đội tiếp thu mấy cái tàu tuần giang, máy mạnh giàn trời, mà mấy chả chạy ào ào giựt le làm chìm xuồng thiên hạ chi lia.  Thiệt ác đức!
Ngọc lân la hỏi chuyện:
-       Chạy tàu đò sống được không em?
Cậu bé trề môi trả lời:
-       Khó lắm anh ơi! Đóng hết tiền nọ đến tiền kia!  Tàu của mình mà phải vô công tư hợp doanh mới được chạy.
Hưng xen vào, ra vẻ hiểu biết:
-       À, giống như mấy chiếc xe đò đeo cái bảng “xí nghiệp công tư hợp doanh ô tô” tổ nái đằng trước đó hả?
-       Đúng rồi đó anh!  Mà anh biết mấy chữ đó viết tắt lại là XNCTHDOTO, người ta đọc làm sao hông?
Chú bé cười lém lỉnh, bồi tiếp:
-       Đọc là “xe này của tôi họ dành ối trời ơi”.  Hahaha!  Ai đó nghĩ ra câu này hay mà thấm thía hết mức!

Trời tờ mờ sáng. Tiếng máy tàu râm rang đều đều phía sau như ráng níu kéo Ngọc lại trong giấc ngủ chập chờn vừa đến ở cuối đêm.  Mặt trời đỏ ối leo dần lên đầu hàng tre ở phía đông, lấp lánh chiếu những tia vàng óng ánh trên mặt Ngọc như một tín hiệu báo thức êm dịu, được đệm nhạc bằng tiếng chim trên cây ríu rít bắt đầu bài ca buổi sáng.  Ngọc ngồi dậy, vươn vai hít đầy vào lồng ngực làn không khí ban mai mát rượi.  Trong giây lát, chàng chợt cảm thấy có được cái đời sống thanh thản bình yên như ai đã mô tả trong truyện tiểu thuyết nào đó. 
Chiếc tàu đò vẫn tiếp tục chạy trên dòng sông giờ đã thêm nhiều ghe thuyền của người đi chợ buổi sớm.  Thấp thoáng qua hàng cây ven bờ nước, con quốc lộ uốn mình trong nắng ban mai, loang lở những ổ gà khổng lồ hầu như có thể lọt cả nửa chiếc xe xuống.  Xa quá rồi những ngày nhộn nhịp nô đùa với hàng đoàn xe đò liên tỉnh bon bon trên mặt nhựa phẳng lì.  Con lộ nằm chơ vơ, phơi bày những vết thương lở loét, trong nỗi buồn cô độc.  Một chiếc xe dê-em-xê nhà binh cũ kỹ chạy trên mặt ruộng gồ ghề gần đó, cuốn lên sau đuôi một đám mây bụi mù mịt.  Con đường như đang rướn mình nhìn theo chiếc xe, nghiền ngẫm thân phận bị bỏ rơi của mình, giờ đây còn thua cả cái mặt ruộng sần sùi dưới kia.
Khoảng chín giờ sáng, tàu cặp bến tại huyện lỵ ven sông.  Trị trấn có một con đường chính, lô nhô những nhà phố quay lưng ra bờ sông.  Nhà nào cũng có một sàn doi ra trên mặt nước, có những bậc thang dẫn xuống trục lộ giao thông đường thủy phía dưới.  Một vài nhà có đậu những chiếc ghe nhỏ, hẹp và dài, thanh như chiếc lá tre, có gắn máy đuôi tôm bé xíu.  Ngọc thấy một thanh niên khéo léo lái một chiếc ghe nhỏ như thế vùn vụt trên mặt nước thật nhanh, khiến chàng liên tưởng đến những tay đua xe honda trên đường phố Sài Gòn ngày xưa.  Chiếc ghe nhỏ chợt cặp sát vào tàu đò.  Người thanh niên nhìn lên hỏi to, giọng đặc sệt âm hưởng miền bắc, nghe thật lạ tai giữa vùng cực nam đất nước này:
-       Các đồng chí chuyên gia thành phố đấy phải không? Đồng chí bí thư bảo em đưa các đồng chí ra hội trường huyện.  Bữa nay huyện ta ăn mừng vượt chỉ tiêu đảng, có chiêu đãi thịt nợn đấy.
Hưng nhìn Ngọc nheo mắt khẽ nói:
-       Đồng chí, đồng chóe, điếc cả lỗ tai!  Nhưng mà thịt nợn thì tốt nắm.  Chuyên gia ông đang đói đây!
Hội trường huyện giăng nhan nhản đầy bích chương đỏ loét, phô bày những khẩu hiệu động viên, công thức, kêu to nhưng rỗng tuếch.  Màu đỏ tô trên cửa vào, màu đỏ dát quanh sân khấu, màu đỏ giăng lưới trên trần nhà.  Ngọc không thể không nhớ đến bài thơ cấm đọc của thi sĩ “phản động” miền bắc Trần Dần:
          Tôi bước đi... không thấy phố...không thấy nhà
          Chỉ thấy mưa sa... trên mầu cờ đỏ


Những khuôn mặt hớn hở, lăng xăng chạy tới chạy lui, không biết mừng vui vì đã thành đạt kế hoạch đảng, hay vì sắp được ăn thịt lợn đã đời bù lại những ngày đói kém.  Một vài công nhân nhìn mặt đã biết ngay là dân bắc kỳ mới vào, gò má xương xẩu hom hem, hàm răng vẩu ra gần như thẳng góc với khuôn mặt, cho nên tuy miệng ngậm nhưng vẫn thấy hàm răng ló ra giữa hai môi.  Hưng nhếch mép phê bình:
-       Ê, coi mấy đồng chí môi hở răng lạnh kìa mày!
Ngọc bật cười nhớ đến câu ví von của chính quyền ngày ấy, so sánh tình đồng chí giữa tàu cộng và việt cộng bảo bọc nhau như môi che răng.  Trung quốc vĩ đại với ta như môi và răng, môi hở răng lạnh...  Răng giờ đã lạnh lắm rồi vì đàn anh đã bắt đầu mở môi há to họng để nuốt chửng những miếng ngon còn lại của đàn em.  Các nhân vật môi hở răng lạnh ngồi chồm hổm bên lề đường, tô tê bàn chuyện với giọng miền bắc thật nặng, thoáng nghe tưởng như là tiếng nước ngoài.  Chúng ngồi đầu gối quá tai, đầu đội mũ cối sùm sụp, hai bờ vai xương xẩu, lùm xùm trong bộ áo quần màu xanh bộ đội quá khổ, sờn rách và bạc phếch, khuôn mặt nhẫn nhục, cam chịu, thỉnh thoảng điểm lên một nụ cười toe toét, hô hố những âm thanh ngô nghê và vô duyên, trông vừa đến ghét vừa tội nghiệp.  Nhìn những khuôn mặt vui cười ấy, Ngọc có cảm tưởng như cuộc sống của chúng đã quá nhiều cơ khổ rồi nên biểu tượng của thiên đường giờ đã xuống cấp đến chỉ còn là miếng thịt lợn sắp được ăn tiệc trong chốc lát đây.
Buổi liên hoan bắt đầu bằng những đít-cua khuôn sáo, đầy những từ đao to búa lớn, trừu tượng đến vô nghĩa, do các chú vẹt gân cổ trả bài, nước bọt văng tung tóe, có lúc chợt dừng lại để ráng rặn ra cái từ mác-lê-nin bí hiểm đã vụt quên, mặt đực ra hệt như người táo bón đang cố gắng làm công việc bài tiết.  Phần văn nghệ góp vui tiếp theo phần lớn gồm những bài hát hoài tưởng thời chống mỹ cứu nước, ra rả, ơi ới, gào thét những âm thanh hát giọng ô-pê-ra, ca tụng chiến sĩ nhân dân anh hùng:
         Như bao cô gái ở trên non 
         Cô gái sông Ba đầu búi tóc son
         Tay vót chông miệng hát không nghỉ
         Như bao cô gái ở trên non...
         Ai nhanh tay vót bằng tay em?

Cô văn công mặc bà ba đen, miệng the thé hát, tay nhại động tác vót chông, trông thật lố bịch.  Ngọc quay sang Hưng cười châm chọc:
-       Chông mày cần cô em kia vót không?  Vót nhanh thế chắc là đã lắm đó!
-       Giỡn mặt hoài cha nội!  Em vót vài cú thế kia là chông tao gãy mất! Hahaha!
Các đồng chí môi hở răng lạnh xì xụp húp những tô cháo lòng nghi ngút khói, chốc chốc dừng lại thò tay bốc những miếng phèo luộc cắt khúc ngắn, chấm tõm vào chén nước mắm, đút vào miệng nhai kêu chanh chách, hàm răng vẩu tựa hồ như đang tìm cách trốn thoát khỏi cái miệng mỗi lần hai chiếc môi thâm xì ngậm lại.
-       Phèo non ngon quá nhẩy?
Chúng gật gù tán thưởng, hớp một ngụm nước trái cây lên men, chép miệng khà ra một tiếng thật dài, mắt lim dim như sắp tới miền cực lạc.  Ngọc cảm thấy chúng giống như những sinh vật cực kỳ đơn giản, chỉ biết ăn, ngủ, bài tiết, nghe lệnh và an phận với cuộc sống tầm thường, nhỏ nhoi của mình.

Buổi liên hoan kéo dài đến giữa buổi chiều. Bí thư huyện ngỏ ý muốn xây dựng một trụ sở huyện ủy mới để thay thế văn phòng làm việc cũ đã bị hư hại quá nhiều.  Tuy nhiên, các chức sắc cách mạng lúc ấy còn hăng men rượu nên đề nghị dời buổi làm việc với phái đoàn thành phố đến sáng ngày mai.  Ngọc và các bạn, nhân dịp rảnh rỗi, rủ nhau ra chợ xem sinh hoạt địa phương.  Chợ họp trên một con đường bị chận không cho xe lưu thông, gồm những sạp bán hàng dựng thành dãy ở chính giữa và nhiều bạn hàng lưu động bày thúng, gánh, lổn nhổn dọc hai bên hông.  Ở đây phần lớn hàng hóa là hải sản phơi khô.  Những con tôm khô to, màu đỏ cam, trông thật bắt mắt, như đang cám dỗ người mua cầm lấy và nếm thử.  Những xâu khô mực màu nâu lấm tấm lớp bột trắng, với chùm râu dài quăn quăn, vểnh ra như đang kêu gọi bạn nhậu đặt lên lò nướng.  Những con cá khô, nâu đen, to nhỏ, dài ngắn đủ cỡ, xắp thành từng loại khác nhau trên những mẹt tròn, sực nức mùi tanh nồng nặc.  Ngọc rất ghét cá khô, vừa quan sát vừa tự đố mình xem con nào sẽ dở hơn con nào, chỉ bằng cách nhìn cái hình dạng của nó.  Chú này dài và xốp, chắc là ăn cũng không đến nỗi tệ.  Chú kia ngắn củn mà dẹp lép, chắc phải dở ẹc vì chẳng thấy thịt đâu cả.  Chú nọ trông còn ươn ướt, phía trong hình như có con sâu bọ gì đang bò lúc nhúc, trông thấy mà ghê...
Đang mải ngắm nhìn, Ngọc chợt cảm thấy có tay ai vỗ phía sau lưng:
-       Ê, Ngọc phải không? Đi đâu xuống đây vậy?
Ngọc quay người lại cố gắng bới tìm cái tên cho khuôn mặt quen quen đang nhìn chàng, mặc đồ bộ đội màu xanh, mũ cối hẳn hoi ra vẻ cán bộ, tay ôm một xấp cá khô to tướng gói trong giấy báo.
-       Vũ Bình đây, quên tui rồi hả?  Lycée Yersin Đà Lạt, thầy Wiltiene, math physique đó!
-       A, Bình, Bình! Le Vouban! Ông làm gì ở đây?
Trí óc chàng chợt nhớ ra người thanh niên học cùng trường ngày xưa, nổi tiếng playboy, tóc dài chấm vai, trông rất nghệ sĩ, tên Vũ Bình, nhưng các bạn đặt cho là Le Vouban.  Bình đổi xấp cá khô qua tay trái, bắt tay Ngọc lắc mạnh:
-       Tui làm cho Sở Thủy Lợi trên Thành Phố, xuống đây theo đoàn công tác giúp đỡ huyện này làm hệ thống kênh đào.
Ngọc bật cười ha hả:
-       A, thêm một chuyên gia thành phố về ủng hộ địa phương nữa đây!  Tui cũng Sài Gòn xuống theo đoàn Viện Khảo Sát Thiết Kế Thành Phố mới mấy ngày nay.
Hai người bạn cũ trao đổi thêm vài câu thăm hỏi thông thường, nhưng hình như không ai muốn nói về những kỷ niệm ở ngôi trường Pháp miền cao nguyên đồi thông sương mù ngày xưa.
-       Ông tìm mua gì đó?  Khô cá sặc đây rẻ lắm, bà xã dặn tui nhớ đem về một ít - Bình hỏi Ngọc, tay chỉ mớ cá khô cặp dưới nách.
-       Giỏi quá ta!  Tui thấy con nào cũng như con nào, đâu dám mua!
Ngọc thầm ngạc nhiên trong bụng.  Vouban công tử ngày xưa mộng mơ, lãng mạng, lúc nào cũng như đang ở trên mây.  Thế mà ngày nay biết lựa mua cả những con cá khô tanh tưởi ngoài chợ quê vùng biển heo hút này.  Ngọc vừa tiếp chuyện bạn vừa liếc nhìn cái đầu một con cá khô ló ra từ dưới miếng giấy báo, như bị thôi miên bởi hàm răng nhăn nhở của nó.  Bình bắt được mắt nhìn của bạn, kín đáo đưa tay sửa tờ giấy gói, nhưng chợt sợi dây buộc vuột ra và mấy chú cá rơi xuống, nẩy tung trên mặt đường, như vụt sống lại và tìm cách thoát thân.
-       Chết mồ, rớt hết rồi! 
Bình hốt hoảng ngồi thụp xuống bốc mấy con khô bỏ lại vào tờ giấy gói.  Ngọc cũng hơi ngượng cúi xuống giúp bạn lượm các chú cá nằm lăn lóc, răng nhe ra như diễu ngươi.  Hốt xong mớ cá, Bình nói nhỏ:
-       Thôi chào nghe! Ông đi theo đoàn đi, kẻo trễ!
Rồi vụt bước đi, người hơi nghiêng một bên, ôm gói cá khô như sợ rớt một lần nữa.  Ngọc nhìn theo cái hình ảnh gần như không thực ấy, tay tự động đưa lên mũi ngửi.  Mùi cá khô tanh hực, đáng ghét...

Ngày hôm sau, phái đoàn chuyên gia thành phố theo hẹn đến họp để bàn công việc tái thiết trụ sở huyện ủy.  Trưởng ban xây dựng huyện ủy mới buổi sáng sớm mà mặt đã hồng đỏ, miệng phảng phất mùi rượu đế.  Ngọc hết sức ngạc nhiên vì chính quyền đương thời đang ra rả kết án nạn rượu chè như tệ trạng xã hội.  Thực là vừa đánh trống vừa ăn cướp.  Anh trưởng đoàn phác họa vài phương án trên những bản vẽ nháp, vừa phỏng vấn các viên chức huyện ủy về những nhu cầu của trụ sở.  Sau một hồi thảo luận, phương án ưng ý nhất gồm hai tầng lầu với một hành lang chạy dài trước mặt tiền.  Trưởng ban xây dựng chỉ tay vào hai phòng vệ sinh công cộng ở hai đầu nhà của mỗi tầng lầu:
-       Tại sao lại để cầu tiêu ở đây?
-       Dạ, để cho tiện nghi, đồng chí ạ!  - anh trưởng đoàn vội trả lời.
-       Không được, không được!  Đái ỉa hôi lắm! - trưởng ban xây dựng thốt lên, hai tay quơ lia lịa.  Chắc hẳn đầu óc hắn đang nhớ tới những cái hố xí hai ngăn, mỗi lần đi xong phải thả vôi xuống.
-       Nhưng mà chúng tôi thiết kế có nước máy giật để dội rất sạch!
-       Không được, không được!  Chúng nó sẽ chẳng dội đâu!  Hôi lắm, hôi lắm!
Ngọc chợt hình dung các người ngợm môi hở răng lạnh, xếp hàng đi cầu tiêu máy xong rồi vọt đứng dậy bỏ đi, không dật nước vì còn quen thói đi đồng ngoài ao cá Bác Hồ.
-       Thế này này!  Các đồng chí chuyên gia cho chúng tôi một dãy cầu tiêu công cộng nằm riêng hẳn ra phía sau sân kia đi!
Kiến trúc sư đoàn trưởng cố gắng cứu vớt cái thiết kế của mình, lòng e ngại tên tuổi mình sau này, có thể sẽ bị gắn liền với cái trụ sở huyện ủy không cầu tiêu:
-       Trụ sở mới cáo thế mà không có phòng vệ sinh bên trong, trông thiếu sót lắm.  Các đồng chí không kêu gọi tinh thần tự giác giữ vệ sinh được sao?  Chúng ta đều là cách mạng tiên tiến cả mà?
-       Thế đồng chí nói chúng tôi không tiên tiến à? - trưởng ban xây dựng to tiếng hỏi lại, mắt long sòng sọc, lộ chằng chịt những sợi gân đỏ của người nghiện rượu kinh niên.
Anh trưởng đoàn hơi bực nhưng không muốn mất công trình nên đành phải nén mình chấp nhận thiết kế một trụ sở huyện ủy, tuy cũng khá qui mô, nhưng lại có cầu tiêu cách biệt ở tuốt tận sân sau như một ngôi nhà cổ lỗ sĩ ở nông thôn.  Trong đầu óc Ngọc bỗng hiện ra một dãy cầu tiêu công cộng mới toanh nhưng đã thoảng mùi hôi, có những đồng chí tiên tiến đang lúp xúp chạy vào, tay nắm chặt hạ bộ vì quá mót tiểu mà đường còn xa, chỉ sợ nín không kịp thì hỏng bét.   Chàng nhìn qua Hưng mập, mặt giả bộ cái nhăn của người đang cố gắng nín đái, hai tay bụm trước bụng, hai chân dậm nhẹ tại chỗ như người đang chạy.  Hai con mắt thằng Hưng cười lăn bò càng...
Tan buổi họp, anh Thới trưởng đoàn vẫn còn hậm hực:
-       Mẹ kiếp!  Lũ mán trên rừng!  Ăn lông ở lỗ miết rồi chẳng còn biết tiện nghi là gì!
Hưng cười hề hề, an ủi:
-       Thôi kệ bố tụi nó, thủ trưởng ơi!  Khỏi thiết kế cầu tiêu trong nhà còn dễ làm hơn!  Có cầu tiêu hay không, nó cũng trả công thiết kế mình chừng đó!
-       Vậy thì tao giao công trình này cho mày.  Mày ký tên vào bản vẽ không cầu tiêu đấy nhé!
-       Ấy chết, thủ trưởng!  Phương án của anh, em ký sao được!  Anh không muốn nổi danh vùng này là kiến trúc sư không cầu tiêu sao? Hahaha!
Ngọc phá lên cười, hùa theo chọc ghẹo anh trưởng đoàn.  Anh này tuy là cán bộ đảng viên nhưng đầu óc tân tiến, cởi mở, nên dần dà bọn Ngọc đã lấp được cái hố giữa “ta” và “địch” và nói chuyện rất thoải mái, miễn là đừng đề cập đến chính trị.  Ngọc biết rằng ngày xưa, anh Thới học trường Chasseloup Laubart ở Sài Gòn trước khi ra bắc tập kết.  Sau này anh được gởi đi Đông Âu – ngoài Bắc gọi là đi “tây” - để học ngành kiến trúc.  Cái văn hóa Pháp mà anh được đào tạo từ bé, cộng với thời gian ở bên “tây”, khiến anh có những tập tục khác hẳn với bắc kỳ cộng sản lô-can, làm anh nhiều lúc hóa ra lạc lõng một cách lố bịch.  Như có lần Ngọc đang cùng họp với anh và nhiều khách hàng thì có một nữ cán bộ bà ba đen khăn rằn bước vào.  Thới là người duy nhất vụt đứng dậy nhoẻn miệng cười chào.  Nhưng chị kia chẳng để ý gì đến anh, miệng nói tía lia với những người khác.  Sau một lúc đứng yên mà hình như chẳng ai nhìn thấy, anh Thới từ từ cho cái môi của mình từ vị trí cười duyên về vị trí nghỉ, rồi xẻn lẻn ngồi xuống.  Ngọc trông anh đến thật tội nghiệp...

Chuyến đi về huyện nhỏ chỉ thu về được mỗi cái công trình thiết kế trụ sở huyện ủy không cầu tiêu.  Anh trưởng đoàn chẳng thiết tha làm việc với mán nên quyết định trở về Rạch Giá ngay hôm đó.  Sáng hôm sau, đoàn chuyên gia rời khách sạn lên xe trở về Sài Gòn, tiện đường ghé qua trụ sở tỉnh ủy để chào tạm biệt.  Đồng chí Năm Trà không có mặt ở văn phòng, chắc có lẽ đang bận chạy áp-phe béo bở gì đó.  Cô Hoa phục vụ đến tận xe của Hưng và Ngọc để chào, hớn hở báo tin anh của cô đã vượt biên đến được Mã Lai.
-       Mấy anh dìa mạnh giỏi nghen!  Hổng biết lần tới mấy anh xuống em còn gặp được nữa hông?
Hưng hỏi châm chọc:
-       Sao vậy em?  Bộ tính vượt biên hả?
Hoa cười bí ẩn không trả lời.  Ngọc nghĩ bụng, chín mươi phần trăm là em đi rồi.  Chàng vẫy tay:
-       Thôi tụi anh đi!  Chúc em nhiều may mắn!
Bác tài già sang số chiếc xe giật mạnh khiến lưng chàng bật vào thành lưới sắt đau điếng.  Chiếc xe từ từ lăn bánh về hướng Cần Thơ trên con đường mấp mô ổ gà...

Sau nhiều tiếng đồng hồ đánh vật với con quốc lộ tồi tàn, đoàn xe nhập vào hàng xe cộ dài ngoằng chờ xuống Bắc Cần Thơ.  Đây là bến phà lớn nhất miền nam Việt Nam, đưa xe cộ băng qua sông Hậu Giang rộng mênh mông. Máy phà gầm rú ầm ĩ trong khi thao tác rời bến, nhưng rồi êm dần xuống một tiếng rần rần đều đặn khi bắt đầu băng qua sông.  Ngọc bước xuống xe, tựa vào thành tàu để nhìn giòng nước ngầu đục chảy xiết mang theo những đám lục bình khổng lồ.  Chàng thầm nghĩ, này đây nước sông Mê Kông, chảy từ Tây Tạng xuyên qua lục địa Trung Hoa, rồi Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt, giờ đây đến Việt Nam trước khi đổ ra biển, đã cung cấp biết bao nhiêu tài nguyên nuôi sống hàng chục triệu người và mang tiềm năng vĩ đại chưa được khai thác đúng mức.  Cái nước đục ngầu ấy tựa hồ đang khoe bày những hạt đất, hạt cát, những sinh vật, những rong rêu từ các xứ sở xa lạ, giống như chiếc va-li của nhà du lịch thế giới lẫy lừng khoe bày hàng hà xa số các con dấu nhập cảnh đủ hình dạng từ các quốc gia đã đến thăm.
Phà cặp bến bên kia sông.  Các chiếc xe lũ lượt xếp hàng chạy lên bờ.  Bến phà đầy đặc những người bán hàng rong, tay xách, nách mang, đầu đội, vai gánh, miệng rao mời inh ỏi.  Có những cô bán ổi xá lị với những trái to xanh thật đẹp, một “chục” mười bốn trái.  Có những xâu chim mỏ nhác còn nguyên đầu và chân, chiên rám đỏ, thơm ngậy mùi ngũ vị hương.  Và còn biết bao nhiêu món nông phẩm tươi rói ngon lành khác không làm sao kể xiết, như một phiên chợ nhà quê khổng lồ...
Sau một hồi lâu cho các thành viên đi chợ mua sắm quà, anh trưởng đoàn kêu gọi mọi người trở lại xe để tiếp tục về thành phố.  Mọi người lục đục lên xe, tay cầm lỉnh kỉnh những giỏ, những túi.  Ai nấy đều đã có mặt chỉ còn thiếu Hưng mập, không thấy tăm hơi đâu cả. 
-       Thằng Hưng đâu?  Có ai thấy nó không? - Ngọc hỏi to.
Một thành viên pha trò:
-       Chắc nó lọt xuống sông hay đi vượt biên rồi không chừng!
Ngọc chẳng sợ thằng Hưng mất tích, chỉ phiền nó đi chơi lang bang về trễ thì chắc tối mịt cả đoàn mới đến được Sài Gòn.  Chàng đang phóng mắt nhìn vào đám người lô nhô trong phiên chợ, thì chợt thấy Hưng lúp xúp chạy về xe, hai tay cầm hai chiếc giò heo non quơ qua quơ lại như người đánh xê-ma-pho:
-       Chiến lợi phẩm của chuyên gia thành phố đây rồi!  Mẹ, giò heo này nhậu với ba xi đế là hết sảy!  Chuyến đi giúp đỡ địa phương này cũng đáng đồng tiền bát gạo lắm đấy chứ!

DND 
07-2007



No comments:

Post a Comment